Tuesday, 9 April 2019

TRỪNG PHẠT 'VỆ BINH CÁCH MẠNG IRAN', CHIẾN THUẬT ÁP LỰC TỐI ĐA CỦA MỸ (Tú Anh - RFI)




Tú Anh - RFI
Đăng ngày 09-04-2019 

Chiến thuật « gây sức ép tối đa » đã thúc đẩy Hoa Kỳ tiến thêm một bước trong tiến trình trừng phạt Iran. Chế độ giáo quyền Iran trước đây bị cáo buộc « ủng hộ khủng bố », nay bị xếp hẳn vào danh sách khủng bố. Trong khi cánh tay quân sự của chế độ, lực lượng Vệ binh cách mạng Qods, lần đầu tiên bị gọi là « tổ chức khủng bố », gây bất ổn định trong khu vực từ Liban cho đến Syria và Yemen.

Vì sao Hoa Kỳ tấn công vào lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, bằng cách nào, với những hệ quả ra sao ?

Vệ binh cách mạng : cánh tay quân sự của giáo quyền
Trước hết, Vệ binh cách mạng Iran hay Qods là một lực lượng võ trang thiện chiến, có nhiệm vụ bảo vệ chế độ giáo quyền bên trong và xuất khẩu ý thức hệ ra bên ngoài. Khác với quân đội quốc gia, lực lượng Qods không có nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Trong nước, Qods đóng vai trò canh giữ ý thức hệ hồi giáo Shia và làm kinh tài, kiểm soát hầu hết các lãnh vực kinh tế chiến lược từ xây dựng hạ tầng kiến trúc, khai thác dầu khí, ngân hàng.

Bên ngoài biên giới, Qods là cánh tay quân sự của giáo quyền Shia, xuất khẩu cách mạng bằng quyền lực mềm lẫn vũ lực như can thiệp trực tiếp ở Syria hay gián tiếp ở Liban, qua tổ chức Hezbollah và ở Yemen, yểm trợ cho phe Houthi. Theo chuyên gia Clément Therme của Viện Nghiên cứu Chiến lược Luân Đôn IIES, khi cáo buộc Vệ binh cách mạng Iran là « tổ chức khủng bố thi hành lệnh của chính phủ » Hoa Kỳ làm một công đôi ba việc.

Một công đôi ba việc
Thứ nhất là về ngoại giao : cô lập thêm Iran. Mọi cố gắng của Nga, Trung Quốc hay châu Âu giải quyết xung khắc khu vực bằng ngoại giao sẽ vô cùng khó khăn bởi vì Iran nay là một đối tác không thể thiếu nhưng không thể đối thoại được vì như thế sẽ bị cáo buộc hợp tác với khủng bố. Chính sách của Mỹ xem ra có lợi nhiều hơn hại hay không ?

Thứ hai là cắt nguồn kinh tài : Iran đã vất vả vì các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính do tổng thống Donald Trump ban hành từ khi ông rút Mỹ ra khỏi hiệp định hạt nhân. Iran từ nay sẽ suy yếu thêm. Các công ty nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực chiến lược của Iran bắt buộc phải hợp tác với Vệ binh cách mạng tức là sẽ bị cáo buộc hợp tác với khủng bố. Mọi hình thức buôn bán, cung cấp linh kiện cho các công ty kinh tài của lực lượng vệ binh Qods sẽ bị xem là vi phạm luật liên bang và bị trừng phạt rất nặng theo luật chống khủng bố.

Diều hâu thắng thế
Nhưng tại sao Washington thông báo quyết định cáo buộc chính quyền Iran là « xã hội đen » và « Qods là khủng bố » vào thời điểm này ?

Nếu dựa theo lời « cám ơn » của thủ tướng Israel thì có thể suy đóan tổng thống Donald Trump muốn gián tiếp giúp người « bạn » Netanyahu điều kiện thuận lợi để thắng cử.

Trong khi đó, chuyên gia Clément Therme, đã trích dẫn bên trên, cho rằng Nhà Trắng đã suy tính chuyện này từ lâu nhưng chưa thực hiện bởi vì CIA và bộ Quốc Phòng thận trọng. Giờ đây, phe diều hâu với cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và ngoại trưởng Mike Pompeo đã thắng thế.

... nhưng khó khuất phục được Iran
Các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực kể từ 15/04 không phải là những biện pháp cuối cùng, Brian Hook, cố vấn bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh báo như vậy.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến thuật « áp lực tối đa » cho thấy sự bất lực của chính quyền Trump. Washington không thành công thuyết phục các cường quốc khác xé bỏ hiệp định hạt nhân 2015 với Iran. Chính Washington cũng phải « điều chỉnh » tham vọng, từ « đòi thay đổi chế độ độc tài » đến « muốn Iran thay đổi thái độ ». Một danh sách 12 yêu sách nghiêm khắc đưa ra hồi tháng 05/2018 đã bị Teheran bác bỏ.

Theo giải thích của Mark Dubowitz, thuộc Viện Quốc Phòng và Dân Chủ ở Washington, chính quyền Mỹ hy vọng tận dụng ba sức mạnh « kinh tế, luật pháp và chính trị » với tầm cỡ tối đa để khuất phục chế độ Iran, bị xem là yếu tố gây bất ổn cho các nước đồng minh. Nhưng theo quan điểm của nhà cựu ngoại giao Richard Nephew, biện pháp này chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong vùng và nguy hiểm cho binh sĩ Mỹ vì Iran cũng đã trả đũa tương tự.

--------------------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 09-04-2019 

Vệ binh cách mạng Iran, lực lượng vũ trang bảo vệ chế độ giáo quyền, bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên một định chế của chính quyền Iran bị trừng phạt.

Quyết định của tổng thống Mỹ công bố ngày 08/04/2019 sẽ có hiệu lực kể từ 15/04. Iran đáp trả tức khắc, xem lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông là « các nhóm khủng bố ».

Thông cáo của Nhà Trắng tố cáo « lực lượng Vệ binh cách mạng tiến hành các chiến dịch khủng bố trên thế giới theo lệnh của chính phủ Iran ». Đích thân tổng thống Donald Trump cảnh báo « mọi giao dịch, buôn bán với lực lượng này là tài trợ cho khủng bố ».

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong cuộc họp báo chiều thứ Hai kêu gọi « doanh nghiệp và ngân hàng trên thế giới đình chỉ mọi hoạt động tài chính với Vệ binh cách mạng Iran ». Người vi phạm có thể lãnh án 20 năm tù. Giới lãnh đạo Iran còn bị ngoại trưởng Mỹ gọi là « xã hội đen».

Iran phản ứng tức khắc. Tổng thống Hassan Rohani lên án Mỹ « đứng đầu khủng bố quốc tế ». Hội đồng an ninh quốc gia Iran xếp lực lượng Mỹ tại Trung Đông và danh sách khủng bố của Iran. Biến chuyển mới này làm tăng nguy cơ xung đột giữa hai quân đội.

Từ Teheran, thông tín viên Siavos Ghazi tường thuật :

"Hội đồng tối cao an ninh quốc gia, gồm tất cả lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Iran, gọi Hoa Kỳ là chính phủ ủng hộ khủng bố. Centcom, hay bộ tư lệnh quân sự Mỹ trong khu vực và tất cả các lực lượng trực thuộc bố trí ở vùng Vịnh Ba Tư, Trung Đông, Afghanistan và Trung Á, đều bị xem là những phần tử khủng bố.

Diễn biến này làm gia tăng nguy cơ xung đột võ trang giữa Mỹ và Iran tại vùng Vịnh.
Thật vậy, hải quân của Vệ binh cách mạng kiểm soát eo biển Ormuz, kiểm soát tàu bè qua lại nhất là tàu quân sự ra vào Vịnh Ba Tư.

Quyết định trừng phạt của Mỹ chắc hẳn sẽ làm tăng thêm trọng lượng của Vệ binh cách mạng trên bàn cờ chính trị Iran trong lúc họ đã nắm trong tay phần lớn lãnh vực kinh tế quốc gia. Các công ty có quan hệ với lực lượng võ trang này đầu tư trong nhiều dự án hạ tầng đặc biệt là trong ngành năng lượng."

Theo AFP, quyết định của Mỹ được hai nước trong vùng là Ả Rập Xê Út và Israel hoan nghênh. Đang cần phiếu trong cuộc bầu cử Quốc Hội 09/04/2019, để tái đắc cử nhiệm kỳ 5, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cám ơn « món quà » của chủ nhân Nhà Trắng.






No comments:

Post a Comment

View My Stats