Thursday, 11 April 2019

TÒA BẢO HIẾN HÀN QUỐC TUYÊN LUẬT CẤM PHÁ THAI LÀ VI HIẾN (tổng hợp)




11/04/2019

Hôm thứ Năm, 11/4, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết tuyên bố luật cấm phá thai là vi hiến. Đây được xem là một quyết định mang tính bước ngoặt của ngành tư pháp Hàn Quốc mà theo đó, sẽ bãi bỏ luật cấm phá thai đã áp dụng tại quốc gia này suốt 66 năm (kể từ năm 1953), New York Times đưa tin.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết bác bỏ luật cấm phá thai ngày 11/4/2019. Ảnh: The Korea Times

Trong thông cáo, tòa án khẳng định, việc cấm phá thai và buộc tội những bác sĩ phá thai với sự đồng ý của người phụ nữ mang thai đều là hành động vi phạm Hiến pháp Hàn Quốc.

“Luật chống phá thai là vi hiến, vi phạm quyền của người phụ nữ mang thai, cũng như quyền lựa chọn của họ”, Tòa Hiến pháp Hàn Quốc tuyên bố trong phán quyết hôm 11/4.

“Chúng tôi tin rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp đã mở ra một nền tảng mới cho lịch sử hướng tới bình đẳng giới”, Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc – một tổ chức dân quyền vận động chống lại bộ luật hiện hành, cho biết.

Tuy nhiên, theo tòa án, lệnh cấm này vẫn tiếp tục có hiệu lực đến cuối năm 2020 cho tới khi các nhà lập pháp Hàn Quốc công bố luật sửa đổi.

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia phát triển áp dụng luật cấm phá thai. Theo đó, phá thai được xác định là một tội danh theo Khoản 1, Điều 269 của Bộ luật Hình sự Hàn Quốc. 

Luật này quy định rằng một phụ nữ phá thai sẽ bị phạt tù tối đa một năm tù và nộp phạt tối đa hai triệu won (khoảng 40 triệu đồng). Đồng thời, các chuyên gia y tế bao gồm bác sĩ, những người tham gia vào việc phá thai theo yêu cầu của người phụ nữ mang thai sẽ bị phạt tối đa hai năm tù và bị tước giấy phép hành nghề trong bảy năm.

Nhiều năm sau đó, năm 1973, Quốc hội Hàn Quốc đã sửa luật, đưa ra một số ngoại lệ nhất định, trong đó cho phép phá thai trong 24 tuần đầu của thai kỳ vì các lý do y tế chẳng hạn như bệnh bẩm sinh, rối loạn di truyền hoặc việc mang thai gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của người mẹ, hoặc trong trường hợp mang thai do bị cưỡng hiếp, loạn luân.  

Tuy nhiên, việc phá thai vẫn bị cấm sau tuần 24 của thai kỳ. Thêm vào đó, luật cũng yêu cầu người phụ nữ phải được chồng hoặc người phối ngẫu đồng ý – một quy định được cho là không chỉ hạn chế quyền tự chủ của cá nhân mà còn khiến việc phá thai hợp pháp của người phụ nữ trở nên khó khăn hơn.

Vì những quy định khắt khe trên, đạo luật đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc. Những người phản đối lệnh cấm này cho rằng, việc cấm phá thai vi phạm quyền phụ nữ và khiến dịch vụ phá thai “chui” nở rộ, gây nguy hiểm cho người phụ nữ.

Trước đó, vào năm 2012, Tòa án Hiến pháp đã giữ nguyên luật cấm phá thai trong một quyết định với tỷ lệ ủng hộ và phản đối của các thẩm phán cân bằng nhau, 4-4.

Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn không thể hạn chế được việc những người phụ nữ muốn phá thai. Theo ước tính của chính phủ dựa theo khảo sát về phụ nữ trong độ tuổi sinh nở năm 2010, nước này có 169.000 ca nạo phá thai. Con số này cho thấy cứ 1.000 người ở Hàn Quốc thì có 16 người nạo phá thai, khiến quốc gia này trở thành đất nước có tỷ lệ phá thai cao thứ 10 trong số 35 nước có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo ước tính được công bố vào tháng 2 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc do chính phủ điều hành, chỉ riêng trong năm 2017, 49.700 ca phá thai đã diễn ra, gần 94% trong số đó là bất hợp pháp. Nhưng từ năm 2012 đến 2017, chỉ có 80 phụ nữ hoặc bác sĩ phải ra tòa vì liên quan đến phá thai và chỉ một trong số họ ngồi tù, phần còn lại nhận án phạt hoặc án tù treo, theo dữ liệu của ngành tư pháp Hàn Quốc.

Trong một cuộc khảo sát do chính phủ tài trợ với 10.000 phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi vào năm ngoái, ¾ số người được khảo sát kêu gọi tự do hóa các quy định phá thai.

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in trước đó nói Nhà Xanh đồng ý xem xét bãi bỏ đạo luật gây nhiều tranh cãi, cho biết chính quyền mới của Hàn Quốc hy vọng “tìm được điểm cân bằng mới” trong cuộc tranh luận về quyền phụ nữ và nạo phá thai.

Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận luật cấm phá thai khiến việc phá thai trở nên này tốn kém hơn và đẩy người dân vào vòng nguy hiểm, thậm chí phải ra nước ngoài phá thai.

Văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in chưa có phản ứng ngay lập tức trước phán quyết của tòa án vào hôm thứ Năm. Còn Bộ Tư pháp thì vẫn cương quyết bảo vệ lệnh cấm phá thai, nói rằng đây là nhiệm vụ của nhà nước trong việc bảo vệ quyền sống của thai nhi.

------------------------------------

Mai Vân – RFI
Đăng ngày 11-04-2019

Theo AFP, trong một phán quyết mang tính chất bước ngoặt đối với một đạo luật bị giới đấu tranh xã hội cho là đặt phụ nữ trong vòng nguy hiểm, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc vào hôm nay, 11/04/2019, đã ra phán quyết bãi bỏ lệnh cấm phá thai đã tồn tại trong hơn nửa thế kỷ tại nước này.

Hàn Quốc cho đến nay vẫn là một trong số rất ít các quốc gia công nghiệp xem phá thai là một cái tội, ngoại trừ các trường hợp hãm hiếp, loạn luân và sức khỏe đáng ngại của người mẹ.

Trong phán quyết được 7 trên 9 thẩm phán tán đồng, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc cho rằng đạo luật cấm phá thai ban hành năm 1953 nhằm bảo vệ cuộc sống và các giá trị truyền thống đã « đi ngược lại Hiến Pháp ». Định chế này đồng thời ra lệnh phải sửa đổi đạo luật từ nay đến cuối năm tới.

Theo lệnh cấm vừa bị bãi bỏ, các phụ nữ dám phá thai có thể bị tù đến một năm và bị phạt vạ, trong khi các bác sĩ thực hiện việc phá thai có thể bị đến hai năm tù.

Theo phán quyết hôm nay, lệnh cấm sẽ được tự động dỡ bỏ vào ngày 1 tháng Giêng năm 2021, trừ phi một bộ luật mới được Quốc Hội thông qua sớm hơn để tuân theo lệnh của tòa án.







No comments:

Post a Comment

View My Stats