Sunday, 7 April 2019

RA MẮT SÁCH "VANG VỌNG TỪ TRỐNG ĐÔNG SƠN" (Băng Huyền)




Băng Huyền
Saturday, 06/04/2019

Đối với nhiều người Việt hiện nay, trống đồng Đông Sơn, như một biểu tượng của lịch sử và văn hóa Việt Nam, là một tên gọi quen thuộc với những hình ảnh gần gũi hàng ngày, nhưng nguồn gốc của nó vẫn là một điều bí ẩn, và với các học giả trên thế giới, từng là một vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi. 

Bìa quyển sách tiếng Việt và tiếng Anh. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Quyển sách "Vang Vọng từ trống Đông Sơn" của tác giả Kiều Quang Chẩn, do Nhà Xuất Bản Thế Giới in ấn, là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài nhằm khám phá bí ẩn đó. Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 14 tháng 4, 2019 sắp tới, tại hội trường Nhật báo Người Việt sẽ diễn ra buổi ra mắt sách "Vang Vọng từ Trống Đông Sơn" với sự hiện diện của chính tác giả Kiều Quang Chẩn. 

Bìa sách tiếng Anh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Buổi ra mắt sách sẽ có trưng bày một số hiện vật là đồ đồng Đông Sơn, đồng tiền quý giá của người Việt xưa, vương miện và quyền trượng của thủ lĩnh Đông Sơn… Buổi ra mắt sách vào cửa tự do.

Tác giả Kiều Quang Chẩn sẽ có phần thuyết trình nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về nền văn minh Đông Sơn của người Việt Nam.  Ngoài ra sẽ có thêm vài giáo sư trong cộng đồng cũng sẽ có những bài diễn thuyết thú vị về trống Đông Sơn và nền văn hóa Đông Sơn.

Bên trong quyển sách Vang Vọng từ Trống Đông Sơn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vợ chồng Bác sĩ Kiều Quang Chẩn- Quỳnh Kiều và bộ sưu tập cá nhân tại tư gia. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vài nét về tác giả và sách

Tác giả Kiều Quang Chẩn là một bác sĩ, võ sư và cũng là một nhà sưu tầm lớn. Ông là người đầu tiên đã dùng tên miền "dongson" trên Internet từ vài ba chục năm trước, cũng là người sở hữu chiếc xe đua hiếm hoi mang biển số "Dongson" tại California (Mỹ) - nơi tác giả sinh sống. Khác với nhiều người "chơi đồ cổ" thuần tuý, ông đã gắn thú sưu tầm cổ vật của mình  với những vấn đề khoa học nhân văn sâu rộng hơn với mục tiêu làm sáng tỏ với những trang sử tự hào của dân tộc.

Ông tham gia và trở thành thành viên của Hội Khoa Học Khảo Cổ Mỹ, Hội Tiền Sử Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (IPPA). Ông tìm đọc và liên lạc trao đổi học thuật với nhiều nhà khoa học chuyên ngành khảo cổ, bảo tàng học. Ông  viết bài và tham dự nhiều hội nghị quốc tế liên quan đến khảo cổ học, tiền sử học và ấp ủ xây dựng một cuốn sách dựa trên kho tàng cổ vật của mình, góp phần soi sáng lịch sử vật chất thời Hùng Vương, An Dương Vương, mang lại lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nước.

Bìa sách tiếng Việt. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cuốn sách "Vang Vọng từ Trống Đông Sơn" của tác giả Kiều Quang Chẩn bìa cứng, khổ rộng 22 x32 cm, dày 286 trang, in giấy Couche Mat 150/m2 đẹp mắt, có hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đây là cuốn sách ảnh màu rất đẹp, quý giá.

Ngoài lời giới thiệu của Tiến sĩ Nguyễn Việt (Giám đốc Trung Tâm Tiền Sử Đông Nam Á), lời cảm ơn và phần mở đầu của tác giả, sách "Vang Vọng từ trống Đông Sơn" gồm 6 chương cùng lời giới thiệu Catalog, Bản phân loại trống Đông Sơn, Catalog, Tài liệu tham khảo.

Trong lời giới thiệu in trong sách, Tiến sĩ Nguyễn Việt đã khen tặng, “Tác giả đã dành ba chương đầu của cuốn sách để bàn về những vấn đề nóng bỏng nhất của nghiên cứu trống đồng Đông Sơn, cung cấp cho người đọc nhiều thông tin quý giá cũng như nhận xét tinh tế của riêng tác giả về nguồn gốc, tiến hoá và kỹ thuật đúc trống đồng. Chương thứ tư là kiến giải độc đáo của tác giả về hình tượng chiến binh mang đầu lâu người trên một số trống, thạp, dao găm Đông Sơn.

Theo tác giả đó là lưu ảnh của tục săn đầu người (head hungting) đã từng khá phổ biến trong văn hoá Đông Sơn và các tài liệu dân tộc học trên thế giới. Trong giới học thuật, cũng có những kiến giải khác gắn với việc sử dụng đầu lâu kẻ địch trong các lễ khải hoàn sau chiến tranh. 

Tác giả Kiều Quang Chẩn và bộ sưu tập cá nhân tại tư gia. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các chương còn lại tác giả thông qua hiện tượng Nam tiến của những người Tây Âu mà thủ lĩnh tối cao của họ chính là Vua Âu Lạc - An Dương Vương để giải thích hiện tượng phân bố các di vật Đông Sơn mang đậm phong cách Tây Âu, Dạ Lang được coi như các mảnh mảng khác nhau của một khối Bách Việt, ở các vùng trung và nam Trung Bộ Việt Nam. Đây là vấn đề rất mới mẻ và có ý nghĩa khoa học to lớn trong việc nhìn nhận về dân tộc Việt cũng như thế giới Đông Nam Á cổ đại.

Phần đóng góp nữa rất quan trọng của tác giả đối với khoa học là cố gắng công bố những di vật mà tác giả đã sưu tầm được từ ba chục năm nay dưới hình thức một Catalog với bản biểu thống kê, thông tin kích thước và những bức hình rất chuyên nghiệp. Với tư cách là một nhà nghiên cứu khảo cổ học và bảo tàng học, tôi đặc biệt yêu thích và đánh giá rất cao phần catalog này.”

Bộ sưu tập của CQK (Kiều Quang Chẩn) tạm thời được coi là có hạng trong số các sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Bộ sưu tập gồm 85 trống đồng, 12 thạp, 8 liễm, 20 qua, 6 kiếm và hàng trăm hiện vật khác như chậu, âu, bình, chân đèn, vòng, lục lạc, tấm che ngực, hổ phù, máy nỏ, dao găm, giáo lao, rìu… thuộc văn hóa Đông Sơn.

Bên trong quyển sách Vang Vọng từ Trống Đông Sơn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trong phần Catalog dành riêng ở cuốn sách, tác giả hy vọng sẽ còn có dịp trở lại với những tiêu bản độc đáo. Các di vật đồng Đông Sơn trong sưu tập CQK được trình bày hệ thống trong catalog theo trật tự thường dùng của các nhà khảo cổ học và bảo tàng học. Đây cũng là cơ sở để trong tương lai tác giả sẽ mô tả chi tiết hơn và tổ chức trưng bày giới thiệu rộng rãi với công chúng yêu mến lịch sử Việt Nam nói chung cũng như yêu mến văn hóa Đông Sơn nói riêng. Tác giả đã phân loại trống theo thứ tự từ sớm đến muộn, không dựa vào Viện Bảo Tàng hay Viện Khảo Cổ Việt Nam mà theo nghiên cứu của cá nhân tác giả. 

Tác giả Kiều Quang Chẩn và bộ sưu tập cá nhân tại tư gia. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những trống đơn giản là trống sớm nhất. Thời cực thịnh của văn hóa Đông Sơn với hình người hiện thực. Tiếp theo là các trống có người cách điệu dù có cóc hay không. Sau cùng là các trống dưới ảnh hưởng văn hóa Hán, còn gọi là văn hóa Giao Chỉ. Trống Mường cũng có trong quyển sách. Người Mường cũng là một thành phần của tộc Việt, vì không muốn giao lưu với văn hóa Hán, họ lánh lên các miền cao và xa xôi.

Tác giả chọn 52 trống tiêu biểu trong bộ sưu tập để đưa vào Catalog, các trống còn lại hoặc có vấn đề như hỏng nát hoặc đã có phiên bản tương tự tốt hơn đã hiện diện trong catalog. Ngoài ra khi làm thống kê, tác giả không đếm các trống Mường, trống chuông và trống hai mặt, vì các trống này không phải là trống Đông Sơn.

Biên soạn sách tiếng Việt, tiếng Anh

Ông Kiều Quang Chẩn cho biết, cách nay 7 năm, khi ông thấy mình đã đủ các tài liệu rồi thì nghĩ đến việc viết sách. Ông mong rằng sau khi đọc quyển sách này, thì độc giả sẽ biết rõ nguồn gốc người Việt từ đâu ra và người Việt cổ văn minh như thế nào? Vì ông không giỏi Anh ngữ lắm, nên ông phải nhờ vợ của ông là bác sĩ Quỳnh Kiều dịch từ bản tiếng Việt ra bản tiếng Anh. Nhưng vợ của ông lại không biết gì về văn minh Đông Sơn hết. Ông phải ngồi cạnh giải thích từng chút để bà hiểu. Và quyển sách bằng tiếng Anh còn được người bạn lâu năm của ông, John Stenson là tác giả sách Vietnamese Ceramics a separate tradition, đã giúp hiệu đính.

Ông cũng đã mất thời gian và tiền bạc tìm thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cả gốc Việt và người Mỹ để chụp hình các trống Đông Sơn và đồ đồng để đưa vào catalog của quyển sách.

Ông Kiều Quang Chẩn giải thích, “Thời văn minh đồ đồng của Việt Nam gắn liền với hai chữ Đông Sơn, vì những học giả Tây phương đặt tên cho nền văn minh thời đại đồ đồng  của người Việt cổ là nền văn hóa Đông Sơn (700 TCN - 100). Cho nên những trống đồng làm ra trong thời kỳ đó được gọi là trống đồng Đông Sơn. Gọi là trống Đông Sơn, vì người ta đào được đồ đồng tại làng Đông Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng 5, 6 cây số. Trống đồng Đông Sơn không chỉ có chức năng nhạc khí mà còn có những chức năng khác như làm biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo; là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp và là biểu tượng của những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội của nhà nước Văn Lang.

Trống đồng Đông Sơn là loại trống tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn, là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ. Những chiếc trống với quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hòa đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ thuật – nghệ thuật đồng thau, đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của con người, đồng thời phản ánh rõ nét nền văn minh nông nghiệp thời kỳ dựng nước.

Trong phần mở đầu của quyển sách, nội dung với tiêu đề Cội Nguồn Tinh Thần Từ Chiếc Trống Đồng, tác giả giải thích vì sao tác giả yêu văn hóa Đông Sơn: “Tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở miền Nam Việt Nam nhưng lại gắn bó sâu đậm đến những câu chuyện, truyền thuyết và hiện vật của tổ tiên, dân tộc của tôi hơn 2000 năm trước. Văn hóa Đông Sơn ở các vùng đồng bằng lúa cổ ở miền Bắc Việt Nam luôn lôi cuốn sự quan tâm đặc biệt của tôi. Có lẽ trong tiềm thức còn tiềm tàng dấu ấn di truyền từ tổ tiên để lại. Gia đình tôi, vốn phát tích từ vùng đất lúa Nam Định, ven sông Hồng. Đây là vùng đất mà theo các nghiên cưu gần đây đã xác định từ 4000 năm trước con người đã sinh sống trên các sườn núi Lê, núi Hổ, vùng Vụ Bản và trở nên trù phú từ thời văn hóa Đông Sơn, khoảng trước và sau Công nguyên.

“Cuộc đời của tôi gắn liền với nghề Y và gần như cũng là một  cuộc đời gắn với văn hóa Đông Sơn. Đây chính là thời các vua Hùng dựng nước, thời kỳ huy hoàng lúc đó, và cũng là thời sơ khai trong hành trình của dân tộc  Việt Nam. Một số tài liệu trước đây đã từng tạo nên một cách hiểu không đúng rằng dân tộc Việt chỉ là một bộ phận của người Hán phương Nam Trung Quốc bị đánh đuổi xuống miền Bắc Việt Nam. 

Nhưng những sưu tập đồ đồng Đông Sơn lại cho thấy thực tế không phải là như vậy. Nhiều phát hiện khảo cổ học gần đây ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu (Trung Quốc) cũng như văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam đã khẳng định sự hiện hữu những nhóm người có trình độ văn minh rất cao trước khi bị lệ thuộc vào người Hán ở Trung Nguyên. Hơn nữa, gần đây nhất một báo cáo khoa học trong Nature tháng 10-2017, 14 nhà khoa học quốc tế đã xác định qua DNA, Việt Nam là một trong các nôi cổ nhất của văn minh nhân loại và cũng là một trong các nơi biết làm nghề nông sớm nhất thế giới.

“Trong suốt một thời gian dài nghiên cứu các cổ vật Đông Sơn, tôi đã hiểu thêm những truyền thuyết về vua Hùng, nhà nước Văn Lang gắn bó ra sao với thực tại của các bộ lạc Bách Việt ở Nam Hoa. Càng nghiên cứu những cổ vật xa xưa đó, tôi càng cảm thấy gần gũi và hiểu hơn nhiều về con cháu của các bộ tộc Bách Việt. Chính họ có thể là những người anh em với chúng ta, nhưng do hoàn cảnh địa lý, ngôn ngữ và lãnh thổ làm chúng ta không cảm nhận được và xa lạ với họ.

“Qua cuốn sách này độc giả sẽ cùng chúng tôi tìm hiểu nguồn gốc của Thục Phán, vị vua đầu tiên của Việt Nam với thành Cổ Loa. Người mà truyền thuyết, lịch sử và bằng chứng khảo cổ học như quyện vào nhau, bi thương mà hào hùng như câu chuyện thành Troy với Hector, Pari và nàng Helene. Chưa ai có thể khẳng định ông từ đâu đến, và ra đi như thế nào. Qua những tài liệu từ sách vở, những hiện vật trong các bộ sưu tập, chúng tôi hy vọng sẽ vén thêm màn bí mật người cha vợ của thái tử Trọng Thủy con vua Triệu Đà.”

Tác giả khẳng định, “Quả thực công lao sưu tầm đồ đồng Đông Sơn của tôi không vô ích. Càng ngắm nghía những đồ đồng Đông Sơn sưu tầm được, tôi càng nhận thấy rõ sự khác biệt cả về kỹ thuật lẫn tâm hồn của chủ nhân Đông Sơn với đồ đương đại Trung Hoa. Khi có điều kiện tiếp xúc, đi sâu vào lĩnh vực khảo cổ học, tiền sử học, tôi cũng bắt đầu nhận ra âm thanh, ngôn ngữ từ những đồ vật tưởng chừng như vô tri vô giác đó.

Ý định viết ra những điều nhận thức lịch sử thực tiễn từ các di vật Đông Sơn để đính chính lại những thông tin sai lầm xưa kia của bản thân cũng như của các thế hệ người Việt sống ở trong nước cũng như ở xa quê hương đã hình thành trong tôi từ hơn chục năm nay. Và rồi, cũng chính ý định đó càng thôi thúc tôi gom nhặt đồ Đông Sơn vương vãi ở khắp nơi trong nước cũng như trên thế giới.”

Theo tác giả Kiều Quang Chẩn, “Các nhà sưu tầm cổ vật thường khó được cảm thông của những người xung quanh. Bởi lẽ giản đơn là đôi khi họ đánh đổi rất nhiều thời gian, tâm huyết hoặc của cải cho một số thứ mà họ mê say nhưng không phải ai cũng hiểu được giá trị của nó. Tôi may mắn đã có được một người bạn đời tri kỷ và cảm thông cả trong nghề nghiệp lẫn nỗi niềm đam mê sưu tập đó. Có thể nói, ngoài thời gian của một y sĩ, tôi hầu như dành hết thời gian còn lại cho việc nghiên cứu, tìm kiếm các cổ vật và văn hóa Đông Sơn. Tôi có cảm giác rất mạnh rằng đây không hề là một thú vui mà tôi thực sự bị lôi cuốn như một định mệnh không giải thích được.”

Ông Kiều Quang Chẩn rất mong đón tiếp thật đông quý vị đồng hương đến dự buổi ra mắt sách Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019.

Sách sẽ được phát hành tại buổi ra mắt có kèm chữ ký của tác giả và quý vị mua sách sẽ được giảm giá, chỉ dành riêng cho buổi ra mắt này. Giá của sách bằng tiếng Việt là $75, mua tại buổi ra mắt sách sẽ chỉ là $50. Còn sách tiếng Anh giá là $100, mua tại buổi ra mắt sách sẽ là $75.








No comments:

Post a Comment

View My Stats