Sunday, 7 April 2019

NATO & MỐI LO NARVA (Lê Phan)




Lê Phan
April 6, 2019

Narva, xin thưa, là một thị trấn nhỏ của Estonia giáp ranh với Nga, nhưng trước kia thuộc Liên Bang Xô Viết. Hầu hết dân Narva nói tiếng Nga. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Liên Minh NATO, câu chuyện Narva lại trở lại là một mối quan tâm cho những thành viên Âu Châu của liên minh.

Narva có thể trở thành tâm bão của một thách thức cho Liên Minh NATO. Trong hình, Narva ngày nay. (Hình: wikimedia.org)

Narva nhỏ xíu, hầu hết người dân nói tiếng Nga, chỉ cách nước Nga của ông Vladimir Putin có một con sông mà mùa Đông đóng băng. Một tòa lâu đài xây từ thế kỷ thứ 13 chế ngự thành phố, trong khi một thành trì thời Trung Cổ đe dọa từ bên kia sông thuộc Nga. Vài bước nữa sẽ đưa du khách đến một tượng đài của cựu vô địch cờ tướng chess Paul Keres, vốn sinh ra ở Narva và sống ở đó suốt nhiều thập niên bị Nga chiếm đóng, nhưng luôn khẳng định sự thành công của ông là từ trường phái chess của Estonia.

Thị trấn này có thể trở thành tâm bão của một thách thức cho Liên Minh NATO – trong cái điều mà NATO gọi là “kịch bản Narva” – một kịch bản nếu xảy ra sẽ thử thách đến nền tảng của liên minh lâu đời và thành công nhất lịch sử hiện đại.

Khi Estonia giành được độc lập sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Narva trở thành một thị trấn biên giới. Bảng tên đường viết bằng tiếng Estonia, mọi công việc chính thức được thực hiện bằng tiếng Estonia, và Estonia đòi bất cứ một ai muốn thành công dân phải biết nói tiếng Estonia.

Dân số Narva tuy vậy vẫn đại đa số nói tiếng Nga và là gốc Nga, để lại một số khá lớn không được quyền có công dân Estonia. Thay vì vậy, nhiều người trong số họ còn giữ công dân Nga hay cư dân vô tổ quốc sống ở Estonia, mang cái thông hành trắng xám của những người “ngoại quốc.”

Tất cả những điều đó, các viên chức NATO sợ, sẽ khiến Narva trở thành một mục tiêu hàng đầu cho Nga và lãnh tụ Vladimir Putin. Theo “kịch bản Narva,” NATO lo ngại là ông Putin có thể tìm cách cướp Narva và sát nhập thị trấn vào Nga. Một hành động như vậy sẽ là bắt chước cuộc xâm lăng của Nga ở Crimea, một lãnh thổ của Ukraine mà họ chiếm năm 2014 và cố gắng của họ tạo bất ổn trong vùng Ukraine nói tiếng Nga ở phía Đông.

Nhưng một cuộc lấn chiếm như vậy vào Estonia sẽ có hậu quả to lớn: Estonia là một thành viên của Liên Minh NATO. Một cuộc lấn chiếm như vậy sẽ là thử thách cho quyết tâm của NATO cho Điều V của Hiệp Ước Washington thành lập liên minh, một điều khoản xác nhận nguyên tắc một vì tất cả, tất cả vì một, sẽ đòi hỏi tất cả 29 thành viên của NATO, kể cả Hoa Kỳ, đến để bảo vệ một quốc gia thành viên bị tấn công.

Điều 5 của hiến chương chỉ mới được tuyên bố có một lần, sau cuộc tấn công 11 Tháng Chín vào Hoa Kỳ. Nếu nó được tuyên bố lần nữa, và lần này theo yêu cầu của Estonia, để chống lại sự xâm lăng của Nga, liệu toàn thể liên minh – quan trọng hơn hết, liệu Hoa Kỳ dưới quyền của Tổng Thống Donald Trump – có đến cứu nguy cho Estonia hay không?

Hồi đầu năm nay, tờ New York Times nói là tổng thống đã tính chuyện rút lui khỏi NATO, và tổng thống đã nhiều lần công khai đặt câu hỏi về sự hữu hiệu của liên minh. Và hôm 4 Tháng Tư vừa qua, NATO kỷ niệm 70 tuổi ở Washington nhưng trong thầm lặng. Thay vì một lễ sinh nhật của những vị nguyên thủ, một sinh nhật thượng đỉnh, NATO chỉ có một lễ sinh nhật cấp ngoại trưởng. Nhìn vào sự việc đó, một lần nữa câu hỏi được nêu lên về quyết tâm của chính phủ Hoa Kỳ cho những quốc gia nhỏ bé như Estonia, và tạo lo sợ là nó sẽ làm cho ông Putin tưởng là được bật đèn xanh.

Năm 2014, khi Nga xâm lăng miền Đông Ukraine và nuốt Crimea, ông Putin đã diễn tả mình như là người bảo vệ cho thiểu số người Ukraine nói tiếng Nga. Ông Putin đã từng tuyên bố về giai đoạn hậu Liên Xô sụp đổ: “Nhiều triệu người Nga đã đi ngủ thuộc một quốc gia và tỉnh giấc ở ngoại quốc. Qua đêm, họ trở thành dân thiểu số trong những nước cựu cộng hòa Xô Viết.”

Truyền thông và hệ thống tuyên truyền của Điện Kremli nói là tân chính phủ thân Tây phương ở Kiev là một mối đe dọa tức thời cho dân số nói tiếng Nga ở đông Ukraine. Sau cuộc xâm lăng, Crimea tổ chức một cái gọi là một cuộc trưng cầu dân ý mà theo đó được nói 95% dân chúng bỏ phiếu để trở thành một phần của Nga. Trên toàn vùng Đông Ukrane, những tay súng đòi ly khai được sự hỗ trợ của Nga đang tạo thiệt hại lớn và đe dọa chủ quyền của Ukraine.

Những viên chức quốc phòng Estonia ở thủ đô Tallinn đã gạt sang một bên ý kiến là Narva có thể trở thành Crimea. Estonia, họ nhắc nhở, là một thành viên của cả Liên Minh NATO lẫn Liên Hiệp Âu Châu. Estonia cũng không có những vấn đề tham nhũng ăn sâu vào chế độ như ở Ukraine, và tuy lợi tức trung bình của Narva là thấp nhất ở Estonia, nó vẫn còn gấp đôi mức ở Ivangorod, thành phố biên giới phía Nga ở bên kia sông.

Nhưng tuy các viên chức chính phủ Estonia bác bỏ quan ngại về tương lai của Narva, họ đang vội vàng tìm cách kết hợp Narva vào phần còn lại của Estonia. Nhưng một cuộc thăm dò dư luận toàn quốc thấy là gần 90% dân nói tiếng Estonia muốn tham gia NATO, chỉ có 32% những người nói tiếng Nga ủng hộ Estonia là một phần của liên minh.

Chính phủ Estonia hẳn đã thầm cầu nguyện để cho ông Putin đừng vin cớ bảo vệ cho những người nói tiếng Nga ở Narva để xâm lăng, như ông đã làm ở Crimea. Trong suốt một tháng hồi năm ngoái, Tổng Thống Kersti Kaljulaid, đã có một bước chưa từng thấy, dời văn phòng của bà từ Tallinn về Narva. Để chống lại ảnh hưởng của truyền thông tiếng Nga, Estonia cũng đổ tiền vào tài trợ phát triển và sử dụng văn hóa và nghệ thuật để cải thiện cuộc sống ở Narva.

Các viên chức Estonia bày tỏ tin tưởng là nếu Nga quyết định xâm lăng, các đồng minh NATO, và đặc biệt Hoa Kỳ sẽ đến bảo vệ cho họ. Họ dẫn điều khoản phòng vệ hỗ tương của Hiệp Ước Washington, và thêm là Estonia không những gửi binh sĩ sang Afghanistan, những còn là một trong số rất ít các quốc gia trong liên minh chi ra 2% lợi tức quốc gia cho quốc phòng, một trong những điều ám ảnh Tổng Thống Trump.

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Estonia chỉ ra là Tổng Thống Kaljulaid đã viếng thăm Washington hồi năm ngoái cho một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng Thống Trump, và Estonia có liên lạc thường xuyên với Ngũ Giác Đài, Bộ Ngoại Giao, văn phòng phó tổng thống và Quốc Hội.

Nhưng ông Kalev Stoicescu, vốn đã là đại sứ Estonia ở Washington từ năm 1997 đến 2000, không tin. Ông bảo với một nhà báo của tạp chí The Atlantic là ông Trump “làm mọi người ở Estonia lo sợ.” Ông Trump đã bảo NATO là “lỗi thời” khi tranh cử và đã được nói “nổi cơn tam bành” trong Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO hồi Tháng Bảy năm ngoái. Chưa hết, ở Hội Nghị Thượng Đỉnh G7, Tổng Thống Trump có vẻ đã bảo với các lãnh tụ thế giới là Crimea phải là một phần của Nga vì hầu hết dân chúng ở đó nói tiếng Nga.

Quốc Hội Hoa Kỳ đã cố tìm cách giới hạn thiệt hại mà tổng thống đã gây nên cho liên minh, kể cả việc thông qua một nghị quyết lưỡng đảng xác nhận quyết tâm của Hoa Kỳ cho NATO. Để mừng sinh nhật 70 tuổi, lưỡng viện quốc hội đã mời ông tổng thư ký Liên Minh NATO đến đọc diễn văn trong một cử chỉ biểu tượng nữa khẳng định sự ủng hộ của Quốc Hội. Các vị dân cử có thể tìm cách chặn tổng thống đơn phương rút khỏi liên minh. Hồi Tháng Giêng, Hạ Viện đã bỏ phiếu 357 chống 32 để ủng hộ cho một nghị quyết như vậy. Thượng Viện tuy vậy chưa làm gì cả.

Nhưng sau cùng, dầu tổng thống có chính thức rút lui khỏi liên minh hay không, sự nghi ngờ của ông cho NATO cũng có hậu quả tức thời cho biên giới và cuộc sống ở những nơi như Narva. Lời nói và tweet của tổng thống có thể có những thiệt hại nghiêm trọng cho liên minh. Sự không rõ về quyết tâm của tổng thống cho NATO khiến tính toán sai về quân sự dễ xảy ra.

Nếu ông Putin thẩm định là dưới trào Tổng Thống Trump, Hoa Kỳ sẽ không duy trì những hứa hẹn hiệp ước cho các đồng minh ở Âu Châu, NATO – và với nó, lời hứa của Hoa Kỳ – sẽ trở thành một lâu đài trên cát, và Narva có thể sẽ là nạn nhân đầu tiên. (Lê Phan)







No comments:

Post a Comment

View My Stats