Thứ Bảy, 04/20/2019 - 05:36 — nguyenhuuvinh
Thi cử ngày nay có khác xưa
Vụ gian lận điểm thi, dù quan chức địa phương, Bộ
Giáo dục, Bộ Công an bằng mọi cách che giấu bằng cách viện ra đủ những ngôn từ
mỹ miều như để bảo đảm “tính nhân văn”, “sự riêng tư”, “vì tương lai các cháu…”
thì rồi cuối cùng vẫn cứ “lộ sáng” những quan chức có con cái đã gian lận điểm
thi.
Sở dĩ các địa phương bằng mọi cách giấu diếm tên tuổi
những kẻ tham gia đường dây gian lận này, chỉ bởi một điều đơn giản: Các đối tượng
gian lận điểm thi đó, toàn là con cái quan chức lãnh đạo cộng sản. Ở đó có sự
tham gia của đầy đủ lãnh đạo các ban ngành, chính quyền cho đến các cơ quan
chuyên môn, Từ lãnh đạo Tỉnh, bí thư Tỉnh ủy, công an, giáo dục, kiểm lâm, thuế
vụ… Nghĩa là không trừ một bộ phận nào, ngành nào dù đó là những cơ quan lãnh đạo
về chính trị, chính quyền, luật pháp, hành pháp… đủ cả.
Và nếu như một vài đại biểu Quốc hội, nhiều người có
tiếng tăm cũng như sự phẫn uất của người dân đòi ngay lập tức đình chỉ công việc,
đuổi khỏi ngành, kỷ luật những người đã tham gia vụ gian lận thi cử thì hệ thống
đảng và chính quyền sẽ lập tức đóng cửa. Bởi: “Cứ vi phạm mà kỷ luật hết
thì lấy đâu ra cán bộ mà làm việc”. - Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch
Quốc hội.
Điều mà người ta nhìn thấy ở đây, là những điều
không thể tin nổi vẫn có thể xảy ra với những kỳ thi quốc gia vốn yêu cầu sự
nghiêm ngặt đến mức cao nhất. Khủng khiếp hơn nữa, bởi điều này xảy ra không chỉ
ở một, mà là rất nhiều địa phương, không phải chỉ một kỳ thi, người ta biết rằng
đã có nhiều năm, nhiều kỳ thi như vậy.
Việt Nam, với ngàn năm văn hiến, kể từ kỳ thi đầu
tiên năm Ất Mão 1075 đời Lý đến nay, đã gần 1000 năm trôi qua có lẽ chưa
có thời kỳ nào có những kỳ thi hỗn loạn, khủng khiếp như hiện nay.
Nếu như ngày xưa, trong suốt 143 năm tồn tại, triều
Nguyễn tổ chức 39 khoa thi hội, lấy đỗ 293 vị tiến sĩ, chỉ có duy nhất một người
trong hoàng tộc đỗ đại khoa, đó là ông Tôn Thất Lĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu
(1889) triều Thành Thái. Trên các bia tiến sĩ chỉ thấy lác đác vài người xuất
thân là ấm sinh, ấm tử, còn lại đại đa số là con em giới bình dân.
Thì ngày nay, không chỉ con mà cháu chắt, họ hàng
quan chức cán bộ Tỉnh, huyện đều lũ lượt xếp hàng làm thủ khoa vào các trường Đại
học do được gian lận điểm thi, còn con em nông dân, dù có “nhà nghèo học giỏi”
đến mấy, cũng phải nhường chỗ cho con quan nhởn nhơ não phẳng.
Nếu như ngày xưa, mà bị phát hiện mang tài liệu vào
phòng thi sẽ bị đóng gông một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Thì ngày nay, thí
sinh không cần mang tài liệu vào phòng thi đã đành, mà cũng chẳng cần làm bài
thi, cứ để trắng giấy thi rồi sẽ có người lo đánh dấu làm bài chấm thi cho
chúng. Điển hình là những bài thi trắc nghiệm đến 80 câu hỏi mà thí sinh vẫn được
0 điểm, để rồi sau đó nâng lên 9 điểm đỗ Thủ khoa vào đại học.
Nếu ngày xưa, đã vi phạm quy chế thi cử, thì bất cứ
ai cũng đều bị trị tội, như trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển
Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đổi quyển
thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì
Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt
giam vào ngục cửa Đông. Thì ngày nay, quan chức Cộng sản nổi tiếng “nhân văn”
nên không thông báo tên tuổi thí sinh gian lận và không muốn công khai tên tuổi
những cha mẹ thí sinh gian lận bởi “tính nhân văn”, “quyền riêng tư, nhạy cảm”
– Cái “nhân văn” cộng sản đến thế là cùng.
Có lẽ, tự hào về thành tựu giáo dục với những cái
khác xưa như vậy mà Nguyễn Phú Trọng đã mạnh mồn tuyên bố: “Giáo dục của
chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.
Những câu hỏi khó trả lời
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, báo chí phân tích đủ
mọi khía cạnh của những tác hại, hậu quả của những sự gian lận này đến công bằng
xã hội, đến nhân tài đất nước, đến tương lai dân tộc…
Trong đó, có câu hỏi nhiều người đặt ra: Với những
thí sinh mà bài thi bị điểm 0, được nâng lên tới 26.55 điểm với chỉ 3 môn thi.
Nghĩa là kiến thức những học sinh này gần như bằng không. Vậy thì khi được nâng
điểm để đưa vào các trường Đại học, dù với danh nghĩa là Thủ khoa đơn, thủ khoa
kép nhưng cái đầu rỗng thì làm sao học tập để có thể hoàn thành tốt nghiệp,
ra trường?
Câu hỏi đặt ra khá thực tế. Bởi chuyện học đâu phải
chuyện đùa hay chỉ vì “tình hữu nghị cộng sản” theo cách nói của dân gian thời
kỳ trước đây rằng: Cứ mang một con lợn sang Liên Xô, mấy năm sau Việt Nam sẽ được
một Phó tiến sĩ.
Sẽ rất nhiều người không thể hiểu được, những học
sinh trắng về nhận thức và học lực như vậy, chúng vào trường Đại học để làm gì?
Bởi làm sao với những bộ não đó có thể nhồi nhét được kiến thức để có thể tốt
nghiệp ra trường.
Nhưng, những người đặt câu hỏi đó chỉ là những người
chưa hiểu biết về hệ thống giáo dục XHCN ở Việt Nam, một nền giáo dục “Hoàn
toàn Việt Nam” mà Hồ Chí Minh đã tuyên bố từ 2/9/1945. Những người đặt
ra câu hỏi đó, chỉ là những người suy nghĩ về việc học và dạy trong môi trường
xã hội bình thường. Ở môi trường chính trị, xã hội bình thường, thì những việc
đưa cái đầu rỗng hoàn toàn vào đào tạo đại học là chuyện không bình thường.
Thế nhưng, ở đất nước Việt Nam hôm nay, với một hệ
thống chính trị cộng sản do đảng lãnh đạo tuyệt đối”, thì việc đó đã trở nên
bình thường, bởi xã hội Việt Nam đã là một xã hội không còn bình thường.
Trả lời câu hỏi: Giải pháp “Kiến tạo Việt Nam”
Ngày nay, Giáo dục đã trở thành một nghề khá sôi nổi
và kiếm tiền làm giàu khá thành công. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm
của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Số tiền đó không nhỏ, nhưng
các cơ quan Bộ, ngành, sở, phòng ban và các cơ quan cấp ủy, công đoàn, công sở…
chiếm một tỷ lệ lớn trong việc chi tiêu cho những nhu cầu “đổi mới giáo dục”,
“tham quan nước ngoài” “Cải cách giáo dục”, cử người đi đào tạo ở nước ngoài…
là chính. Còn đồng lương cho giáo viên công chức, vẫn là đồng lương chết đói.
Nhưng điều đó không hề gì. Bởi xã hội đã buộc phải quan tâm và chi tiền.
Từ chỗ một số trường đại học có thể đếm trên đầu
ngón tay, ngày nay, hàng trăm trường đại học đua nhau ra đời để kinh doanh. Cả
đất nước được lập đại học, các tỉnh, thành, công ty… đua nhau mở trường.
Thế rồi trường nhiều thì đua nhau cạnh tranh, hạ giá
đầu vào bằng điểm chuẩn. Thậm chí, có những trường Đại học chỉ có thể tuyển
sinh vào trường khi thí sinh mỗi môn chỉ cần đạt… 4 điểm.
Bởi những trường này, từ cách tổ chức cơ sở vật chất
cho đến đội ngũ giáo viên, quy mô và chất lượng hẳn nhiên là điều không cần phải
bàn. Bởi có bàn cũng thừa biết là nó không có lối thoát khỏi sự chắp vá và
không chất lượng.
Thế nhưng cũng chẳng sao, bởi đầu vào của những trường
này là con cái quan chức, học hành thì ít mà ăn chơi đập phá thì nhiều. Còn đầu
ra đã có hệ thống chính trị lấy “hồng hơn chuyên” sử dụng bất chấp chất lượng,
kết quả học tập. Nó đã phình to đến 11 triệu người ăn lương thì có phình to hơn
nữa, cũng chẳng sao, tiền dân cứ trả.
Còn con cái thuộc giai cấp “Công nông” ư? Cứ chờ đó,
kiếm tiền mà mua chỗ làm việc, nếu không thì cứ thủ khoa cũng về chăn bò.
Nói đến những điều đó, nhằm để nói lên rằng, việc đầu
vào là những học sinh gian lận, không có kiến thức là không đáng lo.
Với cái đầu rỗng tuếch và tư duy con nhà giàu, con
quan chức làm vua một cõi, mà những học sinh này sẵn sàng theo gương bố mẹ
chúng làm bất cứ điều gì để có kết quả, thành tích như ý muốn. Bởi cái đầu nó
nhẹ, nhưng cái túi bố mẹ nó rất nặng, có thể chi phối cả hệ thống chính trị thì
sá gì vài ông thầy, vài kỳ thi ở trong bậc Đại học.
Thậm chí, với bước trưởng thành mở đầu bằng sự gian
dối, thì sự gian dối đó sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở theo cuộ đời của các thí
sinh này.
Cũng chính vì thế, mà ở Việt Nam thời gian gần đây mới
xuất hiện nhiều và ngày càng công khai, bình thường những nhà giáo đủ mọi gương
xấu như ấu dâm, làm tiền sinh viên, những thầy giáo, cô giáo đổi tình lấy điểm…
Tất cả những gian lận ấy, bắt nguồn từ sự gian lận trong mỗi gia đình quan chức,
trong tổ chức, cơ quan và cả bộ máy chính trị hiện nay mà hình thành và phát triển.
Thế rồi đám sinh viên, học sinh ấy lại ra trường với
tấm giấy chứng nhận làm hành trang và tạo vỏ bọc để bước lên làm lãnh đạo,
được xác định là “Hồng phúc của dân tộc”- Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND
Tp Sài Gòn.
Thế rồi cái đám ấy đua nhau thành lập những cơ quan
nhà nước mà ở đó cả gia đình, cả họ hàng làng xóm đua nhau làm quan.
Thế rồi người ta thấy càng ngày càng nhiều những
quan chức mà nói một câu không nên, viết vài dòng không ổn. Đó là hiện tượng
quan chức luôn trong tình trạng “ngáo đá” để rồi phát biểu những câu đại loại
như “Phê tê bốc”, “Không nhận hối lộ để làm nhanh giấy tờ hộ chiếu là
thiếu nhân văn”, “CSGT nhận dăm ba chục ngàn ngoài đường không thể gọi là hối lộ”…
hay những Bộ trưởng, Thủ tướng mà phát biểu câu nào, thì chỉ làm khổ người dân
cười đến đứt ruột vì quá hài hước bởi sự ngô nghê về nội dung và hình thức.
Bởi vì:
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi
Tạm kết
Những hiện tượng nói trên đây, chỉ là một phần rất
nhỏ trong hàng loạt vấn đề lớn lao rữa nát mà ngành giáo dục nói riêng, cả hệ
thống nói chung đang phải đối mặt. Dù luôn trên môi miệng người cộng sản thì vẫn
“Giáo dục là quốc sách”. Chỉ có điều cái gọi là Quốc sách đó đang là một vũng lầy
lội những nguy cơ.
Việc gian lận trong thi cử, là một điểm trong hàng vạn
điểm đen của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, đó là điểm được xã
hội quan tâm gìn giữ xưa nay, mà mỗi khi phạm đến nó, nghĩa là cả hệ thống đã đến
mức không còn phương nào cứu chữa.
Ngay từ thời xa xưa, cha ông ta quan niệm giáo dục
chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Nếu xảy ra gian lận
trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được.
Còn ngày nay, khi mà sự gian lận không chỉ trong xã
hội, trong cả hệ thống chính trị đã ngấm sâu, len lỏi và mọc mầm, bắt rễ vào nền
giáo dục, thì đất nước chỉ có một con đường đi đến chỗ suy vong.
Gần đây, trên mạng Internet lan truyền một câu nói
được cho là của Nelson Mandela. Dù có phải là của ông hay không, thì câu nói vẫn
rất có ý nghĩa rằng: “Để phá huỷ bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử
dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục
và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân sẽ chết dưới tay
của các bác sĩ trong nền giáo dục đấy. Các toà nhà sẽ sụp đổ dưới bàn tay của
các kỹ sư trong nền giáo dục ấy. Tiền sẽ bị mất trong tay của các nhà kinh tế
và kế toán của nền giáo dục ấy. Công lý sẽ bị mất trong tay các thẩm phán của nền
giáo dục đấy. Sự sụp đổ giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”
Và cái thứ có sức công phá mạnh hơm bom nguyên tử,
hơn cả đại bác tầm xa đã và đang sừng sững xuất hiện một cách vững chắc ở Việt
Nam trong “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất”: Nền giáo dục băng hoại.
Ngày 20/4/2019
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment