Sunday, 7 April 2019

HỆ GIA TRỊ GIANG HỒ & BÀI HỌC TỪ HONG KONG (Võ Văn Quản - Luật Khoa)



05/04/2019

Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) nổi lên như là một hiện tượng giải trí, hình mẫu trong giới trẻ. “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền “ra tay nghĩa hiệp” giúp đỡ gia đình bé gái bị đánh hội đồng và trở thành anh hùng. Những hiện tượng đó cho thấy cách nhìn của xã hội Việt Nam bắt đầu có những bước phát triển thú vị liên quan đến băng đảng và giới giang hồ.

Khá Bảnh (trên, trái), Dương Minh Tuyền (trên, phải) và dàn nhân vật phim "Người trong giang hồ 4". Ảnh: Tổng hợp

Sẽ có người cho rằng đây là sự xuống cấp, suy thoái đạo đức và nhận thức văn hóa của giới trẻ. Một số thì cho rằng đây là những hiện tượng giải trí nhất thời, sớm nở chóng tàn. Tuy nhiên, người viết lại thấy trong đó là một cộng đồng trẻ dần bước vào vết xe của xã hội Hong Kong cuối thập niên 1980 và kéo dài suốt thập niên 1990, khi mà các giá trị của dân chủ, pháp quyền hay chính thể đại diện bị mục ruỗng, và “nghĩa khí giang hồ” trở thành một hệ giá trị cuốn hút hơn, thậm chí đáng tôn trọng hơn và hiệu quả hơn.

Cách mà Hong Kong đối phó với sự rung chuyển của hệ giá trị chính thống, chủ yếu thông qua con đường chống tham nhũng, cải thiện sự hiệu quả và kết nối của cơ quan công quyền đối với dân chúng rất đáng để Việt Nam xem xét trong xu thế xã hội hiện nay.

Một cảnh trong phim “Bản sắc Anh hùng” (A Better Tomorrow) do Châu Nhuận Phát (lề phải) thủ vai chính, ra mắt năm 1986. Ảnh: IMDB.

Điện ảnh Hong Kong thập niên 1990 và ảo mộng giang hồ

Thập niên 1990 là thiên đường của làn sóng tội phạm, những vụ cướp đậm chất Hollywood và một thế giới giải trí được cho là có cảm tình với giới giang hồ (hoặc bị ép có cảm tính với giới giang hồ).

Năm 1993, hình ảnh nổi tiếng nhất tại Hong Kong là một người đàn ông đứng trên vỉa hè đầy mảnh kẹo cao su cũ. Ông mặc trang phục gọn gàng, với một đôi giày thể thao trắng, quần jeans xanh, áo khoác da đen và một áo trùm đầu che mặt. Điểm đáng chú ý duy nhất là ông đang cầm một khẩu AK và xả súng.

Đó là một vụ cướp.

Hình ảnh trên được trích xuất từ một camera giám sát vào tuần đầu tiên của tháng Một năm 1993. Một nhóm vũ trang bịt mặt tấn công một cửa hàng trang sức trên con phố trung tâm Nathan, cướp tất cả những gì họ có thể, chạy thoát bằng đường cửa trước và giao tranh với cảnh sát bằng súng.

Những tên cướp xả tổng cộng 30 băng đạn, giết hại một người phụ nữ vô tình đi ngang qua. Một đồng phạm bị cảnh sát bắn hạ khi nhóm này băng qua đường tiến đến một chiếc xe chuẩn bị sẵn để tẩu thoát, và các “đồng chí” bỏ lại xác của người này lại trên đường khi chuyển sang một phương tiện khác trong quá trình đào tẩu.

Barry Smith, cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát Hong Kong thời điểm đó ngao ngán: “AK47, súng lục 7.62 li và lựu đạn cầm tay được các băng đảng Hong Kong sử dụng thường xuyên. Cảnh sát tuần tra Hong Kong nhận thức được rằng họ có thể sẽ phải lao vào can thiệp một vụ cướp có vũ trang bất cứ lúc nào. Tôi tin là họ rất sợ hãi và mệt mỏi khi được gọi hỗ trợ trong những vụ việc như vậy. Cảnh sát Hong Kong chỉ được trang bị súng ngắn ổ xoay nòng 0.38 li và chúng tôi bắt họ phải đối mặt với AK47”.

“Rất nhiều áp lực đặt lên vai chúng tôi khi vừa phải đối mặt với những kẻ cướp thực thụ, cũng như hệ thống truyền thông giải trí ‘vinh danh’ bạo lực băng đảng”, ông nói.

Bắt đầu từ thập niên 1980, các hội nhóm truyền nhân của Tam Hoàng (Triads) tại Hong Kong nổi lên nhờ nhận được nguồn vũ khí lậu dồi dào từ quan chức quân sự Trung Quốc lục địa đưa qua và mối liên hệ với các đặc khu kinh tế mới nổi tại đại lục như Thâm Quyến. Quyền lực của những nhóm này nhanh chóng lan sang lĩnh vực giải trí và trở thành cảm hứng cho nhiều bộ phim lấy bối cảnh là hoạt động của các nhóm hội Tam Hoàng.

Phim về gangster Hong Kong chính thức trở thành một hiện tượng văn hóa sau hit điện ảnh “Bản sắc Anh hùng” (tên tiếng Anh là “A Better Tomorrow”) do John Woo đạo diễn với dàn sao Trương Quốc Vinh và Châu Nhuận Phát. Phim ra mắt ngày 2/8/1986, kể về đại ca làm tiền giả Tống Tử Hảo do Châu Nhuận Phát thủ vai. Anh này là người sống tròn đạo nghĩa, vào sinh ra tử cùng anh em nhưng quyết định rửa tay gác kiếm và làm lành với người em ruột của mình là Tống Tử Kiệt sau cái chết của cha.

Bộ phim thành công tới mức nó biến đổi nhận thức của công chúng về các băng đảng giang hồ, cấy ghép vào đó sự lãng mạn và tài hoa. Người dân xem nhân vật trong bộ phim là thần tượng và thậm chí bắt đầu ăn mặc như các gangster trong phim. Thể loại phim về những hội nhóm Tam Hoàng (Triads movie genre) chính thức hình thành và thống trị thị trường phim ảnh Hong Kong trong một thời gian dài.

Công thức của dòng phim này là dùng những tài tử lấp lánh để thủ vai chính anh hùng – những đại ca giang hồ, hấp dẫn, giàu có, sống trọng tình trọng nghĩa, tốt bụng và luôn giúp đỡ kẻ yếu trở nên quen thuộc. Nó xây dựng nên một hệ giá trị ảo được công chúng vô cùng ưa thích.  

Tới thập niên 1990, thị trường phim ảnh Hong Kong mở rộng ra toàn châu Á, và các bộ phim liên quan đến băng đảng xã hội đen lại tiếp tục có đất diễn. Trong số đó, series phim xã hội đen có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh Hong Kong (và cũng quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam) là “Young and Dangerous”, ở Việt Nam thường được biết đến với tên gọi “Người trong giang hồ”, được phát hành trong thời kỳ 1996 – 1998. Bộ phim gồm tới sáu phần, tập trung vào một nhóm băng đảng thiện, với các hoạt động như tranh giành địa bàn, thanh trừng, đối phó với những nhóm nhân viên công quyền thoái hóa để từ đó đề cao tình “huynh đệ”, tính “nhân nghĩa” và “nguyên tắc giang hồ”. Bộ phim nhanh chóng trở thành hiện tượng của Hong Kong, từ đó gây sốt toàn châu Á.

Các hội nhóm Tam Hoàng đóng vai trò nổi bật trong xã hội Hong Kong. Ảnh: dimsumdaily.hk.

Vì sao và làm thế nào?

Tham nhũng và sự thoái hóa của các nhân viên công quyền chính là nguyên cớ khiến cho công chúng có cảm tình với hoạt động của những tổ chức xã hội đen trên hòn đảo này. Chúng cung cấp nguồn dinh dưỡng màu mỡ để các hội nhóm Tam Hoàng và hình ảnh của chúng thăng hoa.

Đó là kết luận của giáo sư Roderic Broadhurst (Đại học Quốc gia Australia) và Tiến sĩ Lee King Wa (Đại học Hong Kong) trong nghiên cứu của họ về quá trình chuyển đổi của xã hội đen trong tương quan với sự thay đổi của lực lượng hành pháp, môi trường kinh tế và chính trị Hong Kong.

Nói đơn giản, khi hệ thống quyền lực xã hội chính thống (tức nhà nước, thể chế pháp quyền, các quyền tự do cá nhân) bị những nhân tố biến chất, nhũng nhiễu và thoái hóa thao túng, người dân sẽ tự động bị thu hút bởi những nhóm hệ thống quyền lực xã hội phi chính thức khác mà họ cho rằng có nền tảng đạo đức cao hơn, quy chuẩn ứng xử cao hơn và đáng được kính trọng hơn. Xã hội đen (dark societies) là một trong số đó.

Không cải thiện được hình ảnh bệ rạc và tha hóa của mình, hoạt động truy lùng và diệt trừ gốc rễ văn hóa Tam Hoàng thậm chí chỉ làm tổn hại thêm tính chính danh của cảnh sát Hong Kong và đẩy mạnh “sĩ khí” của các băng đảng. Hai giáo sư Harold Traver và Jon Vagg (ĐH Hong Kong) trong tác phẩm “Tội ác và Công lý ở Hong Kong” khẳng định, giới cảnh sát tại đây bế tắc đến mức buộc phải chấp nhận rằng hoạt động kinh doanh của những tổ chức tội phạm địa phương này thật ra cũng là hoạt động kinh doanh, và thái bình thì sinh lợi nhuận, ai cũng có phần, không cần thiết phải phòng chống hoạt động tội phạm làm gì.

Mọi việc chỉ có những chuyển biến tích cực vào đầu thập niên 1990, khi chính quyền bảo hộ Vương quốc Anh tại Hong Kong bắt đầu can thiệp với kỳ vọng có thể xây dựng ba trụ cột cho việc quản trị Hong Kong: pháp quyền (rule of law), tự do cá nhân (personal freedom), và dịch vụ công hiệu quả – trong sạch (effective  and corrupt free civil service).

Trước tiên, một nguồn ngân sách dồi dào tăng dần hàng năm được rót cho Uỷ ban Độc lập về Chống Tham nhũng (ICAC) để thực thi Pháp lệnh Phòng chống Hối lộ. Đây là cơ quan có mô hình tổ chức độc lập, với nhân sự do Toàn quyền Anh trực tiếp bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Toàn quyền. Điều này khiến cho nó gần như tách ra khỏi hệ thống chính trị của lãnh thổ Hong Kong. Cơ quan này có thẩm quyền rộng lớn và được phép áp dụng các biện pháp cứng rắn, bao gồm có việc điều tra, xét hỏi bất kỳ nhân viên công quyền nào khi họ nhận thấy người đó có những hành vi công vụ hay tài sản đáng ngờ.

Các văn bản pháp lý mới trong và sau thập niên 1990 như Đạo luật về Tội phạm có tổ chức (Organised  Crime Act), Pháp lệnh về Chống buôn lậu chất hướng thần (Drug Trafficking Ordinance), Pháp lệnh Bảo vệ Nhân chứng (Witness Protection Ordinance) nhanh chóng bổ sung và hỗ trợ lực lượng thi hành pháp luật tại Hong Kong trong việc loại trừ tội phạm băng đảng và các nhóm Tam Hoàng truyền thống.

Một bộ máy trong sạch và hiệu quả nhanh chóng gây thiện cảm cho công chúng và giới giải trí Hong Kong. Cuối thập niên 1990, hàng loạt các bộ phim liên quan đến cảnh sát ra đời cân bằng lại làn sóng vinh danh xã hội đen trước đó. Các bộ phim “Đội Điều tra Liêm chính” (phim về các chuyên viên điều tra của ICAC), “Tổ trọng án”, “Đội bảo vệ nhân chứng”, v.v. lần lượt trở thành các show giải trí được yêu thích trên màn ảnh nhỏ của người dân Hong Kong.

Cho đến ngày nay, Hong Kong chuyển mình từ một thiên đường của tội phạm, băng đảng và giới giải trí lãng mạn hóa xã hội đen để trở thành một trong những nơi trong sạch nhất, ít tham nhũng thế giới theo điều tra của nhiều tổ chức uy tín như World Bank, World Heritage hay Transparency International. Và sự ủng hộ, cách nhìn của người dân đối với các băng đảng, hội nhóm chuyển sang ghét bỏ và bài trừ.

***
Hiển nhiên, người viết nhận ra sự khập khiễng nhất định khi so sánh một hiện tượng văn hóa rộng khắp về giới băng đảng Hong Kong vào thập niên 1990 với vài thanh niên chơi Youtube và mạng xã hội tại Việt Nam. Song sự hưởng ứng của giới trẻ Việt Nam đối với những hệ giá trị này, không phải là khó nhận thấy. Bắt giữ và khởi tố những nhân vật như Khá Bảnh không khó, nhưng như tại Hong Kong, điều quan trọng là cơ quan công quyền tại Việt Nam có khả năng thách thức các hệ giá trị mà các nhóm xã hội đen Việt Nam đang ra sức gầy dựng và phổ biến với đại chúng hay không.








No comments:

Post a Comment

View My Stats