Monday, 15 April 2019

GIỖ TỔ CỦA NGƯỜI KINH HAY CỦA TẤT CẢ 54 SẮC TỘC? (Võ Văn Quản - Luật Khoa)






15/04/2019

Có 54 sắc tộc (bao gồm cả người Kinh) cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng ngày giỗ tổ của người Kinh lại biến thành ngày lễ quốc gia và tạo ra ấn tượng rằng Hùng Vương là thuỷ tổ của tất cả các tộc người.

Hùng Vương là tổ người Kinh hay tổ của tất cả các sắc tộc? Ảnh gốc: CafeBiz.

Người Kinh, hay còn gọi là người Việt, sắc tộc chiếm đến gần 90% dân số Việt Nam, với ngôn ngữ là tiếng Việt, đã quá quen với việc được xem là “cái rốn” của Việt Nam, là những “kẻ thừa kế” hợp pháp, chính thống và toàn diện đối với mảnh đất hình chữ S này.

Có thể bạn đọc sẽ gọi tôi là kẻ xét nét, so đo chuyện không đâu. Nhưng khi người Kinh vẫn đang lên án cách mà người Mỹ phân biệt chủng tộc, chiếm đất và quên lãng các thổ dân da đỏ; khi mà người Kinh vẫn căm thù người Hoa vì lịch sử và các nỗ lực đồng hóa trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc, nhân dịp giỗ “tổ” Hùng Vương, có lẽ cũng phải tìm hiểu về cách mà người Kinh đã và đang biến lịch sử và nhà nước Việt Nam trở thành một sản phẩm độc quyền của sắc tộc mình.

Cần lưu ý rằng, từ “dân tộc” (nation) ngày nay hay được dùng lẫn với từ “sắc tộc” (ethnicity). Trong bài viết này, tác giả chọn từ “sắc tộc” để chỉ người Kinh, người Chăm, người Mường và các sắc tộc khác, thay vì dùng từ “dân tộc”.

Không chỉ có Hùng Vương hay Lạc Long Quân – Âu Cơ

Trước tiên, cần khẳng định rằng, sắc tộc nào ở Việt Nam cũng có huyền thoại về nguồn gốc của tộc người mình. Song do không được xem là chính sử, chúng chỉ được phép xuất hiện trong sách văn học thay vì sách lịch sử; chỉ có thể được chào mừng trong các “lễ hội văn hóa dân gian” chứ không được trở thành quốc lễ.

Như với người Mường, sử thi Đẻ đất – Đẻ nước có kể chuyện đôi chim Tùng – Tót đẻ ra quả trứng thần kỳ, từ đó nở ra tộc người Mường.  

Hay với sắc tộc Chăm, Nữ thần xứ sở Po Inur Nugar, mới là vị tổ thiêng liêng nhất. Bà được tôn thờ dưới nhiều tên gọi khác nhau như Po yang Inư Nưgar Taha (thần Mẹ lớn xứ sở), Muk Juk (Bà Đen), Pataw Kamei (Vua của đàn bà), Bahagavati vari (Nữ thần Mẹ lớn Linga – Shiva). Bà là vị thần tối cao sinh ra mọi thứ từ vũ trụ đến đất đai, cây cối, lúa gạo và cả người Chăm, trao cho người Chăm những sản vật quý và chỉ dạy họ cách trồng trọt, các nghề thủ công.

Hay trong truyền thuyết các tộc người tại Việt Nam của sắc tộc Khơ – Mú qua câu chuyện Quả Bầu Mẹ: người Kinh chỉ là em út trong các tộc người. Người Khơ – Mú, người Thái, người Tày nhanh nhảu bước ra trước khỏi Bầu Mẹ nên bị dính lọ, đen nhẻm. Em út là người Kinh, người Hoa ra sau nên trắng trẻo hơn các anh của mình.

Lễ hội Mbang Kate của người Chăm ở Bình Thuận để tưởng nhớ tổ tiên và các anh hùng dân tộc của họ. Ảnh: pandanusresort.com.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến hàng loạt các câu chuyện về nguồn gốc của nhiều sắc tộc khác như truyện kể về Ông Đùng – Bà Đà, truyện về Ông Thu Tha – Bà Thu Thiên của người Mường; truyện về Tráng Lô Cô của người Dao;  truyện về Ải Lậc Cậc của người Thái; truyện về Pụt Luông của người Tày, .v.v. Những câu chuyện này, dù mang bản chất huyền thoại tương tự như truyền thuyết về Hùng Vương và “trăm trứng nở trăm con”, lại ít được phổ biến và quảng bá như câu chuyện của người Kinh, và đại chúng thì gần như chưa bao giờ nghe nói tới chúng.

Lạc Long Quân – Âu Cơ và sự hình thành nên kỷ Hồng Bàng của các Vua Hùng, do đó, chắc chắn không phải câu chuyện duy nhất, và lại càng không phải là câu chuyện đầu tiên về lịch sử – nguồn gốc của các sắc tộc đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại lịch sử rằng, trên dải đất hình chữ S của Việt Nam ngày nay, xưa kia có nhiều vương quốc khác nhau do các tộc người khác nhau cai trị. Theo sử gia Philippe Papin trong cuốn “Việt Nam, hành trình một dân tộc”, người Chăm của vương quốc Chămpa từng thống trị trên 1/3 lãnh thổ Việt Nam ngày nay, kéo từ đèo Ngang (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) cho tới tận Bình Định vào khoảng thế kỷ 11-13. Các cuộc di dân và xâm lược của người Kinh ở phía Bắc, qua nhiều thế kỷ, cuối cùng cũng xoá sổ được cường quốc trù phú một thời này vào thế kỷ 17.

Sâu hơn nữa vào phía Nam và về phía Tây (bao gồm cả Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ ngày nay) là nơi cư ngụ của người Khmer của Đế quốc Khmer lừng lẫy một thời (802-1431).

Họ đều có cách lý giải riêng về nguồn gốc sắc tộc của mình. Quá trình sáp nhập lãnh thổ đồng nghĩa với sáp nhập các tộc người khác nhau vào cùng một nước, nhưng không có nghĩa là các tộc người này chia sẻ truyền thuyết về nguồn gốc Lạc Hồng hay ông tổ Hùng Vương của người Kinh.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng luôn có mặt lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Cố ý áp đặt nguồn gốc?

Tư tưởng về nguồn gốc Hùng Vương và con cháu Lạc Long Quân – Âu Cơ dần được cấy ghép và thể hiện trong các văn bản nhà nước chính thức và ngôn ngữ báo chí đại chúng.

Ví dụ, dù theo truyền thuyết của người Chăm, họ được Nữ thần xứ sở sinh ra, nhưng hầu hết các văn bản và báo chí chính thống lại gán ghép nguồn gốc của họ với người Kinh, với tên gọi “đồng bào Chăm”.

Chị thị 121 của Hội đồng Bộ trưởng từ những năm 1981 đã đặt sừng sững một tiêu đề “Về Công tác đối với Đồng bào Chăm”. Ban Tôn giáo Chính phủ thì liên tục chỉ đạo công tác tôn giáo đối “đồng bào dân tộc Chăm” ở nhiều tỉnh thành.

“Đồng bào”, theo nghĩa đen là “cùng bào thai”, nghĩa là cùng một tổ tiên, cùng một cha mẹ. Việc gọi người Chăm là “đồng bào Chăm” ám chỉ người Chăm có cùng cha mẹ Lạc Long Quân – Âu Cơ và đều là con cháu Vua Hùng? Đó có lẽ là cách lý giải tốt nhất cho hiện tượng này.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với các sắc tộc thiểu số khác. Chẳng hạn như Vĩnh Long chăm lo đời sống cho “đồng bào dân tộc Khmer”, còn Việt Nam nói chung thì luôn chăm lo đời sống cho “đồng bào dân tộc thiểu số”.

Một số nhà quan sát khác có thể còn cho rằng nhà nước Việt Nam cố tình sử dụng thuật ngữ này để xây dựng và thể hiện sự gắn kết giữa người Việt và các sắc tộc thiểu số. Song chúng rõ ràng tạo ra ấn tượng rằng người sắc tộc thiểu số thì phải chấp thuận làm con cháu của ông tổ của… người Kinh, tiếng Kinh là tiếng của mọi sắc tộc và lịch sử người Kinh là thứ lịch sử trọng đại nhất của quốc gia.

Cũng cần khẳng định rằng, đây không phải là hiện tượng chỉ xảy ra trong giai đoạn nắm quyền của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Dù hòa bình hay dù đánh nhau đến thừa sống thiếu chết trong lịch sử thăng trầm mấy trăm năm qua, người Kinh vẫn chung một lòng xem mình là anh cả của các sắc tộc và tự xét Hùng Vương là tổ phụ của cả nước Việt Nam.







No comments:

Post a Comment

View My Stats