Monday, 15 April 2019

CÓ NÊN CÂM LẶNG VỀ BỆNH TÌNH CỦA BỆNH NHÂN NGUYỄN PHÚ TRỌNG? (Nguyễn Hồng Phúc - VNTB)




16/04/2019

(VNTB) - Từ khóa tìm kiếm “Nguyễn Phú Trọng” trên mạng xã hội đang ‘rất nóng’. Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện nhà nước Việt Nam đã xếp hàng thứ yếu. Xét theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, thì việc bí mật bệnh tình của ông Nguyễn Phú Trọng là đúng quy định của pháp luật.

Với tư cách người bệnh, ông Nguyễn Phú Trọng, theo Điều 8 “Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư”, thì ông đương nhiên có quyền mặc định về giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Các thông tin này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh, hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Theo Điều 59, thì hồ sơ bệnh án của tất cả mọi bệnh nhân, bao gồm cả bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng, được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Như vậy xét về mặt quy định của pháp luật liên quan đến khám, chữa bệnh, thì việc ‘im lặng’ trước nghi vấn bệnh tình của ông Nguyễn Phú Trọng là không sai.

Tuy nhiên ở đây người bệnh là một chính khách đứng đầu đảng chính trị, thì việc có nên tiếp tục giữ im lặng hay không, và giữ đến bao giờ là điều cần thiết xem xét lại trong việc chỉnh sửa, bổ sung các điều khoản tương ứng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, “Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” cũng được xem là “Phạm vi bí mật nhà nước”, song Luật bảo vệ bí mật nhà nước phải đến ngày 1-7-2020 mới hiệu lực thi hành.

Câu hỏi đặt ra: Trong trường hợp thông tin sức khỏe của một chính khách có ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực công, tại sao không công khai với dân chúng?. Tất nhiên việc công bố phải bảo đảm một trình tự nghiêm túc, không xâm hại đến quyền riêng tư của công dân nói chung, như chẳng hạn ở quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Điều đó phù hợp thông lệ chung với thế giới.

Đơn cử, thử nhìn sang Singapore, ngày 15 tháng 2 năm 2015, một ngày trước khi Thủ tướng Lý Hiển Long nhập viện điều trị ung thư, Văn phòng Thủ tướng đã đăng tải công khai một thông cáo chính thức trên website của họ. Ngắn gọn song đầy đủ, thông cáo này bao gồm các thông tin về (1) diễn biến bệnh tình Thủ tướng, (2) nhóm bác sĩ điều trị, (3) số liệu khoa học về khả năng thành công của việc điều trị, (4) thời gian dự kiến điều trị và (5) thông tin về người đảm nhiệm thay vai trò Thủ tướng trong thời gian ông Lý điều trị. Riêng Thủ tướng Lý thậm chí còn đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông những hình ảnh trước giờ tiến hành điều trị.

Cảm giác làm chủ của người dân được nâng cao khi họ biết rõ thông tin bệnh tình của những người đang được họ ủy nhiệm quyền lực, rằng người đó có đủ sức khỏe để họ tiếp tục giao phó quyền quản trị quốc gia hay không?.

Người ta muốn hỏi tin đồn về chuyện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ có đúng hay không? Những câu hỏi, nhu cầu thông tin đó là có thật, gắn với cuộc sống của người dân. Và trên hết, một câu trả lời rõ ràng trong trường hợp này cho thấy hoàn toàn không hề vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, vì bản thân nó không liên quan đến nội dung của hồ sơ bệnh án.

Tình hình sức khỏe lãnh đạo được dư luận quan tâm thì nên thông tin công khai cho công luận, điều này sẽ giúp xua tan những nghi ngờ, đồn đoán không cần thiết. Vả lại, chuyện sinh lão bệnh tử cũng lẽ thường tình.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã bước vào tuổi 75, dư chuẩn đến 15 năm trong việc gia nhập Hội Người cao tuổi. Mặt khác, theo quy định của Luật Người cao tuổi do chính ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hồi ông làm Chủ tịch Quốc hội, thì hiện nay ông đã được quyền nghỉ ngơi và hưởng các phúc lợi an sinh mà Đảng và Nhà nước dành cho một vị 'nguyên lão' như ông.

--------------------------

LIÊN QUAN










No comments:

Post a Comment

View My Stats