Tuesday, 9 April 2019

ĐÁM ĐÔNG CÓ NGU & ÁC KHÔNG - TRONG VỤ NGUYỄN HỮU LINH (FB Khải Đơn)




09/04/2019

Mình để ý cứ khi nào có sự việc xôn xao cư dân mạng, là thể nào cũng có một mớ trí thức trích dẫn cuốn “Tâm lý học đám đông” để thể hiện sự anh minh – ý là ta cao hơn bọn này – ta ko ở trong đám đông ngu dốt hung hãn như chúng mày. Vụ ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ cô bé gái trong thang máy cũng được các anh trí thức nhìn khinh bỉ như vậy.

Vậy nên hôm nay mình muốn thảo luận vài điều về đám đông – hay còn gọi là dư luận.

** Dư luận có giá trị không?

Bạn nào làm báo lâu năm đều biết, có rất nhiều vụ án mà kết quả tòa án tuyên thực ra là… vì dư luận. Vì thế, với những vụ việc mà nạn nhân yếm thế, nghèo, bị oan, dư luận chính là sợi dây cứu họ khỏi tù đày hoặc oan sai. Ví dụ rõ nhất là vụ ông Nguyễn Khắc Thủy. Đầu tiên cơ quan chức năng còn chả buồn bắt ông ta, mặc cho người nước ngoài có ảnh chụp, mẹ cô bé làm đơn kiện. Sau đó, khi báo chí viết rất nhiều, thì ông ta bị gọi lên thẩm vấn. Tới khi tuyên án, tòa tuyên ông ta án treo – và dư luận nổi giận thực sự.

Sau khi dư luận nổi giận thực sự, tôi còn nhớ hồi đó mình đã đọc thấy hàng chục ngàn comment và bình luận căm giận vụ đó. Mọi người chửi rất nhiều, chửi ác miệng có, bình luận bình tĩnh có. Nhưng dù vô cùng thô lỗ hay có học, thì từng tiếng chửi đó đã buộc Phó chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy bản án treo và buộc ông Thủy phải bị phạt tù 3 năm.

Vụ án này, và nhiều vụ án oan khác cho thấy, nếu dư luận không ồn ào, dữ dằn, hung tợn, thì mọi thứ đương nhiên được đánh bùn sang ao, ông già biến thái sẽ nhơn nhơn đi bộ trong chung cư tiếp tục tìm các em gái khác.

Ở đây, tất cả chúng ta đều rõ tòa án ở Việt Nam tuyên các bản án dựa trên rất nhiều thứ “đằng sau sân khấu”, án đã vẽ trước (cho những người bất đồng chính kiến), án theo dư luận (khi dư luận quá giận dữ), án “ăn theo” thời sự – minh họa cho chính sách (ví dụ khi các quan chức đang ồn ào bảo phải chống tội này tội kia, thì thể nào thằng nào bị xử vào thời gian đó cũng bị “bêu đầu” chịu báng).

Vì hiểu điều này, tôi nhận định những gì dư luận làm hoàn toàn có giá trị. Nó phản hồi trực tiếp sự phẫn nộ và không hài lòng của người dân trước bộ máy mà họ đóng thuế nuôi nó mà nó vận hành không ra gì. Vì sợ, bộ máy đó sẽ phải nhượng bộ.

Như vụ ông Thủy, dù gia đình quan chức to, hung hãn hù dọa cả mẹ con nạn nhân, là đảng viên, nhưng vì sợ dư luận, tòa buộc ông ta đi tù. Vì vậy, nếu những ngày qua bạn giận dữ, hãy thể hiện sự giận dữ. Bạn cần phải cho những cơ quan thực thi pháp luật thấy bạn là công dân và bạn không tha thứ cho hành vi đồi bại này – tại sao pháp luật lại chần chừ.

Dù bạn làm gì, thì tôi xin khẳng định để bạn tin, rằng nó sẽ giúp cho tiếng nói của những người bị hại được nghe thấy rõ hơn và dằn mặt hơn. Và thay đổi xã hội xuất phát từ đó, chứ không phải từ những người đang ngồi trên Facebook và bảo bạn là đám đông điên loạn.

** Đám đông có ngu và ác không?

Hầu hết những người tin rằng đám đông ngu và ác thường là do đọc quyển “Tâm lý học đám đông ” của Le Bon. Trong tác phẩm “So you are publicly shamed” của nhà báo và tác giả Jon Ronson có một chương 5, mô tả việc ông đi tìm câu trả lời cho việc tại sao đám đông lại thường ồn ào và dễ bắt nạt những người vô danh như vậy.

Để tìm câu trả lời, ông tìm đến Bob Nye, giáo sư về Lịch sử Trí thức Châu Âu tại Đại học bang Oregon, người viết sách tiểu sử về Le Bon. Bob Nye viết một quyển sách tìm hiểu về con đường học thuật của Le Bon và triết thuyết nào dẫn ông ta đến quyển Tâm lý đám đông đó. Bob Nye trả lời phỏng vấn: “Khi tôi viết tiểu sử về Le Bon, với tôi ông ta có vẻ như là một thằng khốn trong cõi đời này.” và ông mô tả cách thức quyển tâm lý học đám đông được viết là “tập trung vào sự ngắn gọn, không có nguồn trích dẫn hay ghi chú gì, chỉ đơn giản là viết theo kiểu hấp dẫn vậy thôi”. Cũng không hề có bằng chứng gì, chỉ tự nhiên đẻ ra vậy.

Chú thích thêm là quyển tâm lý học đám đông này cực kỳ được Hitler, Goebbels và Mussolini yêu thích. Rất nhiều lý thuyết trong quyển Mein Kampf mà Hitler viết là dựa vào quyển tâm lý học đám đông này, với mớ lý thuyết phát xít của ông ta.

Jon Ronson cũng nhận định quyển “Tâm lý học đám đông” cực kỳ được ưa thích vì “chúng ta có xu hướng không thích gì hơn là gọi những người khác là điên khùng”.

Nhưng tâm lý học hiện đại đã chứng minh rằng đám đông không phải lũ giòi bọ không có trí tuệ, hay hành động hung hãn tàn bạo. Có một quyển tên “The Wisdom of Crowds: Why the Many Are Smarter Than the Few and How Collective Wisdom Shapes Business, Economies, Societies and Nations”, với nhiều thực nghiệm cho thấy đám đông xử lý thông tin và đưa ra dự đoán tốt hơn nhiều so với cá nhân. Tác giả cũng nhận định sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới trí tuệ đám đông, trong đó có: sự đa dạng của ý kiến (mỗi người có tri thức, kinh nghiệm và cách hiểu riêng), sự độc lập (từng người có ý kiến riêng, không bị ép buộc theo những người quanh họ), sự không tập trung (mỗi người có chuyên môn riêng và kiến thức riêng về từng địa hạt), cơ chế (cách tập hợp những nhận định cá nhân thành ý kiến của nhóm), sự tin tưởng (mỗi người tin tưởng nhóm của họ) thì sẽ tạo ra những giá trị cũng như thành quả không nhỏ.

Một phim tài liệu tôi từng xem, khi trên sân vận động, các hooligan bắt đầu dồn mọi người vào một cuộc bạo lực kinh hoàng, nhiều người hỗn loạn chạy và dẫm đạp lên nhau. Khi ấy, bắt đầu đám đông tập hợp thành từng nhóm có thể trao đổi thông tin và họ cứu những người khác, lôi người bị nạn ra xa khu vực giẫm đạp, tiếp nước cho người bị nạn. Ví dụ này cho thấy rất rõ, đám đông có sự trao đổi thông tin không phải là lũ mọi rợ, ngu ngốc.

Tôi viết ra hai điều này để những anh chị nào vẫn còn đang mê mẩn quyển “Tâm lý học đám đông” của Le Bon nên tìm đọc thêm các quyển khác về cùng chủ đề có thực nghiệm trong thế kỷ 20 thay vì đọc 1 quyển võ đoán mà bọn phát xít yêu thích từ thế kỷ 19. Tôi viết ra cũng để những người bạn trên mạng đã treo quần lót lên nhà tên Nguyễn Hữu Linh hay xịt sơn vô nhà ông ta hiểu rằng các bạn không phải là đám đông ngu và ác.

Có những điều chướng tai gai mắt quá, ai mà nhịn được?

Còn những ai thích làm trí thức nghĩ mình cao hơn đám đông thì thôi cứ đọc tiếp quyển “Tâm lý học đám đông” rồi ngồi nhà phẫn uất đi – không cần lên mạng tỏ ra cao quý đâu.

Khải Đơn








No comments:

Post a Comment

View My Stats