Trong
số tổng kết thường niên, tờ Time đã chọn nhà báo là “nhân vật trong năm”, với
những ghi nhận về vô số vụ đàn áp báo chí trong năm 2018.
Trong báo cáo đặc biệt ngày 13-12-2018, Ủy ban bảo vệ
ký giả (CPJ) cũng cho biết có ít nhất 251 nhà báo đã bị cầm tù khắp thế giới
trong năm 2018. Đàn áp báo chí thật ra không phải là vấn đề nảy sinh trong năm
nay. Nó là một hiện tượng toàn cầu, bùng nổ ngay trong thời mà rào cản đối với
tự do thông tin tưởng chừng đã được tẩy xóa mờ đi trước sự phát triển của mạng xã
hội…
Một trong những vụ chấn động làng báo thế giới là vụ
giết nhà báo Jamal Khashoggi (Saudi Arabia), cây bút bình luận của Washington
Post và là tổng biên tập Al-Arab News Channel. Bị giết ngày 2-10-2018,
Khashoggi đã chết không toàn thây: ông bị chặt từng mảnh! Tự do báo chí cũng
đang bị chặt vụn từng khúc. Báo chí đang bị trấn áp. Thông tin minh bạch đang bị
khủng bố, tại nhiều nơi thế giới. Tại Philippines, nhà báo Maria Ressa, vì điều
tra cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực của Tổng thống Rodrigo Duterte, đã bị
buộc tội “gian lận thuế” vào tháng 11-2018 và đối mặt nguy cơ ngồi tù 10 năm. Tại
Myanmar, hai phóng viên Reuters, Kyaw Soe Oo và Wa Lone, vì thực hiện phóng sự
điều tra vụ thảm sát cộng đồng người Hồi giáo Rohingya, đã bị xử 7 năm tù.
Tại Bangladesh, phóng viên ảnh Shahidul Alam bị nhốt
hơn 100 ngày tội đăng “tin giả” sau khi chỉ trích Thủ tướng Sheikh Hasina. Tại
Sudan, nhà báo tự do Amal Habani bị bắt sau khi tường thuật các vụ biểu tình
liên quan tình hình kinh tế. Cô bị giam 34 ngày và bị tra tấn bằng roi điện.
Amal Habani từng bị bắt 15 lần và bị cấm viết cho một tờ báo lớn. Tại Brazil,
ký giả Patricia Campos Mello trở thành mục tiêu bị đe dọa sau khi tường thuật rằng
những người ủng hộ Tổng thống tân cử Jair Bolsonaro đã tài trợ cho một chiến dịch
tung tin giả trên WhatsApp. Trong khi đó, Victor Mallet, biên tập tin tức châu
Á của Financial Times, đã bị Trung Quốc trục xuất khỏi Hong Kong sau khi mời một
nhà hoạt động xã hội đến nói chuyện tại câu lạc bộ báo chí...
Bức tranh u ám phủ đen lên tự do báo chí không chỉ ở
các nước đang phát triển. Từ đầu năm 2017 đến nay, bốn nhà báo đã bị giết tại
Liên minh châu Âu. Tháng 2-2018, cảnh sát đã tìm thấy xác nhà báo Ján Kuciak, một
cây bút nổi tiếng chuyên viết về tham nhũng tại Slovakia. Ján Kuciak bị bắn chết
cùng hôn thê ngay tại nhà riêng của họ. Tại Nga, Tatiana Felgengauer, phó tổng
biên tập đài phát thanh độc lập Echo of Moscow, bị một gã lạ mặt xông vào tận
đài và bị đâm vào cổ hồi tháng 10-2017. Vụ tấn công xảy ra sau khi Đài truyền
hình nhà nước Nga cáo buộc Echo of Moscow và Tatiana Felgengauer tội “làm việc
cho Mỹ”. Với Nga, các vụ khủng bố tinh thần hoặc ám sát nhà báo xảy ra gần như
cơm bữa. Năm 2017, cựu phóng viên tờ Novaya Gazeta (Moscow), Arkady Babchenko,
phải trốn sang Kiev (Ukraine), vì không muốn trở thành người tiếp theo trong ít
nhất 5 nhà báo kể từ năm 2000 đến nay bị giết...
Tại
sao tự do thông tin ngày càng bị “cưỡng bức” thô bạo? Bởi vì sự thật trong tự do thông tin (cần nhấn mạnh yếu tố “sự thật”, ở
thời mà tự do thông tin bị hoen ố bởi làn sóng tin giả) là công cụ có thể giúp
lật mặt được chủ nghĩa dân chủ giả hiệu đang bùng nổ và phát triển khắp nơi, dù
nó được lập luận ngụy biện bởi những kẻ đang ôm giữ mọi thứ quyền hành và muốn
kiểm soát tuyệt đối cả tự do tư duy lẫn tự do biểu đạt. Sự thật, tại nhiều nơi,
đã bị nhốt vào lồng và thậm chí bị chôn. Chẳng nơi nào có thể “minh họa” cho điều
này bằng Trung Quốc. Báo cáo CPJ (13-12-2018) cho biết có 47 người đang đứng
sau song sắt vì can tội viết về cuộc thanh trừng sắc tộc cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở
Tân Cương. Một trong những trường hợp gần đây nhất là phóng viên ảnh tự do Lu
Guang, người từng giành vô số giải thưởng lớn, từ World Press Photo đến
National Geographic, bị bắt mất tích từ ngày 3-11-2018 khi đến Tân Cương. Mãi đến
nay, ngày 13-12-2018, nhà cầm quyền Trung Quốc mới chính thức thừa nhận họ bắt
Lu Guang.
Đứng
kế Trung Quốc về “năng lực” bóp họng báo chí là Việt Nam. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5-4-2018, khi trả lời
việc một số tổ chức nhân quyền lên án phiên tòa cùng ngày xét xử sơ thẩm sáu bị
cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời: "Về
thông tin do một số tổ chức nhân quyền đưa ra, tôi bác bỏ những thông tin sai sự
thực, thiếu khách quan. Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không
có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ". Danh sách những
người bị bắt vì tội tự do “tuyên truyền chống phá nhà nước” thật ra không chỉ
có sáu người bị xử ngày 5-4-2018 (Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung
Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Lê Thu Hà). Trái với lời bà Lê Thị Thu
Hằng, gần 100 người khác cũng đang ngồi tù – tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận vào
tháng 4-2018. Cũng trong tháng 4-2018, báo cáo thường niên của tổ chức Phóng
viên không biên giới (RSF) đã xếp Việt Nam thứ 175 trong 180 quốc gia về tự do
báo chí.
Điều đáng nói nhất đối với làng báo Việt Nam là nó
đã trở nên “khác biệt” so với hầu hết các nước chứng kiến tình trạng báo chí bị
ngược đãi, bởi “đặc điểm” rằng: không có nhà báo “chính thống” nào bị tù vì “tự
do bày tỏ chính kiến”, ngay trong thời điểm có vô số người bị xử những bản án
nghiệt ngã bởi bày tỏ chính kiến một cách tự do dù họ không là nhà báo. Cũng thật
trớ trêu khi không có nhà báo chính thức nào dám lên tiếng trước các vụ bắt bớ
những người nói thay cho mình hoặc nói thay người dân về những vấn đề dân chủ
và thậm chí những vấn đề liên quan trực tiếp đến tự do thông tin. Ký giả miền
Nam trước 1975 từng “đi ăn mày” để phản đối sự kiểm soát báo chí. Giới báo chí
ngày nay có những chọn lựa khác hơn “đi ăn mày”, dù họ biết thái độ đó mang lại
kết cuộc như thế nào cho xã hội lẫn quốc gia.
Trên Washington Post ngày 21-5-2018, (cố) ký giả
Jamal Khashoggi viết: “Liệu có cách nào khác cho chúng ta hay không? Liệu chúng
ta có phải chọn giữa rạp chiếu bóng và quyền công dân để có thể cất tiếng nói,
dù là ủng hộ hay chỉ trích những hành động của chính quyền? Chúng ta có nên chỉ
ton hót những lời bóng bẩy trước các quyết định của lãnh đạo, cái nhìn của ông ấy
về tương lai chúng ta, nhằm đổi lại quyền sống và sự đi lại tự do cho bản thân
và gia đình mình?”…
Tự do báo chí đôi khi không hẳn là “không gian” được
phép thể hiện. Tự do báo chí có khi là “khoảng cách” giữa “rạp chiếu phim” và
“quyền công dân” cùng với sự chọn lựa một trong hai này. Khó có thể có một nền
báo chí tự do khi mà nhà báo luôn chọn “rạp chiếu phim”. Không thể đòi hỏi có một
nền báo chí tự do khi mà nhà báo cúi đầu chấp nhận khước từ quyền tự do ngôn luận
của chính mình. Báo chí sẽ chẳng bao giờ có được sự độc lập và trung thực thông
tin, nếu nhà báo không dám “tự do” “đi ăn mày” nhưng sẵn sàng “tự do” “mài bút”
xu nịnh vuốt ve “các cụ”, để được thụ hưởng lợi ích kinh tế hoặc được “bảo kê”
trong các cuộc đấu đá phe nhóm chính trị.
No comments:
Post a Comment