Phải nói ngay là không có gì vui hết nếu bạn không
chuẩn bị tinh thần.
Từ ngày 11/10/2016 đến ngày 7/5/2017 có lẽ là thời
gian khó khăn nhất đối với gia đình và bạn bè bên ngoài khi không hề có tin tức
gì về Quỳnh.
Theo như lệnh tạm giam được tống đạt bởi Cơ quan
ANĐT (PA92) Ca tỉnh Khánh Hoà, Quỳnh sẽ bị tạm giam tại trại giam Sông
Lô.
Sau gần 8 tiếng làm việc tại trụ sở công an tỉnh số
80 Trần Phú, tối ngày 10/10/2016, Quỳnh được đưa vào trại tạm giam Sông Lô. Lúc
làm thủ tục nhập kho Quỳnh mới phát hiện ra đã bị mất 500 ngàn mang theo lúc
nào không biết.
Quỳnh được “đặc cách” ở chung buồng giam với Thuý Kiều
- phạm nhân thân tín với nữ quản giáo Bùi Thị Huyền.
Huyền rất “ưu ái” Quỳnh, xét đồ, kiểm người rất
nghiêm ngặt. Sau này Quỳnh mới phát hiện ra hình như Huyền có thú vui bệnh hoạn
khi xét người phạm nhân là phải vầy vò nắn bóp đủ kiểu hòng làm nhục người khác
thì mới ưng ý.
Ngay khi vừa bước vào buồng giam D31, Quỳnh nói tội
danh của Quỳnh là “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Quỳnh vào trại giam này là để
tìm em Nguyễn Hữu Quốc Duy, một người đã bị bắt oan, bị kết án 3 năm tù mà đến
giờ vẫn chưa được gặp mặt gia đình và luật sư.
Sáng sớm hôm sau, Điều tra viên Lê Quang Anh Văn vào
“đón” Quỳnh ra công an tỉnh ngồi xem họ lục lọi giấy tờ, xem hình trên thẻ nhớ
cả ngày. Đến chiều tối, thấy Phó phòng PA 92 Phan Bình Dương có mặt cùng 2 nữ
thực tập khác đưa Quỳnh đến một trại giam khác.
Vì say xe và quá mệt mỏi sau cả ngày làm việc, Quỳnh
bước xuống xe tù mà không còn định hướng được mình đang ở đâu. Lúc vào phòng
làm việc nhìn lên bảng phân công công tác mới biết nơi giam giữ mình kế tiếp là
trại tạm giam công an huyện Cam Lâm.
Đêm khuya, trời tối, Quỳnh được đưa vào buồng giam số
1 - dãy B, chung với một phạm nhân nữ khác. Cách buồng giam của Quỳnh ba buồng
là nơi giam giữ các phạm nhân đã có án (được gọi là tự giác).
Sự xuất hiện của Quỳnh cùng với sự hộ tống của 2 thực
tập sinh nữ, Phó Giám thị trại giam, hai công an viên là thắc mắc với tất cả
các bạn tù. Tội danh của Quỳnh cũng là tội quý hiếm ở trại này.
Khi biết mình bị cách ly, Quỳnh quyết định sẽ hoà nhập
với cuộc sống tù đày như một người đi để lắng nghe và chiêm nghiệm. Sau vài
ngày nhìn Quỳnh đầy nghi ngờ, cô em ở chung buồng giam đã bắt đầu tìm hiểu về
những việc Quỳnh làm, và hai chị em đã có rất nhiều chuyện để nói với nhau.
Vì mỗi ngày Quỳnh phải đi làm việc với cơ quan điều
tra, nên đối với các bạn nam ở dãy buồng giam đối diện Quỳnh luôn là điều lạ
lùng với các bạn.
Có một lần các bạn nói chuyện với nhau qua “ô đài”
(ô thông gió trên cửa buồng giam cỡ bằng quyển vở học sinh) Quỳnh nghe được như
sau:
- Ê bên đó có hai đứa con gái, sao chỉ thấy có một đứa
đi ra ngoài hoài vậy ta?! Con nhỏ tóc nâu nâu mặc quần cam, nó tội gì mà ngày
nào đi cung cũng thấy nó cười cười nói nói với cán bộ. Chắc nó là “hàng gửi”!
Để tránh bị phiền phức, khi ai hỏi đến Quỳnh, những
người tù tự giác trả lời án Quỳnh là án “khó nói”. Chính vì mập mờ như vậy, sự
tò mò của người khác càng tăng lên.
Và Quỳnh đã có người để ý trong những lần đi ra đi
vào như vậy!
Trong tù không có gì vui, nên mọi người đều cố gắng
tạo niềm vui, an ủi tinh thần nhau bất cứ lúc nào có thể.
Có một cậu nhỏ, thường xuyên gọi buồng giam số 1, nhờ
cô em ở chung làm mai Quỳnh cho cậu nhỏ đó. Quỳnh còn nhớ, “Bé” (tên Quỳnh đặt
cho cậu nhỏ này) đã luôn miệng nói:
- Chị Quỳnh ơi, ở bên đó chị phải cố gắng lên, chị đừng
suy nghĩ nhiều, ráng ăn uống cho có sức khoẻ, lúc nào chị buồn chị kêu em hát
cho chị nghe nha!
Bé là người đã “làm mai” bạn Nai cho Quỳnh sau khi
giới thiệu:
- Chị nói chuyện với ông anh em đi. Ổng hiền lắm,
nai lắm, ổng thầm thương trộm nhớ chị lâu rồi!
Cứ như vậy, mỗi ngày chừng 5-10 phút, hết Bé, rồi
Nai, Hươu, Trọc, Thành... cứ an ủi Quỳnh bằng những câu bông đùa, những bài hát
với hy vọng có thể giúp Quỳnh cười mỗi ngày.
Các bạn đâu có biết, Quỳnh cũng nghĩ cách bảo vệ các
bạn khỏi những trận đòn, những lời mắng nhiếc của công an Cao Văn Lâm, Nguyễn
Quang Tuyên mỗi ngày.
Quỳnh còn nhớ, một đêm sau khi uống say, Cao Văn Lâm
kéo thêm mấy công an nghĩa vụ khác vào thị uy. Quỳnh im lặng đứng nghe hết. Hôm
sau Quỳnh ra hỏi ngay Phan Bình Dương:
- Tại sao vô tới đây rồi mà công an còn đánh người?!
- Tụi nó lì quá nên đánh chứ gì?! Mày vô đây rồi mày
làm ơn giùm anh đi Quỳnh, đừng lo chuyện bao đồng nữa!
Quỳnh không cãi.
Nhưng lần sau, khi Nguyễn Quang Tuyên đánh nghi phạm
nam bên khu A, Quỳnh đã đá cửa.
Đá cửa buồng giam là một trọng tội và sẽ bị phạt,
nhưng hôm đó khi đang mắng chửi và tát tai người khác, Tuyên đã dừng lại. Một
công an nghĩa vụ khác hỏi:
- Chuyện gì vậy chị Quỳnh, sao lại đá cửa?! Sao giờ
này chưa ngủ?!
Quỳnh và em kia im lặng nhìn nhau. Và công an cũng
im lặng đi ra không đánh phạm nữa!
Trong tù không có gì vui, nhưng Quỳnh không buồn vì
Quỳnh cố học cách lắng nghe và bảo vệ người khác, giúp họ biết họ có quyền con
người và không ai được phép đánh đập họ dù bất kỳ lý do nào.
Quỳnh không thể nói về quyền con người như đang viết
blog nhưng Quỳnh đã sống và thể hiện quyền của mình ngay trong trại giam để người
khác có thể nhìn theo.
Trại giam Cam Lâm, nơi Quỳnh bị đối xử phân biệt, phải
mua đồ dùng với giá gấp 3-5 lần bên ngoài. Có tiền không mua được gì ngoài xà
bông giặt, nước rửa chén, mì gói và cà phê.
Trại giam Cam Lâm, nơi Quỳnh không được phát băng vệ
sinh theo tiêu chuẩn công khai của nhà nước, không thể mua băng vệ sinh dù có
tiền lưu ký.
Trại giam Cam Lâm, nơi Quỳnh phải khổ sở vì sống
chung với ổ kiến lửa bò khắp phòng suốt mây tháng trời và bọ xít bay vù vù hàng
đêm khiến Quỳnh không dám ngủ.
Trại giam Cam Lâm với món canh mồng tơi và cá nục thần
thánh khiến bạn Lụi phải làm thơ.
Họ không thể nào tước đi niềm vui và nụ cười của Quỳnh
khi các bạn khác luôn bảo bọc Quỳnh theo cách của họ.
Cam Lâm là nơi Quỳnh phát hiện ra có một người gọi
“Quỳnh ơi!” tha thiết nhất trên trái đất này.
Cam Lâm là nơi mà có người sẵn sàng an ủi Quỳnh “mọi
chuyện buồn rồi sẽ qua thôi khi có anh ở đây rồi” dù chẳng biết Quỳnh là ai và
sẽ ra sao.
Cam Lâm là nơi Quỳnh đã nghe, đã thấy rõ hơn thủ đoạn
tàn nhẫn của các điều tra viên và cách thức làm ra tiền trong trại giam.
Vì vậy, nếu đã biết trong tù không có gì vui, chúng
ta sẽ học được cách tạo niềm vui và chia sẻ niềm vui với người xung quanh để
giúp nhau có thêm niềm tin trong cuộc sống.
Cam Lâm dù muốn hay không cũng là nơi Quỳnh bắt đầu
thực hành quyền con người với cộng đồng và đã có những người bạn đồng hành!
No comments:
Post a Comment