Thụy My – RFI
Đăng ngày 12-12-2018
Les
Echos hôm
nay 12/12/2018 trong bài viết mang tựa đề « Chiến tranh thương mại : Bắc
Kinh sẵn sàng nhượng bộ », cho rằng Trung Quốc có thể giảm mức thuế đánh
vào xe hơi Mỹ, và sửa đổi một ít trong kế hoạch « Made in China 2025 ».
Thép ống xuất khẩu chồng chất tại Liên Vân Cảng (Lianyungang), tỉnh Giang
Tô (Jiangsu) ngày 08/12/2018. Mặt hàng thép của Trung Quốc bị Mỹ và châu Âu tố
cáo là bán phá giá vì sản xuất thừa.REUTERS/Stringer
Tờ báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho
biết Bắc Kinh có thể giảm thuế cho xe hơi Mỹ nhập khẩu từ 40% còn 15%. Phó thủ
tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) dường như đã thông báo điều này cho đại diện
thương mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin tối thứ
Hai. Trong vòng thương lượng mới, Trung Quốc có thể đề nghị nhập thêm hàng Mỹ,
nhất là nông sản, và có những thay đổi trong chính sách kinh tế.
Bắc Kinh sẵn sàng sửa đổi kế hoạch « Made in
China 2025 » - tập trung vào các lãnh vực mũi nhọn như tự động hóa,
trí tuệ nhân tạo – vốn là một trong những điểm chính gây căng thẳng giữa hai nước.
Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc cạnh tranh bất chính và đánh cắp sở hữu
trí tuệ, và Washington có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện những thay đổi này
càng sớm càng tốt.
Tuy vậy phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận những
thông tin trên, bộ trưởng Thương Mại nước này chỉ nói chung chung là cuộc đàm
phán nhằm « tiến nhanh sang giai đoạn mới, đưa ra một lộ trình ». Hãng
tin Bloomberg hôm qua nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa quyết định dứt khoát. Lưu Hạc
sẽ sang Mỹ sau Tết dương lịch.
Các nhà quan sát tỏ ra thận trọng, vì đã nhiều lần,
mỗi khi đôi bên tiến gần được một thỏa thuận, Bắc Kinh nói rằng sẽ nhượng bộ,
nhưng trên thực tế chẳng có hành động gì cụ thể. Tổng thống Donald Trump khi trở
về từ hội nghị G20 ở Buenos Aires cũng đã loan báo việc Trung Quốc giảm thuế
cho xe hơi Mỹ, nhưng trong ván bài xì phé này, cũng không loại trừ một sự quay
ngoắt lại.
Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh thấm
đòn
Trong bài « Tăng trưởng : Chờ đợi xung quanh
các biện pháp của Trung Quốc », Les Echos nhận định để bù đắp những
thiệt hại trong chiến tranh thương mại, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục tái thúc đẩy
nền kinh tế, và như vậy sẽ tạo tác động tích cực lên tăng trưởng của thế giới.
Lần đầu tiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10
không dự báo tăng trưởng, mà là…sụt giảm 3,7% cho năm nay và năm tới. Những bất
định địa chính trị, thương chiến Mỹ-Trung, những xáo trộn tại một số nước đang
phát triển đã khiến ngoại thương, sản xuất và đầu tư sụt giảm trên thế giới.
Hiện nay,
trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn. Theo các nhà kinh tế của Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang
giai đoạn ba (tăng 25% thuế lên 267 tỉ đô la hàng Trung Quốc), Bắc Kinh có thể
mất đến 1,2% GDB trong năm 2019, còn Mỹ cao lắm chỉ thiệt 0,2 đến 0,3% GDB.
Do vậy ông Donald Trump ít có lý do để nhẹ tay. Đó
cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc vội vã thỏa thuận hưu chiến với Hoa Kỳ tại
G20, quay lại bàn đàm phán, cho dù đã lãnh một cái tát là vụ bắt giữ bà Mạnh
Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Kinh tế gia trưởng của Candriam, ông Anton Brender
nhận định : « Bắc Kinh đã bị tấn công vào thời điểm tệ hại nhất, lúc họ
vừa mới ngăn chận được đà tăng nợ công và bắt đầu kiểm soát tín dụng đen. Trung
Quốc không còn cách nào khác hơn là đành để cho nợ công lại tăng cao ».
Linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, giảm tỉ lệ dự
trữ bắt buộc cho các ngân hàng, giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân…những biện
pháp này, theo Mathilde Lemoine, kinh tế gia trưởng của Edmond de Rothschild,
không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc mà cả cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việc Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến giá nguyên vật liệu và sản
xuất công nghiệp thế giới.
Một cuộc chiến kỳ lạ
Ở một góc nhìn khác, tác giả Philippe Escande trên Le
Monde nhận định « Thương chiến Mỹ-Trung, một cuộc chiến kỳ lạ
».
Trong lúc Bắc Kinh kịch liệt phản đối vụ bắt giữ
lãnh đạo Hoa Vi, thì tòa án Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến lại đứng ra xử vụ
kiện giữa nhà sản xuất chip điện tử Qualcomm và tập đoàn Apple, cả hai tập đoàn
công nghệ hàng đầu Mỹ đều có trụ sở ở California. Tòa đã cấm Apple bán hầu hết các
loại iPhone tại Trung Quốc. Thật
là kỳ dị khi kẻ thù được mời đứng ra phân xử vụ tranh chấp giữa hai vị tướng !
Có thể phê phán hai tập đoàn Mỹ chẳng có mấy tinh thần
ái quốc. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Cả Qualcomm và Apple đều sản xuất chủ yếu
tại Hoa lục, và số phận của họ cũng gắn với số phận của Trung Quốc.
Thái Lan : Dân chủ giả tạo
Còn tại Đông Nam Á, tập đoàn quân sự cầm quyền Thái
Lan hôm qua đã loan báo tổng tuyển cử vào ngày 24/02/2019, và lần đầu tiên sau
bốn năm cấm đoán mọi hoạt động chính trị, đã cho phép các đảng vận động tranh cử.
Tuy nhiên La Croix nhận xét đây chỉ là « dân chủ giả tạo
».
Trên thực tế, các đảng chính trị chỉ có hai tháng để
vận động. Khoảng mấy chục đảng mới thành lập như đảng Dân Chủ Siam, đảng vì
Đoàn kết Thái Lan…có các thành viên hầu hết là chưa bao giờ tham gia hoạt động
chính trị, xuất thân từ giới kinh doanh hay trường đại học. Trong khi gần 20
năm qua, chính trường Thái Lan do đảng Puea Thai thống trị, luôn chiến thắng
trong tất cả các cuộc bầu cử.
Puea Thai ngày nay yếu kém đi rất nhiều, do các
khuôn mặt hàng đầu như bà Yingluck Shinawatra và người anh là Thaksin đã phải
lưu vong. Đối lập không đoàn kết, còn các đảng thân chính phủ đã có thời gian
dài tìm cách chinh phục cử tri. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ nhiều tháng qua
đã đi vận động tại các tỉnh nông nghiệp xưa nay là thành trì của phe Áo Đỏ vốn ủng
hộ Thaksin.
« Áo Vàng » : Tựa chính báo Pháp
Cuộc khủng hoảng Áo Vàng (Gilets Jaunes) vẫn chiếm
trang nhất các báo Pháp hôm nay 12/12/2018. Le Monde chạy tựa «
10 tỉ euro để dập tắt khủng hoảng ». « Sức mua : Chính phủ đào sâu thêm thâm hụt
» - tít trang nhất của Le Figaro, nhấn mạnh thâm thủng
ngân sách có thể vượt quá giới hạn 3% GDB. Theo Les Echos, tỉ
lệ này tối thiểu là 3,9% trong năm 2019, và đa số cầm quyền muốn đánh thuế các
đại công ty để bù vào, chạy tựa « Áo Vàng : Chính quyền cố hạn chế chi
phí ».
La Croix đặt vấn đề «
Áo Vàng : Những người giàu có thể đóng góp thêm hay không ». Tổng thống
Emmanuel Macron khẳng định sẽ yêu cầu các đại công ty và những người giàu nhất
chịu khó nỗ lực thêm một chút. Libération « Quay lại với sự lăng nhục ở
Mante-la-Jolie », khi các học sinh bị cảnh sát buộc quỳ gối, giơ tay
lên đầu để dễ kiểm soát, lý giải do lực lượng an ninh quá mỏng, thiếu kinh nghiệm
trong bối cảnh tình hình hỗn loạn.
« Áo Vàng », hãy biết dừng lại !
Xã luận của Les Echos kêu gọi «
Hãy biết dừng lại ! ». Theo tờ báo, một khi bình tĩnh, biết lắng nghe
lý lẽ, thì các cuộc tranh luận mới có thể bắt đầu.
Bạo động đã được đền đáp, thì tại sao lại ngưng ?
Đương nhiên là một số Áo Vàng say men chiến thắng, trước sức mạnh truyền thông
bất ngờ, và tình liên đới mới mẻ, đang mơ đến « Hồi V ».
Trong vài tuần qua, « Áo Vàng » đã
trở thành phong vũ biểu cho đời sống dân chủ Pháp, với sự trợ giúp của một số phương
tiện truyền thống, mà theo Les Echos là một sự biến tướng đáng
buồn. Tờ báo bực tức hỏi, từ khi nào mà phát ngôn của các đại diện cho quốc gia
lại bị đặt ngang hàng với một « Áo Vàng » ? « Áo Vàng
» nhân danh ai ? Một nhóm trên WhatsApp không phải là nghiệp đoàn hay
đảng phái, lại càng không phải là toàn thể nhân dân. Les Echos cho
rằng, khi các nhóm nhỏ nhân danh dân tộc, thì chính dân tộc đang gặp nguy hiểm.
Trong khi đó, nước Pháp hàng năm vẫn tái phân phối
phân nửa số nguồn lực sản sinh, không có quốc gia nào có thể làm tốt hơn thế.
Bây giờ là lúc để nhận ra điều đó và tấn công vào cội rễ của cái xấu : chi tiêu
công quá cao và kém hiệu quả.
Giới trung lưu thiệt thòi trong hệ thống
Nhà nước phúc lợi Pháp
Tác giả Denis Olivennes trên trang Ý kiến của Le
Figaro phân tích : « Nhà nước phúc lợi (État providence) : Các
nguyên nhân của vận rủi Pháp ». Nước Pháp là một đất nước nhiều công bằng
xã hội hơn đa số nước khác, nhưng người Pháp vẫn không hài lòng. Nghịch lý ấy
là do hệ thống tái phân phối gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu.
Nước Pháp đứng hàng thứ nhì trong số 28 nước Liên Hiệp
Châu Âu (EU) về mức sống trung bình của người dân, chỉ sau Luxembourg. Pháp
cũng nằm trong top các nước có khoảng cách giàu nghèo thấp, trong suốt 20 năm
qua. Sức mua chỉ sụt giảm có ba lần trong vòng 60 năm, và kể từ 1970, mức sống
bình quân của 10% hộ nghèo nhất đã tăng lên 20%. Tỉ lệ hộ nghèo của Pháp
cũng thấp nhất châu Âu, chỉ sau Đan Mạch và Cộng hòa Sec. Số thuế thu nhập mà
1% các gia đình giàu nhất phải đóng chiếm đến 25% tổng số thuế cả nước.
Vì sao mà một quốc gia chi tiêu công nhiều nhất thế
giới (chiếm 57% GDB) lại không thể làm hài lòng các công dân ?
Vấn đề là hệ thống Pháp tập trung vào thu nhập từ
lao động : 52%, so với mức bình quân của EU là 39%, gây bất bình cho những người
đang làm việc. Hệ thống tái phân phối làm giới trung lưu bị thiệt thòi. Nếu người
nghèo đóng góp ít hơn so với các loại trợ cấp nhận được, thì từ nhiều thập kỷ
qua, giai cấp trung lưu bị đánh thuế nặng, ít được hưởng phúc lợi xã hội.
Theo tác giả, bên cạnh những biện pháp khẩn cấp vừa
được tổng thống Macron loan báo, cần đặt giai cấp trung lưu vào trung tâm chính
sách của nhà nước. Nghịch lý ở đây là như vậy, càng phải gia tăng khuynh hướng
của Macron xưa nay nhằm kích thích tăng trưởng. Nên chăng làm việc lâu hơn và
nhiều hơn, đặt mức trần cho một số trợ cấp y tế, hưu trí, thất nghiệp…Nhưng liệu
người Pháp có muốn làm cuộc cách mạng này hay không ?
No comments:
Post a Comment