Friday, 7 December 2018

TẬP - TRUMP HƯU CHIẾN NHƯNG KHÔNG MUỐN HÒA BÌNH (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 07-12-2018

Ngày 01/12/2018, tại Buenos Aires, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc cho biết tạm ngưng leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, theo cây bút xã luận của Le Monde (07/12/2018), nhà báo Alain Frachon, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh còn xa mới có « hòa bình ». Và vụ bắt giữ nhân vật số hai của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc tại Canada là một bằng chứng cụ thể.

Đầu tiên hết tác giả nhận xét : Mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế sẽ kiến tạo nên thời đại. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng chưa từng thấy, cho dù là cuộc đối đầu đã được kiểm soát và hiện tại đang ôn hòa. Tại Achentina, Donald Trump và Tập Cận Bình cùng quyết định tạm ngưng cuộc chiến, đưa ra thời hạn 90 ngày để định ra một khung mới cho mối quan hệ kinh tế đôi bên.

Thế nhưng, theo tác giả, cuộc chiến này không chỉ đơn giản mang tính chất tài chính, bảo hộ mậu dịch mà thực chất còn là một cuộc đối đầu về cơ cấu. Để giải thích cho nhận định này, Alain Frachon trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng danh sách dài các hạng mục Washington yêu cầu Bắc Kinh thay đổi thái độ tác động đến « chính bản chất của hệ thống kinh tế Trung Quốc ».

Theo đó, Trung Quốc phải từ bỏ việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, bảo đảm tôn trọng tác quyền trí tuệ, cam kết chấm dứt gián điệp mạng, từ bỏ hoàn toàn chính sách bảo hộ kinh tế, chấm dứt chính sách tài trợ công khai hay trá hình nhằm hình thành các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực công nghệ tương lai, bằng không Hoa Kỳ sẽ lại mở cuộc chiến kinh tế vô giới hạn chống lại Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra : « Liệu rằng Trung Quốc có sẵn sàng thay đổi mô hình phát triển kinh tế trong vòng 90 ngày tới ? ». Chuyên gia về Trung Quốc, Darek Scissors, trên Financial Times khẳng định rằng « Không ». Bởi vì « cả Tập Cận Bình lẫn đảng Cộng sản Trung Quốc đều không có khả năng đáp ứng mối bận tâm cơ bản của Hoa Kỳ : Làm sao tìm được một sự hòa hợp với nền kinh tế Trung Quốc vốn dĩ đi theo mô hình nhà nước », theo như nhận xét trên tạp chí Foreign Affairs của chiến lược gia Ely Ratner, từng là cố vấn cho cựu phó tổng thống Joe Biden.

Sự đối đầu không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh sự trỗi dậy kinh tế, Trung Quốc còn cạnh tranh với Hoa Kỳ trong lĩnh vực chính trị và chiến lược tại vùng châu Á - Thái Bình Dương. Sự phụ thuộc lẫn nhau vào kinh tế không ngăn cản được cuộc đối đầu đang diễn ra.
Do vậy, theo quan điểm của ông Ivan Krastnev, một nhà tiên đoán chính trị học người Bulgari trong một bài viết đăng trên New York Times : « Việc cạnh tranh với Trung Quốc đã trở thành nguyên tắc tổ chức duy nhất cho chính sách đối ngoại của Mỹ ».

Tóm lại, « Tập và Trump, khởi đầu điệu nhảy tango », tác giả hóm hỉnh đề tựa nhận xét, bởi vì, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Buenos Aires chỉ là một cuộc « đình chiến », đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn lịch sử trong quan hệ Mỹ - Trung, giai đoạn « ảo ảnh Trung Quốc ».

Tác giả trích nhận xét của nhà xã luận, cựu ngoại giao Mỹ, ông Tony Corn, cho rằng không như những gì nhiều cựu lãnh đạo Hoa Kỳ, từ Kissinger, Reagan, Bush cho đến Bill Clinton từng nghĩ, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế đã không dẫn đến việc tự do hóa chính trị cũng như là hình thành một đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Ảo ảnh một khối G2 đã tan thành mây khói và nhường chỗ cho nỗi sợ một đối thủ.

Hoa Vi : Nạn nhân mới của cuộc chiến Mỹ - Trung
Bằng chứng mới nhất cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ mới bắt đầu chính là thông báo bắt giữ nhân vật số hai của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc và đứng hàng thứ hai trên thế giới. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của nhiều nhật báo Pháp hôm nay.

« Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sau vụ bắt giữ nữ lãnh đạo Hoa Vi », « Leo thang căng thẳng giữa Hoa Vi và Washington », « Hoa Vi ngay giữa căng thẳng Trung - Mỹ » là tựa đề các bài viết trên Le Monde, Les Echos và La Croix.

Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính và là con gái nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) bị bắt hôm thứ Bảy 01/12/2018 tại Vancouver khi quá cảnh tại đây, theo yêu cầu của tư pháp Hoa Kỳ. Nhưng mãi đến thứ Năm 06/12, vụ việc mới được loan báo.

« Một cú sét đánh dành cho Hoa Vi », hay vụ việc « đe dọa hưu chiến thương mại mong manh giữa Bắc Kinh và Washington » là những nhận định chung của các nhật báo. Tư pháp Canada không cho biết rõ động cơ của vụ bắt giữ, nhưng theo báo chí Pháp, chính quyền Washington nghi ngờ bà Mạnh Vãn Châu đã vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Iran.

Tờ Wall Street Journal hồi tháng 4/2018 đã loan tin là từ năm 2016, tư pháp Hoa Kỳ đã điều tra Hoa Vi, nghi ngờ nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông Trung Quốc cung cấp các thiết bị của Mỹ cho hãng viễn thông chính của Iran bất chấp lệnh cấm vận.

Hoa Vi : Con ngựa thành « Troy » của Trung Quốc ?
Le Figaro trong một bài viết có tựa đề « Hoa Vi, một tập đoàn khiến Mỹ lo ngại » còn đưa ra lập luận khác. Hoa Kỳ, cũng như một số nước đồng minh của Mỹ ngày càng tỏ thái độ ngờ vực tập đoàn viễn thông tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Những nước này lo ngại về mối quan hệ quá gần gũi giữa Hoa Vi với quân đội và chính phủ Trung Quốc.

Mọi chỉ trích nhắm vào ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), nhà sáng lập tập đoàn, cha của bà Mạnh Vãn Châu. Ông Nhậm Chính Phi từng là kỹ sư thiết kế mạng lưới viễn thông cho quân đội Trung Quốc trong vòng 10 năm. Ông rời quân đội năm 1983, rồi thành lập doanh nghiệp riêng của mình bốn năm sau đó.

Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã được thượng nghị sĩ Ben Sasse hoan nghênh cho rằng doanh nghiệp này đe dọa « an ninh quốc gia ». Theo thượng nghị sĩ, « hành động gây hấn của Trung Quốc » đôi khi còn được thực hiện bởi chính các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Sự việc cho thấy đây chỉ là một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Tổng thống Donald Trump tự cho mình có nhiệm vụ « tống khứ » ra khỏi lãnh thổ các nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông Trung Quốc. Ông cho rằng những hãng này dường như đã sử dụng các mạng lưới viễn thông để dọ thám quân đội và doanh nghiệp Mỹ.

Vẫn theo Le Figaro, Hoa Vi và ZTE hiện bị cấm cung cấp mạng 5G tại Mỹ. Thậm chí Hoa Kỳ còn cấm bán điện thoại thông minh Hoa Vi tại các cửa hiệu trong các căn cứ quân sự Mỹ. Tổng thống Trump cũng tập hợp được một số đồng minh thân cận theo chân Mỹ chống lại Hoa Vi.

*
Trang nhất các báo Pháp : Cuộc nổi dậy « Áo Vàng »
Phong trào phản đối đời sống đắt đỏ « Áo Vàng » tại Pháp chiếm lĩnh các trang báo lớn của Pháp. Ngày mai, thứ Bảy 08/12/2018, những người « Áo Vàng » tiếp tục xuống đường, bất chấp việc chính phủ đã lùi bước. Không những thế, cuộc tuần hành tại Paris còn có sự tham gia của sinh viên, học sinh phản đối chính sách cải cách giáo dục. Nỗi lo bạo động dường như là cơn ác mộng cho chính phủ.

« Macron kêu gọi trợ giúp trước nguy cơ xảy ra bạo động » là hàng tít lớn trên trang nhất Le Monde. Tổng thống Pháp hôm thứ Tư 05/12 đã đề nghị các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn cũng như là giới chủ lên tiếng « kêu gọi người biểu tình bình tĩnh ». Ông e ngại bạo động lớn lại xảy ra trong cuộc biểu tình ngày mai.

Để trấn an những người phản đối, tổng thống « Macron còn mời gọi các doanh nghiệp nên trả tiền thưởng cuối năm sớm cho người lao động », theo như thông báo của Les Echos. Và khoản tiền thưởng này, theo như khẳng định của bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire hôm thứ Năm 06/12, sẽ không bị đánh thuế, theo mô hình đã từng được thực hiện dưới thời cựu tổng thống Sarkozy.

Le Figaro tập trung « điều tra về sự trượt đà bạo lực của phe Áo Vàng ». Các phe cực đoan tìm cách lợi dụng tình trạng hỗn loạn do phong trào gây ra. Bất chấp lời kêu gọi của phát ngôn viên phe Áo Vàng, một bộ phận người biểu tình dường như chỉ muốn ngheo theo « cơn phẫn nộ » của chính mình và đe dọa có những hành động cực đoan.

Trong bối cảnh này, « lực lượng an ninh đang chuẩn bị với tình huống tồi tệ nhất », như nhận xét của La Croix. Bộ Nội Vụ thông báo triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu với hy vọng dập tắt ngay từ đầu mọi mầm mống bạo động.

Về điểm này, Libération trên trang nhất lưu ý « Vòng xoáy bạo lực ». Nhật báo thiên tả trong bài xã luận cảnh báo lạm dụng bạo lực là « một con dao hai lưỡi ». Lịch sử nước Pháp luôn nhắc lại rằng mọi hành vi bạo lực quá khích và quá độ đều dẫn đến kết cuộc bi thảm và phản tác dụng.

Bạo lực càng kéo dài, sự ủng hộ của người dân càng suy giảm. Ví dụ điển hình là cuộc nổi dậy năm 1968. Các cuộc bạo động liên tục đã làm thay đổi quan điểm của người dân Pháp đi từ ủng hộ sang phản đối, với hệ quả là phe hữu đã có được một đa số tuyệt đối chưa từng thấy và không thể nào tìm lại được vào tháng Sáu cùng năm. Do vậy, Libération nhắc nhở « bạo động là một vũ khí chính trị hai lưỡi ».

*
Ammoniac : Một nguồn gây ô nhiễm bị đánh giá thấp
Cuối cùng trong mục Hành tinh, Le Monde cảnh báo tác hại của việc chăn nuôi tăng cường. Đây cũng chính là một nguồn gây ô nhiễm có hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

« Ammoniac : một nguồn ô nhiễm bị đánh giá thấp », đây chính là kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 05/12. Theo các nhà khoa học, thành phần hóa học này phát ra từ phân động vật nuôi và phân bón có chứa chất azote có một vai trò quan trọng trong việc hình thành phân tử cực nhỏ PM 2,5. Đây là loại phân tử nguy hiểm nhất cho sức khỏe vì chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Lượng khí ammoniac dư thừa quá mức trong môi trường góp phần  làm axit hóa hệ thống sinh thái cũng như làm biến đổi khí hậu.






No comments:

Post a Comment

View My Stats