Monday, 24 December 2018

PARIS CÓ GÌ LẠ ? / Phần 2 (Từ Thức)





Trong một phút cao hứng, tôi viết vài dòng về Paris, không ngờ được nhiều bạn chú ý. Phải vội vàng bổ túc vài điểm, không phải cho đầy đủ ( đã có hàng ngàn cuốn sách viết về Paris, chưa có cuốn nào đầy đủ ), nhưng để tránh hiểu lầm :

1 . Đây chỉ là một bài tào lao, bàn chơi về một góc cạnh của Paris ( homeless, móc túi..), không phải một bài nói về Paris. Paris không phải chỉ có những chuyện đó.

Khi đề cập tới một khiá cạnh, người ở xa dễ hiểu lầm. Khi coi TV về Áo vàng, một bà bạn ở Mỹ hỏi : anh có an toàn không ? Tôi vẫn sống nhăn, vẫn xuống đường uống café không cần mặc áo giáp, đeo mũ an toàn. Gilets Jaunes chỉ làm rầm rộ vài góc phố, không phải cả nước Pháp đang máu lửa ngập trời. 

Paris không phai chi có homeless, pick-pocket .. Đó vẫn còn là một trong 2, 3 thành phố đẹp nhất thế giới, nếu không, đã không có 8o triệu du khách mỗi năm tới Pháp, trên 30 triệu tới Paris.

2 .Như nhiều bạn đã nhận xét, với số du khách đông đảo, với di dân, Paris không còn là thành phố của người Pháp, mà là thành phố của mọi người. Cái lộn xộn khó tránh được, nhất là khi cảnh sát không có toàn quyền, làm gì cũng phải để ý tới phản ứng của dân, của báo chí, các đảng phái , các hội đoàn nhân quyền.

Chuyện đó cũng tương đối. Lộn xộn so với những thành phố như Tokyo, Genève, Singapour.. , nhưng an toàn, sạch sẽ hơn các thành phố khác. Muốn nói gì, nghĩ gì, nếu ở lâu, sẽ thấy Paris có cái ‘’ charme ‘’ ít nơi có. Nếu không nói không đâu có.

3. Chuyện phân chó :
Ngày nay đã giảm rất nhiều, hầu như không còn ở nhiều khu, vì Paris đã có những đội ngũ lo chuyện đó, kể cả việc biên phạt . 

Đừng tưởng tượng Paris phân chó, rác rưởi ngập đường.

Ở Paris mấy chục năm, chưa bao giờ tôi dẵm phải phân chó, mặc dù nhiều khi ‘’ vừa đi vừa ngước nhìn ‘’ ( tựa một cuốn tiểu thuyết của Trùng Dương, trước 75 )

Sự thực, chuyện phân chó cũng không khó tránh khỏi, khi người ta biết dân Pháp thích gia súc, số gia súc ngang với dân số ( 66 triệu ), trong đó có 13 triệu chó, 7 triệu mèo. Kỹ nghệ, dịch vụ liên hệ tới chó, mèo dùng 12.000 nhân công, với con số thâu nhập ( chiffres d’affaire ) hàng năm khổng lồ : trên 6 tỉ euros thực phẩm gia súc, gần 5 tỉ các dịch vụ khác. Mỗi năm trung bình, nuôi một con chó tốn 800 Euros ( khoảng 900 dollars ), một con mèo 600, kê cả tiền bác sĩ thú y.

4. Như đã nói, nếu có cơ hội, các bạn nên tới các thành phố nhỏ, sẽ thấy khuôn mặt khác của nước Pháp, khác hẳn Paris.

5. Tóm lại, nếu những chuyện homeless, pick-pocket..có thực, Paris vẫn là nơi nên thăm viếng.

6 . Nếu bạn trẻ hỏi ý kiến về chuyện du lịch, tôi khuyên vài điều :

- nên tránh các tours 7 ngày 7 nước, 3 ngày 3 thành phố. Du lịch kiểu đó chỉ tốn tiền, mệt xác. Ngồi nhà, coi vidéo du lịch sướng hơn

- nên tránh đàn đúm với nhau ở các khu Tàu, nơi nào cũng giống nhau. Ở đâu cũng cùng một món ăn, dầu, mỡ, xì dầu đen thui . Hãy thử các món ăn địa phương. Du lịch là để khám phá, không phải để sống như ở nhà.

- hãy đọc tài liệu về các nơi sắp tới. Nếu hiểu qua về lịch sử, văn hoá, cái nhìn sẽ khác hẳn. Ở những thành phố cổ kính, được bao trì chu đáo như Âu Châu, mỗi viên đá là một di tích, mỗi góc đường là một bảo tàng viện.

CONCORDE
Một thí dụ : Với du khách, place de la Concorde ( photo ) chỉ là công trường rộng nhất Paris, với vài hồ nước, với tháp bút ( obélisque ) như cây bút chì bằng đá khổng lồ, nhìn thấy từ xa.

Nếu chịu khó tìm hiểu, bạn sẽ biết tượng trên các hồ nước là tượng trưng cho sông hồ Pháp. Obélisque, quà của vua Ai Cập, chở từ Ai Cập về, nhắc nhở thời đại huy hoàng, chinh phục cả thế giới của nước Pháp.

Bạn sẽ biết công trường đó là nơi đặt máy chém thời Cách Mạng 1789, nơi hành quyết vua Louis 16, hoàng hậu Marie Antoinette. Trong số gần 2500 người bị chém đầu ở Paris ( trên 10.000 trên toàn quốc ), 1119 người bị hành quyết ở Concorde.

Ngay cả cái tên công trường cũng đầy ý nghĩa, đủ cho bạn sống lại với lịch sử. 

Ra đời từ thế kỷ 18, công trường có tên là Louis 15, để vinh danh vua. Sau 1789 ( đúng hơn, 1792 ), trở thành công trường Cách Mạng, Place de la Révolution. 

Khi quân chủ phục hưng, công trường lại mang tên Louis 16 để tưởng niệm ông vua đã bị hành quyết.

Mỗi lần có thay đổi chính trị, ‘’ phe thắng cuộc ‘’ không quên thay tên công trường lớn nhất, nằm ở trung tâm Paris. 

Sau này, để tránh chuyện đó, để bớt xâu xé nhau, người ta đổi thành Place de la Concorde ( Công trường Nhất trí, Hoà giải ), và cái tên '' hoà giải, hoà hợp dân tộc '' đó tồn tại tới ngày nay, và chắc sẽ không có ai muốn hay dám sửa đổi nữa .

Ngay cả những bức tượng trang trí trên công trường cũng thay đổi tùy theo khuynh hướng chính trị của phe cầm quyền. Obélisque Ai Cập được sự đồng thuận, đứng vững, vì nó không tượng trưng cho phe phái nào, chỉ nói lên một quá khứ huy hoàng của nước Pháp.

Riêng chuyện kéo cái obélisque nặng 230 tấn từ Ai Cập về, dựng lên ở Công trưòng, ở thời đại kỹ thuật còn sơ sài, giao thông còn chông gai ( 1830- 38 ) cũng đã là một kỳ công, hấp dẫn như một cuốn phim mạo hiểm.

Bạn đứng đó, tại công trường Concorde. Trước mặt là Khải Hoàn Môn, nơi Napoléon đón quân chiến thắng, nơi dân Paris chào mừng ngày Giải phóng khỏi Đức Quốc Xã. Bên phải là nhờ thờ Madeleine, một dấu tích văn hóa. Bên trái là quốc hội,tiêu biểu cho công cuộc đi tìm dân chủ của dân Pháp. 

Bạn sẽ không thấy những ngôi nhà, những dinh thự, mà sống lại với những trang lịch sử.

McDONALD'S
Bạn trẻ.
Nếu bạn chịu khó tìm hiểu trưóc khi du lịch, bạn sẽ nhìn các nơi đi qua với một con mắt khác. 

Sẽ thấy thăm viếng một công trường, một di tích lịch sử thú vị hơn là bay hàng chục ngàn cây số để làm shopping, chụp vội vài tấm hình, rồi hẹn nhau ăn mì vịt tẩm hoá chất ở một tiệm Tàu hôi hám trong Chinatown.

Nếu trau dồi kiến thức trước khi du lịch, bạn sẽ thấy du lịch rất đáng đồng tiền bát gạo. Sẽ có thể đứng cả buổi trước một ngôi nhà cổ. Sẽ không nghĩ như một ông gần đây viết trên báo An Nam : tưởng gì, nhà ở Paris, La Mã không cao bằng cao ốc ở Thượng Hải, tiệm ăn Maxim, tiệm café Les Deux Magots không bằng một góc Mc Donald's ở Chicago. 

Mở một dấu ngoặc : nhà, dinh thự ở Paris, trừ trường hợp đặc biệt không được xây cao quá 37 m, để khỏi làm hư cái khung cảnh cổ kính của thành phố.

Không có gì trau dồi kiến thức lẹ hơn, thú vị hơn là học hỏi, tìm hiểu trong khi du lịch.

Nếu chuẩn bị, đừng quá vội vàng, bạn sẽ học được đủ chuyện ( lịch sử, địa dư, văn hoá... ) trong một chuyến đi, nhiều hơn là cả năm ở nhà trường, nhất là nhà trường nhồi sọ kiểu VN, thời đại '' chưa bao giờ giáo dục tốt đẹp như ngày nay ''.


---------------------------------

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM ?
Paris bẩn, đường phố đầy rác rưởi . Paris bất an, homeless ngủ đầy đường, đi đâu cũng đụng ăn mày, ăn xin, sểnh ra là bị móc túi. Paris đắt đỏ, nhìn thấy giá cả cũng đủ khiếp. Paris loạn, ngày nào cũng biểu tình, và có biểu tình là có đập phá, đốt xe, như một nước có chiến tranh.
Những nhận xét đó trên facebook của cô Mạc Việt Hồng , Ba Lan, cũng là nhận xét của nhiều người.
Tại sao một thủ đô tự nhận và được coi là ‘’trung tâm ánh sáng ‘’lại tệ hại ...






No comments:

Post a Comment

View My Stats