Wednesday, 19 December 2018

NHỮNG VẤN NẠN CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP TRONG KHUNG CẢNH NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ HOA KỲ (LS Đào Tăng Dực)





“We are a nation of laws” (Chúng ta là một quốc gia pháp trị) là câu tuyên bố nói lên niềm hãnh diện của mỗi người dân Hoa Kỳ từ một người bình thường đến tổng thống Donald Trump. 

Câu này phát xuất từ John Adams (1735-1826), tổng thống thứ nhì của Hoa Kỳ, khi ông viết “Chỉ có chính quyền cộng hòa mới là chính quyền tốt. Định nghĩa của nền cộng hòa là một đế quốc của luật pháp, không phải của con người”. ("There is no good government but what is republican. The very definition of a republic is an empire of laws, and not of men.") 

Nên nhớ danh từ “Cộng Hòa” nơi đây không có nghĩa là đảng Cộng Hòa bây giờ mà có nghĩa là thể chế dân chủ chân chính, là phản đề của thể chế quân chủ chuyên chế. Đảng Cộng Hòa hiện nay chỉ được thành lập vào năm 1854 tức 28 năm sau khi John Adams qua đời. Đảng Dân Chủ được thành lập trước đó vào năm 1828 tức 2 năm sau khi John Adams qua đời.

I. Donald Trump và chủ trương chính trị của ông

Donald Trump là vị tổng thống gây nhiều mâu thuẫn và tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, còn hơn cả TT Richard Nixon với xì căn đan Watergate nữa. 

Theo quan điểm của tôi, lý do căn bản gồm 3 yếu tố chính sau đây: 

1. Một là ông Trump không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp và trong tâm thức của ông bao hàm một sự khinh bỉ thậm tệ các chính trị gia nhà nghề và những định chế chính trị và xã hội truyền thống mà ông cho là thối nát. 

2. Hai là ông là một doanh nhân mà tầm hoạt động trải rộng khắp thế giới. Tầm hoạt động này đã giúp ông vượt thoát nhiều khó khăn thập tử nhất sinh, nhưng cũng hàm chứa những hiểm nguy trí mạng, vì ông phải sinh tồn không những trong môi trường pháp trị tại Hoa Kỳ, mà còn phải sinh tồn trong những môi trường luật rừng tại các quốc gia độc tài hoặc đang chuyển tiếp dân chủ. 

3. Ba là ông bắt mạch được sự phẫn nộ của những thành phần bảo thủ trong xã hội Hoa Kỳ. Thật vậy Hoa Kỳ cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới đều bị lôi cuốn vào trào lưu toàn cầu hóa (globalization) của nhân loại, cũng như sự bùng nổ dữ dội của cuộc cách mạng tin học (information revolution). 

Khi ông khinh bỉ các chính trị gia chuyên nghiệp và các định chế chính trị và xã hội truyền thống thì ông tạo cho mình nhiều kẻ thù nguy hiểm. Từ những chính trị gia trong và ngoài đảng Cộng Hòa của chính ông, các định chế chính quyền rường cột như FBI, CIA, các chính quyền tiểu bang không cùng quan điểm hoặc các định chế của xã hội dân sự như các tập đoàn báo chí đầy quyền lực, những doanh nghiệp tư nhân, những nhà tỷ phú nhiều tiền hơn và bất đồng quan điểm với ông… 

Khi ông giao thiệp và đôi khi hợp tác làm ăn với những thế lực và cá nhân ngoài Hoa Kỳ thì ông gặp phải một mâu thuẫn lớn lao. Đó là Hoa Kỳ là một quốc gia pháp trị. Tương quan giữa chính quyền và xã hội dân sự, tương quan giữa những thành phần cấu tạo của chính quyền và xã hội dân sự với nhau, tương quan giữa cá nhân và xã hội, cũng như tương quan cá nhân này và cá nhân khác trong xã hội, đều căn cứ trên luật pháp nghiêm minh. 

Trong khi đó, tại các quốc gia độc tài hoặc đang trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ, các tương quan trên đều căn cứ trên cá nhân của một con người hay một tập thể gồm nhiều con người độc tôn quyền lực. 

Khi ông trở nên nhà vô địch bênh vực quyền lợi cho các thành phần xã hội phẫn nộ trước bước đi hầu như bất khả vãn hồi của tiến trình toàn cầu hóa, thì ông đứng hẳn về phe của các nhóm sau đây: 

a. Các nhóm Tin Lành Truyền Giáo Evangelicals; 

b. Những thế lực Pro-Life chống phá thai phần lớn là Thiên Chúa Giáo; 

c. Hội Súng Ống Quốc Gia (National Rifles Association); 

d. Những thế lực da trắng chống di dân; 

e. Những nông dân bị mất thị trường vì cạnh tranh quốc tế; 

f. Những công nhân Hoa Kỳ mất công ăn việc làm vì các kỹ nghệ như chế xe hơi không thể cạnh tranh trên trường quốc tế; 

g. Những người dân Hoa Kỳ không muốn có Universal Medicare vì họ nghĩ những di dân ăn không ngồi rồi sẽ lạm dụng và tốn hao công quỹ quá nhiều; 

h. Những thành phần phẫn nộ vì các vị tổng thống Hoa Kỳ trong quá khứ đã quá nhượng bộ cho các đối thủ cũng như đồng minh của Hoa Kỳ. 

Các cuộc nghiên cứu cho thấy cử tri ủng hộ cho ông thông thường bao gồm những công nhân, phái nam và không có bằng đại học. 

Trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2016, tuy ông thua bà Hillary Clinton về số phiếu phổ thông (62,984,825 so với 65,853,516), nhưng nhờ thắng điểm cử tri đoàn (306 so với 232) tại các tiểu bang chiến lược nên ông đã đắc cử nhờ sự ủng hộ của các thế lực nêu trên. 

Tuy các lực lượng này không chiếm đa số tuyệt đối, nhưng với hệ thống bầu cử “ngựa chạy về nhất” (first past the post) tại Hoa Kỳ thì sức ủng hộ này (lên đến 46% mới nhất theo Fox News) là một tỷ lệ rất cao, vẫn có thể đem lại chiến thắng cho ông vào năm 2020. 

Những khó khăn và hiểm nguy cho cá nhân ông, gia đình ông (gồm cả Donald Trump Jr., Ivanka Trump và chồng là Jared Kushner là những người có trách nhiệm) và những công ty ông thành lập phát xuất từ những công việc làm ăn rất phức tạp trên thương trường. Ông sinh ra giàu có và thừa hưởng một gia tài khoảng $413 triệu Mỹ Kim từ cha của mình. 

Tuy thương trường phức tạp nhưng ông tập trung vào 2 phương diện chính. Một là Reality Television và hai là kinh doanh địa ốc. Reality TV tương đối thành công và Trump hầu như trở thành một thương hiệu (trade mark) tiếng tăm trên toàn thế giới, nhất là tại Nga Sô và Tàu cộng. 

Đến khi ông Trump tham gia vào chiến dịch tranh cử làm ứng cử viên đảng Cộng Hòa thì những đối thủ của ông cáo buộc rằng các thế lực của Putin nhìn thấy triển vọng ảnh hưởng đến các sách lược chính trị của Hoa Kỳ qua Trump, rồi khi Trump được chọn làm ứng cử đảng Cộng Hòa vào tháng 7 năm 2016 thì Putin đã gia tốc mua chuộc. 

Các cáo buộc cho rằng mục đích của Putin và nhóm tài phiệt Nga là bôi nhọ nền dân chủ Hoa Kỳ. Theo những người chống Trump thì đã có những qua lại và trao đổi giúp Trump thắng cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. 

II. Sự xuất hiện của Special counsel Bob Mueller: 

Theo Wikipedia thì vào đầu năm 2017 Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia của Hoa Kỳ (US Office of the Director of National Intelligence) thẩm định rằng TT Nga Putin thân hành ra lệnh khởi động một chiến dịch đánh phá uy tín Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống 2013 và ủng hộ cho Donald Trump, Bernie Sanders và Jill Stein hầu gây bất ổn cho nền chính trị Hoa Kỳ. 

Chính vì thế vào tháng 5, 2017 Bộ Tư Pháp quyết định bổ nhiệm một Office of Special Counsel dưới sự lãnh đạo của Bob Mueller để điều tra. Bob Mueller là một cựu giám đốc FBI. Vị Special Counsel này có thẩm quyền điều tra “sự xen lấn của Nga Sô vào cuộc bầu cử 2016 của Hoa Kỳ, kể cả bất cứ liên hệ nào giữa chính quyền Nga và chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump và bất cứ vấn đề gì phát sinh hoặc có thể phát sinh trực tiếp từ cuộc điều tra này và bất cứ vấn đề gì khác trong phạm vi của huấn thị 28 CFR 600.4.” (có nghĩa là có thể xin nới rộng thẩm quyền nếu có nhu cầu). 

Nhiều cáo buộc cho rằng Putin đã xâm nhập hệ thống email của đảng Dân Chủ và trao cho Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của Trump những thông tin mật. Ngược lại Trump bị cáo buộc đã hứa sẽ giải thể cấm vận đối với Nga Sô. 

Sau khi đắc cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích ông Mueller và công việc của chức vụ Special Counsel này và muốn cách chức. Tuy nhiên ông Mueller đã được lưỡng đảng trong Hạ Viện lẫn Thượng Viện Hoa Kỳ ủng hộ nên ông Trump chưa dám cách chức vì sợ sẽ bị impeach. 

Vị thế của ông lại trở nên suy yếu hơn trong quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 6 tháng 11, 2018 vì tuy đảng Cộng Hòa thắng thêm vài ghế trong Thượng Viện nhưng dù sao họ cũng đã có đa số trong Thượng Viện rồi. Trong khi đó đảng CH lại mất đa số trong Hạ Viện. Hạ Viện trở thành lực lượng đối lập đáng ngại cho ông Trump vì Hạ Viện có thẩm quyền thành lập những ủy ban đặc nhiệm điều tra rộng quyền và giám sát mọi tác động của hành pháp, kể cả quyền ra các subpoenas (tức ra các trát yêu cầu nộp văn kiên hay trình diện để bị chất vấn trước các ủy ban). Các subpoenas này có thể liên hệ đến thuế khóa của cá nhân tổng thống Trump hoặc các công ty mà ông Trump có liên hệ. Lời khai gian dối trước các ủy ban này, cũng như các nhân viên FBI hoặc Special Counsel có thể là những tội về hình luật. 

III. Những vấn nạn khác của TT Trump 

Ông Bob Mueller không phải là vấn nạn duy nhất của Trump. 

Vấn nạn thứ nhì cũng vô cùng quan trọng là văn phòng Bộ Tư Pháp chi nhánh Quận phía Nam của New York (US Attorney for the Southern District of New York). Đây là một chi nhánh của Bộ Tư Pháp Liên Bang Hoa Kỳ nhưng chịu trách nhiệm về điều tra và truy tố các tội nghiêm trọng thuộc thẩm quyền liên bang. Họ cũng được trao tránh nhiệm điều tra các vi phạm liên hệ. Đây là một đơn vị ưu tú của Bộ Tư Pháp, nổi tiếng độc lập và thiện xảo. 

Vấn nạn thứ ba là các bộ tư pháp của các chính phủ tiểu bang, nhất là các tiểu bang do đảng Dân Chủ nắm quyền, hoặc đảng Cộng Hòa nắm quyền, nhưng các cơ quan hữu trách nhận thấy có sự vi phạm hình luật từ các dịch vụ liên hệ đến ông Trump. 

Vấn nạn thứ 4 là báo chí và truyền thông chính mạch Hoa Kỳ vốn là một thứ Đệ Tứ Quyền hùng mạnh, tài chánh vô tận đang điều tra ráo riết mọi khía cạnh riêng tư của ông và gia đình. 

Một nét đặc thù của các quốc gia pháp trị là bất cứ một viên chức chính quyền nào, nếu ý thức được một cá nhân hay thực thể pháp lý nào (dù liên hệ tới mình hoặc là thượng cấp của mình) vi phạm hình luật, liên hệ đến trách nhiệm luật định hay hiến định của mình, mà không tố cáo hoặc truy tố theo trách nhiệm, chính viên chức đó sẽ bị truy tố về tội cố tình che giấu tội phạm (covering up a crime) hoặc xen lấn vào tiến trình thi hành công lý (interference with the course of justice), vốn là những tội đại hình. Chính vì thế, các viên chức tại các TB do đảng CH nắm quyền cũng bị trách nhiệm ràng buộc (duty bound) và truy tố. 

IV. Kết quả điều tra của Mueller và Bộ Tư Pháp 

Kết quả cuộc điều của Bob Mueller và US Attorney for the Southern District of New York đã đưa đến các kết quả sau đây, theo tin tức của CNN ngày 15 tháng 12 vừa qua: 

a. Cựu chủ tịch ủy ban tranh cử Paul Manafort bị ở tù; 

b. Luật sư riêng của ông Mike Cohen sẽ vào tù tháng 3 sang năm; 

c. Cựu phó chủ tịch ủy ban tranh cử Rick Gates bây giờ cung khai phạm tội (a confessed felon); 

d. George Papadopoulos, một thành viên của ban cố vấn ngoại giao vừa mới ra tù sau khi hợp tác với công tố; 

e. Cựu Cố Vấn An ninh quốc gia là tướng Mike Flynn đang chờ tòa kết án, sau khi đã ký hợp tác và khai báo với Bob Mueller. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn có trách nhiệm điều tra ráo riết hình luật các cơ sở sau đây của Trump và gia đình ông: 

1. Ủy ban tranh cử của ông (Election committee); 

2. Ủy ban chuyển tiếp quyền lực của ông (Transition Committee); 

3. Ủy ban tổ chức lễ đăng quang tổng thống (Inauguration committee); 

4. Chức vụ tổng thống của ông có xen lấn vào tiến trình công lý hay không (Presidency); 

5. Business chính của ông và gia đình gọi là the Trump Organization; 

6. Tổ chức từ thiện của gia đình gọi là Trump Charity (chỉ điều tra về hộ tức civil); 

7. Đại học Trump (Trump University) đã bị cáo buộc là một trò lường gạt.

Chính phủ các tiểu bang do đảng Dân Chủ nắm quyền truy tố ra tòa rằng sự kiện ông không rút chân hẳn ra các thương vụ của mình có nghĩa là ông đã lạm dụng chức vụ để đem lợi nhuận cho các dãy khách sạn của ông. Đi ngược lại với tinh thần hiến pháp. 

Nổi bật nhất, theo phóng viên John Wagner của tờ Washington Post ngày 10 tháng 12, 2016, là sự kiện luật sư riêng của ông Mike Cohen nhận tội trả cho tài tử khiêu dâm Stormy Daniel $130,000 một tháng trước cuộc bầu cử 2016 để cô này không lên tiếng, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Trước đó vào tháng 8, ông cũng đã đại diện cho ông Trump trả cho người mẫu Playboy Karen McDougal $150,000 để cô này không tố cáo rằng cô đã là tình nhân của ông khoảng 1 năm trước đó. Số tiền này trả từ một đồng minh của ông Trump là American Media Inc, nhà xuất bản báo National Enquirer. 

Công tố viện buộc tội và Cohen nhận tội rằng mục đích của 2 số tiền là để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống 2016 và Cohen hợp tác và chịu quyền điều khiển của “cá nhân số 1” (Individual-1) và cá nhân này là Donald Trump. 

Luật sự Cohen đã nhận tội và bị kết án 3 năm tù. Sẽ thi hành tháng 3 năm 2019. 

Sự kiện đáng chú ý hơn nữa là sự hợp tác của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn. LS Cohen hợp tác và khai rất nhiều chi tiết “động trời” còn chưa tiết lộ nhưng vẫn còn bị tù 3 năm. Báo chí đang nín thở chờ đợi không biết tướng Mike Flynn hợp tác đến mức độ nào mà chính ông Mueller đề nghị với tòa mức độ ở tù từ tối thiểu cho đến không ở tù. 

Hầu như chắc chắn ông Mueller còn nhiều chi tiết nữa chưa bạch hóa. Cho đến bây giờ các con cái trưởng thành của ông Trump như con trai Donald Trump Junior, con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner chưa hề bị thẩm vấn bởi FBI hoặc nhân viên của Mueller. 

Báo chí và các bình luận gia cho rằng có thể vì lý do chiến thuật, họ sẽ là những nhân chứng sau cùng để kết thúc cuộc điều tra. 

V. Tại sao TT Trump chưa bị truy tố? 

Câu hỏi trên đầu môi của tất cả chúng ta là: 

Nếu Hoa Kỳ là một quốc gia pháp trị, không ai đứng trên luật pháp và “Individual-1” là Tổng Thống Donald Trump thì tại sao chính phủ Hoa Kỳ không truy tố TT Donald Trump về tội ảnh hưởng đến cuộc bầu cử TT 2016, y như LS Mike Cohen và lãnh án hình sự tương tự? 

Câu trả lời là: tuy hiến pháp Hoa Kỳ không ngăn cấm việc truy tố tổng thống về hình luật, khi có chứng cớ rằng TT Trump âm mưu cùng Mike Cohen vi phạm một tội hình sự liên bang, nhưng Chính Sách Hướng Dẫn (Guidance) của Bộ Tư Pháp từ lâu đời chủ trương không truy tố một vị tổng thống khi tại chức vì làm như thế, vị tổng thống sẽ bị xao lãng và không thi hành trách nhiệm hiến định của mình. 

Một số học giả cho rằng, guidance này chỉ là chính sách (policy) riêng của Bộ Tư Pháp, không phải do hiến pháp hay luật pháp nào quy định. Nếu bị thách thức trước Tối Cao Pháp Viện vẫn có thể bị thay đổi. 

Dù sao đi nữa thì theo guidance này, Bộ Tư Pháp sẽ không truy tố ông Trump. Họ phải chờ nếu ông hết nhiệm kỳ năm 2020 và không tái đắc cử thì mới truy tố được. Nếu ông tái đắc cử một nhiệm kỳ 4 năm nữa thì họ sẽ không còn cơ hội truy tố vì Sắc Luật Giới Hạn Truy Tố (Statute of Limitations) quy định rằng chính phủ chỉ có 5 năm kể từ ngày tội phạm xảy ra để khởi tố. 

Tuy nhiên, nguy hiểm cho TT Trump là pháp luật vẫn cho phép chính phủ khởi tố (indict) nhưng niêm phong sự khởi tố (seal) này (gọi là indictment under seal) trước thời hạn 5 năm để phù hợp với Statute of Limitations và khi TT Trump không còn tại chức (hoặc vì thất cử vào năm 2020 hoặc sau khi mãn nhiệm kỳ 2024) thì tiếp tục truy tố. 

Đó là chưa kể những điều tra của Bộ Tư Pháp và ông Mueller có thể khám phá ra những chứng cớ về cản trở công lý (obstruction of justice), xen lấn đến luật bầu cử (interfering with election laws), hợp tác với Nga Sô (Russian Collusion), lem nhem tài chánh (financial entangelent) nếu có.  Hơn nữa, chỉ có cá nhân của ông Trump là không bị truy tố trong khi tại chức, những thành phần trưởng thành trong gia đình của ông, nếu có chứng cớ phạm tội, vẫn bị truy tố bình thường. 

Những công ty và business do ông dựng lên vẫn bị điều tra và truy tố nếu vi phạm luật hình (criminal) hay hộ (civil). 

VI. Nghịch luận của người Việt hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ như sau: 

Tỷ lệ người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung ủng hộ TT Trump tương đối cao. Lý do rất đơn giản vì kẻ thù lớn nhất đe dọa sự tồn vong của dân tộc Việt không phải là Nga Sô mà là Trung Quốc. Chiến lược toàn cầu đến nay của TT Trump là “Hòa Nga Sô và Chiến Trung Quốc”. 

Cho đến ngày hôm nay, chủ trương này của Trump đang làm cho Tập Cận Bình và Trung Quốc điêu đứng. Điều này làm nhiều người trong cộng đồng người Việt Tự Do nhiệt liệt ca ngợi và ủng hộ cho TT Trump. 

Tuy nhiên, ông Trump chủ trương “Make America Great Again”. Ông ta không minh thị chủ trương giúp Việt Nam chống Trung Quốc. 

Ngoài ra, ông ta cũng là một thương gia có đầu óc buôn bán và muốn thương thuyết để có những “deals” lợi cho nước Mỹ và cho cá nhân hay gia đình ông. Chẳng hạn khi có chứng cớ từ CIA rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman chỉ huy giết ký giả Jamal Khashoggi nhưng vì chính phủ Saudi Arabia mua hằng tỷ vũ khí của Hoa Kỳ thì TT Trump sẵn sàng bênh vực. 

Khi Tổng Giám đốc tài chánh của Tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc Sabrina Meng bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ và đang ra tòa án Canada để dẫn độ về Hoa Kỳ chịu truy tố, thì TT Trump tuyên bố có thể can thiệp cho bà này nếu thương thuyết với TQ có lợi. 

Ông Trump lại chủ trương rút khỏi Hiệp Định Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một quyết định cho Hoa Kỳ rút khỏi sân khấu kinh tế Thái Bình Dương, hâu quả là giao trọn sàn chơi cho Trung Quốc thao túng. 

Chính vì thế ủng hộ ông thì có thể hiểu được nhưng minh thị suy tôn là đi quá đà. 

VII. Xác xuất impeach một tổng thống Trump 

Hầu như sau cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ 2018 vừa qua, với sự chiến thắng chiếm đa số tại Hạ Viện của đảng Dân Chủ, mọi người đều nghĩ TT Trump chắc chắn sẽ bị impeach. 

Dĩ nhiên điều này có thể xảy ra nhưng không hẳn là sẽ xảy ra đương nhiên. 

Trước hết, chiếu theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, thì muốn impeach thì Hạ Viện phải truy tố bằng đa số (điều kiện này đảng Dân Chủ hội đủ từ năm 2019) và Thượng Viện kết án với đa số 2/3 (điều kiện này đảng Dân Chủ không hội đủ vì đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số 53-47). Vì thế ngay cả khi Hạ Viện truy tố, xác xuất Thượng Viện kết án rất thấp. 

Hơn nữa truy tố một vị tổng thống hay không còn tùy thuộc vào nhiều tính toán chính trị của đảng Dân Chủ nữa. 

Chắn chắn đảng Dân Chủ sẽ sử dụng các ủy ban điều tra tại Hạ Viện để truy cứu tất cả mọi khía cạnh của hành pháp và cá nhân TT Trump, nhất là các khai báo về thuế cá nhân của ông mà ông đã từ chối minh bạch hóa đến bây giờ. Thêm vào đó, họ còn chờ thêm kết quả của cuộc điều tra của ông Mueller và của chính Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tại Southern District of New York. 

Thêm vào đó, đảng Dân Chủ còn phải tính toán xem họ nên đối diện với TT Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 hay một ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa chẳng hạn Phó Tổng thống Mike Pence. Đối diện với ai có lợi hơn tùy thuộc nhiều điều kiện cần tính toán trong tương lai của họ. 

Ngay cả trong trường hợp Mueller, Bộ Tư Pháp và các ủy ban điều tra của Hạ Viện trong năm 2019 khám phá nhiều chứng cớ bất lợi cho Trump và nhiều Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa đồng ý kết tội, thì chưa chắc đảng Dân Chủ đã truy tố ông Trump tại Hạ Viện. Lý do là vì trên bình diên chính sách, đương kim Phó Tổng thống Mike Pence còn bảo thủ hơn TT Trump nhiều trên mọi phương diện, nhất là chống phá thai (anti-abortion) và đồng tính luyến ái (homoxuality). Phải đối diện với một TT Mike Pence trong nhiệm kỳ này và như ứng cử viên Cộng Hòa vào chức vụ Tổng thống năm 2020 thay vì tiếp tục với một TT mang nhiều thương tích như Trump có thể có lợi cho đảng Dân Chủ hơn trên bình diện chiến lược chiến thuật. 

Chính trị trong một nền dân chủ phức tạp hơn là như thế. 

VIII. Kết luận 

Hoa Kỳ từ thủa bình minh khai quốc, là một quốc gia pháp trị theo truyền thống Common Law của Anh Quốc. 

Hình ảnh 2 cao bồi đấu súng với nhau bên ngoài có vẻ hỗn loạn, nhưng trong bản chất đã bao gồm một nguyên tắc luật pháp nền tảng: đó là luật tự vệ sử dụng sức mạnh hữu lý (self defense using reasonable force). Khi 2 tay súng đối diện với nhau và nổ súng thì kẻ sống sót rõ ràng là tự vệ. 

Nếu trái lại vết thương gây ra cái chết ở phía sau lưng, thì đó là sát nhân (murder hay manslaughter). Vị cảnh sát trưởng sẽ bắt, truy tố và một quan tòa sẽ xử nghiêm minh. 

Truyền thống pháp trị đó từ lâu đã là rường cột của Hoa Kỳ, Canada, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. 

Truyền thống đó chí công vô tư, không một cá nhân nào đứng trên và ngoài luật pháp cả. Trong truyền thống đó, muốn làm tổng thống Hoa Kỳ thì lý lịch phải như tờ giấy trắng (squeaky clean). Nếu không thì trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như thế, mọi góc tối sẽ bị phanh phui và đắc cử chức nguyên thủ quốc gia lại có thể trở thành lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời. 

20.12.2018


--------------------------------------

VOA    20/12/2018

RFI    19/12/2018





No comments:

Post a Comment

View My Stats