Eric
Tang và Nguyễn Thanh Việt - New York Times
Mai
V. Phạm dịch
06/12/2018
Hoa
Kỳ đã trục xuất người Việt tị nạn, vi phạm thỏa thuận ký kết năm 2008.
Và bây giờ Hoa Kỳ lại giam giữ vô thời hạn nhiều người khác.
Biếm họa của Alexis Jang
Hình phạt thích hợp cho một tội phạm là gì? Hoàn cảnh
khốn khổ của hàng ngàn người Việt tị nạn từng bị kết án ở Hoa Kỳ và giờ đây
đang bị đe dọa với việc tạm giam hoặc trục xuất, yêu cầu một lời giải đáp cho
câu hỏi trên.
Khoảng bốn thập niên kể từ sau khi chiến tranh Việt
Nam kết thúc, những di dân chạy trốn khỏi chính quyền cộng sản Việt Nam đã được
đối xử khác so với những di dân đến từ nhiều quốc gia khác: Nếu họ phạm trọng tội
(felony), họ sẽ không bị trục xuất.
Sự ngoại lệ này ngầm công nhận tầm quan trọng của lịch
sử: Những người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ bởi vì quân đội Mỹ đã chiến đấu một cuộc
chiến thảm khốc tại quê hương họ, Việt Nam Cộng Hòa, hoặc theo cách gọi của người
Mỹ là miền Nam Việt Nam. Điều ngoại lệ này công nhận rằng, Hoa Kỳ đã có lòng
trắc ẩn đối với những người bị mất quê hương trong cuộc xâm lược miền Nam của chế
độ cộng sản và sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ nhằm chống lại sự xâm
chiếm đó.
Tuy nhiên, tất cả điều đó đã bắt đầu thay đổi dưới
thời Donald Trump. Ông Trump đặt mục tiêu trục xuất hơn 8.000 thường trú nhân gốc
Việt mà hầu hết trong số họ đã trốn chạy cộng sản và được bảo vệ khỏi việc trục
xuất mặc dù đã phạm tội. Những nỗ lực của Trump đã gây ra những lời chỉ trích
gay gắt không chỉ từ người Mỹ gốc Việt, mà còn của chính đại sứ Mỹ tại Việt
Nam, ông Ted Osius, là người cuối cùng đã từ chức để phản đối quyết định của ông Trump.
Gần một chục người Việt tị nạn đã bị trục xuất về nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bắt đầu từ cuối năm ngoái. Nhưng tháng trước,
chính quyền Trump đã buộc phải rút khỏi kế hoạch của mình là trục xuất hàng
ngàn người Việt tị nạn để đối phó với một vụ kiện (của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy
Công lý cho người Mỹ gốc Á đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt
bị Sở Di trú tạm giữ quá 90 ngày: ND) và sự phản đối từ chính phủ Việt Nam. Từ
chối thừa nhận thất bại, chính quyền Trump đang sử dụng việc giam giữ dài hạn
như một cách trừng phạt những người không thể bị trục xuất ngay lúc này.
Hàng chục người Việt tị
nạn với các hồ sơ trọng tội đang bị giam giữ tại các trại giam di trú.
Theo quyết định của Tòa án Tối cao, các quan chức di trú chỉ
được phép tạm giam người Việt tị nạn tối đa là 6 tháng khi việc trục xuất có thể
xảy ra “trong tương lai gần hợp lý”. Nhưng chính quyền Trump đã giam giữ một số
người Việt tị nạn từ 180 ngày và lâu hơn, dù chính quyền đã thừa nhận rằng việc
trục xuất họ về Việt Nam là không nằm trong “tương lai gần hợp lý”. Mặc dù chính
quyền Trump đã hứa sẽ trả tự do cho một số người Việt tị nạn, họ cũng tuyên bố
có quyền giam cầm di dân vô thời hạn và sẽ tiếp tục bắt giam trong tương lai.
Theo ông Tùng Nguyễn, một nhà hoạt động thường xuyên
liên lạc với các tù nhân di dân người Việt, thì mục đích giam giữ vô thời hạn
và liên tục là “tra tấn tâm lý và khiến họ suy sụp tinh thần”.
Nguyễn kể với chúng tôi: “Họ bị nhốt 23 tiếng một
ngày. Nó còn tồi tệ hơn khi ở tù vì ít nhất bạn biết những gì bạn đã phạm và
khi nào bạn được trả tự do”.
Phát ngôn viên của Bộ Nội an, bà Katie Waldman, nói
rằng một chính sách như vậy là cần thiết để “bảo vệ xã hội bằng cách bảo đảm rằng
chúng ta có thể bắt giữ những di dân đã bị kết án và bảo đảm an ninh cho cư dân
Mỹ”. Tuy nhiên, những di dân này đã bị trừng phạt thích đáng cho tội lỗi của họ
ở cấp tiểu bang hoặc liên bang và hầu hết trong số họ đã có công việc và gia
đình ổn định, ông Nguyễn nói. Bây giờ, họ phải đối mặt với một hình phạt thứ
hai mập mờ, mặc dù họ không hề phạm tội mới nào.
Hoàn cảnh đáng thương của những người Việt tị nạn dường
như là thường tình trong thời thế được định hình bằng lệnh cấm người Hồi giáo
nhập cư, cắt giảm trong chương trình di dân mới và tách biệt trẻ em khỏi Bố Mẹ ở
biên giới Mexico. Nhưng nó cũng cho thấy rằng chính quyền Trump đã hoàn toàn
xóa bỏ giải pháp đồng thuận lưỡng đảng nhằm hỗ trợ những người tị nạn thời chiến
tranh lạnh kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Từ sự sụp đổ của Sài Gòn vào năm 1975 cho đến năm
1995, Hoa Kỳ đã không công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và do
đó không thể trục xuất di dân [Việt]. Ngay cả sau khi quan hệ ngoại giao được
ký kết vào năm 1995, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định không trục xuất người Việt
tị nạn với các hồ sơ trọng tội, và chính quyền cộng sản cũng không quan tâm đến
việc tiếp nhận di dân – là những người mà nhà cầm quyền cộng sản xem là
công dân của một quốc gia không còn tồn tại.
Năm 2008, Tổng thống George W. Bush đã ký một
thỏa thuậnvới Hà Nội, quy định rằng những người Việt tị nạn đã nhập
cảnh vào Hoa Kỳ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất về Việt Nam, ngay cả
khi họ đã phạm các tội thường dẫn đến trục xuất. Chỉ những người nhập cư sau
khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 – công dân của nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam – mới có thể bị trục xuất.
Hiện tại chính quyền Trump đang tự diễn giải lại thỏa
thuận ký kết năm 1995 – và xóa bỏ lịch sử mật thiết giữa Việt Nam Cộng Hòa và
Hoa Kỳ, hai quốc gia được liên kết bởi một cuộc chiến tàn bạo và những lời hứa
của tình hữu nghị. Giam cầm vô thời hạn bất kỳ ai là vô nhân đạo. Nhưng dường
như là đặc biệt tàn nhẫn – với ý định trục xuất – những người từng là đồng minh
của Hoa Kỳ trong cuộc chiến đã tàn phá quê hương họ.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, việc chấp nhận người tị
nạn đến từ Việt Nam là một biểu tượng quan trọng của lòng nhân đạo, tử tế của
Hoa Kỳ. Và hiện này, trừng phạt những người Việt tị nạn tượng trưng cho học
thuyết mới của Mỹ: trục xuất vì lợi ích của việc trục xuất.
____
Tác
giả: Ông Tang là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
người Mỹ gốc Á tại Đại học Texas, Austin. Ông Nguyễn Thanh Việt, tốt nghiệp Tiến
sĩ văn chương của Đại học Berkeley năm 1997 và là tác giả cuốn tiểu thuyết “The
Sympathizer” (Cảm tình viên), đoạt giải Pulitzer năm 2016 – giải thưởng văn
chương cao quý nhất ở Hoa Kỳ. Ngoài đoạt giải Pulitzer, Nguyễn Thanh Việt còn
được trao tặng nhiều giải thưởng khác, trong đó có giải nhất Tiểu Thuyết 2015 của
Center for Fiction. Hiện tại, Nguyễn Thanh Việt đang là giáo sư giảng dạy môn
Anh ngữ và các môn nghiên cứu Mỹ và sắc tộc tại Đại học University of Southern California.
No comments:
Post a Comment