Tuesday, 11 December 2018

HOA VI : THAM VỌNG THỐNG TRỊ NGÀNH VIỄN THÔNG CỦA TRUNG QUỐC BỊ ĐE DỌA (Trọng Nghĩa - RFI)




Đăng ngày 11-12-2018 

Với vụ lãnh đạo cao cấp của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ, kèm theo là một loạt những quyết định hạn chế sử dụng thiết bị của Hoa Vi đến từ các đồng minh của Hoa Kỳ, tham vọng thống trị công nghệ viễn thông của Trung Quốc đang bị đe dọa. Đây chính là thẩm định của nhiều chuyên gia phân tích được hãng tin Pháp AFP ngày 11/12/2018 trích dẫn.

Quảng cáo công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei) tại triển lãm PT, Bắc Kinh, ngày 26/09/2018. REUTERS/Stringer

Ngay từ trước khi bùng lên vụ giám đốc tài chánh của Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu, bị bắt tại Canada, với khả năng bị cho dẫn độ qua Mỹ, tập đoàn Hoa Vi đã bị nhiều nước phương Tây tẩy chay ở những mức độ khác nhau. Đối với ông Paul Triolo, chuyên gia về công nghệ thuộc văn phòng tham vấn Eurasia Group, đe dọa đối với Hoa Vi rất nghiêm trọng vì lẽ: « Nếu mất đi quyền tiếp cận các thị trường béo bở ở phương Tây,  Hoa Vi có nguy cơ mất luôn khả năng tăng trưởng để có tiền chi trả cho công việc nghiên cứu và phát triển », rất cần thiết cho một tập đoàn công nghệ mũi nhọn.

Bị đe dọa nhiều nhất là thế hệ thứ năm của công nghệ di động 5G, được cho là sẽ trở thành xương sống của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nền kinh tế, một trong những lãnh vực mà Bắc Kinh có tham vọng đứng đầu thế giới thông qua kế hoạch "Made in China 2025".

Tuy nhiên, Washington đã hết sức lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh, với công nghệ 5G trong tay, có thể thao túng hệ thống thông tin liên lạc quân sự Mỹ.  Chính quyền của tổng thống Donald Trump đặc biệt nghi ngờ Hoa Vi, một tập đoàn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc thành lập.

Ông James Lewis, một chuyên gia về công nghệ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington đã minh họa nỗi lo ngại của chính quyền Mỹ bằng hình ảnh của một người xây nhà đã quyết định là sẽ ăn trộm ngôi nhà của chính anh ta xây nên : « Anh ta biết rõ mọi sơ đồ thiết kế của ngôi nhà, hệ thống điện, các ngõ vào, và thậm chí cả chìa khóa ».

Bên cạnh nguy cơ mất thị trường, lá cờ đầu của ngành công nghệ viễn thông Trung Quốc có thể bị Hoa Kỳ cấm mua sản phẩm của các công ty Mỹ như Intel hay Qualcomm, từ chip điện tử cho đến các thiết bị tối tân khác mà Hoa Vi rất cần. Cho đến nay sản phẩm của Hoa Vi được cho là lệ thuộc hoàn toàn vào các nguồn cung ứng đó.

Theo ông Triolo, tình huống đó « sẽ là thảm họa cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc, đe dọa từ Hoa Vi, các nhà thầu phụ cung cấp cho Hoa Vi, cho đến tương lai toàn ngành công nghiệp».

Phía Trung Quốc cũng không che giấu lo ngại. Theo một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, một lệnh cấm vận chip điện tử của Mỹ sẽ là một vố « dữ dội » đối với Hoa Vi, « thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với đòn đánh vào ZTE », một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc, suýt bị phá sản sau khi bị Mỹ trừng phạt.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đánh giá là « lố bịch » những nghi ngờ của Mỹ đối với Hoa Vi. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng chính chủ nghĩa dân tộc được biểu lộ thái quá của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến phương Tây lo ngại.

Ông Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố tham vọng biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ, và vào năm 2015, đã cho thông qua một bộ luật buộc các công ty phải cộng tác với Nhà Nước trong các vấn đề an ninh quốc gia.

Theo luật này, với tư cách là một tập đoàn Trung Quốc, dĩ nhiên là Hoa Vi phải phục tùng yêu cầu của Bắc Kinh trên vấn đề an ninh, và như vậy mối lo ngại của phương Tây không phải là không có cơ sở.

---------------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 11-12-2018

Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei), bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ, hôm qua 10/11/2018 trước tòa án Vancouver đã xin được tại ngoại hầu tra vì lý do sức khỏe. Bà sẵn sàng giao nộp tất cả hộ chiếu, mang vòng điện tử và đóng 10 triệu euro tiền thế chân. Tòa án vẫn chưa quyết định, phiên tòa tiếp tục hôm nay.

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã khơi dậy xu hướng dân tộc chủ nghĩa tại Hoa lục, trong lúc chính quyền Bắc Kinh đang đàm phán về thương mại với Hoa Kỳ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết phản ứng ở Trung Quốc:

«Một con số lớn màu đỏ: số 79, ngự trên trang web của tờ South China Morning Post ở Hồng Kông. Hẳn nhiên là các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn quan tâm đến số ngày còn lại trước khi hết hạn hưu chiến thương mại - được quyết định tại hội nghị G20 ở Buenos Aires.
Sau khi triệu đại sứ Mỹ lên và đe dọa trả đũa Canada vào cuối tuần qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua tránh nhắc đến mối liên hệ giữa sự kiện đã trở thành vụ Hoa Vi và cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.

Việc giám đốc tài chính Hoa Vi bị bắt đã gây phẫn nộ cho cư dân mạng Trung Quốc. Những lời bình tới tấp tấn công các tài khoản Vi Bác của các đại diện Mỹ và Canada ở Bắc Kinh. Một người viết: Hoa Kỳ không ngừng khiêu khích Trung Quốc. Ủng hộ các nhân viên Hoa Vi và người Trung Quốc. Người khác hăng hái: Bà Mạnh là một người hùng của Trung Quốc, tôi sẵn sàng đóng góp để bà nộp tiền thế chân.

Một đoàn đại biểu lâm nghiệp của bang British Columbia của Canada đã phải hủy bỏ chuyến viếng thăm Trung Quốc tuần này.»

AFP cho biết, hôm qua, công tố viên Canada tiếp tục phản đối việc cho Mạnh Vãn Châu tại ngoại, cho rằng bà có thể trốn về Trung Quốc để tránh bị dẫn độ sang Mỹ. Hoa Kỳ nghi ngờ bà đã che giấu mối liên hệ giữa Hoa Vi với một chi nhánh vi phạm lệnh cấm vận Iran, tội danh có khung hình phạt lên đến 30 năm tù.

Cũng giống như thủ tướng Justin Trudeau, ngoại trưởng Chrystia Freeland khẳng định tư pháp Canada tôn trọng luật pháp quốc tế, hoàn toàn công tâm khi xử lý trường hợp bà Mạnh, từ chối «chính trị hóa» hồ sơ này.

Theo báo chí Trung Quốc, tiền thế chân có thể lên đến 77 triệu euro, cộng thêm hai tòa nhà đồ sộ của bà Mạnh ở Vancouver. Hoa Kỳ có 60 ngày để yêu cầu dẫn độ.

Bắt một nhà cựu ngoại giao Canada, Trung Quốc muốn trả đũa vụ Hoa Vi ?

Tin giờ chót cho hay, ông Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao Canada, nay là chuyên gia tiếng Hoa của International Crisis Group (ICG), tổ chức nghiên cứu phòng ngừa xung đột, hôm nay11/12 đã bị Trung Quốc bắt giữ. ICG đòi hỏi « trả tự do ngay lập tức » cho ông Kovrig.

Bắc Kinh giữ im lặng về vụ bắt bớ này, nhưng AFP ghi nhận hôm qua ngoại trưởng Vương Nghị đã hăm dọa, Trung Quốc « không khoanh tay đứng nhìn » nếu công dân của mình bị « đối xử tệ hại » ở nước ngoài.

Theo Reuters, chính quyền Trump hôm nay đang cân nhắc việc đưa ra khuyến cáo đối với các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các công dân Mỹ khi du hành sang Trung Quốc, có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa vụ bắt lãnh đạo Hoa Vi.

-----------------------------

VOA Tiếng Việt
12/12/2018

Mỹ đang xem xét đưa ra một cảnh báo mới cho công dân Mỹ đặt chân tới Trung Quốc, trong đó bao gồm các giám đốc điều hành doanh nghiệp. Động thái này xảy ra sau khi Canada bắt giữ một giám đốc điều hành cao cấp của công ty Huawei Technologies theo yêu cầu của Washington, hai nguồn tin nói với Reuters hôm thứ Ba.

Một cảnh báo du hành từ Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ khuyến cáo các công dân Mỹ về nguy cơ Trung Quốc có thể trả đũa nhắm vào họ về vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei, Mạnh Vãn Chu, Reuters dẫn một trong những nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết.

Bà Mạnh, 46 tuổi, bị bắt vào ngày 1 tháng 12 tại Vancouver, đã trở lại tòa án ở Canada vào ngày thứ Ba để dự phiên tòa quyết định việc bảo lãnh tại ngoại. Bà đang kháng cự yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Trung Quốc đã kháng nghị với các quan chức Mỹ và Canada về vụ bắt giữ bà.

Bà Mạnh đối mặt với những cáo buộc của Mỹ nói rằng bà đã đánh lừa các ngân hàng đa quốc gia về sự kiểm soát của Huawei đối với một công ty hoạt động tại Iran. Điều này khiến các ngân hàng có nguy cơ vi phạm các chế tài của Mỹ và phải chịu tiền phạt, hồ sơ tòa án cho biết.

Canada hôm thứ Ba xác nhận một trong những công dân của họ đã bị câu lưu tại Trung Quốc nhưng nói họ không thấy mối liên hệ rõ ràng nào với vụ Huawei.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng Mỹ lo ngại về những bản tin cho hay công dân Canada này đang bị cầu lưu ở Trung Quốc và hối thúc Trung Quốc “chấm dứt mọi hình thức giam giữ tùy tiện.”

Ông bênh vực việc bắt giữ bà Mạnh ở Canada theo yêu cầu của Mỹ, nói rằng bà làm cho các tổ chức tài chính có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự ở Mỹ bằng cách lừa dối họ về mức độ hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran.

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã làm rúng động thị trường vì lo ngại nó sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi hai nước tìm cách đàm phán để thoát khỏi tranh chấp thương mại quyết liệt.

*
VOA  12/12/2018




No comments:

Post a Comment

View My Stats