Saturday, 15 December 2018

FACEBOOK VÀ GOOGLE YÊU CẦU VIỆT NAM SỬA LUẬT AN NINH MẠNG (FB Vi Yên Nguyễn)




John Reed, Báo Financial Times

Chỉ vài ngày trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Google, Facebook và các tập đoàn công nghệ khác đã thúc giục Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu các tập đoàn này phải lưu trữ dữ liệu trong nước, trong lúc Hà Nội đang gây sức ép toàn cầu lên quyền lực của những gã khổng lồ internet của Mỹ.

Thông qua nhóm vận động hành lang khu vực Liên minh Internet châu Á [1], các doanh nghiệp này cho biết rằng yêu cầu nội địa hóa dữ liệu sẽ kìm hãm đầu tư, gây hại cho tăng trưởng kinh tế và làm tổn hại tới cả các công ty nước ngoài lẫn trong nước đang hiện diện trực tuyến tại Việt Nam.

Các nhà quản lý toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế sức mạnh thị trường và họ nhận thấy những doanh nghiệp như Google và Facebook đang xâm phạm quyền riêng tư. Các nhân viên công chức chống độc quyền của Liên minh châu Âu trong năm nay đã phạt Google 4,3 tỷ euro [2] vì đã lạm dụng sức mạnh thị trường của hệ điều hành Android. Trong tháng này, Úc cũng đã nêu ra vấn đề rằng Google gần như đang chiếm vị trí độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm. [3] Các nhà lập pháp Mỹ và Anh cũng đã xem xét kỹ lưỡng việc xử lý dữ liệu cá nhân của Facebook.

Chính quyền Việt Nam, sau khi thông qua Luật An ninh mạng vào tháng 6, cho biết họ đang học theo các quốc gia khác trong việc kiểm soát sức mạnh của các công ty công nghệ và hạn chế các nội dung độc hại. Nước này cũng muốn tăng cường việc phòng thủ không gian mạng vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động nhân quyền nói rằng luật này có thể được sử dụng để trấn áp sự tự do biểu đạt, còn các công ty internet thì cảnh báo rằng luật này sẽ tác động tiêu cực cho việc kinh doanh.
Thứ Năm vừa rồi, các doanh nghiệp công nghệ đã bày tỏ mối quan ngại của mình trong bản đệ trình chính thức về việc thực thi Luật An ninh mạng. Bản này được chuyển đến ông Tô Lâm, người đứng đầu Bộ Công an đầy quyền lực của Việt Nam, cơ quan công quyền nắm vai trò chính yếu trong việc soạn thảo luật này.

Liên minh Internet Châu Á cho biết các quy định về nội địa hóa dữ liệu là “một tín hiệu hướng tới một môi trường chính sách thù địch với nền kinh tế kỹ thuật số và với các doanh nghiệp nói chung”.

“Trong những năm gần đây, an ninh mạng là một vấn đề được nhiều quốc gia cũng như nhiều tổ chức quốc tế và khu vực đặc biệt quan tâm,” Bộ Ngoại giao Việt Nam phát ngôn khi được yêu cầu hồi đáp trước những lời chỉ trích.

“Một khuôn khổ pháp lý về an ninh mạng là điều cần thiết trong tình hình hiện nay”, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

Việt Nam hiện vẫn chưa công bố một nghị định quan trọng về việc hướng dẫn cách thực thi luật an ninh mạng, vốn sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1, mặc dù họ đã công bố các dự thảo của nghị định này. [4] Hiện nay, Luật An ninh mạng là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam.

“Chúng tôi kêu gọi Bộ Công an và chính quyền Việt Nam xem xét các hậu quả tiềm tàng của dự thảo nghị định, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam,” các doanh nghiệp viết gửi ông Tô Lâm.

Ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, luật pháp còn cho phép các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét dữ liệu của người dùng hoặc kiểm duyệt những nội dung mà họ cho rằng đe dọa tới an ninh quốc gia.

Liên minh Internet Châu Á cũng cho biết luật này có thể vi phạm các hiệp định thương mại của Việt Nam, bao gồm cả hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Chính quyền Việt Nam đã bác bỏ điều này.

Luật An ninh mạng Việt Nam đặt ra một vấn đề nan giải cho các doanh nghiệp. Họ lo lắng về chi phí và cả rủi ro về mặt uy tín của luật này, khi mà họ đang nhắm tới một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Hơn 64 triệu người của đất nước 96 triệu dân này đang sử dụng Internet.

Cũng trong tuần này, chính quyền Việt Nam cho biết Google đang cân nhắc các bước để mở văn phòng tại Việt Nam, nhưng Google lại cho biết rằng họ không có gì để công bố. [5]

Theo We Are Social, một công ty tư vấn, thì Facebook và Google là hai trang web được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam. Mạng xã hội là kênh truyền thông chính cho các tin tức và các cuộc thảo luận ở Việt Nam, một quốc gia mà nhà nước kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, song sự tự do ngôn luận lại được chấp nhận rộng rãi.

Không giống như Trung Quốc với “vạn lý tường lửa”, Việt Nam cho phép các ông trùm truyền thông xã hội của nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam, mặc dù các nhà chức trách đã thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp này phải gỡ bỏ nội dung hoặc đóng tài khoản. Các doanh nghiệp công nghệ nói rằng, đối với vấn đề này, họ giải quyết theo từng trường hợp một.

Mạng xã hội đang đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra ở Việt Nam vào tháng Sáu vừa rồi. Người biểu tình lên án các đặc khu kinh tế, khi họ lo ngại rằng các đặc khu sẽ trao quyền lực cho các công ty Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số người biểu tình cũng phản đối chính luật An ninh mạng này. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đều lên án Luật An ninh mạng, khi họ gọi luật này là một luật đàn áp. [6] [7]
--

Save NET dịch từ bài “Google and Facebook push back on Vietnam's sweeping cyber law” của John Reed trên tờ Financial Times, ngày 13/12/2018.

--
Chú thích của người dịch:

[1] Trang của Liên minh Internet châu Á: https://www.aicasia.org/

[4] Dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng: http://chinhphu.vn/…/…/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan…

[5] Báo Việt Nam đưa tin Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam: https://vnexpress.net/…/google-tinh-mo-van-phong-tai-viet-n… 

[6] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án Luật An ninh mạng Việt Nam: https://www.hrw.org/…/vietnam-withdraw-problematic-cyber-se…

[7] Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án Luật An ninh mạng Việt Nam: https://www.amnesty.org/…/viet-nam-cybersecurity-law-devas…/









No comments:

Post a Comment

View My Stats