Saturday, 15 December 2018

COP 24 : ĐÊM TRẮNG THƯƠNG LƯỢNG ĐỂ CỨU THỎA THUẬN KHÍ HẬU PARIS (Trọng Thành - RFI)





Đăng ngày 15-12-2018

Hội nghị Khí hậu COP 24 tại Ba Lan có nguy cơ đổ vỡ, sau hai tuần làm việc không đạt kết quả. Tuy nhiên, đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, 15/12/2018, đại diện 196 quốc gia tiếp tục nỗ lực thương lượng, với hy vọng đạt được đồng thuận về một lộ trình nhằm thực thi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.

Ảnh minh họa : Tổng thư Ký LHQ Antonio Guterres và người đặc trách Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, bà Patricia Espinosa. Ảnh ngày 14/12/2018, tại hội nghị COP24, Katowice, Ba Lan. REUTERS/Kacper Pempel

Sáng nay, một văn bản dự thảo gần như hoàn chỉnh đã được đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi các bên đồng thuận được về một văn bản cuối cùng.

Thông tín viên Angès Rougier tường trình từ Katowice :

« Về nguyên tắc, thỏa thuận phải được thông qua vào hôm nay, 15/12, bởi các văn bản – gần như hoàn tất – đã được đưa ra trong đêm qua. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận của 196 quốc gia là một quá trình dài, bởi vì tại Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc đồng thuận đòi hỏi nhiều thảo luận, trước khi một văn bản được thông qua.

Sau đây là một số điểm căn bản : Kể từ năm 2020, các quốc gia sẽ phải, cứ hai năm một lần, báo cáo về chương trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung được gửi đến Ban thư ký của Ủy ban Khí hậu Liên Hiệp Quốc, để phân tích và thẩm định.

Ngược lại với Nghị định thư Kyoto, mà Thỏa thuận Paris kế tục, các quốc gia ít phát triển hơn và các đảo quốc nhỏ, cho dù phải tuân thủ cùng các quy định, nhưng có thể yêu cầu một thời hạn bổ sung để nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực tài chính cho mục tiêu này.

Cứ 5 năm một lần, căn cứ trên các báo cáo khác nhau này, mà các quốc gia có thể điều chỉnh lại các mục tiêu của mình và nâng cao hơn.

Liên quan đến các thiệt hại do biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa không bảo đảm trách nhiệm pháp lý của mình, đã vừa chấp nhận ghi điều này vào phần chú thích. Quyết định này không làm các nước dễ tổn thương nhất vì khí hậu hài lòng. Tuy nhiên, Thỏa thuận Paris ưu tiên mục tiêu dài hạn. Các quốc gia có thể tiếp tục thảo luận về chủ đề này trong các lần họp tới ».

Hội nghị COP 24 diễn ra trong không khí địa chính trị căng thẳng, bất lợi cho vấn đề khí hậu, đặc biệt với sự trỗi dậy của thế đối đầu truyền thống giữa các nước giàu và các nước nghèo. Cho đến trưa nay, một số bất đồng lớn vẫn chưa được giải quyết, trong có vấn đề các cơ chế mua bán quota khí thải.

Brazil đứng đầu nhóm nước ngăn chặn một thỏa thuận trong vấn đề này. Bất đồng về vấn đề cơ chế mua bán quota khí thải có thể sẽ được dời lại để thảo luận vào hội nghị COP 25 năm tới, sẽ diễn ra tại Chili. Brazil là quốc gia đăng cai hội nghị này, nhưng đã hủy kế hoạch hồi cuối tháng trước.






No comments:

Post a Comment

View My Stats