Thursday, 13 December 2018

CÒN ĐỘC TÀI THÌ ĐẤT NƯỚC CÒN NGHÈO (Trung Nguyễn)




Trung Nguyễn
14/12/2018

Lập ngôn của ông Đam
Tại Đại hội đại biểu sinh viên toàn quốc chiều ngày 11/12/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc đối thoại với các đại biểu sinh viên. Khi bị sinh viên chất vấn về chính sách giúp đỡ sinh viên nghèo học giỏi, ông Đam đã phải công nhận rằng:

“Đất nước chúng ta còn nghèo lắm. Việc bạn nói chế độ hỗ trợ toàn diện, bền vững cho các sinh viên giỏi chưa có là đúng. Tuy nhiên, chúng ta còn có rất nhiều đối tượng cần hỗ trợ: người có công, người yếu thế… với lượng ngân sách bỏ ra rất lớn. Nói như thế không phải để thanh minh cho việc chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện cho sinh viên giỏi”.

Rồi sau đó ông Đam yêu cầu các bạn sinh viên phải “chịu khó”: “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, tất cả chúng ta – từ bạn học giỏi đến những bạn chưa giỏi cần phải nỗ lực hơn. Đất nước không thể nghèo mãi thế này được. Để làm được điều đó thì chính chúng ta phải chịu khó thôi”.

Một điều rất hay là ông Đam phát biểu trước mặt đại biểu sinh viên cả nước. Dĩ nhiên, theo lệ ở Việt Nam, đây là những bạn sinh viên hoạt động Đoàn [Thanh niên Cộng sản] năng nổ và được coi là những “hạt giống đỏ” của đảng Cộng sản. Câu trả lời của ông Đam có lẽ sẽ khiến nhiều bạn sinh viên “đỏ” phải “bớt đỏ” hoặc đổi sang màu khác.

Nước nghèo do độc đảng
Đầu tiên, ông Đam công nhận là “đất nước chúng ta còn nghèo lắm”. Có lẽ ông Đam quên là đất nước, tính từ năm 1975, đã trải qua 43 năm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Gần 50 năm dưới sự lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện” của đảng cộng sản mà đất nước “còn nghèo lắm” là tại sao, nếu không phải là tại cái sự cai trị độc đoán của giới lãnh đạo cộng sản.

Chính ông Đam cũng nói ông thích gặp sinh viên vì “mỗi lần gặp các bạn là cơ hội để tôi bớt sự trì trệ, trẻ hơn trong suy nghĩ”. Nghĩa là hằng ngày ông Đam ở trong một môi trường làm việc hết sức quan liêu, trì trệ, già nua. Cứ nhìn vào việc thế giới thay đổi hàng ngày mà các cán bộ, quan chức cộng sản phải tụng niệm chủ nghĩa Mác – Lênin từ thế kỷ trước là đủ thấy bộ máy cai trị cộng sản già cỗi thế nào. Nói theo chu trình “sinh – lão – bệnh – tử” thì đảng Cộng sản đã ở vào giai đoạn “lão – bệnh” lâu rồi. Giai đoạn “tử” là tất yếu thôi.

Dù vậy, tôi vẫn đánh giá ông Đam cao hơn ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng Cộng sản, vì tình hình đất nước “nghèo lắm” mà vẫn đi lừa người dân Việt Nam nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?

Vài câu hỏi cho ông Đam
Ông Đam à, “đất nước chúng ta còn nghèo lắm” mà tại sao các quan chức cộng sản lại giàu có đến như vậy? Thông tin về các biệt phủ của các quan đăng công khai trên báo trong nước chứ đâu có giấu diếm gì.

Tại sao “đất nước chúng ta còn nghèo lắm”, không có tiền hỗ trợ cho sinh viên, nhưng các quan cộng sản lại thích đổ tiền vào các dự án không cấp bách như tượng đài, bảo tàng, khu lưu niệm danh nhân,… có khi lên đến cả chục ngàn tỉ đồng?

Ông Đam kêu gọi sinh viên nghèo học giỏi phải “nỗ lực hơn”, phải “chịu khó”. Thế tại sao giới lãnh đạo cộng sản không “nỗ lực” và “chịu khó”? Ví dụ như việc liên tục tăng biên chế để dân phải gánh chịu thuế má, nợ công nặng nề. Tại sao các ông bà “công bộc của nhân dân” không chịu khó làm việc mà cứ phải tuyển thêm người? Chính ông Nguyễn Xuân Phúc thời còn làm Phó Thủ tướng đã công nhận: Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào“.

Tôi đặt những câu hỏi như vậy để các “lãnh đạo sinh viên” hiểu rõ nguyên nhân tại sao đất nước mãi nghèo để các bạn có thể về lại trường đại học của các bạn, kể lại cho các bạn sinh viên khác nghe về lý do đất nước nghèo, lý do tại sao giới cai trị cộng sản không có tiền chăm lo cho giáo dục, dù họ vẫn luôn tụng như vẹt “giáo dục là quốc sách hàng đầu”“hiền tài là nguyên khí quốc gia”,…

Khi ông Đam, một lãnh đạo cộng sản, yêu cầu các bạn sinh viên phải “chịu khó” nghĩa là giới lãnh đạo cộng sản không hề có bất kỳ giải pháp nào để giúp đỡ các bạn sinh viên đâu. Các bạn sinh viên nên thấy là đảng Cộng sản đòi lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các bạn nhưng cái đảng đó không hề có bất kỳ giải pháp nào cho đất nước ngoài việc hô khẩu hiệu. Thế thì cái đảng đó còn xứng đáng lãnh đạo quốc gia hay không?

Sinh viên mong chế độ cộng sản sụp đổ
Bản thân tôi đang là sinh viên thuộc ngành xã hội – nhân văn. Tôi kể ra đây một câu chuyện để ông Đam nói riêng và giới cai trị cộng sản nói chung, biết về ước mong tột bậc của sinh viên cũng như giới trí thức hiện tại.

Trong giờ học môn lịch sử Việt Nam, sau khi các bạn sinh viên được thầy giáo giảng về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một bạn đã hỏi thầy là Trạng Trình có để lại câu sấm nào dự báo sự sụp đổ của chế độ cộng sản hay không. Các bạn sinh viên khác rất háo hức được nghe câu trả lời của thầy, cũng có nghĩa các bạn rất háo hức trước viễn cảnh chế độ cộng sản sụp đổ.

Thầy giáo, một tiến sỹ lịch sử, không hề bối rối hay cấm đoán một câu hỏi “nhạy cảm” như vậy. Thầy trả lời là một chế độ sụp đổ là bình thường, trong lịch sử thì triều đại nào cũng đến lúc phải tiêu vong. Chế độ cộng sản sụp đổ khi nó rệu rã, nghĩa là khi tham nhũng quá mức chịu đựng của người dân.

Tôi kể ra đây câu chuyện này để các ông bà đang cai trị đất nước biết lòng dân như thế nào, và tư tưởng của giới trẻ, của sinh viên như thế nào. Ý dân là ý trời. Ý dân là chế độ cộng sản phải ra đi, vì “đất nước không thể nghèo mãi thế này được”.

----------------------------------

XEM THÊM

Luật sư Luân Lê
13/12/2018


Theo tôi được biết từ khi còn mặc quần thủng đít đi học ở trường làng là nước ta giàu có trù phú với đủ các tính từ mỹ miều khoáng đạt: rừng vàng, biển bạc, đất đai phì nhiêu, sông hồ, kênh rạch chằng chịt, tài nguyên, khoáng sản bạt ngàn. Và đến giờ tôi vẫn nghe thấy người ta tuyên bố nước ta là nước hạnh phúc nhất nhì thế giới.

Vậy tại sao ông, một người lãnh đạo nằm trong số những người đứng đầu nội các (chính phủ), lại có thể đặt ra một câu hỏi kiểu tu từ: nước ta không thể nghèo mãi thế này được, trước những người trẻ?

Phải chăng ông đã biết nhìn vào thực tại và biết trung thực với chính mình, thôi ngợi ca và chấm dứt sự tự hào huyễn hoặc về đất nước và các kết quả điều hành của chính trị?

Chúng ta nghèo gì mới thực sự là nghèo?

Đó là nghèo tri thức. Mà tri thức có được hay không phụ thuộc ở yếu tố con người. Trong khi chúng ta lại không có giáo dục tự do, tự do ở đây với hai khía cạnh: tự do khỏi sự kiểm soát của chính trị; và tự do học thuật để kiến tạo và từ đó làm chủ cả về chính trị, tức được tiếp cận và truyền thụ mọi nền tảng tư tưởng, được tranh luận, đánh giá sòng phẳng các chủ thuyết trong mọi bài giảng.

Chúng ta có tự do chính trị chưa? Chưa có. Khi người dân chưa thể thực hiện quyền biểu tình hoặc tự do lập hội, hội họp, lập đảng chính trị, chưa được thành lập báo chí và truyền thông tư nhân, chưa được thực hành tự do ngôn luận với khía cạnh có quan điểm trái nghịch với nhà nước (chính quyền) - được gọi là tự do tư tưởng và tự do biểu đạt, bày tỏ chính kiến - vì sẽ bị cáo buộc trở thành tội phạm xâm phạm vào an ninh quốc gia.

Chúng ta chưa làm giàu cho tri thức của con người, thì lấy đâu ra thứ để làm giàu cho đất nước và xã hội? Chúng ta mãi nghèo đói vì đã đoạn tuyệt và tuyệt giao với các hệ thống tri thức tự do như là một di sản quý báu của thế giới chỉ vì nó bất dung hoặc bất đồng với quan điểm, tư tưởng của chính quyền (hoặc ít nhất là đảng cầm quyền).

Chúng ta nghèo đói và lạc hậu vì ngay cả việc nói lên tiếng nói chính trực và theo lẽ phải cũng đã là một sự lựa chọn dũng cảm. Đấu tranh để đòi hỏi luật pháp, sự thật và công lý lại là một cuộc chiến sinh tồn khốc liệt. Và hèn nhát trở thành đức tính phổ biến ở số đông. Khôn lỏi trở thành phương tiện mưu sinh hữu ích. Quyền lực trở thành mục tiêu của sự giàu có. Sự bảo thủ và độc tôn trở thành nền tảng của tư duy quản lý.

Có nhiều ví dụ điển hình về việc một khi dân tộc nào sở hữu sự giàu có về tri thức, đất nước đó sẽ trở nên hưng thịnh và phồn vinh. Singapore, Nhật Bản hay Israel là những quốc gia thành công chỉ bởi nhờ vào sự giàu có về mặt (trí tuệ) con người. Nhưng có thể khẳng định một tiên đề là, không một quốc gia thành công nào mà ở đó lại có một thể chế (chính trị) tồi.
Chúng ta đang thực sự sở hữu ba sự giàu có mà nó đang hiện diện một cách phổ quát, đó là: sự giả dối, bạo lực và ngu dốt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats