Thursday, 13 December 2018

CHÍNH QUYỀN TRUMP LẬT NGƯỢC CHÍNH SÁCH, TRỤC XUẤT TÙ HÌNH SỰ GỐC VIỆT ĐẾN MỸ TRƯỚC 1995 (tổng hợp)




13/12/2018

Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ lại thực hiện việc trục xuất một số di dân Việt thuộc diện được bảo vệ đã từng sinh sống ở Mỹ hàng thập kỷ qua sau khi rời Việt Nam trong thời gian chiến tranh.

Một bài báo đăng trên tạp chí The Atlantic ra hôm 12/12 tường thuật rằng chính quyền TT Trump đang trong quá trình chuẩn bị để tiến hành việc trục xuất một số di dân gốc Việt ra khỏi Hoa Kỳ, trong khi báo New York Times hồi tháng trước nói chính quyền Trump đã lặng lẽ đình chỉ việc trục xuất một số người nhập cư Việt Nam cách đây vài tháng.

Chính sách trục xuất di dân Việt Nam về nước được tin là đã gây ra tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và cũng là nguyên nhân dẫn tới quyết định của một đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ chức vào cuối năm ngoái.

Theo một thỏa thuận ký vào năm 2008 giữa hai chính quyền cựu thù, thì không thể trục xuất những người Việt tới Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995 – ngày hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ bang giao.

Theo The Atlantic, vào đầu năm ngoái Nhà Trắng đơn phương diễn giải hiệp định này để loại bỏ những người bị kết án hình sự khỏi sự bảo vệ của hiệp định 2008, và cho phép chính quyền gửi trả về Việt Nam một số ít di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995. Đây là một chính sách mà Nhà Trắng đã rút lại hồi tháng 8.


Tuy nhiên, theo một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội,chính phủ Mỹ nay lại quyết định thi hành chính sách này trở lại. Washington cho rằng hiệp định 2008 không bảo vệ những người di dân Việt tới Mỹ trước 1995.

“Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một hiệp định song phương về vấn đề trục xuất vào năm 2008, đồng thời thiết lập các thủ tục để trục xuất công dân Việt đến Mỹ sau ngày 12/7/1995 và là đối tượng của lệnh trục xuất cuối cùng,” James Thrower, người phát ngôn Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, nói với tạp chí The Atlantic của Mỹ. “Mặc dù các thủ tục liên quan đến hiệp định này không áp dụng cho các công dân Việt Nam đã tới Mỹ trước ngày 12/7/1995, nhưng nó không thể ngăn cản việc trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995.”

Theo tạp chí The Atlantic, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington DC nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó.
“Hiện đang có 5.000 người Việt đang sống ở Hoa Kỳ bị kết án hình sự và đã có quyết định cuối cùng là phải bị trục xuất – những người này không phải là công dân Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán về di trú ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm," Katie Waldman, một phát ngôn viên của DHS nói. “Ưu tiên của chính quyền hiện nay là trục xuất những tội phạm hình sự trở về đất nước nơi họ ra đi.”


Hồi năm ngoái chính quyền của TT Trump bắt đầu bắt giữ những người nhập cư đến từ Việt Nam đã sống lâu dài ở Mỹ và chuẩn bị trục xuất họ. New York Times trích dẫn thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ vào tháng trước cho thấy có khoảng 7.700 trong số khoảng 8.000 di dân Việt thuộc diện chờ bị trục xuất.

Nhiều người Việt đến Mỹ trước năm 1995, được bảo vệ theo hiệp định dưới thời của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, là những người tị nạn chiến tranh Việt Nam. Trong số đó có con cái của những người đã từng chiến đấu cho các lực lượng đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Để phản đối việc hàng nghìn người Việt bị trục xuất về Việt Nam, đại sứ tiền nhiệm của ông Kritenbrink, Ted Osius, đã từ chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 10/2017.


Trả lời VOA trước đây, cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ từ California nhận định rằng những di dân Việt thuộc diện bị trục xuất không nên tiếp tục trông đợi vào thoả thuận ký năm 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo ông, bản ghi nhớ này không thể bảo vệ những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 khỏi nguy cơ bị trục xuất.

Trong khi đó Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nói Việt Nam mong muốn Mỹ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở đây hòa nhập, đóng góp cho xã hội Mỹ cũng như giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

Viện Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC cho hay là sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, khoảng 125.000 người tị nạn đã rời Việt Nam trong một chương trình di tản được chính phủ Mỹ tài trợ. Con số thống kê của viện này cho thấy lượng người Việt nhập cư vào Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1975, và lại tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tính đến năm 2017, đã có hơn 1,3 triệu người Việt tới an cư ở Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân ở Mỹ.

-------------------------------------

ZING
09:30 13/12/2018

Động thái của chính quyền Trump nhằm siết chặt nhập cư diễn ra trong bối cảnh thời điểm gia hạn thỏa thuận về trục xuất người di cư gốc Việt tới gần.

Theo The Atlantic, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tái khởi động việc trục xuất người nhập cư gốc Việt sinh sống tại Mỹ. Nhiều người trong số này tới Mỹ trong giai đoạn trong và sau Chiến tranh Việt Nam.

Bản tin của Atlantic dẫn lời nguồn tin giấu tên từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nói hồi tuần trước.

Đây là động thái mới nhất trong chính sách hạn chế tị nạn, thắt chặt nhập cư được Tổng thống Trump ưu tiên. Tuy nhiên, việc này chắc chắn sẽ gây bất ngờ lẫn bất bình bởi Nhà Trắng từng rút lại kế hoạch trục xuất hồi tháng 8, trước khi lật ngược một lần nữa.

Chính quyền Mỹ giờ ra quyết định mọi người gốc Việt nhập cư vào Mỹ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là đối tượng áp dụng luật di trú thông thường, tức đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

Trục xuất người nước ngoài phạm tội là ưu tiên
Quyết định mới nhất quán với những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm siết chặt nhập cư. Tổng thống Trump lúc tranh cử từng thường xuyên phàn nàn về vấn đề này và thậm chí cho rằng người nhập cư liên quan đến hàng loạt điều tệ hại khác ở Mỹ.

Năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã ký thỏa thuận về việc nhận lại người Việt di cư sang Mỹ. Tuy nhiên, người gốc Việt đến Mỹ trước ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 12/7/1995, sẽ không phải đối tượng bị áp dụng thỏa thuận.

Năm 2017, chính quyền Trump bắt đầu theo đuổi chính sách trục xuất nhiều người tị nạn đến từ Việt Nam, Campuchia và một số nước khác. Họ bị cáo buộc là “người nước ngoài phạm tội bạo lực”.

Đầu năm 2017, Washington đơn phương diễn giải lại thỏa thuận theo hướng nhằm tước bỏ sự bảo hộ đối với những người phạm tội, qua đó cho phép chính phủ Mỹ trục xuất một phần những người nhập cư gốc Việt tới nước này trước ngày 12/7/1995.

Đến tháng 8 vừa qua, Mỹ rút lại chính sách đó. Tuy vậy, đến tuần trước, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho hay chính quyền Mỹ sẽ một lần nữa đảo ngược tiến trình.

Washington tin rằng thỏa thuận năm 2008 không thể bảo vệ những người gốc Việt nhập cư sau năm 1995 khỏi khả năng bị trục xuất, người phát ngôn giấu tiên nói với Atlantic.

“Năm 2008, Mỹ và Việt Nam ký thỏa thuận song phương về việc nhận lại công dân Việt di cư, thiết lập quy trình trục xuất người gốc Việt tới Mỹ sau năm 12/7/1995 và là đối tượng bị áp lệnh trục xuất”, người phát ngôn cho hay. “Tuy quy trình được định trong văn kiện này không áp dụng với công dân Việt di cư trước 12/7/1995, nhưng nó không hoàn toàn loại trừ khả năng trục xuất các trường hợp trước năm 1995”.

Sự thay đổi lập trường diễn ra trong bối cảnh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa đã gặp mặt đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C.. Hiện chưa rõ chi tiết nội dung và thời gian diễn ra cuộc gặp.

Katie Waldman, người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa, cho biết 5.000 người gốc Việt bị kết án đã được lệnh trục xuất. Họ là những người chưa được công nhận là công dân Mỹ. “Ưu tiên của chính quyền là di dời người nước ngoài phạm tội về đất nước của họ”, bà Waldman khẳng định.

Trong lúc đó, Trung tâm hành động Southeast Asia Resource, trụ sở tại Washington D.C., cho rằng mục đích của cuộc gặp nói trên là thay đổi thỏa thuận 2008. Văn kiện này có thời hạn 5 năm và tự động gia hạn 3 năm một lần trừ khi một trong hai bên ngừng tham gia, tức tháng 1/2019 sẽ là thời điểm gia hạn thỏa thuận. Tính từ năm 1998 tới nay, lệnh trục xuất đã được phát đối với hơn 9.000 người gốc Việt.

Diễn giải lại thỏa thuận 2008, đảo ngược chính sách
Theo cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (nhiệm kỳ từ tháng 12/2014-10/2017), động thái của chính quyền Trump dựa trên cách diễn giải mới hoàn toàn đối với bản thỏa thuận. Osius cho hay khi ông còn giữ chức đại sứ, văn kiện này được mọi bên liên quan chấp nhận, đồng tình rằng việc trục xuất công dân Việt di cư tới Mỹ trước năm 1995 là bị cấm.

“Chúng tôi hiểu rằng thỏa thuận nghiêm cấm trục xuất người Việt tị nạn trước năm 1995. Cả hai chính phủ và cộng đồng người Mỹ gốc Việt đều diễn giải như vậy”, Atlantic trích email của ông Osius. Cựu đại sứ cho biết thêm Bộ Ngoại giao Mỹ từng giải thích điều này với cả Nhà Trắng lẫn Cục Kiểm Soát Di Trú Và Hải Quan Mỹ.

Diễn biến mới về việc chính quyền Trump tái áp dụng chính sách cứng rắn xuất hiện vài tuần sau khi rộ lên thông tin Mỹ quyết định tạm dừng trục xuất người gốc Việt. Ngày 22/11, New York Times có bài viết về việc chính phủ Mỹ ra quyết định dừng trục xuất khoảng 7.700-8.000 người gốc Việt đang sinh sống tại nước này. Thông tin đã được quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận.

Tại buổi họp báo ngày 6/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay việc tiếp nhận trở lại người gốc Việt được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ về việc nhận trở lại người gốc Việt, và đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân phù hợp với quy định, luật pháp của mỗi nước. 

"Việt Nam mong muốn Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người gốc Việt Nam tại Mỹ hội nhập và đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Mỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước”, người phát ngôn nêu rõ.

Tin tức ban đầu về động thái trái ngược của Mỹ cũng gây xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều tổ chức cảnh báo người di cư gốc Việt về nguy cơ bị  trục xuất gia tăng.

“Cách đây 43 năm, nhiều cộng đồng Đông Nam Á và người gốc Việt di cư khỏi quê hương để tìm kiếm sự an toàn cho họ và gia đình trong cuộc chiến mà Mỹ có liên quan”, Kevin Lam, giám đốc tổ chức Asian American Resource Workshop, nói. “Mỹ cần nhớ lấy điều đó”.






No comments:

Post a Comment

View My Stats