Nhân Trần
15/12/2018
Trong những ngày tháng cả đất nước đang sục sôi về
giải bóng đá AFF Cup này, tôi mới chợt ngộ ra một quốc gia thất bại có biểu hiện
ra làm sao. Đó là điều mà bao lâu nay tôi vẫn mơ hồ, cứ canh cánh trong lòng,
tôi hoài nghi và cố đi tìm một lý thuyết vững chắc để giải thích cho việc này.
Thất bại là khi ta không làm được việc gì đó, ta bỏ
cuộc, phó mặc số phận. Ta dựa vào chiến thắng bên ngoài để tự an ủi mình và huyễn
hoặc mình cũng có cảm giác của người chiến thắng.
Với cách hiểu này, tôi có thể nói lên một niềm tin vững
chắc rằng khi con người ta thiếu thốn thứ gì đó người ta thèm khát có được nó bất
chấp mọi quy phạm đạo đức và luật pháp. Nhất là khi điều đó được coi là hợp
pháp thì sự cuồng nộ lại càng sôi sục.
Người
Việt Nam thèm khát một chiến thắng
Ngoài đường, những dòng người nối đuôi nhau, trên những
chiếc xe có gắn cờ đỏ sao vàng. Những con người mặc áo đỏ đầu đeo băng rôn đỏ,
trên má dán cờ đỏ phóng nhanh vượt ẩu bấm còi xe ầm ĩ. Họ một lòng một dạ hướng
về phía sân vận động Mỹ Đình, nơi có 11 cầu thủ sắp ra sân. Họ tưng bừng như
ngày hội, họ hô hào, hò hét làm náo loạn đường phố. Trong tiếng kèn, tiếng nhạc,
tiếng còi xe inh ỏi, cả thành phố như một cuộc lên đồng tập thể. Và trên hết, họ
coi những hành động đó là “yêu nước”.
Đằng sau những gương mặt in hình cờ đỏ sao vàng kia
là gì? Tôi cho rằng đó là một sự thiếu thốn về tinh thần, một sự thèm khát chiến
thắng mà không ai có thể tự giải thích được.
Tâm lý học đám đông đã cho biết rằng những con người
yếu đuối, mờ nhạt họ chỉ mong muốn tụ hợp nhau lại để làm cho họ mạnh mẽ hơn. Họ
muốn hòa vào đám đông có cùng cảnh ngộ để tạo nên một sức mạnh khủng khiếp. Tâm
lý đám đông sẽ làm nhòa đi ranh giới giữa lý trí và cảm tính do ý thức cá nhân
đã bị nhạt nhòa trước trùng trùng điệp điệp màu sắc tương đồng. Người ta muốn
ăn mặc giống nhau, trang điểm giống nhau để có được sức mạnh cá nhân trên nền của
sức mạnh đám đông mà bấy lâu nay mình đã mất.
Sự vô thức về cái đã mất được khơi lại trong một sự
kiện không lấy gì làm to tát, một sự kiện quá đỗi bình thường cứ lặp đi lặp lại
từ năm này qua năm khác. Năm nào chả có bóng đá, năm nào Việt Nam chả chơi ở tứ
kết đến chung kết, hết giải này đến giải kia. Vậy tại sao lần nào bóng đá cũng
tạo nên một sự kiện cuồng nhiệt như vậy? Sự thật là đã quá lâu rồi Việt Nam
không có chiến thắng.
Chiến thắng là một cảm giác được thỏa mãn, một tinh
thần sảng khoái, tự hào và kiêu ngạo. Chỉ có chiến thắng mới khiến người ta có
cảm giác được đứng trên đỉnh của vinh quang để nhìn thế giới với con mắt đầy
kiêu hãnh. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam khi ấy được đánh đồng với chiến
thắng của dân tộc, của đất nước.
Bỏ qua mọi khía cạnh thế nào là yêu nước. Tôi chắc
chắn rằng yêu bóng đá không phải là yêu nước. Sự cổ vũ cuồng nộ đội tuyển bóng
đá Việt Nam không phải là yêu nước. Mà bởi vì họ yêu chiếc cup vàng, yêu sự vô
địch, yêu một chiến thắng từ trong sâu thẳm tâm hồn họ luôn bị thất bại. Điều
đó cứ lặp đi lặp lại hằng ngày, từ năm này qua năm khác. Giới nhà báo cộng sản
dựa vào đó để gắn mác lòng yêu nước và gọi tên nó là tinh thần dân tộc.
Nếu đội tuyển Việt Nam thua thì sao, họ vẫn yêu chứ?
Tôi không dám chắc. Nhưng tôi dám chắc rằng sau những trận chung kết thất bại sẽ
chẳng còn ai bàn tán về nó nữa. Mỗi người thấy tự vấn lương tâm về việc làm của
mình ngày hôm qua vì niềm tin đã bị phản bội. Những lá cờ đỏ sao vàng cùng băng
rôn khẩu hiệu đêm qua mua với giá vài trăm nghìn thì sáng sớm nay đã nằm gọn
trong xe rác.
Trong lúc này đây, tiếng nói của mỗi cầu thủ trên
sân có sức nặng hơn hàng trăm bài phát biểu của ngài Chủ tịch nước. Người ta lo
lắng cho tinh thần và thể lực của từng cầu thủ. Người ta bàn tán về gia đình,
tình yêu, đời sống cá nhân, những pha kiến tạo, những bàn thắng của từng cầu thủ.
Những kẻ đam mê chiếc cup vàng kia đang phô bày kiến thức về bóng đá, đang bình
luận rôm rả về chiến thuật, chiến lược, huấn luyện viên người Hàn, về các ông bầu.
Những phân tích sắc sảo đột biến đó không có chỗ cho chính trị, cho đặc khu,
cho luật an ninh mạng, cho dân oan, cho những người hoạt động dân chủ, cho những
chính sách kinh tế đang tước đi miếng ăn của họ hàng ngày. Họ biết điều ấy chứ,
nhưng họ làm gì được, họ bảo nhau hãy cẩn thận khi đụng tới nó. Họ dùng trí
thông minh và tài năng phân tích, tổng hợp của mình để thể hiện với nhau về
bóng đá. Lấy bóng đá làm điểm tựa còn sót lại cuối cùng của niềm vui cuộc sống.
Vậy họ
đã mất đi cái gì?
Họ mất đi quyền tự do được biểu tình nên họ tràn ra
đường bất chấp luật pháp ngăn cấm tụ tập. Sau mỗi trận bóng đá thực chất là một
cuộc biểu tình được hợp pháp hóa.
Họ mất đi “niềm tin lớn” nên họ trông cậy 11 cầu thủ
để mong muốn có một niềm tin lớn để thỏa mãn. Bản chất là họ mất đi một sự gắn
kết về tinh thần chung.
Họ mất đi sức mạnh bởi suốt ngày họ bị một sức mạnh
vô hình lớn hơn đè nén họ không thể gọi tên nó ra vì họ sợ khi nói tên nó ra họ
có thể vào trong trại giam an dưỡng dài dài.
Hơn hết, họ cần mất đi sự tỉnh táo bởi suốt ngày họ
phải vật lộn với lý trí để kiếm sống, mưu sinh, tranh đấu. Khi áp lực cuộc sống
đè nặng lên vai họ là họ cần phải quên đi lý trí để xả stress (đặc điểm này tồn
tại trong các quán Bar, vũ trường, hầu đồng).
Sự thất bại của từng cá nhân được biểu hiện như trên
là gì khác ngoài sự thất bại của một dân tộc. Một dân tộc chỉ khao khát chiến
thắng, chỉ khao khát vô địch bởi họ đã chìm đắm trong thất bại từ rất lâu rồi.
Dù sao tôi vẫn mong các cầu thủ của đội tuyển Việt
Nam chiến thắng để thỏa mãn cơn thèm khát vô địch bấy lâu nay.
No comments:
Post a Comment