Saturday, 8 December 2018

BẮT PHÓ CHỦ TỊCH HUAWEI, CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG LEO THANG (tổng hợp)




Tổng hợp
07/12/2018

Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu vừa bị bắt tại Canada là ai ? VOA,07/12/2018
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của công ty thiết bị viễn thông Huawei, đã bị bắt giữtại Canada theo yêu cầu từ chính quyền Mỹ, trong bối cảnh về cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung đang có chiều hướng căng thẳng dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Công ty Huawei của Trung Quốc.

Công ty Huawei của Trung Quốc được cho là một trong những công ty trực tiếp phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. Hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump ký luật cấm chính phủ Mỹ dùng sản phẩm của công ty này vì lý do an quốc gia.
Nhưng bà Mạnh Vãn Chu là ai và công ty của bà có ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh của Hoa Kỳ ?

Ái nữ của đảng viên cộng sản thâm niên
Theo Reuters, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), năm nay 46 tuổi, là con gái của nhà sáng lập và bà hiện là phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Bà là người được dự đoán sẽ "kế vị" vị trí của cha mình trong tương lai.
Cha bà là Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), làm việc trong ngành công nghệ quốc phòng, và là đảng viên Cộng sản từ 1958. Trong thời gian ở quân đội, ông được bầu là đại biểu của quân đội tham dự Đại hội Đảng Toàn quốc. Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei vào năm 1987, và vào năm 2005, ông được tạp chí Times coi là một trong 500 người cóảnh hưởng nhất thế giới.
Bà Mạnh hiện sử dụng họ của mẹ nên không mang họ Nhậm (Ren) của cha bà.

Bà Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh Vãn Chu có bằng thạc sỹ đại học công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán. Bà Mạnh bắt đầu làm việc cho công ty của cha vào năm 1993, một năm sau khi bà làm việc cho Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank).
Các vai trò từng trải qua của Mạnh Vãn Chu là trong mảng ngân hàng, quản lý vốn và kếtoán.
Vào năm 2003, bà Mạnh đã thành lập tổ chức tài chính thống nhất toàn cầu của Huawei với những cấu trúc chuẩn, những quy trình, hệ thống tài chính và những nền tảng công nghệthông tin.
Từ năm 2005, bà Mạnh đã đảm nhận vai trò điều hành việc thành lập năm trung tâm dịch vụ trên toàn cầu, bà cũng là người đã hoàn thành trung tâm thanh toán toàn cầu đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Những trung tâm này đã trở thành động lực thúc đẩy hiệu quảcủa việc kế toán và quản lí chất lượng, góp phần mở rộng hệ thống kế toán để có thể đápứng đủ với tốc độ phát triển và mở rộng của Huawei trên thị trường toàn cầu.
Từ năm 2005, bà Mạnh đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc thành lập 5 trung tâm dịch vụđược chia sẻ trên khắp thế giới. Các trung tâm này đã giúp nâng cao hiệu quả kế toán và giám sát chất lượng của Huawei, góp phần mở rộng nhanh chóng quy mô hoạt động của Huawei ở nước ngoài.
Từ năm 2007, bà Mạnh đã phụ trách Chương trình Chuyển đổi Dịch vụ tài chính tích hợp trong một dự án chung tám năm với IBM để giúp Huawei phát triển hệ thống dữ liệu và quy tắc phân bổ nguồn lực, cải thiện hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa quá trình kiểm soát nội bộ.
Bà làm Giám đốc tài chính của Huawei cho đến lúc bị bắt ở Canada.
Bà Mạnh Vãn Chu có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ khi Huawei bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran và hỗ trợ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Trang tin Đông Phương ngày 6/12 cho biết bà Mạnh Vãn Chu là người sẽ thay cha trở thành Chủ tịch Huawei sau khi ông nghỉ giữ chức vào cuối năm nay.

Công ty Huawei làm gián điệp ?

Huawei, một trong những tập đoàn cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, đang bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ do các quan chức an ninh nước này cáo buộc họ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Các sản phẩm của Huawei gây lo ngại rằng có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.
Huawei có 180.000 nhân viên trên toàn cầu và doanh thu đạt 47,4 tỷ đôla trong nửa đầu năm 2018, dự kiến đạt doanh thu 92 tỷ đôla trong năm nay.
Hiện Huawei đang là hãng smartphone lớn thứ hai trên thế giới về mặt doanh số, vượt qua cả Apple. Huawei đặt ra mục tiêu sẽ chi ra số tiền 20 tỷ đôla cho nghiên cứu và phát triển trong năm nay, sau khi đã chi ra số tiền 13,8 tỷ đôla (tương đương 15% tổng doanh thu) cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2017. Điều này cho thấy tham vọng của Huawei trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Huawei có tham vọng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI), cho tới sản xuất con chip, và thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Những bước tiến mạnh của Huawei trong lĩnh vực liên lạc di động tương lai đã khiến Mỹ lo ngại và trở thành một lý do cho những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ.
Ngoài ra, Mỹ luôn cáo buộc Huawei là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khiến các sản phẩm Huawei hầu như không thể đặt chân vào thị trường Mỹ.
Vào năm 2016, nhà chức trách Mỹ bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng Huawei và một số nhà cung cấp khác có thể lắp đặt "cửa sau" trong thiết bị để có thể theo dõi người dùng ở Mỹ. Huawei bác bỏ những cáo buộc này.
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh dừng cung cấp thiết bị Huawei tại các căn cứ quân sự Mỹ với lý do an ninh. Best Buy, một trong những nhà bán lẻ hàng điện tử lớn nhất ở Mỹ, cũng đã dừng bán sản phẩm Huawei.

Điện thoại Huawei.

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, nhà chức trách Mỹ đã tiến hành điều tra Huawei kể từ năm 2016 với cáo buộc tập đoàn này đã chuyển giao các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ sang Iran và các quốc gia khác, vi phạm quy định xuất khẩu của Mỹ, cũng như biện pháp trừng phạt của nước này đối với Iran.
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin từng nói Hoa Kỳ sẽ "làm mạnh tay" với bất cứ công ty nào "trốn tránh lệnh cấm vận" với Iran.
Sau khi bà Mạnh bị bắt, ông Ben Sasse, Thượng nghị sĩ bang Nebraska, Ủy viên Ủy ban Quân lực và Tài chính Thượng nghị viện đã lên tiếng ca ngợi hành động của phía Canada. Ông nói, Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ và nói :"Phía sau một số hành vi xâm lược các nước khác của Trung Quốc rõ ràng được chính phủ ủng hộ, nhà đương cục Bắc Kinh thường lấy các công ty tư nhân để núp bóng".
"Vụ bắt một thành viên gia đình của người sáng lập Huawei cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang nhanh chóng đến mức nào," New York Times trích lời TJ Pempel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California nhận định.
Tin Mạnh Vãn Chu bị bắt làm cổ phiếu của Huawei bị sụt giảm ngay lập tức nhất là khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục là vấn đề lớn cho Bắc Kinh.
Vụ bắt giữ CFO kiêm Phó chủ tịch của tập đoàn này có thể bị phía Trung Quốc xem như một "vụ tấn công" vào đỉnh cao của thế giới doanh nghiệp Trung Quốc, vì Huawei đến nay được xem là công ty công nghệ toàn cầu nhất của Trung Quốc, với hoạt động phủ sóng ở Châu Phi, Châu Âu và Châu Á.

VIDEO :

******************

Phó Chủ tịch Huawei cũng bị Mỹ điều tra về gian lận ngân hàng
VOA,07/12/2018
Giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei Technologies Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về một chương trình bị cáo buộc là sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để né các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, Reuters dẫn nguồn tin nắm rõ về vụ việc cho biết.

Bà Mạnh là quan chức cao cấp của tập đoàn Huawei

Hoa Kỳ đang xem xét liệu tập đoàn Huawei Technologies Ltd có vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran kể từ ít nhất là năm 2016 hay không, và mới đây hơn, là việc tập đoàn này thông qua ngân hàng HSBC Holdings Plc để thực hiện các giao dịch có liên quan đến Iran.
Hồi năm 2012, HSBC đã phải đóng khoản tiền 1,92 tỷ đô la để đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với văn phòng Công tố liên bang ở Brooklyn do vi phạm luật cấm vận và chống rửa tiền của Mỹ.
Tuy nhiên, HSBC không bị điều tra, cũng theo nguồn tin nắm rõ vụ việc được Reuters trích dẫn.
Bà Mạnh, cũng là con gái của sáng lập viên công ty viễn thông Huawei, bị bắt hôm thứ bảy trong lúc chuyển máy bay ở Vancouver.
Nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cả Canada lẫn Mỹ và yêu cầu phóng thích bà.
Vụ quan chức của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc bị bắt ở Canada có thể bịdẫn độ sang Mỹ làm khuấy động các thị trường và gây nghi ngại về cuộc đình chiến thươngmại Mỹ-Trung hiện nay.
Canada là một trong số hơn 100 nước có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Hiệp ước dẫn độ lâu nay giữa Mỹ và Canada quy định trường hợp bị yêu cầu dẫn độ phải là tội phạm ở cả hai nước.
Các bị can kháng cự việc dẫn độ thường dựa vào cơ sở rằng quyền của họ ở đất nước bắt giữ họ sẽ bị vi phạm nếu họ bị giải qua nước đòi dẫn độ. Các vụ tranh cãi trước đây có khi kéo dài tới nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

******************

Lãnh đạo Huawei của Trung Quốc bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ
VOA , 06/12/2018
Con gái của nhà sáng lập Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei bị bắt ở Canada và đang đối mặt với yêu cầu dẫn độ sang Mỹ, làm dấy lên lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và có gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Bà Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của công ty công nghệ Huawei Technologies Co Ltd.

Theo Reuters, việc Canada bất ngờ bắt giữ bà Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của công ty công nghệ Huawei Technologies Co Ltd theo yêu cầu của Mỹ làm dấy lên nghi ngại có thể làm bế tắc thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày mà Tổng thống MỹDonald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đạt được.
Bà Mạch Vãn Chu bị bắt giữ được cho là liên quan đến cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không bình luận về việc bà Mạch Vãn Chu bị bắt tại Canada.
Cũng theo Reuters, việc bắt giữ bà Mạnh và những biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Giá cổ phiếu của các nhà cung cấp Châu Á cho Huawei, tính cả Qualcomm Inc và Intel, đột ngột giảm vào ngày 6/12.
Bà Mạch, một trong những Phó chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Huawei và con gái của người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), bị bắt vào ngày 1/12 tại Vancouver, Canada, theo yêu cầu của chính quyền Mỹ và một phiên tòa dự định diễn ra ngày 7/12, theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada.
Công ty Huawei đã xác nhận vụ bà Mạch bị bắt giữ và cho biết thêm rằng công ty "không biết rõ các hành động sai trái" của bà như cáo buộc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố kiên quyết phản đối vụ bắt giữ này và kêu gọi trả tự do cho bà Mạch ngay lập tức.
Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc hôm 5/12 cho biết : "Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động làm tổn hại nghiêm trọng tới quyền con người của nạn nhân. Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ và Canada ngay lập tức phải sửa sai và trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu ngay lập tức".
Các nguồn tin nói với Reuters vào tháng Tư rằng nhà chức trách Mỹ đã điều tra công ty Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, kể từ ít nhất năm 2016 vì bị cáo buộc vận chuyển các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sang Iran và các quốc gia khác, và vì vậy đã vi phạm luật xuất khẩu và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ được tiến hành sau hàng loạt hành động nhằm chấm dứt hoặc hạn chế công ty Huawei và nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc ZTE tiếp cận với nền kinh tế Mỹ sau những cáo buộc rằng các công ty này có thể sử dụng công nghệ để do thám Mỹ.

*********************

Trung Quốc yêu cầu Canada trả tự do cho Giám đốc tài chính của Tập đoàn Hoa Vi
RFA, 07/12/2018

Trung Quốc, vào hôm thứ Năm, ngày 6 tháng 12, kêu gọi Canada trả tự do cho nữ Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch của Tập đoàn Công Nghệ Hoa Vi, bà Mạch Vãn Chu.

Bà Mạch Vãn Chu, Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch của Tập đoàn Công Nghệ Hoa Vi bị Chính quyền Canada bắt giữ ở Vancouver ngày 01/12/18. Reuters

Bắc Kinh lên tiếng rằng bà Mạch không làm gì sai trái theo luật pháp của Canada và Mỹ ; đồng thời yêu cầu Canada "ngay lập tức điều chỉnh việc làm sai trái" và phải trả tự do cho bà Mạch.
Hãng thông tấn AP loan tin vừa nêu trong cùng ngày, cho biết bà Mạch Vãn Chu bị Chính quyền Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại Vancouver vào ngày 1 tháng 12, với cáo buộc bị nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạch có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.
Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada, dự kiến ngày 7/12 theo giờ địa phương, giới chức Canada sẽ mở phiên điều trần tại tòa về vụ việc của bà Mạch Vãn Chu.
Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi ra thông cáo báo chí, cho biết có rất ít thông tin về các cáo buộc của Hoa Kỳ đối với bà Mạch Vãn Chu và "không nhận thấy bà Mạch có bất kỳ hành vi sai trái nào".
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh yêu cầu Washington và Ottawa phải ngay lập tức trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu và cần giải thích lý do đã bắt giữ bà.
Tập đoàn Công nghệ Hoa Vi nhà cung cấp thiết bị lớn nhất cho các công ty điện thoại và mạng internet trên toàn cầu, đồng thời là công ty mà Hoa Kỳ cáo buộc là mối đe dọa cho an ninh quốc gia, cho rằng công nghệ của Hoa Vi có thể được sử dụng để làm gián điệp cho Trung Quốc. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Trump kêu gọi các nước phương Tây và những quốc gia đồng minh hạn chế sử dụng công nghệ của Hoa Vi.
Một số các chuyên gia ở Trung Quốc và Hong Kong nhận định rằng vụ việc bà Mạch Vãn Chu bị bắt giữ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng như đe dọa đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông phần lớn sử dụng những thiết bị hạ tầng mạng của hai nhà cung cấp Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE để xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới viễn thông của mình.
Hồi tháng 10, hình ảnh về một chiếc điện thoại thông minh của hãng Hoa Vi ở Philippines có hiển thị phần cài đặt ngôn ngữ "Tiếng Việt (Trung Quốc)" khiến nhiều người dùng phẫn nộ vì cho rằng nó ám chỉ Việt Nam thuộc Trung Quốc.

*******************

Canada bắt giám đốc tài chính Hoa Vi theo ý Mỹ : Trung Quốc phản đối
RFI   07/12/2018

Đúng vào ngày hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc thỏa thuận "hưu chiến" về thương mại tại Buenos Aires bên lề hội nghị G20, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, vì vi phạm lệnh cấm vận với Iran. Phản ứng lại thông tin do bộ Tư Pháp Canada loan báo hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay 06/12/2018 đòi hỏi làm rõ nguyên do, và trả tự do "ngay lập tức" cho bà Mạnh.

Logo tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tại trụ sở chính ở Thẩm Quyên (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 17/04/2012. Reuters/Tyrone Siu/Files

Từ Thượng Hải, thông tín viên Simon Leplâtre tường trình :
"Đòn nặng cho Hoa Vi : bà Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập và là giám đốc tài chính của tập đoàn này, đã bị bắt tại Canada hôm 1 tháng 12 và sẽ bị dẫn độ sang Mỹ.
Hoa Vi, tập đoàn viễn thông khổng lồ, đứng thứ nhì thế giới về số lượng điện thoại thông minh sản xuất, bị tư pháp Hoa Kỳ nhắm đến vì tiếp tục bán sản phẩm cho Iran, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.
Vào mùa xuân năm nay, Mỹ cũng đã cấm bán thiết bị cho ZTE, một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc, vì cùng một lý do, khiến tập đoàn này suýt phá sản.
Đây là giai đoạn khó khăn cho Hoa Vi, bị coi là một doanh nghiệp thân cận với chính quyền Bắc Kinh - nhà sáng lập tập đoàn này là ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) một cựu kỹ sư trong quân đội Trung Quốc. Do đó Hoa Vi bị loại khỏi các cuộc gọi thầu nhằm phát triển mạng lưới 5G tại nhiều nước như Mỹ, Úc, New Zealand. Các nước khác như Đức, Pháp cũng tỏ ra ngờ vực, không muốn để Hoa Vi tham gia mạng lưới mang tính chiến lược như thế.
Tại Trung Quốc, các phản ứng mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa : cư dân mạng coi vụ bắt giữ này là thủ đoạn chính trị của Mỹ trong lúc chiến tranh thương mại đang diễn ra. Một số người đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay sản phẩm Apple để trả đũa".
Các thị trường chứng khoán Châu Âu và Châu Á hôm nay sụt giảm từ 2% đến 6%, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cộng thêm vụ bắt lãnh đạo Hoa Vi. Cổ phiếu Sunny Optical, một nhà cung cấp của Hoa Vi giảm 6,2%.

Bắc Kinh sẽ áp dụng "ngay lập tức" các biện pháp đã hứa với Trump
Trong khi đó, bộ Thương Mại Trung Quốc hôm nay 06/12/2018 thông báo sẽ áp dụng "ngay lập tức" các biện pháp đã hứa với tổng thống Mỹ trong cuộc gặp Trump-Tập ở Argentina, về nông sản, năng lượng, xe hơi và một số mặt hàng khác. Theo phát ngôn viên bộ này, các cuộc thương lượng đang tiếp tục về bảo vệ sở hữu trí tuệ, hợp tác công nghệ, mở cửa thị trường và thương mại công bằng.
Thụy My





No comments:

Post a Comment

View My Stats