Tuesday, 18 December 2018

BẢN TIN NGÀY 18/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




18/12/2018

Tin Biển Đông

VOA đưa tin: Việt Nam, Trung Quốc bàn về Biển Đông tại Lào. Chiều 16/12/2018, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, “bàn về cách giải quyết các đề tranh chấp trên biển nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển song phương”. Đây là cuộc gặp  diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước chung dòng sông Mekong – Lan Thương lần thứ tư tại Lào.

Hai “đồng chí” tiếp tục ngoại giao “đúng quy trình”. Ông Minh đề nghị hai nước “nghiêm túc tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát bất đồng, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển”. Còn ông Nghị nói rằng Trung Quốc và Việt Nam “cần thực hiện đầy đủ sự đồng thuận chiến lược đạt được giữa lãnh đạo hai nước”.

Mỹ thách Trung Quốc đâm tàu Mỹ trên biển Đông, theo báo Người Việt. Ông Joseph Felter, phụ tá của phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi không thay đổi cách hành xử. Nếu tàu Mỹ thối lui trong một cung cách nào đó thì nó gần như thưởng cho hành động bắt nạt. Bởi vậy, chúng tôi tiếp tục hành xử quyền của chúng tôi dựa theo luật lệ quốc tế”. Hoa Kỳ sẽ không thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông.


Tin nhân quyền

Hơn 4 tháng sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án một người tử vong trong lúc làm việc với tổ liên ngành, theo báo Thanh Niên. Trước đó, ngày 15/8/2018, tổ kiểm tra liên ngành ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, Tây Ninh đã đến nhà bà Nguyễn Thị Bích để kiểm tra giấy phép kinh doanh. Trong lúc tổ kiểm tra lập biên bản, “bất ngờ bà Bích ngã xuống nền xi măng, đầu bị chảy máu và bất tỉnh”.

Phía đoàn liên ngành một mực cho rằng, bà Bích “tự ngã” xuống đất, nhưng người nhà bà Bích khẳng định một viên công an xã trong đoàn cán bộ đã giằng co, xô đẩy nên mới làm bà Bích ngã đến tử vong. “Gia đình đã nhờ luật sư vào cuộc và kiến nghị công an khởi tố vụ án để điều tra”. Trước đó, chính cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh kết luận nạn nhân tử vong do “chấn thương sọ não trên người có bệnh lý thiếu máu cơ tim”, nhằm bao che cho cấp dưới thoát tội.

RFA đưa tin: HRW chỉ trích tình hình nhân quyền Việt Nam trong báo cáo cho Liên Hiệp Quốc. Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lưu ý, “kể từ năm 1954 cho đến hiện tại, Việt Nam chưa bao giờ tổ chức bầu cử tự do và công bằng. Đại biểu Quốc hội hầu hết là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam được chọn lựa vào. Tòa án và các bộ, ngành đều dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam”.


Các vụ “ăn” đất

Báo VnExpress đưa tin: Phó chủ tịch huyện ở Hà Tĩnh bị kỷ luật vì sai phạm đất đai. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Tĩnh khiển trách vì sai phạm trong quản lý đất đai. Theo ủy ban này, trong các nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020, lãnh đạo huyện Hương Khê đã “thực hiện quyết định của tỉnh về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở sai thẩm quyền”.

Cũng ở Hà Tĩnh, tại huyện Kỳ Anh: Cựu chủ tịch huyện ‘ăn đất’ nhận án tù, bị đề nghị khai trừ đảng, theo VietNamNet. Ông Nguyễn Văn Bổng, cựu Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh bị khai trừ đảng, đồng thời bị TAND cấp cao tại Hà Nội xử phạt tù. Sai phạm của ông Bổng và các đồng phạm liên quan đến vụ giải phóng mặt bằng cho Formosa từ năm 2008. Họ đã “hợp thức hóa toàn bộ diện tích đất công do xã quản lý thành đất đã giao cho các hộ dân sử dụng trước mốc 1/7/2004, để hưởng chính sách bồi thường 100% giá đất nông nghiệp”.

Vụ chính quyền quận 9, TP HCM cưỡng chế đất của người dân rồi giao cho Công ty TNHH A Sung của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: Vụ đất quân sự về tay Hàn Quốc: UBND quận 9 bất chấp phán quyết của tòa án. Bài báo cho biết, sai phạm trong vụ đất quân sự từ tay đại tá Huỳnh Văn Tài vào tay Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, rồi vào tay doanh nghiệp Hàn Quốc, “đã đi từ hành chính sang hình sự. Bởi, UBND Q.9 đã liên tiếp cưỡng chế tài sản của người dân, thậm chí có trường hợp ra quyết định cưỡng chế một hộ nhưng đập cả 3 nhà”.

Một người dân bị cưỡng chế nói rằng, chính quyền quận 9 không những cưỡng chế của ông 6.963,4m2 chưa xác định rõ mốc giới trên thực địa mà còn lấy thêm hơn 1.400m2 đất, rồi cả diện tích 1.983,7m2 mà ông để cho hai người em.

Trước đó, trang Nhà Báo và Công Luận cũng cập nhật tình hình vụ này với bài: UBND quận 9 và dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái cần được làm rõ! Theo đó, từ năm 2015 đến nay, UBND quận 9, TP HCM đã liên tiếp ra các quyết định cưỡng chế trái phép, bất chấp pháp luật. Hiện nay, “người dân đang làm thủ tục tố cáo hành vi cố ý làm trái và khởi kiện UBND quận 9 ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại”.

Cần lưu ý, khác với rất nhiều tướng “không quân” của cả công an, quân đội đã “vào lò” trong mấy tháng gần đây, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là cựu Tham mưu trưởng Quân khu 7, từng dẫn quân tiến vào Sài Gòn trong Tháng Tư Đen, rồi đánh sang chiến trường Campuchia. Có lẽ vì vậy mà tiến độ điều tra sai phạm vụ này vẫn diễn ra rất chậm, dù đã được một số báo “lề đảng” phanh phui từ tháng 7/2018, còn người đặt bút ký duyệt là cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã “vào lò”.


Trần Bắc Hà và Phạm Công Danh

Báo Tiền Phong Đưa tin vụ ông Trần Bắc Hà: Kiến nghị làm rõ trách nhiệm lãnh đạo BIDV. Trong vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng, cơ quan công tố đề nghị phía điều tra làm rõ trách nhiệm người liên quan trong vụ BIDV cho ông Phạm Công Danh vay, gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. “Người liên quan” đó không ai khác chính là ông Trần Bắc Hà, cựu đại gia – chính khách đang đối mặt với nhiều mức án trong cuộc thanh trừng phe cánh “đồng chí X” của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Phạm Công Danh nói đã “cứu nền an ninh tiền tệ quốc gia”. Ông Phạm Công Danh cho rằng, “thiệt hại xảy ra do hậu quả từ Ngân hàng Đại Tín để lại. Bởi khi đó không ai muốn nhận ngân hàng yếu kém này với 95% là nợ xấu; các hội sở, chi nhánh trên toàn quốc đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có khách hàng xin rút tiền mà đến ba ngày sau mới rút được”.


Cán bộ sai phạm

Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Tham nhũng, chi sai hơn 7 tỷ ở GD- ĐT huyện nhưng vẫn chưa bị khởi tố!? Vụ việc xảy ra ở Phòng GD-ĐT huyện Chư Pứh, Gia Lai. Các cán bộ Phan Trung Dũng (kế toán), Nguyễn Thị Mỹ Sang, Phan Thị Hồng Ca (cùng là thủ quỹ) giả mạo chữ kí, lập chứng từ khống để chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng hơn 4,4 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn đến trường cũng bị Phòng Giáo dục huyện này chiếm đoạt.

Dù đã có kết luận sai phạm, nhưng công an vẫn chưa khởi tố, những cán bộ tham nhũng được chuyển sang nơi khác làm việc bình thường. Khả năng cơ quan công an muốn bao che cho cán bộ, để vụ việc chìm xuồng.


Nền kinh tế không bền vững

Báo Một Thế giới có bài: Mối nguy công nghệ thải loại từ ‘Made in China 2025’ của Trung Quốc vào Việt Nam. Khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm, các thiết bị thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác, trong đó Việt Nam là một trong những nơi đầu tiên. Các công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc trong ngành nhiệt điện Việt Nam đang mỗi ngày bào mòn sức khỏe người dân.

Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là chính sách kinh tế sai lầm, phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, “nội lực” kinh tế Việt Nam bị tiêu biến bởi tham nhũng, lãng phí… khiến cho không còn tiền đầu tư, buộc phải nhập khẩu công nghệ lạc hậu, giá rẻ. Hậu quả trước mắt là hiệu quả kinh tế kém, thua lỗ (nhất là những công ty nhà nước); và về lâu dài ảnh hưởng đến môi trường, an ninh lương thực, không gian sống của người Việt.


Công nhân đình công

Zing đưa tin: Hơn 300 công nhân nghỉ việc đòi lương. Ngày 17/12/2018, hơn 300 công nhân làm việc tại Công ty CP May xuất khẩu Hồng Lĩnh, ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đình công, tập trung trước cổng công ty đòi lương. “Các công nhân phản ánh họ đình công vì gần đây công ty lương trả chậm lương. Theo hợp đồng lao động lương công nhân sẽ được thanh toán vào ngày 15 hàng tháng”.

Một công nhân chia sẻ: “Tháng 11, công nhân chỉ nhận được 50% lương. Tháng này công ty lại chậm lương 10 ngày, như thế là không thể chấp nhận”. Phía lãnh đạo công ty nói “đang vướng mắc về thủ tục xác định tài sản trên đất, ngân hàng chưa giải quyết cho vay vốn dẫn đến việc không có nguồn kinh phí trả lương cho công nhân”.

Hàng trăm công nhân đình công đòi lương. Nguồn: Zing


Vụ hiệu trưởng dâm ô học sinh

Ông Đinh Bằng My, bí thư chi bộ, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú, từng được chính quyền và đoàn thanh niên mời phát biểu, rao giảng về đạo đức trong tuyên truyền chống xâm hại trẻ em. Infonet đặt câu hỏi: Hiệu trưởng dâm ô trẻ em rao giảng điều gì trước mặt gần 400 học sinh cấp 2?Trước hình ảnh đó, người người phải thốt lên: “Không biết bản thân ông My đã phát biểu gì trước các học sinh về nạn xâm hại trẻ em khi chính bản thân ông lại đang bị khởi tố, bắt giam về hành vi dâm ô trẻ em….?”.

Chuyện không phải là lạ dưới chế độ độc tài toàn trị, khi kẻ tham nhũng thì hô hào, lập kế hoạch chống tham nhũng. Công an thì tổ chức đánh bạc, bảo kê. Thầy giáo vô đạo đức thì rao giảng về đạo đức. Cả một bộ máy giả tạo, thi nhau nói dối.

Sự giả tạo cuốn theo hệ lụy đau xót hơn cả là sự vô cảm, đồng lõa với tội ác! Theo VOV, trong sự việc động trời vừa bị phanh phui, “đau xót hơn cả là nhiều giáo viên biết rõ sự việc, không những không đấu tranh lại còn trêu các em ‘có được thầy cho ăn kẹo mút không?’. Một tư tưởng ‘đấu tranh là tránh đâu’ bao trùm, làm tê liệt các giá trị và phản kháng đứng lên bảo vệ lẽ phải”.

Hiệu trưởng sẽ không dễ dàng thực hiện hành vi ấu dâm nếu tập thể cô giáo dám lên tiếng. Cũng như xã hội Việt Nam sẽ tốt lên nếu mọi người dân đều biết yêu thương bản thân, yêu thương đồng loại, để đứng lên chống lại cộng sản độc tài và cái ác từ nó.

Sau nhiều ngày vụ bê bối lạm dụng tình dục diễn ra, bộ trưởng GD Phùng Xuân Nhạ mới “xuất đầu lộ diện”, có lẽ cũng do áp lực lớn từ truyền thông, chứ không thì ông Nhạ cũng “câm” như nhiều lần trước. Người đứng đầu ngành giáo dục chỉ biết đau lòng vụ học sinh tố bị hiệu trưởng xâm hại, theo Zing.  

VOA bàn về vụ xâm hại học sinh ở Phú Thọ: ‘Sự tha hóa đã xuống đến đáy’. Theo thông tin do bài viết tổng hợp, các nam sinh đã chấp nhận làm nô lệ tình dục cho ông My vì sợ bị phạt, bị đánh, còn các giáo viên biết chuyện nhưng cũng im lặng. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ với VOA rằng “tại trường trung học phổ thông Vân Tảo, nơi thầy từng dạy trước năm 2010, cũng từng có vụ một thầy giáo xâm hại học sinh. Nhưng khi thầy Khoa giúp học sinh đó tố cáo thầy giáo kia”, cả trường quay sang phê phán thầy Khoa.



***







No comments:

Post a Comment

View My Stats