Tuesday, 11 December 2018

BẢN TIN NGÀY 11/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




11/12/2018

Tin Biển Đông

Báo Dân Việt dẫn nguồn từ Hoàn Cầu Thời báo, cho biết: Đại tá Trung Quốc đề xuất đâm tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời Đại tá không quân Đới Húc, chủ tịch Viện Hợp tác và An toàn Hải dương Trung Quốc, phát biểu: “Nếu tàu chiến Mỹ tiếp tục đi vào vùng biển của Trung Quốc, tôi đề nghị triển khai hai chiến hạm. Một chiếc có nhiệm vụ chặn đầu tàu Mỹ, chiếc còn lại đâm thẳng vào đối phương. Chúng ta sẽ không cho phép hải quân Mỹ gây rối loạn”.

Đại tá Đới Húc, chủ tịch Viện Hợp tác và An toàn Hải dương Trung Quốc. Ảnh: HCTB

Trong tình hình hải quân Mỹ tiếp tục tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông và quan hệ Mỹ – Đài Loan vẫn gắn bó, ông Đới Húc cho rằng “căng thẳng ở Biển Đông sẽ còn leo thang và Trung Quốc không nên ngại ngần xung đột”. Một số ý kiến “lề dân” mong phía Trung Quốc nói được làm được, để Mỹ có lý do xóa sổ toàn bộ căn cứ và khí tài Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông.

Zing có bài phỏng vấn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink: Chiến lược của Mỹ tại Biển Đông đã rõ như gương. Ông Kritenbrink giải thích về chiến lược “ba mũi nhọn” của Mỹ ở Biển Đông: Thứ nhất, “Mỹ rất chủ động về mặt ngoại giao với các đối tác như Việt Nam và những quốc gia có cùng tư duy trong khu vực”. Thứ hai, “Mỹ rất chủ động trong việc xây dựng năng lực an ninh và quốc phòng của các đối tác trên toàn khu vực”. Thứ ba, “Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động và năng lực của mình”.


Chiến dịch “đốt lò” ở miền Nam

Báo VnExpress dẫn lời Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân: ‘Giờ là lúc thuận lợi nhất giải quyết vấn đề Thủ Thiêm’. Ông Nhân phát biểu như vậy hôm 10/12, trong lúc trao quyết định cho ông Trần Văn Thuận làm Bí thư quận 2, thay ông Nguyễn Hoài Nam, đã bị khởi tố trước đó.

Ông Nhân nói: “Chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, bởi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thành phố phải tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2019, không để khiếu kiện kéo dài. Cần phải biến thách thức thành thời cơ để lấy lại niềm tin của nhân dân”.

Bên cạnh đó, Thành ủy TP HCM đề xuất chính sách đền bù thiệt hại cho 321 hộ dân liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo báo Hà Nội Mới. Phần diện tích đất đã được quy hoạch cho dự án Thủ Thiêm đi qua khu vực 4,3ha, Ban Thường vụ Thành ủy “thống nhất giữ nguyên quy hoạch để phục vụ lợi ích chung. Phần diện tích đất còn lại trong khu 4,3ha được quy hoạch dành cho dịch vụ, thương mại và xây dựng chung cư phục vụ cho tái định cư”.

Ông Nhân đã một lần hứa sẽ giải quyết xong vụ Thủ Thiêm trong tháng 11/2018 nhưng tiến triển rất ít, nên người dân không dễ tin lời hứa của ông nữa. Nhưng một số ý kiến lưu ý thái độ có phần dứt khoát của ông Nhân khác hẳn trước đây, cùng với tình hình cái “lò” đang nóng, nên nhiều khả năng phe “đốt lò” sẽ không dây dưa thêm nữa với nhóm lợi ích Lê Thanh Hải.

Tuy nhiên, đại diện dân Thủ Thiêm chưa đồng ý với phương án của Thành ủy, theo báo Dân Việt. Ông Lê Văn Lung, đại diện một số hộ dân trong khu 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, khẳng định rằng cách giải quyết nói trên của Thành ủy là “không đúng và làm sai”. Theo ông Lung, “đã nằm ngoài ranh thì phải trả lại đầy đủ quyền lợi cho người dân và truy cứu trách nhiệm của những người làm sai”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Cấp nào có thẩm quyền kỷ luật ông Tất Thành Cang? Đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hai lần họp về các sai phạm của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang, kết luận ông Cang sai phạm rất nghiêm trọng và đề nghị Bộ Chính trị xử lý thích đáng. “Bộ Chính trị cũng có quyền khiển trách, cảnh cáo, hoặc cho thôi những chức vụ do Bộ Chính trị phân công, điều động. Còn việc cách chức phải do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.

Báo Làng Mới cập nhật tình hình vụ đất quân sự về tay Hàn Quốc: Thanh tra dự án “ma”. Đúng như nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã dự báo trước đó, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà vừa ký quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với Dự án Khu dân cư tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 do chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV 7/5, của đại tá Huỳnh Văn Tài và Công ty TNHH A Sung, của thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thực hiện. “Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra”.
Bài báo cho biết: Ngày 30/6/2004, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua ký quyết định giao đất cho Công ty 7/5 của đại tá Tài để thực hiện dự án khu dân cư tại quận 9, với rất nhiều sai phạm. UBND Quận 9 đã phê duyệt mức giá bồi thường cho người dân chỉ hơn 100.000 đồng/m2. Sau khi nhận đất, cắm biển, “đại tá Tài không làm gì, chờ công ty 7/5 giải thể thì bán luôn cho thiếu tướng Trần Ngọc Thổ”. Suốt 14 năm qua, “dự án này vẫn bỏ hoang. Chỉ khác là, quyền sở hữu đã về tay người Hàn Quốc”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi vụ án ‘đất vàng’ 8 – 12 Lê Duẩn: Nhóm lợi ích lũng đoạn tài sản nhà nước? Bài báo cho biết: Trên thực tế, tài sản sở hữu nhà nước đối với “đất vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn “bị lũng đoạn ngay trước khi UBND TP.HCM đồng ý phương án các cổ đông nhà nước (Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và 4 công ty thuộc Bộ Công thương) lập công ty cổ phần thực hiện dự án (vào tháng 10.2010)”. Kết quả là tài sản nhà nước chuyển vào tay tư nhân.

Liên quan đến lô đất vàng số 8 – 12 Lê Duẩn và nhóm cựu phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Tài, vụ bán đất công khác cũng được phanh phui, theo báo Lao Động. Theo đó, ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TNMT TPHCM (cùng bị bắt vì liên quan đến Nguyễn Thành Tài) đã ký “chuyển nhượng” lô đất 9.125m2 ở phường Phú Thuận, Q7 với giá rẻ mạt, 102 tỷ đồng. Lô đất này do Công ty cổ phần Kim Khí TP HCM thuộc sở hữu nhà nước, quản lý. Với việc thông đồng bán lô đất trên, ông Kiệt và Công ty CP Kim Khí TP HCM, bỏ túi hàng trăm tỷ đồng.


Phe “đốt lò” khơi lại vụ Vinashin

Bộ Công an vừa bắt cựu Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Vinashin, theo VietNamNet. Cổng thông tin Bộ công an cho biết, ông Trương Văn Tuyến, cựu Tổng Giám đốc Vinashin và ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (Vinashin) vừa bị Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam. Hai bị cáo bị điều tra về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin.

Sao bao năm im ắng, vụ Vinashin bỗng được khơi dậy. Liệu đây có phải là bước chuẩn bị cho quá trình truy tới cùng vụ bê bối năm xưa, thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tung hoành, ăn tàn phá hại. Lúc đó, các ngành ngân hàng, dầu khí và đóng tàu chính là ba lĩnh vực kinh doanh tài chính sau lưng “đồng chí X”.

Bị can Trương Văn Tuyến và bị can Phạm Thanh Sơn. Nguồn: VNN

RFA có bài: Cựu tổng giám đốc Vinashin cùng thuộc cấp bị bắt. Theo đó, phe “đốt lò” không che giấu ý định “điều tra mở rộng vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Vinashin theo Quyết định nhập vụ án hình sự ký ngày 05/6/2018”. Còn Tập đoàn Vinashin “ra đời dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với mục đích thúc đẩy Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới”, nay đã trở thành gánh nặng khổng lồ cho kinh tế Việt Nam.


Kinh tế “nát” toàn diện

Doanh nghiệp nhà nước thì tiếp tục phá: Vinalines muốn rót 4.000 tỷ làm cảng Liên Chiểu: Thêm lo, theo báo Đất Việt. Cảng Liên Chiểu không cần thiết khi đặt trong tương quan với cảng Lạch Chay ở phía Bắc và cảng Thị Vải ở phía Nam, cộng với trình độ thi công cảng nước sâu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Vinalines vẫn còn nợ hàng chục ngàn tỷ đồng, và lỗ đều đặn (tính đến hết tháng 9/2018, lỗ lũy kế lên đến 3.434 tỷ đồng). Thế nhưng Vinalines vẫn muốn đầu tư 4.000 tỷ vào dự án không có tính khả thi. Bên cạnh đó, Vinalines đang trong diện cổ phần hóa, việc đầu tư lớn trong thời điểm này vào các dự án không khả thi sẽ phát sinh tiêu cực. Rõ ràng nhất là việc lấy tiền ngân sách đầu tư hạ tầng cho cá nhân sau này.

Ở thành phần doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo Đất Việt có bài: Nhiều doanh nghiệp Việt yểu mệnh và nghịch lý khác. Dẫn tình trạng doanh nghiệp giải thể ở các nước phát triển, bài viết cho rằng, đó là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng, tạo ra những doanh nghiệp mới với sản phẩm tốt hơn.

Ngược lại, tại Việt Nam, số liệu 11 tháng của năm 2018, số doanh nghiệp giải thể tăng 50% so với năm trước; nhưng số doanh nghiệp thành lập mới không tăng. Điều đó cho thấy, xương sống của nền kinh tế, tức doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang lụn bại, chết yểu. Nó phản ánh đúng thực tế khi doanh nghiệp phải sống trong môi trường kinh doanh tồi tệ, với cạnh tranh không lành mạnh và nhiều chính sách bóp nghẹt.

Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lâm vào đường cùng, theo báo Đầu Tư. Nếu như cả nước có gần 2.500 km đường cao tốc thì miền Tây Nam Bộ chỉ có vỏn vẹn chưa đến 40km (TPHCM – Trung Lương). Trong khi ở các dự án cao tốc miền Bắc được chính quyền hỗ trợ đắc lực, điển hình như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, nối với Trung Quốc, vốn đầu tư lên đến gần 1,5 tỷ USD, sử dụng hoàn toàn vốn vay nước ngoài và tiền của chính phủ.

Ngược lại, BOT Trung Lương – Mỹ Thuận bị bỏ bê, ai làm gì mặc ai. Mười năm nay, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành. Sài Gòn là trung tâm kinh tế chính của cả nước, đóng góp chính vào ngân sách; và miền Tây là nơi nông nghiệp phát triển vượt trội thì không được đầu tư.


Vụ xử Vũ ‘nhôm’: Lòi ra công ty bình phong

Báo Tiền Phong có bài: Những chuyện ‘tuyệt mật’ được Vũ ‘nhôm’ công khai trước tòa. Liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và sai phạm tại ngân hàng Đông Á (DAB), trong phần tự bào chữa trước HĐXX, Vũ “nhôm” khẳng định: “Công ty bị cáo là tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo – Bộ Công an được lập ra, giao cho bị cáo phát triển… bị cáo có xin phép lãnh đạo Tổng cục Tình báo – Bộ Công an cho công ty được mua 60 triệu cổ phần DAB. Lãnh đạo đã đồng ý cho bị cáo tiếp cận Ngân hàng Đông Á và có văn bản tuyệt mật”.

Đây là thông tin khá bất ngờ. Dù trước đó báo chí tự do đều biết, nhưng đến hôm nay, báo “lề đảng” mới dám đưa những thông tin được cho là “mật” như thế này. Vũ “nhôm” chỉ đích danh cựu trung tướng Phan Vũ Tuấn, Tổng cục phó Tổng cục tình báo, Bộ Công an và cựu đại tá Nguyễn Hữu Bách, Cục phó Cục P61, Tổng cục tình báo là những người ra lệnh.

Vũ ‘nhôm’ công khai chuyện ‘tuyệt mật’, theo báo Pháp Luật TP HCM. Vũ nói: “Bị cáo phải trình bày vấn đề này vì nó ảnh hưởng đến sinh mạng của bị cáo, quyền lợi của bị cáo. Công ty của bị cáo là… Việc mua cổ phần của DAB, bị cáo có xin phép lãnh đạo. Lãnh đạo đã đồng ý và có văn bản tuyệt mật. Bị cáo đã giao văn bản này cho anh Bình. Sau khi anh Bình nhận được thì mới nói việc này cần phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Sau đó bị cáo đã ra báo cáo lại với lãnh đạo. Lãnh đạo đã có văn bản thứ hai gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Sau đại án Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức đánh bạc gần 10 ngàn tỷ đồng do trung tướng Phan Văn Vĩnh và thiếu tướng Nguyễn Văn Hóa điều hành; cục tình báo cũng không chịu “kém cạnh”. Cục tình báo không “làm ăn” bằng đánh bạc mà làm kinh tế hẳn hoi, bằng mua bán đất công và các thủ thuật tài chính khác.

Cũng trong phiên xét xử, Vũ “nhôm” tố cáo cán bộ điều tra vi phạm tố tụng. Vũ ‘nhôm’ cho rằng, Cơ quan CSĐT có dấu hiệu thông cung, mớm cung, ép cung tại lời khai: “lời khai Trần Phương Bình trang 131, kể từ trên xuống dòng 18 – 24 và lời khai Nguyễn Đức Vinh trên xuống dòng 19 – 25 trang 132. Cả 2 lời khai đều 6 dòng và giống nhau như anh em sinh đôi”.

Báo Tiền Phong có đồ họa: Khối tài sản khủng của Vũ ‘nhôm’.


Cựu phó thống đốc NHNN được bao che tội

Để xảy ra sai phạm gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình hưởng án treo, theo báo Lao Động. TAND cấp cao tuyên án bị cáo Đặng Thanh Bình, cựu Phó Thống đốc NHNN được hưởng “án treo”. Tòa chấp nhận kháng án của bị cáo Bình cùng đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, chuyển bản án từ 3 năm tù thành án treo. Với mức án này, lãnh đạo mặc sức sai phạm, không phải lo ở tù.

Tòa án cho biết, nhờ luật Người cao tuổi, cựu Phó thống đốc NHNN hưởng 3 năm tù treo, theo Zing. Ông Đặng Thanh Bình, bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo nhờ được áp dụng thêm các quy định trong luật Người cao tuổi. Tòa tối cao lý luận: “Với các bị cáo trên 60 tuổi, khi có điều kiện về nhân thân tốt, bị tuyên án mức hình phạt từ ba năm tù trở xuống, HĐXX cho rằng nên vận dụng thêm các quy định trong luật Người cao tuổi để áp dụng án treo đối với các bị cáo”.

Luật pháp xứ ta quả là “nhân văn” đổi với các tội phạm là quan chức nhà nước. Trong số các tù nhân lương tâm, cũng có không ít người cao tuổi, mang bệnh hiểm nghèo, sắp chết, mặc dù họ không gây thiệt hại kinh tế trăm tỉ, ngàn tỉ, không để lại một đống nợ cho dân phải trả, nhưng chẳng có phiên tòa cho họ được áp dụng những thứ luật vừa kể.

Báo Đất Việt có bài: Xin giảm nhẹ cho nguyên phó thống đốc: Không phù hợp. Dẫn lại thông tin tại phiên tòa về việc đại diện NHNN xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cựu phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa ở Đồng Tháp, cho rằng, có dấu hiệu bao che.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi, chỉ rõ bản chất bao che của NHNN: “Nếu nói đã giám sát chặt chẽ thì tại sao sai sót vẫn xảy ra? Tại sao lại để thất thoát tới 15.000 tỷ đồng mà không phát hiện được, không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời?”.


Rừng luật nhưng chỉ dùng… luật rừng

Báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin: Đại án Sơn La bị hoãn do cựu Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường “cáo ốm”. Sáng 10/12, theo dự tính, TAND tỉnh Sơn La đưa ra xét xử vụ án sai phạm trong giải tỏa và đền bù dự án thủy điện Sơn La đối với 17 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ UBND huyện Mường La, Sở TN&MT tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, bị cáo Triệu Ngọc Hoan, cựu Giám đốc Sở TN&MT và Sòi Ngọc Hùng cáo bệnh, phiên tòa hoãn. Vụ án đã kéo dài nhiều năm, nhưng những cán bộ sai phạm vẫn chưa bị đem ra xét xử.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Khởi kiện Chủ tịch thành phố Thái Nguyên ra tòa, cô giáo có đòi được công lý? Bà Nguyễn Thị Hảo, cựu phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Thái nguyên, có nhiều năm công tác cũng như nhiều lần tố cáo tiêu cực của hiệu trưởng, bị tổ chức đảng cộng sản ở địa phương liên tiếp kỷ luật, cách chức và vô cớ chuyển công tác trái luật.

Bà Hảo đã có kiến nghị giải quyết, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục và UBND tỉnh bao che. Trong tình cảnh đó, bà quyết định kiện chủ tịch và phó chủ tịch thành phố Thái Nguyên về các quyết định điều chuyển công tác trái luật, thể hiện sự trù dập.


Cán bộ “ăn” đất

Báo Đất Việt có bài: Mâu thuẫn vụ nghi gần 4ha đất cấp cho em lãnh đạo. Gần 4 ha đất công tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai âm thầm biến thành đất của ông Phan Văn Tươi, em ruột Phó chủ tịch xã. Trả lời báo chí, ông này cho rằng đây là đất khai phá. Các lãnh đạo xã thời kỳ trước khẳng định diện tích trên là đất công, có giấy tờ hẳn hoi. Ông Phan Chính Đỏ, Chủ tịch xã từ năm 1978 nói: “Không biết đơn vị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lấy cơ sở đâu mà lại cho rằng đất này là đất của cá nhân”.


Trụ sở VFF thất thủ

Báo chí đưa tin, có khoảng 500 thương binh tập trung bên ngoài trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), sau đó phá cổng trụ sở VFF, xông vào đòi vé xem trận chung kết giữa Việt Nam – Malaysia, gây nên cảnh tượng hỗn loạn. Nhà báo Đào Tuấn có clip ghi lại cảnh thương binh bao vây trụ sở VFF đòi vé: https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/videos/2085723824783522/

Báo Lao Động có bài: Xưng thương binh, cố thủ đòi mua vé, ăn nhậu ngay tại trụ sở VFF. Có lẽ nhiều người cũng nhận ra rằng, các lực lượng thương binh này đã từng được nhà cầm quyền sử dụng như lực lượng âm binh để phục vụ chế độ: Chống biểu tình, đấu tố những người mà chính quyền cho là “thế lực thù địch”. Và rồi bây giờ lực lượng thương binh này đã quay lại làm đúng như những gì họ đã được chế độ huấn luyện.

Mời xem clip “Thương binh phá rào vào trụ sở VFF đòi mua vé trận chung kết Việt Nam-Malaysia”: Thương Binh Phá Rào Trèo Vào Trụ Sở VFF Đòi Mua Vé Trận Chung Kết Việt Nam-Malaysia

 Bị thất thủ, VFF ‘cầu cứu’ bộ Tư lệnh Thủ đô về việc cổ động viên gây rối khi mua vé chung kết AFF, theo báo Người Đưa Tin. VFF cho biết, “BTC đã xác nhận đơn đăng ký mua vé của khoảng 240 thương binh trong ngày hôm nay và sẽ không tiếp tục nhận thêm bất cứ đơn mua vé nào nữa”. Tuy nhiên, sau khi có thông báo ngừng bán vé cho thương binh, “vẫn có rất nhiều người tụ tập ở trụ sở tổ chức này để phản đối và đến đầu giờ tối ngày 10/12, đám đông vẫn chưa được giải tán”.

Công văn ‘hỏa tốc’ VFF gửi bộ Tư lệnh Thủ đô cầu cứu. Ảnh: NĐT


Nền giáo dục bế tắc

Quyền lợi của học sinh bị đánh bầm tím ở Long An còn chưa được bảo vệ thì báo “lề đảng” đã bắt đầu trấn an dư luận và đổi trắng thay đen. Báo Dân Trí có bài: Cô giáo đánh học sinh khuyết tật bầm tím là người hiền lành. Bà Trương Thị Kim Cương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa cho biết: “Cô V. là người khá hiền lành và tận tâm trong việc giảng dạy. Sau khi sự việc xảy ra, Phòng đã tiến hành tạm thời đình chỉ cô V. giảng dạy 15 ngày”.

Thường khi muốn trấn an dư luận, các báo “lề đảng” dùng những thông tin rất chủ quan như người này, người kia “hiền lành”, “tận tâm”. Nếu một cô giáo hành hung một học sinh khuyết tật đến bầm tím như vậy lại là cô giáo hiền lành, thì những cô không hiền lành sẽ đánh các em đến mức nào?

***








No comments:

Post a Comment

View My Stats