Thụy My – RFI/ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 08-12-201
Phong
trào Áo Vàng là chủ đề chính của tất cả các tuần báo kỳ này. Le Point đăng
ảnh phần đầu người phụ nữ trong tác phẩm điêu khắc « La Marseillaise » trên
Khải Hoàn Môn bị đập vỡ, chạy tựa « Những ngày cuối cùng của mô hình
Pháp », lý giải « Vì sao ông Macron phải thay đổi tất cả
». Cũng đăng cùng tấm hình này, tuần báo Anh The Economist chạy
tựa « Cơn ác mộng của Macron ».
L’Obs nhấn mạnh «
ISF, sai lầm thuế khóa », đặt câu hỏi « Tiền thuế đi về đâu ?
», đồng thời đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa tổng thống và thủ tướng
Pháp, phân tích về một cuộc xung đột chưa từng thấy. Riêng L’Express dành
trang bìa cho « homéophathie » (liệu pháp vi lượng đồng căn), đặt vấn đề về
tính hiệu quả, với lời kêu gọi từ 130 thành viên Viện hàn lâm Y học, rằng bảo
hiểm y tế không thanh toán các loại thuốc này. Ở các trang trong, tờ báo phân
tích « Áo Vàng, bốn khuôn mặt của cuộc khủng hoảng ».
Nước
Pháp bốc cháy, Macron trong bão tố
Trong bài viết mang tựa đề bằng tiếng Pháp «
La République en Flammes » (Nền cộng hòa bốc cháy), tuần báo Anh ngữ The
Economistnhận định, Emmanuel Macron đối mặt với thử thách thật sự của nhiệm
kỳ tổng thống.
Cách đây một năm, Macron đã nói : « Tôi
không sinh ra để lãnh đạo trong lúc yên bình, mà để đối mặt với bão tố. Nếu muốn
đưa đất nước đi đến đích, thì phải tiến lên bằng mọi giá. Không thể nhân nhượng,
nhưng đồng thời cũng phải lắng nghe người dân, chia sẻ với họ sự giận dữ và nỗi
đau khổ ». Tuần báo Anh cho rằng bây giờ Macron cần phải nghe lời
khuyên của chính mình một năm về trước.
Nước Pháp không xa lạ với những cuộc xuống đường. Những
tấm ảnh đen trắng nổi tiếng - những rào chắn, những viên đá lát đường bị cạy
lên làm vũ khí - của cuộc cách mạng Tháng Năm 1968 được triển lãm tại Paris
trong năm nay, đúng nửa thế kỷ sau. Những cuộc biểu tình do các nghiệp đoàn tổ
chức là một phần của đời sống Pháp.
Nhưng lần này thì khác hẳn. Những người Áo Vàng đột
ngột xuất hiện từ mạng xã hội, không gắn với các nghiệp đoàn hay bất kỳ đảng
phái nào. Sức mạnh của phong trào là từ tính chất không có cơ cấu tổ chức lẫn
lãnh đạo, sự biến hóa khó lường này gây khó khăn cho cảnh sát lẫn chính phủ.
Áo
Vàng, cuộc cách mạng nhờ thuật toán
Xã luận của Courrier International gọi đây là «
Cuộc cách mạng bằng thuật toán ». Với Facebook, làm cách mạng không
khó.
Chẳng ai tin rằng những người lái xe giận dữ lại có
thể liên kết với nhau nhờ những chiếc áo gilet vàng. Chính phủ Macron, từng ca
ngợi « quốc gia start-up », lại chẳng thấy trước được gì. Trong
khi đó chỉ cần hồi đầu năm nay, một sự thay đổi về thuật toán hiển thị của mạng
xã hội do Mark Zuckerberg sáng lập, giúp người dùng chọn ra những thông tin làm
họ hứng thú nhất, đã giúp những người Áo Vàng học cách nhận ra nhau. Chỉ trong
vài cú nhấp chuột, sự phẫn nộ đã lan tràn trên Net, trước khi xuống đường với
các khẩu hiệu vượt xa khỏi giá xăng dầu lúc ban đầu.
Từ lâu im lặng,
vắng bóng, một nước Pháp bị lãng quên đã thức dậy. Cuộn chỉ màu vàng đã lớn dần,
được bổ sung bằng những kẻ cơ hội đủ loại. Tất cả những người sản xuất fake
news đều có mặt : ảnh cũ, video lắp ghép, thông tin sai lạc…gây ô nhiễm
trên mạng, làm tê liệt phản xạ dân chủ.
Không chỉ những người dân túy, mà cả từ bên ngoài
biên giới, với mục đích phá hoại nền dân chủ nước Pháp. Tờ báo cho rằng cần khẩn
cấp tìm ra phương cách đối thoại trực tiếp, khiến dối trá và tin đồn không còn
đất sống.
Nền
dân chủ đang nguy ngập ?
Trang nhất của Courrier International đăng
hình tháp Eiffel mặc một chiếc gilet vàng, phía dưới chân tháp là đám đông Áo
Vàng. Tờ báo chạy tựa « Cơn phẫn nộ đặc thù Pháp », điểm qua báo
chí nước ngoài nói về cuộc nổi dậy Áo Vàng.
« Dân chủ đang nguy ngập ? », tờ L’Orient du Jour ở Liban hoảng hốt. Không có
nhà độc tài nào để lật đổ, cũng không có Nhà nước công an nào sẵn sàng tóm cổ bạn
nếu lên tiếng chỉ trích. Ở bên đó (tức nước Pháp), biểu tình được cho phép, đối
lập tha hồ chỉ trích, và nếu nhục mạ vị nguyên thủ bằng những lời lẽ tệ hại nhất
cũng chẳng sao. Ở đó, các trường học rất tốt là miễn phí, y tế cũng vậy, và Nhà
nước pháp quyền đứng trên tất cả.
Tuy vậy cuối tuần rồi, ở bên đó trông khá giống với
bên này (tức Liban). Làn sóng bạo lực cả thân thể lẫn ngôn từ, những
chiếc xe hơi bốc cháy, đại lộ Champs-Elysées bị phá hoại, tình trạng vô tổ chức…
Nhiều người Liban cư trú tại thủ đô nước Pháp nói với tờ báo : « Tôi có
cảm tưởng như đang ở Beyrouth ». Sự so sánh có thể gây cười, nếu chủ đề
không nghiêm trọng đến thế.
Chính để lật đổ những nhà độc tài thực sự, mà người Ả
Rập đã đứng lên cách đây tám năm, với khát vọng dân chủ. Nhưng cũng chính nền
dân chủ này đang có nguy cơ rạn vỡ ở phương Tây.
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, các chính
quyền lúng túng trước những vấn đề lớn của thế kỷ : môi trường, kỹ thuật số, di
dân, an ninh… ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ lên giới bình dân. Những người này
tất nhiên sẽ quay sang phía những kẻ mị dân, hứa hươu hứa vượn.
«
Hoàng đế Macron » đơn độc trong cung điện
Nhìn từ nước Đức, tuần báo Die Zeit cho
rằng tổng thống Emmanuel Macron đang « Đơn độc trong thế giới của mình
». Để lãnh đạo đất nước, bao quanh Macron là những người giống như
ông. Theo tờ báo, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy giới tinh hoa Pháp đang xa
rời thực tế.
Buổi sáng, Macron thức giấc tại một trong số 365 căn
phòng của điện Elysée, xung quanh là những đồ đạc sang trọng thời vua Louis XV.
Mở mắt ra, là những chùm đèn lóng lánh trên trần. Đồ sứ trong điện đã được thay
mới với 50.000 euro, những dụng cụ làm bếp bằng đồng bóng loáng trong khu vực bếp
cũng chính là những vật dụng từng chuẩn bị cho hoàng đế Napoléon ngự thiện. Sống
trong khung cảnh như thế, ông dễ dàng nghĩ rằng mình đang viết nên lịch sử. Từ
hơn một năm qua, các « quần thần » chẳng ai dám nói ngược lại với Macron.
Emmanuel Macron đã thành công trong việc tập trung
hóa quyền lực vốn đã rất tập trung. Chủ yếu chỉ có bốn người quyết định chính
sách nước Pháp. Cụ thể hơn, đó là bốn người đàn ông năng động ở độ tuổi bốn
mươi, hầu như chưa bao giờ biết đến thất bại.
Bên cạnh tổng
thống 40 tuổi Macron, là thủ tướng Édouard Philippe, 48 tuổi, tốt
nghiệp hai trường đại học danh giá nhất là Sciences Po (Khoa học Chính trị) và
trường Hành chính Quốc gia. Chánh văn phòng thủ tướng Benoît Ribadeau-Dumas
và chánh văn phòng tổng thống Alexis Kohler, đều 46 tuổi, mỗi người đều
tốt nghiệp hai trường lớn. Các « Macron Boy » đều ăn mặc lịch lãm một cách kín
đáo. Chỉ số thông minh trung bình IQ ở điện Elysée cao khủng khiếp !
Giới
tinh hoa Pháp xa rời quần chúng
Câu hỏi đặt ra là liệu xung quanh đầy sự cộng sự tài
năng, toàn những chiếc đầu thông minh là đủ để lãnh đạo đất nước, hay quá tỏa
sáng lại bất lợi ?
Die Zeit nhắc lại cuốn
sách « Bước chân điên cuồng của lịch sử », viết về John F.
Kennedy và các cộng sự, của nhà sử học Barbara Tuchman. Bà mô tả một nhóm thanh
niên ưu tú, đã gây ra một thảm họa trong lịch sử đương đại của nước Mỹ, đó là
cuộc chiến tranh Việt Nam. Các cố vấn trẻ tuổi này và ngay cả Kennedy đều là cựu
chiến binh. Ê-kíp của Macron thì không, nhưng đều là những tinh hoa, khác biệt
với những người đang xuống đường ở nước Pháp.
Ba phần tư số dân biểu trong đảng cầm quyền đều là
người mới tập tễnh làm chính trị, vào được Quốc hội là nhờ « ăn theo » Macron,
và tổng thống chỉ để cho các bộ trưởng rất ít quyền hành. Trên lý thuyết,
Emmanuel Macron đã tìm ra cách thức hiệu quả để lãnh đạo. Trên thực tế, những
người mặc áo gilet màu vàng đốt bàn ghế của những nhà hàng trên đại lộ
Champs-Elysées.
Những
người « đấu tranh giai cấp » kiểu Pháp : Xin mời sang thăm Nga !
Với cái nhìn từ Matxcơva, một nhà báo của Gazeta.ru
chứng kiến cuộc « đấu tranh giai cấp » kiểu Pháp, cho rằng chế độ
dân chủ, dù có những khuyết điểm, vẫn là mơ ước của người dân những đất nước độc
tài.
Phong trào Áo Vàng nổ ra do chính phủ dự định từ
ngày 01/01/2019 tăng 3 xu cho mỗi lít dầu diesel. Tăng ba xu euro, tức hai rúp,
trong khi giá một lít xăng là 100 rúp ! Nhà báo cho rằng nên đưa những người
Pháp không hài lòng này đến Nga xem sao.
Tại Nga, tất cả các kênh truyền hình đều đưa hình ảnh
những công dân ngoan ngoãn ủng hộ việc tăng tuổi về hưu, tăng thuế VAT, thuế địa
phương…và tất cả mọi phương tiện để móc đến đồng kô-pếch cuối cùng trong túi
người dân.
Theo tác giả, chỉ vì ba xu nhỏ mà những người Áo
Vàng gây khó khăn cho cuộc sống của đồng bào mình. Họ chận xe ở các ngã tư, ai ủng
hộ phong trào thì cho qua, những kẻ trưởng giả xấu xí tha hồ chờ đấy. Một người
bạn Pháp kể lại ngay trong ngày Black Friday, Áo Vàng đã phong tỏa một trung
tâm thương mại ; ai mang những rổ hàng nhỏ được tha, những xe đẩy hàng bị chận
: rõ ràng là « đấu tranh giai cấp » chống các tín đồ tiêu thụ.
Áo
Vàng xuất hiện lúc sức mua bắt đầu được cải thiện
« Cơn phẫn nộ lỗi thời vì thuế má », đó là nhận xét của Le Point. Những người Áo Vàng tỏ ra tức giận
đúng vào lúc mà chính sách kinh tế của tổng thống Macron có tác động tích cực
lên sức mua.
Tác giả cho rằng thật nghịch lý khi Áo Vàng ngày
càng tỏ ra không khoan nhượng, vào lúc tình hình tài chính của người dân Pháp
được cải thiện. Giá xăng, ngòi nổ của cuộc nổi dậy, đã giảm mạnh. Từ 1,57
euro/lít trong tuần lễ 5/10, chỉ còn 1,43 euro trong tuần lễ 30/11, và giá dầu
diesel cũng vậy. Đó là do giá một thùng dầu Brent Hắc Hải trong tháng 11 giảm đến
22 đô la, điều chưa từng thấy từ mười năm qua. Kể từ đầu tháng 10 trở đi, giá
xăng dầu giảm đến 30%.
Song song đó, vào cuối tháng 10, người lao động Pháp
nhận được phiếu lương đầu tiên đã bỏ các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và thất
nghiệp. Như vậy một người lãnh lương SMIC (tối thiểu) lợi thêm được 42 euro
net, cộng thêm 8 euro tiền thưởng. Mười lăm ngày sau, phong trào Áo Vàng khởi động,
vào lúc sức mua rốt cuộc tăng lên thực sự như đã hứa hẹn. Đồng thời thuế gia cư
giảm xuống 30% đối với 80% người đóng thuế, trừ 20% người giàu có.
Điều mỉa mai là khi đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn,
Áo Vàng có thể làm tăng trưởng của Pháp sụt giảm nhanh chóng, và chính họ sẽ là
nạn nhân. Bởi vì không phải những người có trình độ cao bị đe dọa công ăn việc
làm, mà chính những người đang phong tỏa đường phố.
Pháp,
một trong những nước ít bất công xã hội nhất
Trong một bài xã luận của Le Point mang
tên « Bất bình đẳng, lời dối trá trắng trợn », tác giả nhận định
tuy nước Pháp chịu sức nặng của thuế khóa, nhưng vẫn là một trong những quốc
gia ít bất công xã hội nhất thế giới.
Bài viết nêu ra một nghịch lý nữa, là Áo Vàng cũng
cùng một giọng điệu chống thuế má như các nhà triệu phú, đòi cho bằng được việc
giảm, hủy bỏ thuế, trong khi nhờ các sắc thuế này, những người nghèo được hưởng
lợi.
Tác giả đưa ra những con số cụ thể để chứng minh, là
sau khi tái phân phối qua thuế trực thu và trợ cấp xã hội, cách biệt trong mức
sống giữa người giàu và người nghèo từ 8,4 lần chỉ còn 3,9 lần. Nếu tính giữa lớp
người giàu nhất và nghèo nhất, tỉ lệ này từ 22,4 lần chỉ còn có 5,6 lần. Số 10%
những người giàu nhất phải đóng đến 70% tổng thuế thu nhập cả nước (55/78 tỉ
euro)…Tóm lại, câu khẩu hiệu mà Áo Vàng vẫn nhắc đi nhắc lại « luôn
luôn người nghèo phải trả giá » là không có cơ sở.
Việc bỏ thuế ISF làm ngân sách mất 4 tỉ euro trên tổng
số 1.100 tỉ euro các khoản đóng góp bắt buộc – làm người ta quên đi rằng Pháp
là một trong những nước bình đẳng nhất trên thế giới, và mức sống tốt đẹp hơn rất
nhiều so với cách đây 50 năm. Khi kêu gọi giảm thuế đồng thời đòi giảm bất công
xã hội, Áo Vàng chứng tỏ bản thân phong trào này đã tự mâu thuẫn.
Nổi
dậy hay cách mạng ?
Tuần báo L’Expresstrong bài xã luận «
Cơn rét run của cách mạng » nhắc lại lời của triết gia Albert Camus,
người ta không thể vừa tự cho là cánh tả, lại vừa xa rời các phong trào xã hội.
« Một cuộc nổi dậy à ? » « Không, thưa bệ hạ, đó là
một cuộc cách mạng ». Vua Louis XVI đã hỏi như thế sau khi bị công
tước La Rochefoucauld đánh thức vào đêm 14 tháng Bảy năm 1789 tại cung điện
Versailles.
Thế nào là một cuộc cách mạng ? Triết gia Hegel định
nghĩa : Đó là phong trào gồm nhiều người nổi dậy đủ để hợp thành một đơn vị
hành động bạo lực, vì bạo lực là cần thiết.
Bây giờ là thời điểm khó khăn, vì với thành công
vang dội của Macron trong cuộc bầu cử tổng thống, mọi người đều hãnh diện là
người Pháp ; và nay thì ông nếm trải thất bại đầu tiên trong một nước Pháp bắt
đầu trở thành phản kháng.
Theo tác giả, điều đáng ngại là các phong trào chống
đối thường không biết cách kết thúc, và không phải nhân dân lúc nào cũng đúng.
Nhà triết học Simone Weil đã nói : «Mỗi lần được kêu gọi cầm vũ khí tự
vệ vì chính nghĩa, người ta đặt chân vào một vùng đất vô định».
Nhiều tờ báo, trong đó có The Local của
Thụy Điển tỏ ra lo ngại trước bạo lực. Những màn hôi của, đập phá…ở Paris hôm
1/12 cho thấy thay vì đối thoại, có không ít Áo Vàng chỉ đơn thuần muốn trút
cơn phẫn nộ trên một nước Pháp thành thị, trưởng giả, từ lâu vẫn coi họ như con
số không.
----------------------------
Thanh Phương – RFI
Đăng ngày 08-12-2018
Các
nhóm được thành lập trên mạng xã hội Facebook đã đóng một vai trò trọng yếu
trong sự phát triển của phong trào những người « Áo Vàng » tại Pháp, theo lời
các thành viên của những nhóm này, cũng như của các chuyên gia được hãng tin
AFP trích dẫn.
Ảnh chụp màn hình trang Facebook của «La France en colère !!!» (Nước Pháp
nổi giận!!!) . RFI
Châm ngòi cho phong trào này chính là video clip của
một phụ nữ vô danh tiểu tốt, Jacqueline Mouraud, lên án « Ngài Macron » về quyết
định tăng thuế xăng dầu. Từ đó, những người lái xe bất mãn mới tập hợp lại
thành các nhóm để cùng nhau tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên ngày 17/11. Họ mặc
chiếc áo màu huỳnh quang, mà theo luật, người lái xe nào cũng phải có sẳn trong
xe. Phong trào « Áo Vàng » là xuất phát từ đó.
Giáo sư Tristian Mendès France, Đại học
Paris-Diderot, giải thích với hãng tin AFP rằng « Facebook là không
gian lý tưởng đối với một phong trào kiểu như vậy, tức là một phong trào không
có cơ cấu chặt chẽ, phân tán và không có đại diện thật sự. Cũng giống như họ,
Facebook không có trung tâm, mà chỉ dựa trên những cộng đồng ».
Giống như các nhóm trên mạng xã hội, các thành viên
của phong trào « Áo Vàng » có những yêu sách và thuộc những thành phần rất khác
biệt nhau.
Nhưng Facebook cũng là nơi mà những người « Áo Vàng
» trao đổi thông tin, hội ý với nhau, phối hợp tổ chức, theo lời bà Chloé
Tissier, người điều hành nhóm « Những người lái xe vùng Normandie nổi
giận », hiện có đến hơn 50 ngàn thành viên. Khi những người « Áo Vàng
» muốn đạt đồng thuận về các yêu sách, họ cũng chọn Facebook làm công cụ thăm
dò ý kiến.
Còn về phần nhà nghiên cứu Olivier Ertzscheid tại đại
học Nantes, ông nhấn mạnh, nếu không có Facebook, phong trào « Áo Vàng » đã
không đạt đến tầm mức như thế.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là trong các nhóm trên
Facebook, các thành viên tin vào những thông tin do chính các « đồng chí » của
họ loan tải, hơn là thông tin trên các báo chí truyền thống. Theo các chuyên
gia, chính thái độ nghi kỵ này đã góp phần vào sự lan truyền các « Fake news »
(tin giả). Ngay từ đầu phong trào « Áo Vàng », những tin đồn thất thiệt đã lan
truyền với tốc độ chóng mặt.
--------------------------------
LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment