Monday, 19 March 2018

TƯ DUY 'LỘNG KIẾNG!' (Tạp ghi Huy Phương)




Tạp ghi Huy Phương
March 18, 2018

Tháng Năm, 2016, Tổng Thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam, khi ra Hà Nội, ông đã cùng với đầu bếp nổi tiếng nước Mỹ Anthony Bourdain, ghé ăn bún chả Hương Liên tại số nhà 24 Lê Văn Hưu. Mang tính thân thiện, cũng như năm 2000 khi ghé Sài Gòn, Tổng Thống Bill Clinton đã cùng con gái đến dùng phở tại quán Phở 2000 gần chợ Bến Thành.

Khi một nhà hàng ăn được một đại tài tử chiếu cố thường lui tới, sẽ ăn nên làm ra nhờ tiếng tăm của những thực khách danh tiếng. Nhà hàng Patsy’s Italian Restaurant trên con đường phố 56 Street, New York, từ năm 1944, của một di dân người Ý, nhờ có vị khách thường xuyên là ca sĩ Frank Sinatra, đã trở thành một nhà hàng ăn của các bậc đại gia, giới nghệ sĩ nổi tiếng, như George Clooney, Al Pacino cho đến James Gandolfini và Tony Bennett.

Tiệm Phở 2000 ở Sài Gòn và tiệm bún chả Hương Liên, Hà Nội cũng nhờ tiếng tăm của hai vị tổng thống đã trở thành những địa điểm đắt khách nhất. Không nghe nói Sài Gòn đã có những sáng kiến quảng cáo về cái nơi một vị tổng thống của một đại cường quốc đã đến ăn một bát phở ra sao, nhưng ở Hà Nội chủ quán bún chả đã cho “lộng kiếng” bộ bàn ăn, chén dĩa và chai lọ, đũa muỗng… nơi Obama và Bourdain để thưởng thức món bún chả Hà Nội. Lẽ cố nhiên sau hai năm, cái dĩa, cái chén, đôi đũa, lọ tiêu, chai nước mắm, hai cái vỏ chai cũ không còn nữa, chỉ có tính cách tượng trưng. Tiếc là còn thiếu có cái tăm xỉa răng, tờ giấy lau miệng và chút DNA trên miệng chai bia ngài vừa tu xong.

Bàn ăn nơi Tổng Thống Obama ghé ăn bún chả năm 2016, được lộng kiếng. (Hình: Facebook Đàm Hà Phú)

Biết được chuyện này, Anthony Bourdain đã đăng tải lại bức ảnh trên trang Instagram cá nhân kèm theo lời bình luận “Tôi không chắc mình cảm thấy thế nào nữa?” Có nghĩa là Bourdain chưa hiểu nỗi kiểu chơi của Việt Nam, trò tư duy “lộng kiếng” của miền Bắc XHCN.
“Cái gì sợ người ta quên đi thì hãy lộng kiếng giữ lại!” Do đó, người người lộng kiếng, nhà nhà lộng kiếng, từ cái bằng liệt sĩ, giấy khen lao động vinh quang, hình bác Hồ đến cái xác giả trong lăng cũng phải “lộng kiếng” lại.

Tổng Thống Obama đặc biệt là một người danh tiếng và một nhân vật quan trọng nên cần lưu giữ lại chút kỷ niệm, nhưng ở xứ tôi, cái gì của lãnh tụ, của “cách mạng,” cái gì cũng cần “lộng kiếng” vì cái gì cũng thơm tho, quý giá cả.

Hằng trăm thứ đồ dùng của lãnh tụ, từ cái bàn máy chữ đến đôi guốc ở Hà Nội, cái tủ đựng quần áo, tủ con để đầu giường, cái la-va-bô rửa mặt ở số 9 ngõ Công-Poanh, và cả “cục gạch hồng” mà thi nô Chế Lan Viên đã cúi đầu ninh bợ “một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!” cũng được xem như quốc bảo vào nằm trong viện bảo tàng.

Dân số Việt Nam là 92.7 triệu thì đất nước có gần 50 triệu khung hình “lộng kiếng” của Bác, phần dư ra có thể dùng vào việc cứu đói cho thương binh, liệt sĩ, cô nhi, quả phụ hay dùng để xoá đói, giảm nghèo. Hiện nay, trong cả nước, trên 27 tỉnh và thành phố đã có trên 630 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ được “lộng kiếng” từ cái nhà sàn, cái ao, nơi Bác sống, nơi Bác đã đi qua, nơi Bác đã dừng lại và nơi Bác nằm xuôi tay.

Theo thống kê của nhà nước CSVN, đến nay tượng và tượng đài tưởng niệm “Bác” đã có mặt tại khoảng 20 nước trên thế giới. Ở trong nước, hiện nay đã có khoảng 137 tượng đài HCM và theo dự tính, người ta sẽ xây thêm 58 tượng đài nữa… Mỗi tượng đài để suy tôn lãnh tụ, cái rẻ nhất cũng tốn vài ba chục triệu và cái đắt nhất là $70 triệu.

Các nước Tây phương và những người tư bản “chưa tiến bộ” như Anthony Bourdain khó hiểu nỗi cái tinh thần “lộng kiếng” trong chế độ Cộng Sản, và cũng chưa hiểu nỗi thói quen nói lái muôn đời của người Việt Nam.

Và, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng ra, ngay như một vật ghê tởm nhất là một cái búa tạ vấy máu mà Việt Cộng dùng để đập vỡ đầu những người mà Cộng Sản kết tội là ác ôn, cũng được “lộng kiếng” đưa vào viện bảo tàng. Cái búa đã được ghi chú: “Búa – đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội Mõ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước!”

Trong tương lai, khi chế độ Cộng Sản đã không còn trên đất nước Việt Nam, có lẽ có hai nghề làm ăn phát đạt nhất, là nghề bán ve chai khi thời đại “lộng kiếng” đã hết thời và nghề bán “xà bần” từ những tượng đài nghìn tỷ.

-----------------------------------------------------------

XIN TÌM ĐỌC
Tuyển tập 80
GA CUỐI ĐƯỜNG TÀU của HUY PHƯƠNG
Tác phẩm hoàn tất năm tác giả 80 tuổi, gồm 80 bài văn tiêu biểu cho lối viết tạp ghi của Huy Phương.
Liên lạc mua sách: (949) 241-0488









No comments:

Post a Comment

View My Stats