Monday, 19 March 2018

TRÔNG ĐỢI GÌ Ở PUTIN & MỘT NƯỚC NGA TRỖI DẬY? (VOA Tiếng Việt)




19/03/2018

Ông Vladimir Putin giờ nắm trong tay quyền kiểm soát vận mệnh nước Nga, và giành được một vị thế mạnh hơn trên thế giới nhờ đoạt được số phiếu áp đảo để được ủy quyền nắm chiếc ghế Tổng thống Nga trong thêm một nhiệm kỳ 6 năm.

TT Nga Vladimir Putin đọc diễn văn trong một cuộc tuần hành và hòa nhạc đánh dấu kỷ niệm năm thứ Tư ngày sáp nhập bán đảo Crimé, tại quảng trường Manezhnaya ở trung tâm Moscow, Nga ngày 18/3/2018. REUTERS/David Mdzinarishvili -

Ở trong nước, các đối thủ của ông về phần lớn đành chấp nhận thêm 6 năm trong bóng tối. Còn những kẻ thù của ông ở nước ngoài thì lâm vào tình trạng bế tắc vì những vấn đề của riêng họ, từ nước Anh với vụ rắc rối Brexit sau khi cử tri biểu quyết rời khỏi Liên hiệp châu Âu, cho tới tình trạng hỗn loạn trong chính quyền Mỹ dưới quyền ông Donald Trump.

Ngay cả các vụ gian lận bầu cử rộng rãi cũng khó có thể chọc thủng chiếc áo giáp kiên cố đang bảo vệ ông Putin. Trong khi những lời tố cáo cho rằng ông đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và bảo trợ cho một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh, chỉ làm tăng thêm uy tín của ông ở trong nước.

Thế giới, các đối thủ của Nga, các nước láng giềng nên trông đợi gì từ ông Putin trong 6 năm sắp tới?

Chiến tranh lạnh mới?

Quan hệ giữa ông Putin và phương Tây hiện đã ở mức thấp nhất từ khi Liên bang Xô viết tan rã cách đây 26 năm.

Bất chấp mối quan hệ có vẻ như ‘thân thiện’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế mạnh của ông Putin hiện nay không khích lệ ông hòa hoãn với Washington, đặc biệt giữa lúc cuộc điều tra vào cáo buộc rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đang đi vào giai đoạn quyết liệt.

Trên thế giới, các nhà lãnh đạo thân Putin đã đạt nhiều thắng lợi trong các cuộc bầu cử ở Ý và ở Đức hồi gần đây. Các nước phương Tây có phần chắc sẽ phải chứng kiến thêm các vụ tin tặc có liên kết với Nga, những lời tuyên truyền nhắm phá hoại bầu cử, hoặc làm tổn thương nền dân chủ- kể cả các cuộc bâu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ.

Ở trong nước, mỗi lần ông Putin kình chống lại phương Tây, thì y như rằng mức ủng hộ của dân chúng ở trong nước lại tăng cao, thế cho nên điều mà chúng ta sẽ chứng kiến là, Tổng thống Nga sẽ tiếp tục tung ra những lời lẽ cứng rắn với Hoa Kỳ mỗi khi phải đối diện với những mối đe dọa ở trong nước. Mặt khác, Nga càng trở nên táo bạo hơn trong những cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ về bất cứ điều gì có thể được coi là đi ngược lại các lợi ích của Moscow.

Tuyên bố của ông Putin cách đây vài tuần, rằng Nga đã phát triển các vũ khí hạt nhân có khả năng tránh lá chắn tên lửa của Mỹ, rõ ràng cho thấy quyết tâm của Putin muốn đẩy mạnh sức mạnh của Nga để trấn áp tinh thần các đối thủ.

Syria và mối đe dọa của các thành phần cực đoan

Các lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn đã đẩy bật nhóm Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi Syria, ông Putin lập luận rằng Nga đã xoay chiều cuộc chiến trong một cuộc xung đột đã gây nhức nhối cho các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại IS.

Giờ đây các lực lượng Syria được Nga yểm trợ đang tiến dần tới mục tiêu giành lại các cứ địa cuối cùng trong tay các lực lượng nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn.

Coi đó là một chiến thắng địa-chính-trị và quân sự trước hành động mà Nga cho là can thiệp bất hợp pháp vào tình hình Syria do các nước phương Tây lãnh đạo, Nga có phần chắc sẽ không triệt thoái khỏi Syria trong tương lai gần.

Nga và các nước láng giềng

Đối với người Nga, thắng lợi lớn nhất của ông Putin trong 18 năm cầm quyền là sáp nhập bán đảo Crimé và dập tắt tham vọng của Ukraine muốn xích lại gần EU và NATO.

Ông Putin tỏ ra bực dọc về các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ và các nước EU để trả đũa việc Moscow sáp nhập Crimé, nhưng dường như Moscow vẫn không sẵn sàng nhượng bộ để chấm dứt các biện pháp chế tài.

Ukraine bị chia cắt giữa một chính quyền bấp bênh ở Kiev và một khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn, cả hai trong tình trạng bế tắc giữa lúc cuộc xung đột phục vụ các quyền lợi của ông Putin. Cuộc chiến tuy đã tạm ngưng tại thời điểm này nhưng vẫn gây nhiều tử vong.

Các hành động của Moscow ở Ukraine là lời cảnh cáo đối với các nước trong phạm vi ảnh hưởng của nước Nga, rằng xích lại gần các nước phương Tây là điều nguy hiểm. Một số nước từng thuộc Liên bang Xô-viết cũ trong EU dần dà xoay chiều sang Moscow, từ Hungary và Ba Lan cho tới Cộng hòa Séc và Slovakia.

Đối với người Nga

Qua thắng lợi bầu cử kỳ này, trên lý thuyết ông Putin được ủy quyền để thực hiện các biện pháp cải cách táo bạo mà nước Nga cần thực hiện từ lâu để nâng cao mức sống, và tránh lệ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa.

Nhưng ông Putin đã thuyết phục cử tri Nga rằng các cải cách triệt để là nguy hiểm, và bảo vệ đất nước chống lại các mối đe dọa quan trọng hơn là cải thiện đời sống thường nhật.

Các chuyên gia tiên đoán ông Putin có thể thực hiện một vài thay đổi như mở rộng chương trình nhà ở giá rẻ, và chống các hành vi tham nhũng ở cấp địa phương.

Tuy nhiên khó có thể xảy ra những thay đổi lớn như cải cách hệ thống hưu bổng, vốn không được sự đồng tình của thành phần cử tri chủ lực ủng hộ ông Putin, hoặc cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực an ninh, là biện pháp không được sự ủng hộ của những người bạn và cựu đồng nghiệp của ông Putin từng làm việc cho KGB và giờ vẫn trong vòng thân cận với Tổng thống Putin.

Nước Nga đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 2 năm, mức lạm phát cũng như mức thâm hụt đang ở mức thấp. Nhưng thu nhập cá nhân vẫn dậm chân tại chỗ, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang suy sụp và nạn tham nhũng tràn lan.

Tương lai ông Putin

Dấu hỏi lớn nhất đối với người Nga trong 6 năm tới là điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Theo hiến pháp, ông Putin phải từ nhiệm vào năm 2024, tuy nhiên ông có thể đổi các quy định để loại trừ những điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền, hoặc ông sẽ bổ nhiệm một người kế nhiệm dễ uốn nắn và tiếp tục nắm quyền trong hậu trường.

Trả lời một câu hỏi trong cuộc họp báo đêm Chủ nhật, hỏi liệu ông có ra ứng cử Tổng thống một lần nữa vào năm 2030? Ông Putin, 65 tuổi, đáp:
“Thật là nực cười! Ông/bà nghĩ là tôi sẽ ngồi đây cho tới khi lên 100 tuổi à?”.

Thủ lãnh đối lập Alexei Navalny, đối thủ đáng gờm nhất của Putin, trong thời gian tới sẽ đối mặt với thêm áp lực từ các cấp chính quyền trong khi ông tìm cách phơi bày các hành vi tham nhũng và những lời nói dối của chính quyền.

Những đối thủ khác của ông Putin như ứng cử viên Ksenia Sobchak và ông Mikhail Khodorkovsky, nhà tài phiệt trở thành nhà bất đồng chính kiến, sẽ tìm cách tìm lại chỗ đứng trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc hội sắp tổ chức.

Một số nhân vật trong vòng thân cận với ông Putin sẽ chen chân giành chỗ đứng một khi ông không còn tham chính.

Ngoài ra, ông Putin có thể sẽ hồi sinh các nỗ lực nhằm cổ vũ cho trí tuệ nhân tạo như một phần trong nỗ lực vận động thế hệ trẻ, bởi vì có thu phục được thành phần này, thì ông Putin mới đảm bảo di sản ông để lại sẽ trường tồn sau khi ông không còn nữa.








No comments:

Post a Comment

View My Stats