Thursday, 15 March 2018

NHÀ HOẠT ĐỘNG NỮ NGUYỄN THÚY HẠNH BỊ BẮT (RFA)




RFA
2018-03-14

Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh vào ngày 14 tháng 3 bị lực lượng chức năng ở Hà Nội bắt đi trước sự chứng kiến của thân hữu, sau khi bà này đến Tượng Đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội tham gia cuộc tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh vào năm 1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma, thuộc Trường Sa.

Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh. Courtesy of Facebook Nguyễn Thúy Hạnh

Thông tin này được Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh đăng tải trên facebook cá nhân.
Theo đó, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã gọi về cho nhà báo Ngọc Chênh, thông báo đang ở Cơ Quan An Ninh Điều Tra, Bộ Công An. Bà Hạnh cũng nhắn nhủ mọi người lo lắng cho bà hãy yên tâm vì theo bà mọi  việc bà tham gia thực hiện lâu nay là vì lòng yêu nước vì lương tâm không có gì phải lo sợ và chịu khuất phục.

Chúng tôi liên lạc với Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh vào lúc sau 6 giờ tối ngày 14 tháng 3 và được anh cho biết:

“Hiện giờ tôi đang ngồi tại Cơ quan An ninh Điều tra để hỏi về lý do vì sao Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt, nhưng người ta vẫn chưa trả lời, bỏ tôi ngồi chờ ở đây rồi có cán bộ giải thích. Tôi chờ được 15 phút rồi. Đang ngồi với một nhân viên điều tra nhưng anh này bảo phải chờ cán bộ cấp cao hơn đến làm việc.”

Tin cho biết khi buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, bên cạnh việc an ninh dân phòng kiểm soát chặt chẽ, còn có một nhóm “quần chúng tự phát” đến gây rối khiến buổi lễ bị gián đoạn.

Tại Sài Gòn, vào lúc 9h sáng ngày 14 tháng 3, các thành viên câu lạc bộ Hiếu Đằng và các nhân sĩ, lão thành cách mạng… cũng tổ chức buổi lễ thắp hương tại tượng Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) cho các chiến sỹ hy sinh trong cuộc thảm sát Gạc Ma.

Trong khi đó, một lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma và tri ân 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma cũng được Ban Liên Lạc Truyền Thống Bộ Đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức.

Vào ngày 13 tháng 3 năm 1988, tàu Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm đá Gạc Ma – thuộc quần đảo Trường Sa khiến 64 lính Việt Nam thiệt mạng. Một số khác bị phía Trung Quốc bắt và mãi đến năm 1991 họ mới được trao trả về lại Việt Nam.

--------------------------------------

LIÊN QUAN











No comments:

Post a Comment

View My Stats