Wednesday, 14 March 2018

LY KỲ NHƯNG CÓ THẬT: BÍ MẬT GIÁN ĐIỆP TẠI ANH (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
March 14, 2018

Khi ông Sergei Skripal rời nước Nga năm 2010, cuộc đời ông có vẻ đã đi vào một giai đoạn sáng sủa hơn. Như là một phần của một cuộc trao đổi điệp viên với Anh và Mỹ, gián điệp nhị trùng này của cơ quan tình báo MI6 của Anh đã rời khỏi xà lim trong nhà tù của Nga để sống một cuộc đời an nhàn vùng ngoại ô một thành phố nhỏ tại Wiltshire nước Anh. Sau những năm dài sống trong nguy hiểm, nay ông chắc hẳn đã được về hưu trong cảnh thanh nhàn.

Nhưng ngày 5 Tháng Ba vừa qua, ông cùng cô con gái Yulia được người ta khám phá ra nằm mê man trên một chiếc ghế công viên tại thành phố Salisbury, nạn nhân của cái mà cảnh sát gọi là hơi độc tấn công vào hệ thần kinh. Một viên cảnh sát, người đầu tiên đến hiện trường cấp cứu cho ông cũng bị trúng độc và phải nằm bệnh viện. Và vào lúc này hai cha con ông vẫn còn ở trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.

Mặc dầu cuộc điều tra chưa kết thúc, nhưng nhiều dấu hiệu đã chỉ đến nước Nga. Vụ này đã gợi lại cho người ta so sánh với một vụ án mạng khác, vụ ám sát Alexander Litvinenko tại Luân Ðôn năm 2006. Ông Litvinenko, một gián điệp Nga quay sang chỉ trích ông Vladimir Putin đã chết sau khi uống phải một tách trà có nhiễm chất polonium 210, một chất phóng xạ cực độc. Một cuộc điều tra chính thức sau đó đã đến kết luận rằng vụ giết người này có “nhiều khả năng” có sự đồng ý của ông Putin. Ngày 6 Tháng Ba, Boris Johnson, ngoại trưởng Anh đã lên tiếng tố cáo Nga là một thế lực “ác độc và phá hoại.” Về phần mình Nga đã phủ nhận mọi dính líu đến việc ám sát ông Skripal và tố cáo ngược lại Anh là đã lãnh đạo một chiến dịch chống Nga.

Ðiều tra tội ác này và đưa ra một phản ứng đã bị làm khó khăn hơn bởi sự xóa nhòa biên giới giữa những hành động thực hiện bởi nhà nước Nga và những hành động bởi các cá nhân làm thay cho nhà nước Nga. Kể từ sau vụ Litvinenko, các hành động của Nga chống lại các người bất đồng chính kiến trong nước, các đối thủ tại Ukraine và tại Syria hay là trong không gian ảo chống lại các chế độ dân chủ phương Tây đều không phải do nhà nước Nga chính thức thực hiện mà do các cá nhân tự làm dưới sự làm ngơ của nhà nước.

Vụ ám sát năm 2015 chẳng hạn của Boris Nemtsov một lãnh tụ đối lập Nga được thực hiện bởi một tên giết mướn người Chechnya có lẽ hành động dưới sự chỉ huy của Ramzan Kadyrov, kẻ độc tài tại Chechnya. Việc xâm lược miền Ðông Ukraine được lãnh đạo bởi một cựu điệp viên Nga chiêu mộ một đạo quân đánh thuê và được tài trợ bởi một tỷ phú Nga vốn trước đó đã bị truy tố về tội lừa đảo tại Moscow.

Một số những tên lính đánh thuê tại Ukraine nay đã lại xuất hiện tại Syria trong một đội quân đánh thuê được biết dưới tên là Nhóm Wagner mà lúc gần đây đã từng đụng độ với quân đội Mỹ. Nhóm này được tin là do một tỷ phú Nga khác, Yevgeny Prighozin vốn được biết dưới tên là “đầu bếp của Putin”. Prighozin cũng bị Hoa Kỳ truy tố vì đã điều hành một cơ sở tin tặc (troll farm) can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ.

Màn sương che phủ ai chịu trách nhiệm cho những cuộc tấn công này đã cho phép ông Putin bác bỏ tất cả những tố cáo về sự can thiệp của nhà nước Nga trong lúc được hưởng lợi qua những sợ hãi mà những hành động này tạo ra. Sự mập mờ này đã được tổng kết bởi ông Sergei Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng của ông Putin:

“Thật khó mà có thể kiếm ra một con mèo đen trong một căn phòng tối đen. Ðặc biệt là nếu con mèo nay thông minh, can đảm và lễ độ”

Sự xuất hiện của con mèo đen này trên đất Anh đã kích thích những lời nói cứng rắn từ phía các nhà chính trị Anh. Bà Thủ Tướng Theresa May đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa tố cáo ông Putin là đã “vũ khí hóa thông tin để tạo ra chia rẽ tại phương Tây.” Nhiều dân biểu đã thúc đẩy chính phủ phải trục xuất các nhà ngoại giao Nga; tịch thu các nhà cửa của các tỷ phú Nga tại khu Mayfair (khu vực sang trọng nhất tại Luân Ðôn) và không cho con cái họ vào học các trường Anh.

Nhưng điều này nói thì dễ. Anh đã đi xa hơn các nước khác trong việc đòi hỏi minh bạch trong các công ty vỏ (shell company) và bất động sản. Năm 2016, Anh là nước đầu tiên trên thế giới thành lập một danh sách công khai những chủ nhân hưởng lợi của các công ty (để phân biệt với chủ nhân trên danh nghĩa) và dự trù sẽ làm một danh sách tương tự với các chủ nước ngoài của các bất động sản tại Anh. Ðạo luật Unexplained Wealth Order vốn bắt đầu có hiệu lực vào Tháng Giêng đòi hỏi những nhà giầu phải giải thích nguồn gốc tài sản của họ. Năm ngoái Quốc Hội Anh thông qua đạo luật cho phép tịch thu tài sản tại Anh của các chính trị gia nước ngoài nào bị truy tố về vi phạm nhân quyền. Tất cả những điều đó có thể dùng để chống lại các tỷ phú Nga, nhưng các băng đảng của ông Putin là những chuyên gia hàng đầu về việc giấu diếm. Và việc tấn công vào các người Nga gian lận tại Luân Ðôn cũng sẽ đụng đến các kẻ thù Nga của ông Putin nhiều không kém gì các bạn bè của ông.

Giống như hầu hết các quốc gia phương Tây nơi mà việc sử dụng bạo lực là độc quyền của các cơ quan an ninh chịu sự kiểm soát của các lãnh tụ dân cử, Anh vẫn còn coi đối thủ Nga của mình như là một nhà nước chứ không phải là của một mạng lưới không chính thức có khả năng thu lượm dễ dàng các vũ khí và các chất độc hại. Nhưng tình hình ở Nga qua việc xóa nhòa ranh giới giữa các cơ quan an ninh, hệ thống doanh nghiệp và thế giới của các kẻ tội phạm đã khiến cho họ trở thành một đối thủ phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Mối lo rằng ông Putin có thể ra lệnh làm một cuộc ám sát mới trên đất Anh vì vậy có thể nhỏ  hơn rằng vụ ám sát này không phải do ông ra lệnh.







No comments:

Post a Comment

View My Stats