Sunday, 4 March 2018

KHI CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI GIỮA MỸ & THẾ GIỚI NỔ RA (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 04-03-2018

Nếu nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với một phần còn lại của thế giới, ai được, ai thua ? Đó có phải là một cuộc chiến vừa "tốt, vừa dễ thắng" cho Hoa Kỳ như lời tổng thống Trump đã khẳng định hay không ?

Nguyên nhân chiến tranh thương mại?
Từ một tuần qua, chính quyền Trump đơn phương thông báo kế hoạch đánh thuế 25 % và 10 % nhắm vào thép và nhôm bán sang Mỹ. Tất cả các đối tác thương mại của Washington đều phẫn nộ. Nhiều bên đòi kiện Hoa Kỳ ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Liên Hiệp Châu Âu báo trước, "đáp trả một cách tương xứng" và đã chuẩn bị danh sách một loạt các mặt hàng của Mỹ nhập sang châu Âu sẽ bị áp thuế. Trung Quốc nhấn mạnh sẽ có "những biện pháp cần thiết để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu" của nước này.

Chiến tranh thương mại ảnh hưởng gì đến kinh tế toàn cầu ?
Phần lớn tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào các hoạt động giao thương. Tổng thống Trump lên cầm quyền vào tháng 01/2017, rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định TPP đòi xét lại một loạt các thỏa thuận tự do mậu dịch với các đồng minh thân thiết nhất như Canada, Hàn Quốc …
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế liên tục khuyến cáo Nhà Trắng tránh dùng các biện pháp bảo hộ làm phương hại tới tăng trưởng của toàn cầu và của bản thân nước Mỹ. Tân thống đốc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ ông Jerome Powell bằng một ngôn ngữ rất ngoại giao cho rằng "tăng thuế nhập khẩu không phải là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ kinh tế Mỹ".

Chính sách bảo hộ gây thiệt hại cho người tiêu dùng
Tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm đẩy giá thành các sản phẩm cần sử dụng hai loại nguyên liệu này lên cao. Hãng xe Nhật Toyota báo trước : các nhà máy của Toyota tại Mỹ mà phải mua nhôm và thép đắt hơn, giá thành của mỗi chiếc xe bán ra trên thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cao, bất lợi cho người Mỹ. Giá cả đắt đỏ hơn, người tiêu dùng nản lòng. Không có tiêu thụ, tăng trưởng của Mỹ qua đó bị tác hại lây.

Bảo hộ, biện pháp "tốt đối với nước Mỹ"?
Ngày 02/03/2018 để biện minh cho quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm, Donald Trump viết trên Twitter : "Chúng ta cần bảo vệ đất nước và người lao động Mỹ". Đây là một "cuộc chiến vừa tốt, vừa dễ giành thắng lợi".

Tại Hoa Kỳ, năm 2016 có khoảng 83.000 người làm việc trong các nhà máy sản xuất thép và nhôm. Trong khi đó, những ngành công nghệ và công nghiệp sử dụng nhôm và thép bảo đảm công việc làm cho 6,5 triệu người lao động Mỹ. Ai được, ai thua ?

Tổng thống Trump chưa chính thức ban hành sắc lệnh về thuế nhập khẩu nhôm, thép, Hiệp hội nông gia Mỹ than phiền, Nhà Trắng muốn bảo vệ các nhà máy nhôm, thép mà quên mất rằng các đối tác thương mại của Hoa Kỳ có thể trả đũa, ngưng mua vào nông phẩm made in USA hay đánh thuế lúa mì, thịt bò, ngũ cốc … của Mỹ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua đậu tương của Mỹ.

Trong thời gian từ tháng 03/2002 đến cuối 2003, trong 18 tháng, chính quyền Bush tăng thuế đánh vào thép bán cho Mỹ. Hậu quả là 200000 người lao động Hoa Kỳ bị vạ lây, theo như nghiên cứu của viện Kinh Tế Oxford.

Đàm phán lại NAFTA : Bài toán thêm nan giải
Từ tháng 08/2017, Hoa Kỳ, Canada và Mêhicô đàm phán lại Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA vốn có hiệu lực từ 1994. Các bên đã trải qua sáu vòng đàm phán gay go mà kết quả vẫn chưa đi tới đâu. Vào lúc các bên họp lại lần thứ 7 ở Mêhicô, phái đoàn Mỹ đang đau đầu vì nhiệm vụ của họ càng khó được hoàn thành khi mà tổng thống Trump tuyên chiến trên mặt trận nhôm và thép với Canada và cả Mêhicô. Canada là nguồn cung cấp số 1 cho nước Mỹ, còn Mêhicô đứng hàng thứ tư.

----------------------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 04-03-2018

Bắc Kinh không muốn lao vào một cuộc chiến thương mại với Washington nhưng sẽ "không khoanh tay ngồi nhìn" nếu như quyền lợi của Trung Quốc bị đe dọa. Phát ngôn viên Quốc Hội Trung Quốc, Trương Nghiệp Toái (Zhang Zesui) tuyên bố như trên vào hôm nay, 04/03/2018, một ngày trước lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên trong năm của Quốc Hội khóa 13.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ muốn áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, áp thuế nhôm và thép, cho dù là trên cả hai thị trường này, Trung Quốc không là một nguồn cung cấp quan trọng của Mỹ.

Trả lời báo chí, ông Trương Nghiệp Toái nhấn mạnh, Trung Quốc không muốn "nổ ra chiến tranh thương mại" tuy nhiên "những quyết định dựa trên những giả thuyết hay do việc đánh giá tình hình sai lệch có thể đem lại những hậu quả mà không một bên nào mong muốn".

Theo giới quan sát lời lẽ này phản ánh quan điểm từng được Bắc Kinh liên tục đưa ra từ nhiều tháng qua đó là Trung Quốc không khơi mào một cuộc chiến thương mại nhưng trong trường hợp "cần thiết" sẽ có những biện pháp thỏa đáng để bảo vệ các doanh nghiệp của nước này trước chính sách bảo hộ của chính quyền Trump.

Theo Tân Hoa Xã, cố vấn kinh tế của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là ông Lưu Hà (Liu He), đang có mặt tại Washington, cho biết qua các cuộc trao đổi với phía Hoa Kỳ, đôi bên đồng ý là nên giải quyết các tranh chấp thương mại bằng con đường "hợp tác hơn là đối đầu".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm 03/03/2018 cho rằng Mỹ viện cớ "an ninh quốc gia" để giới hạn thép và nhôm nhập vào Hoa Kỳ là một quyết định "không có cơ sở"
Úc là một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho Hoa Kỳ cũng cho rằng "chiến tranh thương mại sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng của toàn cầu".

Hiệp hội các tập đoàn luyện kim của Hàn Quốc cho biết đang đàm phán để nhôm và thép của họ xuất sang thị trường Hoa Kỳ được miễn trừ thuế nhập khẩu.

------------------------------------

Đầu Tư Online
4/3/2018

Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, song hầu hết chuyên gia quốc tế nhận định, Mỹ không dễ thắng trong cuộc chiến này.

Trước việc các nước trên khắp thế giới, từ châu Âu, châu Á, đến Mỹ Latin, đe dọa trả đũa Mỹ nếu nước này đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự báo rằng, Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế, chuyên gia thương mại phản bác quan điểm chủ quan này của người đứng đầu Nhà Trắng và khẳng định rằng, mọi nước, trong đó có Mỹ, đều bị tổn thất khi chiến tranh thương mại xảy ra.

Dưới đây là 5 lý do vì sao nước Mỹ không dễ thắng trong cuộc chiến thương mại.

1.Thuế quan không giúp nhiều cho việc thúc đẩy việc làm trong ngành thép và nhôm
Ông Donald Trump cho rằng, đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm sẽ kích thích đầu tư sản xuất trong nước và tăng việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi về công nghệ hiện nay đã làm các ngành này ngày càng ít sử dụng lao động hơn. Các chuyên gia cho biết, những nỗ lực bảo vệ lao động ngành thép trong thời gian qua hầu hết là không hiệu quả.

2.Thuế quan sẽ làm tăng chi phí sản xuất tại Mỹ
Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ coi việc đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu là việc “đánh thuế vào chính các gia đình Mỹ”.
Trong khi Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Wilbur Ross ủng hộ chủ trương của Tổng thống Donald Trump và cho rằng, nhiều người phản ứng thái quá trước dự định đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm, song theo ông Edward Alden, chuyên gia cao cấp thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, quyết định đó sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho chính nền kinh tế số 1 thế giới này.

3.Thuế quan gây tổn hại cho các đồng minh và dẫn đến các hành động trả đũa
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều nước chắc chắn sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng, từ đó làm suy yếu hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
Ngoài biện pháp trả đũa ngay, các nước bị ảnh hưởng cũng có thể kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, việc xử lý tại WTO thường kéo dài nhiều năm và khá phức tạp.

4.Không thể xem nhẹ thị trường Trung Quốc
Thực tế, Mỹ rất đau đầu với việc thép và nhôm giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước và chính quyền nước này đã có những biện pháp tự vệ nhằm ngăn chặn các sản phẩm kim loại này của Trung Quốc.
Ông Donald Trump cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế nhập khẩu là cần thiết để ngăn chặn thép Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước khác. Tuy nhiên, việc đơn phương hành động sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, bởi chính các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô, doanh nghiệp trong các ngành công nghệ và nông nghiệp, đang tìm mọi cách để thâm nhập thị trường khổng lồ Trung Quốc.

5.Khó lường với chia rẽ chính trị trong nước
Ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề là, vận dụng thế nào cho tối ưu và được sự đồng thuận trong nước là không dễ.
Hiện tại, chính trường Mỹ đang có sự chia rẽ rõ rệt liên quan đến việc đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ chủ trương đánh thuế này của Tổng thống. Trong khi đó, các cố vấn Nhà Trắng đang có nhiều ý kiến khác nhau và những đảng viên Đảng Cộng hòa có quan điểm ủng hộ thương mại tự do thì kịch liệt phản đối ông Donald Trump.






No comments:

Post a Comment

View My Stats