RFA
2018-03-08
2018-03-08
Việt
Nam vừa bổ sung một nghị định, trong đó buộc phải gỡ bỏ nội dung bị cho là vi
phạm trên mạng xã hội trong vòng 3 giờ khi có yêu cầu, cũng như phải có ít nhất
1 hệ thống máy chủ tại Việt Nam. Đây có phải là dấu hiệu Nhà nước Việt Nam quyết
tâm đẩy mạnh việc khống chế mạng xã hội?
Ngăn cản
tiếng nói đối lập
Vào
những ngày đầu tháng ba, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 27 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
Internet và thông tin trên mạng.
Trong
đó đáng chú ý là việc nhà cầm quyền yêu cầu phải có cơ chế phối hợp để loại bỏ
nội dung vi phạm trên mạng xã hội theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 72 chậm nhất
sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền
thông hoặc cơ quan cấp phép.
Khoản
1 Điều 5 Nghị định 72, quy định các hành vi bị cấm khi sử dụng internet mà
chính phủ Hà Nội cho nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước, đưa
thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm
của cá nhân, truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị
cấm, giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự
thật.v.v…
Ngoài
ra Nghị định 27 cũng quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần có biện pháp
bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền
quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của
mình… Điều này có thể hiểu là nhà cung cấp mạng xã hội phải cung cấp thông tin
người sử dụng cho phía cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Nhà
báo, blogger Trương Duy Nhất, chủ trang mạng “Một góc nhìn khác”, người từng bị
chính quyền Việt Nam khép vào tội vi phạm Nghị định 72, bằng cách thu thập “bằng
chứng” từ các bài viết của anh để truy tố và bỏ tù theo một số điều về “tuyên
truyền chống nhà nước” trong Bộ luật Hình sự. Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra nhận
định về những qui định mới vừa nêu:
“Cái
ý muốn khống chế mạng xã hội của phía chính quyền thì không cần bàn cãi nữa rồi,
lâu nay phía chính phủ Việt Nam luôn muốn khống chế tất cả các mạng xã hội bởi
vì mạng xã hội là truyền thông đa chiều nó nói lên tất cả, nó ngược chiều với
phía truyền thông nhà nước.”
Không
khả thi
Về
tính khả thi của yêu cầu loại bỏ nội dung vi phạm trên mạng xã hội chậm nhất
sau 3 giờ kể từ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, Facebooker Nguyễn Chí Tuyến
cho biết:
“Đấy
là ý muốn của họ (nhà nước) thôi, nhưng để thực hiện giữa ý muốn và thực tế thì
rất là khó, chứ không đơn giản. Bởi vì thứ nhất là số người sử dụng mạng xã hội
ở Việt Nam rất là đông. Thứ hai nữa là đối với những người dùng mạng xã hội để
lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội, hay nhạy cảm theo cách gọi của nhà cầm
quyền, thì có đến hàng vạn người như vậy thì làm sao họ có thể bắt người ta
tuân thủ cái đó được.”
Cũng
theo nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, mặc dù không thể gây áp lực được trong thực
tế nhưng có thể nhà cầm quyền Việt Nam ra nghị định 27 để sử dụng nó như một thứ
công cụ về mặt pháp lý, để tròng vào cổ những người yêu chuộng tiếng nói tự do.
Nhà
báo Trương Duy Nhất thì cho rằng việc buộc gỡ nội dung vi phạm trong 3 tiếng đồng
hồ chỉ có thể áp dụng với nhà cung cấp mạng xã hội là doanh nghiệp trong nước.
Còn đối với nhà cung cấp ở nước ngoài thì khó có thể áp dụng được. Ông nói
thêm:
“Đối
với nhà cung cấp ở nước ngoài làm sao yêu cầu họ được, bởi vì cái chuẩn gọi là
“nếu có sai phạm thì yêu cầu gỡ bỏ”. Nhưng thế nào là không đúng, thế nào là
gây hại? Bởi vì có những cái chính phủ cho rằng có hại và không đúng, nhưng đối
với chuẩn mực tự do ngôn luận và chuẩn mực quốc tế thì nó lại không vi phạm và
được ủng hộ, được người ta khen là có ích chứ không gây hại. Như vậy thì làm
sao anh gỡ được.”
Trong
nghị định mới vừa ban hành, có phần bổ sung cho mục 23/C của Nghị định 72 năm
2103 đã gây không ít bất ngờ cho dư luận về việc quy định nhà cung cấp mạng xã
hội phải đảm bảo có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại
thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc kiểm tra toàn bộ thông tin trên trang
thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Liên quan vấn đề này, Nhà báo Trương Duy
Nhất cho biết:
“Tôi
rất lạ, tôi chưa rõ cái đó. Trước đây thì cái dự thảo an ninh mạng đưa ra quốc
hội, thì có cái điều khoản buộc các nhà cung cấp mạng xã hội từ nước ngoài thì
phải đặt máy chủ quản lý ở trong nước. Nhưng nó đang trong quá trình dự luật,
trong quá trình bàn thảo, đưa ra quốc hội nhưng quốc hội chưa thông qua. Mà vừa
rồi trong một cuộc họp Thường vụ quốc hội có đưa ra lại ý kiến này. Thì phần lớn,
theo tôi hiểu thì gần như đã thống nhất là bỏ cái yêu cầu đặt máy chủ ở trong
nước rồi mà.”
Cũng
liên quan đến việc bắt buộc đặt máy chủ tại Việt Nam, Ông Hoàng Ngọc Diêu, một
chuyên gia công nghệ thông tin, hiện đang sống tại Úc và đã từng làm việc tại
Việt Nam đưa ra ý kiến của mình:
“Nói
về mặt kỹ thuật, đặc biệt bây giờ các kỹ thuật như mạng xã hội Facebook,YouTube
hay mảng G-Blog của Google là hoàn toàn nằm trên cloud (dữ liệu trực tuyến).
Nói đến clound computing là nói đến một chuỗi các Data centers (trung tâm dữ liệu)
nằm rải rác khắp thế giới. Những Data centers đó nó phải phục vụ cho được cái gọi
là “georgraphical” tức là những mảng địa lý, theo từng vùng. Việc áp đặt phải đặt
máy chủ ở Việt Nam là một cái chuyện rất là phi lý vì nếu tất cả các quốc gia
trên thế giới đều muốn đặt máy chủ ở quốc gia của họ thì liệu làm sao một công
ty như Facebook hay Google có thể thỏa mãn được.”
Ông
Diêu cũng cho biết phải có sự tính toán rõ ràng trong đó chứ không phải nói đặt
máy chủ ở Việt Nam là xong; Ví dụ như đặt máy chủ mà chỉ để “raw data” (dữ
liệu thô) trong đó, hoặc là những hình ảnh không được xếp loại, thì nhà cầm quyền
Việt Nam cũng không thể kiểm soát được. Ông nói thêm:
“Khi
mình xét về mặt kỹ thuật thì mình thấy khôi hài ở chỗ là nó rất mập mờ và chỉ
là đòn tâm lý thôi chứ chẳng có gì.”
Trong
một lần trả lời đài RFA trước đây, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn
về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý cho biết việc đặt máy chủ ở đâu không
phải là điều quan trọng:
“Về
vấn đề kỹ thuật thì đâu cần phải là máy chủ phải đặt ở đâu. Trên thế giới này
có 1 góc nào đấy, 1 hòn đảo xa xôi nào đấy cũng được, rừng Targa hay đảo Guam của
Mỹ cũng được.”
Theo
nhà báo Trương Duy Nhất, chính quyền Việt Nam càng ngăn chặn các tiếng nói phản
biện trên mạng xã hội thì càng khiến họ bị ức chế và lên tiếng nhiều hơn. Ông
cũng cho rằng cộng đồng mạng bây giờ khó ngăn chặn, những tiếng nói phản biện
đa chiều ngày càng nhiều, càng mạnh hơn, và không thể ngăn chặn được trong xu
thế này.
No comments:
Post a Comment