Thursday, 15 March 2018

GIẤC MƠ TOÀN CẦU CỦA TRUNG QUỐC GÂY ÁC MỘNG CHO NƯỚC LÁNG GIỀNG (Robert Daly, Matthew Rojansky - Foreign Affairs)




Robert Daly, Matthew Rojansky  -  Foreign Affairs
 Trà Mi dịch
Posted on March 14, 2018 by editor

Từ Nga đến Trung Á, sáng kiến một Vành đai và một Con đường của Bắc Kinh khơi dậy những kỷ niệm xấu về đế quốc Trung Hoa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Xi Jinping, và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev ngày 9 tháng 5 năm 2015 tại Moscow, Nga. Nguồn: RIA Novosti qua Getty Images.

Năm 1904, Halford Mackinder đưa ra giả thuyết rằng bất cứ quốc gia nào cai trị “Đảo Thế giới” — châu Phi, châu Á, và châu Âu — sẽ “chỉ huy thế giới.” Một trăm chín năm sau, ở Astana, Kazakhstan, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Xi Jinping đã hành động, tuyên bố mình là nhà tiên tri và Trung Quốc là động cơ cho sự hội nhập của Phi-Âu-Á. Kỷ nguyên ngoại giao của sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) đã bắt đầu.

Đảo Thế giới sớm trở thành quá nhỏ so với tầm nhìn của Xi. Một tháng sau bài phát biểu tại Astana, Xi đến Jakarta để thông báo rằng Trung Quốc sẽ “tăng cường hợp tác hàng hải với các nước ASEAN … và phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác hàng hải trong nỗ lực chung để xây dựng con đường tơ lụa.”

Ngoại trưởng TQ Wang Yi và Tổng thống Chile Michelle Bacheler (Santiago, Chile, 22/01/2018) Nguồn: Reuteurs

Vào tháng Giêng, Ngoại trưởng Wang Yi đã mời thêm hơn 30 quốc gia Châu Mỹ Latinh và Caribean gia nhập BRI. Những ngày sau đó, Hội đồng Nhà nước đã đưa ra một bạch thư về chiến thuật Bắc Cực của Trung Quốc, câu cuối cùng của nó đã khuyến khích các thành viên của Ủy ban Bắc cực – khác với Trung Quốc thực sự có biên giới với Bắc cực – làm việc với Trung Quốc để “tham gia vào việc quản lý Bắc Cực, trong khuôn khổ Sáng kiến một Vành đai một Con đường.”

Từ Nam Mỹ đến Bắc Cực, BRI đưa Trung Quốc vào vị trí ông trùm của hội nhập toàn cầu. Nhưng các nước láng giềng của Bắc Kinh vẫn hoài nghi.

Tác giả gần đây đã viếng thăm Bắc Kinh, Astana và Moscow để đánh giá tầm nhìn của Xi với những nước láng giềng Âu Á vì sự hợp tác của họ là điều cần thiết cho sự thành công của BRI. Chúng tôi đã thấy có sự háo hức tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển quốc gia, nhưng vẫn có sức đề kháng sâu sắc đối với bất kỳ sự dự định nào nhằm phát triển hoạt động, tư tưởng hoặc dân số của Trung Quốc về phía Tây và phía Bắc. Là thủ đô mới nhất của khu vực, Astana có thể được dự kiến sẽ giới thiệu tham vọng của Âu Á, nhưng ngoại trừ một khách sạn do Trung Quốc xây, không có dấu vết “yêu Trung Quốc” nào khác trong thành phố. Các cửa hàng và những tòa nhà chọc trời chỉ có tiếng Kirin và tiếng Anh; may lắm mới thấy một Hán tự trong tầm mắt. Nga vẫn vững bền là Slavic và Châu Âu; định hướng phong cách và tư tưởng của nó vẫn hoàn toàn của phương tây. Không nước nào trong hai quốc gia này hy vọng rằng quyền lực của Trung Quốc sẽ tăng lên cùng với các khoản đầu tư.

Logic chiến lược của Trung Quốc

Xi đang đón năm mới 2018. Nguồn: Fred Dufour/Pool Getty Images.

Xi Jinping hoặc đã không thấy hoặc không quan tâm. Trong khi ông Mackinder nghĩ rằng bất kỳ bá chủ thế giới nào trước hết phải cai trị Đông Âu, Xi tin rằng lịch sử chứng minh chìa khóa để kiểm soát lục địa nằm ở Trung Quốc. Tháng 9 năm 2013, ông nói với người Kazakh rằng

“Hơn 2.100 năm trước đây … đại sứ Trương Khiên đã được gửi tới Trung Á hai lần để mở đường tiếp xúc thân thiện giữa Trung Quốc và các nước Trung Á cũng như con đường tơ lụa xuyên lục địa nối Đông và Tây.”

Tháng 10 năm đó Xi nói trong bài diễn văn trước quốc hội Indonesia rằng “Đông Nam Á từ xưa đã là một trung tâm quan trọng dọc theo con đường tơ lụa thời cổ đại.”

Điều này hàm ý rằng nền thương mại Á-Âu và Đông Nam Á tiền hiện đại đã được Trung Quốc dẫn dắt – một quan điểm xét lại rõ ràng. Thuật ngữ “Con đường tơ lụa” do một nhà địa lý người Đức đặt ra năm 1877 để chỉ một hiện tượng lịch sử về nền thương mại Á-Âu thay vì nói về một con đường cụ thể nào.

Con đường tơ lụa không phải thuộc về Trung Hoa, và cũng không phải là một con đường. Việc Xi thần thoại hóa con đường tơ lụa cũng cũng lướt qua thực tế là những người lính cũng như những thương nhân đã đi trên con đường trong chuyện kể. Nhiệm vụ thực sự của Zhang Qian (Trương Khiên) không phải là để thiết lập một khu vực tự do thương mại – trao đổi kinh tế Á-Âu đã bắt đầu cả ngàn năm trước khi Trương ra đời – nhưng để thuyết phục dân tộc du mục liên minh với Trung Hoa trong cuộc chiến chống lại các bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Tân Cương và Trung Á hiện nay. Khúc khải hoàn của Xi ca tụng sự hội nhập Á-Âu có thể đã bỏ quên việc Trung Quốc mở mang bờ cõi bằng bạo lực, nhưng lịch sử đó không bị những nước láng giềng của Trung Quốc lãng quên.

Nhắc lại lịch sử, Xi đã lướt qua chiến lược sâu sắc hơn nhằm cổ động cho cuộc vận động cho kế hoạch Một Vành đai một Con đường ngày nay của Trung Quốc. Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn mà họ gọi là “thời kỳ cơ hội chiến lược” do sự gia tăng nhanh chóng và sự phát triển chậm của phương Tây kể từ năm 2008. Đối với Bắc Kinh, cuộc khủng hoảng tài chính đó đã chấm dứt thời gian Trung Quốc bỏ 30 năm học nghề làm kinh tế với Hoa Kỳ và đưa lời nói dối về những giá trị phổ quát của Mỹ và trật tự thế giới do người Mỹ dẫn đầu. Xi và đồng nghiệp của ông tin rằng cơ hội chiến lược của họ đã mở rộng hơn vì sự sụt giảm uy tín của Mỹ kể từ cuộc bầu cử năm 2016 và do sự rút lui của Tổng thống Trump ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Họ nhìn thấy tâm chấn của quyền lực toàn cầu chuyển về phương Đông.

Thật khó để tranh luận về vấn đề này. Trong khi Hoa Kỳ là một rào cản biên giới biển của Trung Hoa, nhưng hiếm khi Mỹ tỏ ra khó chịu khi Trung Quốc nhìn về phía tây, qua Trung Á, sang châu Âu. Ở đó, Trung Quốc hy vọng sẽ dùng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, chuyên môn về xây dựng, sức mạnh cho vay của các ngân hàng quốc doanh, và năng lực sản xuất thép, nhôm và bê tông, để tích hợp không những chỉ nhằm vào cơ sở hạ tầng mà còn về lưu lượng của thông tin, hệ thống tài chính, và các thủ tục thông quan cũng như đạt được sự kính nể trong tiến trình đó.

Bắc Kinh không che dấu ích lợi cốt lõi của TQ chằng chịt ở dự án Một Vành đai một Con đường. Trong luận điểm của Trung Quốc, BRI sẽ tốt cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt tốt cho Trung Quốc. Như tờ Nhân dân Nhật báo tuyên bố vào đầu năm 2018, “Thế giới cần Trung Quốc … Điều đó tạo ra một không gian chiến lược rộng mở cho những nỗ lực của chúng ta để duy trì hòa bình và phát triển và đạt được lợi thế” (nhấn mạnh của tác giả). Tại một cuộc họp riêng tại Washington hồi tháng 2, một học giả ở Bắc Kinh đã hai lần khẳng định rằng mục đích thực sự của BRI là quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Bằng cách làm cho nhân dân tệ trở thành đồng tiền chính thức trong các giao dịch BRI, học giả đó giải thích, Trung Quốc sẽ thách thức vị trí của đồng đô la Mỹ hiện là bản tệ trao đổi toàn cầu hàng đầu mặc dù đồng NDT được Bắc Kinh quản lý chặt chẽ. Trung Quốc có thể yêu cầu những người tham gia dự án BRI chấp nhận các tiêu chuẩn pháp lý cũng như đồng tiền của Trung Quốc. Trong một bản tin ít được biết đến cho hay, Trung Quốc đang thành lập các tòa án mớiở Bắc Kinh, Tây An và Thâm Quyến để phân xử các vụ tranh chấp trong dự án BRI.

Nguồn: Rebecca Zisser/Axios

Lời khen ngợi trên báo chí Trung Quốc về Xi và BRI cho thấy BRI chính là để tăng cường hỗ trợ trong nước cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn là mang lại lợi ích cho các đối tác của Trung Quốc. Sự nhiệt tình của Trung Quốc với tầm nhìn của Xi đã đạt đến đỉnh cao phi lý. Tại một hội nghị ở Bắc Kinh mà hai tác giả đã tham dự vào cuối năm 2017, một nhà phân tích chính sách đối ngoại Trung Quốc tuyên bố rằng tầm nhìn của Xi không chỉ có thể chỉ đạo sự phát triển hòa bình của nhân loại mà còn có lợi cho các loài động vật không phải là con người và luôn cả thực vật nữa. Có lý do để nghĩ rằng những tung hô vô nghĩa như vậy, bây giờ cũng như trong thời Mao, là để che giấu sự nghi ngờ của dân Trung Quốc về sự tinh tế của dự án BRI.

Tuy nhiên, Trung Quốc lên khung sự hội nhập Á-Âu giờ đây đã dẫn dắt các cuộc thảo luận về chính sách trên toàn thế giới; đó là dự án BRI chứ không phải Liên minh Kinh tế Á-Âu của Liên bang Nga hoặc Sáng kiến Con đường Tơ lụa mới của Hoa Kỳ thu hút trí tưởng tượng của thế giới và tít lớn trên báo chí. Không ai có thể buộc tội Xi suy nghĩ nhỏ. Eurasia và Châu Phi, vốn là trọng tâm ngắn hạn của BRI, gồm 57% diện tích đất liền trên thế giới, 86% dân số và 65% GDP. Tầm nhìn BRI – hội nhập kinh tế của các khu vực này bằng cơ sở hạ tầng – sẽ là một thành tựu lịch sử. Người ta đã chấp nhận là các mạng lưới giao thông khu vực hiện tại không thể kết nối được, cũng như không xây dựng các con đường mới, trừ khi Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ và xây dựng đường xa lộ, hệ thống đường sắt, đường ống và bến cảng.

Tuy nhiên, kế hoạch BRI của Xi không rõ ràng như hứa hẹn đầu tư trị giá 1 nghìn tỷ USD là hấp dẫn. Mặc những lời hứa ngất trời của Xi, nhưng tổng đầu tư trực tiếp ở nước ngoài của Trung Quốc đã tăng lên theo cùng một quỹ đạo thành lập trước khi BRI được công bố và thực sự đi vào các nước trong dự án BRI vào năm 2016. Mặc dù đây là những ngày đầu của BRI nhưng chương trình này chỉ tạo ra được một vài thành công rực rỡ và các chuyên gia vẫn hoài nghi rằng các mạng lưới đường sắt Á-Âu có thể cạnh tranh với chi phí vận tải hàng hải thấp. Cũng không rõ ràng rằng thương hiệu, tiền bạc và tham vọng của Trung Quốc có thể vượt qua được sự phát triển không đều, sự đa dạng về chính trị và văn hoá, hận thù lâu năm và địa lý đáng lo ngại của Đảo Thế giới.

Do đó, có những phản ứng khác nhau đối với sự hào phóng của Trung Quốc. Nga, Kazakhstan, và ngay cả Pakistan vẫn nghi ngờ dù sự chính thức tỏ ra nhiệt. Các quốc gia G-7, Ấn Độ và Nhật Bản đã từ chối ủng hộ sáng kiến này mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục yêu cầu, chính vì họ công nhận BRI như là sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc. Bất chấp những nghi ngờ về tính khả thi và các khuynh hướng xét lại về BRI, chương trình tiêu biểu của Xi đang giành được sự ủng hộ từ Thái Lan đến Tajikistan tới Hy Lạp. Bảy mươi mốt quốc gia đã “tham gia” sáng kiến này, mặc dù không rõ những hệ lụy khi họ tham gia.

Nhưng trong khi Xi nói như đinh đóng cột, các đối tác Nga và Kazakhstan của Trung Quốc thận trọng hơn. Họ hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc khi phù hợp, nhưng không chấp nhận lời kêu gọi của Xi để thành lập “một cộng đồng tương lai” do một Trung Quốc nhân đức kiểm soát. Những nghi ngờ như vậy không phải hủy diệt sự hội nhập cơ sở hạ tầng của Âu Á, nhưng lo ngại lan truyền về quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc cho thấy nhiều nước láng giềng của nó sẽ không diễn hành dưới ngọn cờ của Bắc Kinh, ngay cả khi họ được hưởng lợi từ sự thịnh vượng của Trung Quốc..

Moscow xoay trục Âu Á

Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc. Nguồn: JOC.com

Sau hậu quả của việc sát nhập bán đảo Crimea, Moscow hầu như không thể khiển trách Bắc Kinh vì đã thúc đẩy các tham vọng bành trướng lãnh thổ. Cả Nga và Trung Quốc thường xuyên ca tụng chủ quyền quốc gia là tối thượng trong quan hệ quốc tế, nhưng họ không cho thấy sự tôn trọng đối với chủ quyền của các nước láng giềng nhỏ hơn. Những thái độ như vậy đã làm căng thẳng mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây, và đã làm đảo lộn mối quan hệ của Nga với Hoa Kỳ và Châu Âu, và do đó đã thúc đẩy sự “xoaytrục” của Nga đối về phía Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Mạc Tư Khoa, sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với sự kết nối giữa Á-Âu diễn ra đúng lúc, khi Nga thấy mình ngày càng bị cắt đứt từ các thị trường phương Tây.

Tất nhiên, người Nga không chỉ nhìn về phía đông vì sự oán hờn hoặc trong cơn tuyệt vọng. Giới chức và các chuyên gia về Nga nói rõ về “sự trở lại của Trung Quốc ở Đông Á” và nhấn mạnh rằng họ không thể bỏ lỡ cơ hội tham gia vào sự thăng hoa của Trung Quốc và châu Á. Đồng thời, người Nga nhận ra rằng sự hiện diện về nhân số và kinh tế tương đối nhỏ của họ ở Đông Á sẽ không tự chúng bảo đảm bảo cho họ có một vai trò lãnh đạo trong khu vực liên kết mới hồi sinh. Họ hy vọng sẽ bù đắp cho những hạn chế này bằng cách tận dụng sức mạnh của Nga như là một nước mạnh về an ninh và địa chính trị trong khu vực, và mối quan hệ cá nhân ấm cúng giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Trong với bối cảnh này, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị một “quan hệ đối tác Âu Á lớn hơn”, cũng gọi là “hội nhập của sự hội nhập”, như là một con đường nối Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo với Một Vành đai và một Con đường của Trung Quốc.

Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung Quốc được công bố vào năm 2012 hầu như không phải là một đột phá về khái niệm. Moscow và Bắc Kinh đã ký các hiệp định hợp tác vào năm 1994 và 1996 và dã ký một Hiệp ước hợp tác và hữu nghị vào năm 2001. Trong nhiều năm, họ đã tìm cách phối hợp các vị trí trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS, G-20, và dĩ nhiên, Hội đồng An ninh ở LHQ. Khi được hỏi về thành tựu quan trọng nhất của chính sách đối ngoại khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai năm 2008, ông Putin đã đề cập đến việc giải quyết tranh chấp biên giới lâu dài với Trung Quốc. Nếu còn nghi ngờ gì về mối quan hệ đang ấm lên, năm 2006 và 2007, hai nước tuyên bố qua lại những năm 2016 và 2017 ở Nga và Trung Quốc để kỷ niệm các mối quan hệ thương mại và văn hoá và chính trị giữa hai nước.

Tuy nhiên, người Nga cũng biết rằng trọng lượng và tham vọng đang tăng của Trung Quốc sẽ thử thách độ bền vững của vị trí của họ ở Đông Á. Giống như các đối tác phương Tây của họ, người Nga đang theo dõi chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng Âu Á và nói rằng họ sẽ đánh giá tầm quan trọng của Một Vành đai một Con đường không dựa trên những lo ngại hay vì những hứa hẹn, mà tùy vào kết quả thực tế. Một kết quả như vậy đã được một nhà kinh doanh Nga cảnh cáo rằng mặc dù các đối tác kinh doanh Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa ra những yêu cầu chính trị quá mức, nhưng những giao dịch với họ cuối cùng sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đồng nhân dân tệ và chuỗi cung ứng sẽ được định hướng lại hoàn toàn hướng về các nhà sản xuất Trung Quốc. Một viên chức Nga đã cho chúng tôi biết, “văn hoá Trung Quốc không hướng đến sự thống trị – họ chỉ đơn giản coi mình là trung tâm của thế giới.”

Nhiệt tình của Nga đối với sự gia tăng mối quan hệ kinh tế Á-Âu một phần vì sự thất vọng với châu Âu và Hoa Kỳ. Không chỉ vì những các biện pháp chế tài của phương Tây đã làm hại nền kinh tế của Nga – mặc dù vậy điều này không làm thay đổi chính sách của Kremlin ở Ukraine hay Syria, mà vẫn có những dấu hiệu tiếp tục không để ý đến những gì mà Nga coi là tầm vóc hợp lý của họ. Một số người Nga vẫn nghĩ về một “tam giác” địa chính trị, với Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc ở 3 góc, trong khi những người khác lại cho rằng Chiến tranh Lạnh mới xuất hiện giữa Washington và Bắc Kinh.

Dù bằng cách nào, nhiều người Nga coi việc Trung Quốc đang mạnh lên là chỉ số hàng đầu về sự suy giảm của Tây phương, và họ kỳ vọng thực tế này, theo thời gian, sẽ buộc Washington và Brussels nhượng bộ, gồm việc chấm dứt những trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Nga sau năm 2014. Đối với người Nga chia sẻ quan điểm này, theo đuổi hội nhập kinh tế với phương Đông, trớ trêu thay, phần lớn là để đảm bảo quan hệ tốt đẹp hơn với phương Tây. Nhưng người Nga có thể đang pha trộn các phép ẩn dụ trong việc dùng BRI như một đối trọng với áp lực và sựu cô lập của phương Tây. Rốt cuộc, Nga quan trọng nhất đối với Trung Quốc, là một hành lang trên đất liên dẫn tới châu Âu, với nửa tỷ người tiêu dùng giàu có là thị trường lớn nhất cho hàng hóa Trung Quốc.

Kazakhstan: cái khóa trong thắt lưng?

Kazakhstan là quốc gia trong đất liền và dân cư thưa thớt, mặc dù giàu năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Được các công ty khổng lồ, Nga và Trung Quốc kìm hãm với những di sản thống trị từ Moscow trong thời kỳ Sa hoàng và Xô viết, Kazakhstan không thiếu những thách thức địa chính trị. Vì vậy, giới chức của Kazakhstan tỏ ra tự hào về việc giành được chủ quyền đất nước, xây dựng một nền kinh tế tương đối ổn định, thịnh vượng và tạo ra một bản sắc dân tộc đặc biệt nhưng vẫn đa dạng trong ba thập kỷ qua. Một cảm giác quyết tâm và niềm tự hào đó xuất hiện khi các nhà lãnh đạo Kazakhstan xem quốc gia của họ như là “cái khóa” của dự án một Vành đai một Con đường của Trung Quốc.

Địa lý của Kazakhstan làm cho nó là trung tâm của vành đai. Con đường bộ hiệu quả nhất từ Tây Trung Quốc đến Đông Âu đi qua Kazakhstan trên đường tới Nga. Hành trình đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu trên con đường này mất khoảng 14 ngày, nhưng nhà chức trách Kazakh định giảm nó xuống còn 10 này bằng cách cải tiến cơ sở hạ tầng và tinh giản di chuyển qua biên giới. Sự tham gia của Kazakhstan với tư cách là một thành viên nòng cốt của Liên minh kinh tế Á-Âu với Nga và Belarus có nghĩa là thuế quan được chuẩn hóa ở cả ba quốc gia thuộc Liên bang Xô viết cũ, do đó ít nhất là trong lý thuyết, các chuyến hàng cần được kiểm tra chỉ phải qua một lần kiểm soát ở mỗi đầu của con đường, nơi mà các đoàn tàu phải qua lại giữa những tiêu chuẩn khác nhau (Châu Âu và Trung Quốc) và rộng hơn (Nga và Kazakhstan). Những chiếc xe lửa có máy điều hòa không di chuyển nhanh chóng từ các nhà máy Trung Quốc sang thị trường châu Âu trong vòng chưa đầy hai tuần, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa thương mại các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hàng hóa điện tử tiên tiến. Các nhà sản xuất châu Âu sẽ lấp đầy các xe tải đường sắt trở lại với các mặt hàng thực phẩm và hàng xa xỉ có những ở Trung Quốc tiêu thụ.

Xe lửa chở hàng từ London Gateway sang Yiwu, Zhejiang, TQ. Nguồn: AFP/Isabel Infantes/Getty Images

Trong khi đó Kazakhstan không phải là một nước nghèo, hiểu rõ về nhu cầu phải có những nguồn tăng trưởng mới và một tầm nhìn phát triển vượt ra khỏi việc xuất khẩu năng lượng. Kết nối Eurasia có thể tạo cơ hội không chỉ để thúc đẩy thương mại của Kazakhstan với Trung Quốc và châu Âu, nhưng còn để thu được các khoản phí vận chuyển đường sắt khi khối lượng vận tải tiếp tục tăng lên như đã có trong thập kỷ qua, từ 1.200 container năm 2011 đến hơn 200.000 container vào năm 2017. Hơn nữa, giới lãnh đạo Kazakh lập luận rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các khu vực phía đông và phía tây của nước này có giá trị đặc biệt cho một quốc gia mà trước đây đã tập trung vào các liên kết bắc-nam. Đây là lý do tại sao, theo nhà chức trách, Kazakhstan đã đầu tư 5 tỷ USD tài sản quốc gia trong các dự án cơ sở hạ tầng của BRI, gồm việc xây dựng khu cảng khô lớn nhất thế giới tại Khorgos. Một chuyên gia Kazakh đã giải thích: “Khi Trung Quốc đề xuất ý tưởng BRI, họ đã tìm ra một đối tác rất tích cực.

Sự hấp dẫn của BRI với Kazakhstan đã thế. Còn những rủi ro thì sao? Hiện tại, giới hữu trách Kazakhstan nhấn mạnh rằng họ có quan hệ tốt với Nga và Trung Quốc. Họ tự tin vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư tách biệt với chính trị và an ninh. Trong khi Moscow xoay trục, hướng về phía đông là một quyết định chính trị lớn, họ cho rằng, đối với Astana, phần lớn đó là hoạt động tốt, không có thành phần chính trị. Tuy nhiên, trong khi Kazakhstan đã chi trả cho phần xây dựng cơ sở hạ tầng của mình, Trung Quốc cũng đã đầu tư gần 30 tỷ USD trong hơn 50 dự án. Trên thực tế, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu, trong cả 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, ngày càng nhiều sinh viên Kazakhstan du học nước ngoài ở Trung Quốc (đến nay có khoảng 40.000) và công nhân Trung Quốc đã đổ xô đi làm những công việc hấp dẫn trong những dự án đường ống, xây dựng, đặc biệt là ở phía Tây Kazakhstan.

Cầu cạn đường sắt đang xây tại Trịnh Châu (Zhengzhou), nơi trợ cấp của chính phủ đã giảm chi phí vận chuyển hàng hóa đường sắt. Ảnh: Reuters

Gần cỡ nào là quá gần để mất thoải mái? Mặc dù người Kazakh quý vị trí của họ như là một quốc gia “Âu Á thực sự” nhưng họ đã thẩm thấu quan điểm của châu Âu vì mối liên hệ lâu dài với Nga, đối với Trung Quốc đồng thời còn có những sự thiếu tự tin và thành kiến của họ. Các dự án Kazakhstan-Trung Quốc để kết nối Á-Âu có thể là tất cả là những hoạt động kinh doanh cho cả hai bên, nhưng họ hầu như không phải là đối tác bình đẳng. Như một chuyên gia Kazakh đã hỏi “Làm sao chúng ta có thể hội nhập với 1,5 tỷ người?” Vào năm 2016, hàng ngàn người Kazakh đã phản đối một đề nghị về cải cách ruộng đất mà giới phê bình lập luận rằng nó sẽ dẫn đến việc Trung Quốc mua quá nhiều đất Kazakh. Giữ khoảng cách an toàn trong những mối quan hệ kinh doanh có thể phù hợp với Kazakhstan, nhưng Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ muốn được tôn trọng và có quyền kiểm soát nhiều hơn nữa khi đầu tư vào khu vực này tiếp tục phát triển. Một người trong giới quan sát quốc tế có uy tín ở Astana cảnh cáo, “Hãy nhớ rằng nước lớn nhất Trung Á là miền Tây Trung Quốc.”

Giống như hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, Kazakhstan và Nga đều đánh giá các ý định của Trung Quốc không dựa trên học thuật chép sử mơ hồ và những tu từ cao tận mây xanh của Trung Quốc, nhưng dựa vào kinh nghiệm, lợi ích và tính chất dễ bị tổn thương của riêng họ. Họ bị dụ dỗ bởi các túi tiền lớn của Trung Quốc, nhưng không bị thuyết phục là Trung Quốc có thiện ý. Hiểu mức độ nhạy cảm của các nước láng giềng, Bắc Kinh có thể khôn ngoan để giữ tầm nhìn BRI một cách mơ hồ và để cho chương trình này dần dần phát triển. Tuy nhiên, nó có nguy cơ là sự thiếu chuyên cần này sẽ được hiểu như một sự che chở cho lợi ích riêng của Trung Quốc. Các đối tác tiềm năng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á và Đông Âu không xa lạ gì đối với những kế hoạch của chủ nghĩa đế quốc và sẽ nổi giận với bất kỳ dấu hiệu nào về sự khinh thường về văn hoá, khai thác kinh tế, hoặc lấn chiếm chủ quyền của họ.

Dù Xi Jinping gặp khó khăn trong việc chuyển tầm nhìn của mình cho những người hoài nghi trong và ngoài nước, BRI đã trở thành một lực lượng toàn cầu, mang tính tượng trưng và là động lực cho đầu tư thực sự. Khi hội nhập Á-Âu tiến triển, và nếu Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh cách ứng xử của nó như là một nước mạnh trên thế giới, BRI có thể đạt được nhiều mục tiêu của nó. Tuy nhiên, không chắc rằng các quốc gia của Đảo Thế giới, nhiều nước trong số đó là các quốc gia văn minh tự hào, sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc. Ngay cả khi một Vành đai một Con đường giúp tạo ra một mạng lưới hậu cần của Âu Á, những người băn khoăn hưởng hoa lợi của nó có thể sẽ không cho Trung Quốc sự nể trọng mà họ mong đợi.

Phản ứng đối với sự thất vọng đó sẽ là thước đo thực sự cho những giấc mơ Âu Á của Trung Quốc.

Tác giả Robert Daly là giám đốc của Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho học giả.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: China’s Global Dreams Give Its Neighbors Nightmares
By Robert Daly, Matthew Rojansky, Foreign Affairs | MARCH 12, 2018.









No comments:

Post a Comment

View My Stats