Thursday 8 March 2018

"CÔ GIÁO QUỲ" QUA GÓC NHÌN NHÂN QUYỀN (FB Huỳnh Ngọc Chênh)





Giá như các em học sinh được giáo dục về nhân quyền từ lúc còn học mẫu giáo như các nước dân chủ thì chẳng bao giờ xảy ra chuyện "cô giáo quỳ".

Ngay từ khi còn học mẫu giáo, trẻ em ở Úc đã được dạy, mình không được quyền làm đau bạn bè, không được cấu véo, giật tóc, đánh bạn... và ngược lại không ai có quyền làm đau đớn mình kể cả cha mẹ và thầy cô giáo.

Nếu mấy chục em học sinh của cô giáo "quỳ" đã được dạy như vậy thì khi bị cô giáo hành hạ thể xác bằng cách phạt quỳ sẽ ít nhất có vài em can đảm nêu ý kiến, cô phạt như vậy là vi phạm nhân quyền.

Đã tốt nghiệp sư phạm để ra làm thầy cô giáo, nhưng cô giáo "quỳ" không có một chút kiến thức gì về nhân quyền (vì cả hệ thống giáo dục từ mẫu giáo lên đến cao đẳng mà cô trải qua không hề dạy cô về điều đó) nên cô giáo không hề biết rằng bắt phạt học sinh bằng cách quỳ là hành hạ thể xác chúng nó, là vi phạm vào điều cơ bản nhất của quyền con người.

Ông thư ký hội luật gia Võ Hòa Thuận mù mịt về nhân quyền nên tự ý cho mình cái quyền được xử lý, trừng phạt và sỉ nhục cô giáo.

Ông hiệu trưởng trường Bình Chánh, cũng là sản phẩm của hệ thống giáo dục của chế độ nầy nên cũng chẳng hiểu biết gì về nhân quyền nên cứ để nhóm phụ huynh được phép xử lý và trừng phạt giáo viên của mình.

Trong cả cái dây chuyền tạo ra sự kiện "cô giáo quỳ" ấy, chỉ cần một mắt xích có kiến thức về nhân quyền, chống lại sự vi phạm nhân quyền, thì sự việc đáng tiếc đã không thể nào xảy ra.

Nhưng khốn nỗi, cái chế độ nầy nghe đến nhân quyền như đỉa phải vôi, đã không phổ biến kiến thức nhân quyền ra toàn dân, không đưa kiến thức nhân quyền vào chương trình giáo dục, lại còn bắt bỏ tù bất cứ ai nói về nhân quyền hay phổ biến kiến thức nhân quyền ra xã hội.

Thật ra những kẻ liên quan đến sự kiện "cô giáo quỳ" nói trên đã hành xử theo hệ quy chiếu khác, theo một logic khác, dựa trên nền tảng khác mà họ được nhồi nhét ngay từ khi còn bé.

Cô giáo là đảng viên, ông Võ Hòa Thuận là đảng viên, ông hiệu trưởng là đảng viên, tất cả họ tuy mù nhân quyền, nhưng chắc chắn đều có học nên hiểu pháp luật. 

Cô giáo biết hành hạ thể xác học sinh và bản thân mình bị hành hạ thể xác và bị sỉ nhục là sai pháp luật, ông Thuận biết hành hạ và sỉ nhục cô giáo là sai pháp luật, ông hiệu trưởng biết để kẻ bên ngoài vào trường trực tiếp xử lý cô giáo là sai pháp luật, nhưng mọi việc vẫn cứ trơn tru diễn ra là vì họ đang hành xử theo cái logic mà họ đã thấm nhuần, logic của đảng cộng sản, logic đảng luôn luôn đứng trên pháp luật, logic pháp luật xếp thứ nhì sau nghị quyết đảng.

Cô giáo biết nếu không chịu nhục, quỳ xuống đủ 40 phút để được tha thứ thì cô sẽ bị mất đảng, mất luôn tương lai thăng tiến, mất luôn quyền sẽ được bắt kè khác quỳ gối trước mặt mình trong tương lai.

Ông Hiệu trưởng biết nếu ngăn cản ông Võ Hòa Thuận và nhóm phụ huynh có thế lực tại địa phương, đứng ra bênh vực cô giáo thì ông cũng có thể mất đảng, mất chức, mất tương lai thăng tiến... mất còn nhiều hơn cô giáo mất, nên ông sợ hãi nhiều hơn, nên sẵn sàng chịu nhục, nhắm mắt làm ngơ.

Ông Võ Hòa Thuận, để vào được đảng, để làm cán bộ tư pháp, để lên được chức thư ký hội luật gia, thì đã phải kinh qua nhiều lần quỳ gối rồi, nên bây giờ được dịp là bắt người khác quỳ gối ngay, cho đó là chuyện bình thường. Thêm vào đó, ông biết ông làm được là do ông nắm rõ nổi sợ hãi mất mát của cô giáo lẫn của ông hiệu trưởng.

Cái logic của hệ thống do chế độ nầy tạo ra là vậy. Họ là sản phẩm của hệ thống, họ phải hành xử như vậy. Càng lên chức cao thì càng phải quỳ gối trước nhiều người và càng có thể bắt nhiều người khác quỳ gối trước mình. Hình ảnh ông ủy viên BCT Đnh La Thăng hét ra lửa khi ở trên đỉnh cao và quỳ khóc van xin trước tòakhi thất thế đã bộc lộ hết bản chất của hệ thống.

Sẽ không có cấp trên nào của ông Võ Hòa Thuận và của ông hiệu trưởng xử lý sai phạm của hai ông, cũng chẳng cơ quan luật pháp nào xử lý hai ông.

Tuy nhiên có một hệ thống khác với hệ thống nhà cầm quyền, là dư luận xã hội, đang mạnh mẽ lên tiếng.

Có thể vì sợ hãi dư luận, hệ thống sẽ xử lý ông Thuận và ông hiệu trưởng, dĩ nhiên là theo cách riêng của hệ thống chăng?



------------------------------------------

Lê Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khê 1, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa)

Nghề của mình buồn lắm phải không em?
Khi phụ huynh bắt cô quỳ xin lỗi.
Chỉ vì phút nóng lòng cô nông nổi
Trách phạt trò phải quỳ gối trước cô.

Nhớ chúng mình những năm tháng trẻ thơ
Khi đến lớp bị thầy cô quở phạt.
Sợ cha mẹ về nhà đâu dám “mách”.
Vì biết rằng mẹ sẽ phạt nặng hơn

Thời gian qua rồi, ta cũng lớn khôn.
Gặp thầy cô, vẫn ngồi ôn chuyện cũ.
Vẫn dạ, thưa… lời trò đầy hiếu lễ
Ơn thầy cô mà con đã nên người…

Thời gian qua rồi, đạo học đổi thay.
Cô giáo thời nay ngày ngày lên lớp.
Ngoài giảng bài còn bao nhiêu áp lực
Từ phía gia đình, từ phía phụ huynh.

Cô phạt các con đâu được cho mình?
Mà cũng chỉ mong học sinh tiến bộ.
Chỉ mong rằng phụ huynh đừng làm khó.
Đừng coi con như “ông chúa, bà hoàng”

Muốn con mình thành những đứa trẻ ngoan.
Hãy để con qua gian nan thử thách
Đừng chỉ vì một lần con bị “phạt”
Lại làm tổn thương nhân cách người thầy.

Còn gì bằng cả xã hội chung tay.
Tìm biện pháp để con ngày tiến bộ.
Đừng phó mặc cho thầy cô dạy dỗ
Khi con hư lại đổ lỗi cho thầy.

Có thể em buồn vì chuyện hôm nay.
Nhưng hãy tin ngày mai rồi sẽ khác
Người dân ta với tinh thần “hiếu học”
Nghề của mình vẫn cao quý em ơi!


-------------------------


Văn hóa không bao giờ là sản phẩm thuần nhất. Trong một cộng đồng, ít nhất luôn tồn tại hai thứ văn hóa đối lập: văn hóa của kẻ thống trị và văn hóa của kẻ bị trị. Kẻ thống trị tạo ra trật tự tôn ti để đè đầu cỡi cổ kẻ bị trị. Ngược lại, kẻ bị trị luôn nuôi mầm phản kháng để vươn lên thoát khỏi thế bị đè đầu cỡi cổ. Văn hóa của dân gian, văn hóa của những dân tộc thiểu số, kể cả văn hóa của các nước thuộc địa phản kháng, văn hóa thực dân đều thuộc văn hóa bị trị. Hai thứ văn hóa đối lập này, theo Foucault, sẽ luôn tương tác và tạo ra thế quân bình trong tổng thể văn hóa chung.

Tất nhiên, thế quân bình ấy chỉ là lý tưởng, bởi cuộc sống luôn xuất hiện sự so lệch trong tương tác quyền lực. Do quyền lực thống trị thường chiếm ưu thế trấn áp, đè bẹp làm tê liệt quyền phản kháng của kẻ bị trị, cho nên người ta thường nhầm tưởng chỉ có một thứ văn hóa thuần chất do kẻ thống trị tạo ra.

Tôi gọi hiện tượng đồng hóa văn hóa ấy là văn hóa quỳ. Khái niệm quỳ ở đây mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: quỳ gối và sống quỳ.

Ở nghĩa đen, hành động quỳ gối có gốc từ trong nghi thức tôn giáo, tất nhiên là tôn giáo được hình thành do quá trình chính trị hóa. Theo thần thoại Hy–La, từ sau khi Prometheus bị Zeus hành hình một cách man rợ, loài người bắt đầu biết sợ hãi, buộc phải quỳ gối trước quyền lực để tồn tại. Họ phải quỳ để cúng tế, cầu xin thần linh tha thứ và ban ân huệ. Các tôn giáo sau đó ra đời theo cách ấy và hành động quỳ đã mang nghĩa sống quỳ trong tính tượng trưng của nó. Thực chất quyền lực thế gian đã đẻ ra các nghi thức tôn giáo ấy chứ không phải các ông Jesus Chris, Mohamed, Siddhartha Gautama đã nghĩ ra. Những ông này chỉ nghĩ đến tình thương và sự bình đẳng chứ không buộc thiên hạ phải sống quỳ.

Hành động quỳ trong tôn giáo chỉ là hình thức của lối sống quỳ trong đời sống thực tế. Lễ triều phong kiến luôn bắt đầu bằng hành động quỳ của các quan trước ông vua. Đến lượt dân vào cửa quan cũng phải quỳ trước khi tấu trình điều gì đó. Trong học đường, học sinh phải quỳ trước thầy cô; và trong gia đình, con cái phải quỳ trước ông bà, cha mẹ. Tất cả những ai ở vị thế bề trên đều được kẻ dưới xem như thánh thần.

Một băng đảng cũng có nghi lễ lâu la quỳ trước đại ca trong làm lễ kết nạp.

Nho giáo còn tạo ra nghi thức quỳ lạy Thiên triều cho các ông vua chư hầu, biến các nước xung quanh mãi mãi thành nhược tiểu.

Văn hóa quỳ có khi được khuếch trương thành văn hóa đỉnh cao và chi phối cả hệ thống ngay trong xã hội hiện đại. Muốn leo lên ghế để bắt người khác quỳ, người ta phải quỳ trước cái ghế cao hơn. Muốn có học hàm giáo sư, phó giáo sư để bắt học sinh quỳ, thậm chí danh hiệu anh hùng để người đời sùng bái, người ta phải biết “lễ độ”, tức phải quỳ để cầu xin các loại bề trên…

Một điều dễ thấy là kẻ hay quỳ trước người khác mới hay bắt người khác quỳ trước mình.
Cứ thế, khi thấy quỳ có được lợi lộc, lối sống quỳ lập tức trở thành một thứ tín ngưỡng đồng bóng, một căn bệnh rất khó hóa giải bởi đến lúc không ai thấy quỳ là nhục.

Quỳ là hình thức đồng hóa sâu sắc nhất của văn hóa thống trị đối với kẻ bị trị. Kẻ thống trị biến kẻ bị trị thành thấp bé đến mức ngang hàng động vật đi bốn chân để chăn dắt. Ngược lại kẻ bị trị quỳ lâu sẽ nhầm tưởng mình là động vật không còn đủ khả năng đi hai chân và đáng bị cho kẻ khác chăn dắt. Nó là sản phẩm đặc trưng của thể chế độc tài không thể chối cãi.

Quỳ làm cho con người nhu nhược mất hết khả năng phản kháng. Ở đâu có sống quỳ, ở đó có độc tài. Sự vĩ đại của chế độ độc tài là tạo ra thói quen sống quỳ cho mọi công dân để phục tùng cho lòng tham vô hạn của nó.


---------------------------------------

Vụ cô giáo bị quỳ












No comments:

Post a Comment

View My Stats