Wednesday, 7 March 2018

BẢN TIN TỐI 7/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định: Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, theo báo Dân Trí. Ông Trung thừa nhận: Tình hình Biển Đông năm 2017 “tuy không có các vụ việc nghiêm trọng nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường”.

Tuy nhiên, ông Trung vẫn giữ giọng quen thuộc của lãnh đạo CSVN khi bàn về Biển Đông: “Việt Nam tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh trên thực địa, chính trị và ngoại giao với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển”. Quan chức CSVN vẫn không đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể nào để đòi lại những phần lãnh hải của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.


Quan hệ Việt – Mỹ
Báo Tiền Phong đưa tin: Mỹ sẽ vạch kế hoạch hợp tác an ninh với Việt Nam. Trong cuộc họp báo quốc tế qua điện thoại do Trung tâm Báo chí châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức, Tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, bà Mary Tarnowka, phát biểu:“Mỹ và cộng đồng quốc tế đều hưởng lợi từ sự ổn định ở khu vực, đó là lý do chúng tôi rất muốn hợp tác với Cảnh sát Biển Việt Nam. Chúng tôi đã chuyển giao các trang thiết bị đáng kể cho Cảnh sát Biển Việt Nam”.

Báo Công An Nhân Dân có đồ họa thể hiện: Uy lực của tuần dương hạm USS Lake Champlain, một trong 2 tàu hộ tống cho hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong chuyến thăm Việt Nam.


Quan hệ Việt – Trung
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu về chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ, báo Một Thế Giới đưa tin. Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không phản đối chuyến thăm Việt Nam của đội tàu sân bay USS Carl Vinson. Tờ Hoàn Cầu thời báo có bài bình luận với ý chính: Bắc Kinh tuy không vui, nhưng “mức độ khó chịu không cao như những gì các nước đã nghĩ”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Ở Mỹ, người dân có thể đốt cờ Mỹ để thể hiện quyền tự do ngôn luận của họ, còn ở Việt Nam, công an Kiên Giang vừa khởi tố 4 thanh niên xúc phạm cờ Tổ quốc, theo báo Công An Nhân Dân. Các thanh niên này khai rằng, đêm mùng 2 Tết vừa qua, trong lúc đang hái trộm trái cây ở ấp Tân Bình, xã Giục Tượng, họ giật một lá cờ xuống để gói trái cây. Sau đó, họ giật tiếp 10 lá cờ khác rồi treo lên cây để “dọa ma người đi đường”.

Lãnh đạo và công an CSVN thường rất nhạy cảm và xử lý mạnh tay các vụ có yếu tố “xúc phạm” tới lá cờ do họ dựng lên, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng chính quyền mà họ có được là do … cướp!

Nhóm 4 thanh niên bị khởi tố vì “tội” xúc phạm lá cờ do đảng CSVN dựng lên. Nguồn: CAND

Hội cựu Tù hân Lương tâm công bố Báo cáo Vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2017. Năm 2017 là năm tồi tệ nhất của giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam, trong đó có ít nhất 43 người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền bị bắt, so với 11 ngườibị bắt trong năm 2016 và 9 người năm 2015.

Báo Người Việt có bài: Số giáo dân tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là chính sách đàn áp Công giáo của CSVN sau năm 1975. Sau nhiều cuộc điều đình, quan chức CSVN mới cho phép các chủng viện được mở cửa trở lại. Trước đó, nhiều linh mục phải tu tập và được thụ phong trong bí mật.

Theo bài viết, nhiều tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị chính quyền “mượn” rồi cướp luôn. “Khi bị đòi thì chây ỳ. Những vụ cướp tài sản giáo hội nổi tiếng như Tòa Khâm Sứ, đất Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, đan viện Thiên An ở Huế cùng nhiều nơi khác”.

Công an “nhân dân”
Báo Kiến Thức đưa tin: Bị phê vào lý lịch “hách dịch ỷ quyền”, CSGT kiện Chủ tịch xã. TAND huyện Củ Chi, TP HCM cho biết cơ quan này vừa thụ lý vụ CSGT Nguyễn Thanh Phương kiện bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ “để yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần số tiền 13 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch xã này phải xin lỗi công khai”.

Hồi cuối tháng 10/2017, bà Thúy đã ký xác nhận và đóng dấu vào lời phê trong phiếu góp ý của ông Phương, với lời đánh giá: “Bản thân ông Phương không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch, ỷ quyền”. Ông Phương cho rằng lời phê này không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến thành tích thi đua của phòng CSGT PC67.

Báo Người Lao Động có bài: Tranh cãi vụ CSGT thu giữ bình ắc quy của nông dân. Trước đó, ông Huỳnh Thanh Biên, người ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang, đã từ chối ký vào biên bản xử phạt của CSGT về chuyện “để bùn đất rơi trên mặt Quốc lộ 61 gây cản trở giao thông”. Nhóm công an đã thu giữ của ông Biên 2 bình ắc quy.

Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, thừa nhận sai phạm của công an huyện và xã trong vụ này: “Tôi đã yêu cầu chấn chỉnh ngay lực lượng công an xã và đã tham mưu đề xuất xử lý việc này theo hướng không xử phạt gì cả vì xe từ dưới ruộng phải dính ít bùn đất thì có đáng gì đâu”.


“Lỗi hệ thống”
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định kỷ luật Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, theo báo Chính Phủ. Ông Thái Văn Thịnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng và một số lãnh đạo của cơ quan này đã “vi phạm quy chế làm việc của Đảng đoàn, buông lỏng lãnh đạo công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản gây hậu quả nghiêm trọng”.

Báo Zing đưa tin: Kỷ luật nhiều cán bộ xã ‘xin’ tiền hỗ trợ bão lụt chi chè nước. Ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa xác nhận rằng cơ quan này đã tiến hành kỷ luật các cán bộ ở xã Hoằng Phong trong vụ thu lại 15% tiền hỗ trợ người dân ảnh hưởng bão lũ để chi trả các khoản “đi lại, chè nước”. Các lãnh đạo UBND xã Hoằng Phong đều chịu mức kỷ luật khiển trách.

Chiếm đoạt tiền công của người lao động, 3 cán bộ hầu tòa, theo báo Lao Động. Sáng nay, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành xử sơ thẩm vụ “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu. Theo cáo trạng, 3 cán bộ của Đội đo đạc số 1 của trung tâm này có trách nhiệm trả 267 triệu đồng cho các công nhân, nhưng họ chỉ trả 24 triệu, rồi giữ phần còn lại làm của riêng.


Vụ xử đường ống nước sông Đà
Trong phiên xử chiều nay, vụ 18 lần vỡ ống nước sông Đà: HĐXX đề nghị mức án cao nhất 42 tháng tù, theo trang Đầu Tư Tài Chính. Ông Hoàng Thế Trung, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án đường ống nước Sông Đà bị đề nghị mức án từ 36 đến 42 tháng tù.

Ông Nguyễn Văn Khải bị đề nghị mức án 30 – 36 tháng tù, ông Trương Trần Hiển đối diện mức án 24 – 30 tháng tù. Ông Trần Cao Bằng bị đề nghị 36 – 42 tháng tù. Ông Vũ Thanh Hải bị đề nghị 30 – 36 tháng tù. Ông Đỗ Đình Trì đối diện mức án 30 – 36 tháng tù. Các trường hợp còn lại được đề nghị án treo.

VOV đưa tin vụ vỡ ống nước sông Đà:Cựu lãnh đạo Vinaconex “xin” xét cho các bị cáo. Ông Nguyễn Văn Tuân, cựu thành viên HĐQT Tổng công ty Vinaconex cho rằng vật liệu dùng cho dự án đường ống nước sông Đà “là vật liệu mới, công nghệ mới nên khi làm rất khó. Tuy nhiên, những bị cáo ngồi đây đều là đồng nghiệp với tâm huyết hoàn thành dự án cấp nước cho dân”.

LS Trần Đình Triển đặt câu hỏi: Xử vụ đường ống nước sông Đà ngày thứ 3: Kết luận giám định đóng dấu mật? Vụ án này đang được xử công khai, nên LS Triển hỏi rằng, một trong hai bản kết luận giám định có dấu mật đã được giải mật chưa. Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, điều tra viên cao cấp Bộ Công an giải thích: Do vụ án “có tính đặc thù” nên văn bản này chưa thể giải mật và Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm.


Vụ án Navibank
Trong phiên xử sáng nay về sai phạm của 10 cựu lãnh đạo Navibank: HĐXX tạm dừng phiên tòa để bổ sung thêm chứng cứ, theo báo Người Đưa Tin. Các LS tiếp tục hỏi về số tiền 200 tỷ đồng trong vụ án và trách nhiệm bồi thường của Vietinbank đối với Navibank. HĐXX cho tạm dừng phiên tòa “để bổ sung thêm tài liệu chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung”.

Báo Công An Nhân Dân đưa tin: Phiên xử nguyên lãnh đạo Navibank được mở lại vào ngày 12/3. Trước khi tiến hành dừng phiên tòa, HĐXX yêu cầu Viện KSND tối cao “bổ sung bản sao bản án hình sự sơ thẩm ngày 27/1/2014 của TAND TP HCM và bản sao bản án hình sự phúc thẩm ngày 7/1/2015 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao” trong các phiên xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 1.


Tình cảnh công nhân Việt Nam
Vụ lãnh đạo Đà Nẵng đóng cửa 2 nhà máy thép: DN trở tay không kịp, công nhân thất nghiệp, báo Giao Thông đưa tin. Đầu tháng 3/2018, chính quyền TP Đà Nẵng quyết định đóng cửa các nhà máy thép Dana – Ý, Dana – Úc bởi yếu tố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quyết định này đến quá đột ngột và không có lộ trình, khiến hàng ngàn công nhân thất nghiệp, còn chuyện “tái sinh” vùng đất bị ô nhiễm cũng không dễ dàng.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Giải pháp nào cho công nhân mang thai và lớn tuổi bị nợ lương ở công ty Texwell Vina? Đại diện LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đang hoàn tất thủ tục khởi kiện công ty Texwell Vina “để giải quyết tiếp 50% lương và các chế độ khác cho công nhân trên cơ sở bán đấu giá những tài sản còn lại của công ty”.  

Bộ Xây dựng xác nhận: Nhà ở công nhân mới đạt 28% nhu cầu, theo trang Đầu Tư Bất Động Sản. Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng bộ này cho biết: “Trên cả nước hiện chỉ có khoảng 28% công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại thuê tạm chỗ chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu”.


Bẻ cong ngòi bút
Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vừa đề nghị truy tố nữ phóng viên nhận 730 triệu đồng để “gỡ 3 bài báo”, theo báo Dân Việt. Đó là trường hợp của bà Phạm Lê Hoàng Uyển, PV tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập. Cuối năm 2017, báo Phụ Nữ TP HCM có đăng loạt bài về hoạt động lừa đảo của Công ty BĐS Cao Thắng và Công ty Ước Mơ Việt. Bà Uyển đã tìm cách tống tiền 2 công ty này khi vị Tổng Giám đốc hỏi bà về cách “gỡ bài”.

Báo Người Lao Động bàn về tình tiết “sốc” vụ nữ phóng viên tống tiền doanh nghiệp. Theo đó, khi được lãnh đạo 2 công ty trên liên lạc nhờ “gỡ bài” trên báo Phụ Nữ TP HCM, bà Uyển biết không thể làm được chuyện này nhưng vẫn đặt giá 700 triệu đồng. Theo kết luận của cơ quan điều tra, hành vi của bà Uyển đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.   

PV Phạm Lê Hoàng Uyển cùng tang vật của vụ việc. Nguồn: Infonet


Tài xế vs trạm BOT
Trưa nay, các tài xế tiếp tục phản đối, gây kẹt xe tại Trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, báo Công An Nhân Dân đưa tin. Theo đó, tài xế 2 xe tải đã cho xe dừng ngay 2 làn thu phí để phản đối hình thức “tận thu” bằng BOT, vì họ  phải trả tới 140.000 đồng cho một quãng đường chưa tới 10km. “Sự việc gây kẹt xe kéo dài. Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt để phân luồng điều tiết giao thông và giải quyết vụ việc”.

Thêm bằng chứng cho vai trò của hệ thống BOT đối với lộ trình “tận thu” của lãnh đạo CSVN: Chậm nộp tiền cho Nhà nước 10 ngày, chủ đầu tư BOT sẽ bị trừ 1 ngày thu phí, theo trang Đầu Tư Tài Chính. Đây là một trong các luật mới của dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức hoạt động của các trạm BOT.

Theo bài viết, thời gian bị trừ được tính lũy tiến: “Chậm từ 10 ngày đến 30 ngày, trừ thời gian thu 1 ngày; chậm từ 31 ngày đến 60 ngày, trừ thời gian thu 2 ngày. Đối với các ngày tiếp theo cứ chậm 5 ngày, trừ thời gian thu 1 ngày”.


Bằng giả, bằng dỏm, bằng “chạy”
Ông Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước lý giải vụ lọt hồ sơ “PGS đạo văn”, theo báo Người Đưa Tin. Về lý do hồ sơ của ông Đặng Công Tráng vượt qua 3 vòng kiểm tra, xét duyệt, dù ông này đạo văn khi làm nghiên cứu, ông Ga giải thích: “Do khâu kiểm duyệt hồ sơ, ký hồ sơ, xác minh hồ sơ ở Hội đồng cơ sở. Hội đồng ngành/ Nhà nước không ai bổ sung thêm bất cứ chứng cứ, tài liệu nào nữa khi nhận từ Hội đồng cơ sở”.

Báo Văn Hóa viết: Chức danh khoa học ở Việt Nam: Để không còn “chiến dịch” làm GS, PGS. Về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “lạm phát” học hàm, bài viết cho rằng: Hầu hết các chuyên gia tham gia quá trình xét duyệt, công nhận học hàm đều là những trí thức cao niên được đào tạo từ thế kỷ trước. Họ có trình độ nhưng không kịp cập nhật thông tin về tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học của thế giới.

Chính phủ cho rằng: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm sâu sắc, theo báo Văn Hóa. Về quá trình xem xét để công nhận chất lượng các tân GS, PGS năm 2017, Thường trực Chính phủ kết luận: Ông Phùng Xuân Nhạ cần rút kinh nghiệm “vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn”.

Hiện tượng “lạm phát” học hàm cho thấy quy trình công nhận GS, PGS ở Việt Nam có những khiếm khuyết nghiêm trọng như thế nào, ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của nền giáo dục, nhưng ông Nhạ chỉ cần “rút kinh nghiệm” là đủ!

Nỗi buồn nghề giáo
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, nhận định về vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi: ‘Cần khởi tố vụ án!’ theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Hiếu cho rằng: “Việc một cô giáo bị phụ huynh gây áp lực đến mức phải quỳ trong 40 phút, ngay tại cơ sở giáo dục, trước mắt giáo viên và phụ huynh… đã trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng về sự sa sút trong đạo đức xã hội”.

Hành vi của ông Võ Hòa Thuận đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “làm nhục người khác”. Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý, cô Nhung cũng có phần không đúng về hình thức phạt quỳ: “Tôi cũng đã từng phản đối vụ cô giáo ở Hà Nội dán băng dính vào mồm học sinh mất trật tự”.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi về chuyện cô giáo quỳ gối xin lỗi: Đã năn nỉ xin đừng quỳ? Bài báo thể hiện thái độ tiếp tục “xuống nước” của ông Thuận. Hôm trước, ông Thuận khẳng định ông không ép mà cô giáo Nhung tự quỳ. Hôm nay, ông kể rằng lúc quay lại văn phòng nhà trường, thấy cô Nhung vẫn quỳ, ông vội vã năn nỉ cô Nhung đừng quỳ nữa! Ông Thuận nói: “Sau đó, chúng tôi đã xin lỗi thêm cô giáo rất chân tình”.

Báo Lao Động có bài: Phụ huynh chứng kiến toàn bộ sự việc cô giáo quỳ xin lỗi nói gì? Bài viết dẫn lời kể của bà Nguyễn Thị Tuyền, một trong các phụ huynh đi cùng ông Thuận và chứng kiến toàn bộ vụ việc. Bà Tuyền khẳng định, ông Thuận đã liên tiếp ép cô Nhung quỳ xin lỗi để “biết nỗi khổ của các học sinh”. Một lúc sau, bà Tuyền ái ngại và khuyên can nên ông Thuận mới đồng ý tha cho cô Nhung.

Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Đừng dạy các em sự hận thù, trả đũa. Theo bài viết, ông Thuận đã dạy cho con mình bài học về sự hận thù và chuyện “ăn miếng – trả miếng”: “Ai bắt mình quỳ thì phải bắt họ quỳ lại, bất kể trên dưới, đạo lý. Tệ hơn thế, em học sinh đó có thể sẽ xem thường cô giáo, bởi vì cô giáo đã bị cha mẹ bắt quỳ xin lỗi”.

Video Player

Nhà báo Lưu Trọng Văn viết: Quỳ hay không quỳ? Tác giả cho rằng cô Nhung nên quỳ để làm gương, bởi vì: “Ở đất nước này có biết bao kẻ gây ác, bất nhân, ăn không từ cái gì của dân, tàn phá đất nước, huỷ hoại văn hoá đạo đức dân tộc, gây bao cảnh nghèo đói cho trẻ thơ, dửng dưng với hàng ngàn trẻ đến trường lội suối, đu dây, học trong lớp tả tơi phên vách lại không hề biết dù chỉ một cái cúi đầu nhận lỗi”.

Báo Zing đưa tin: Học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo ngay tại lớp. Sự việc diễn ra ở trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre. Cô giáo C.T.N trong lúc giảng bài tiếng Anh đã tịch thu vở của một nữ sinh làm việc riêng trong giờ học. Một nam sinh thấy vậy liền xúc phạm cô giáo, rồi bóp cổ cô trước sự chứng kiến của 2 giáo viên khác. “Phải nhờ giáo viên và học sinh can ngăn, cô N mới thoát ra được”.




***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Truyền thông Mỹ đưa tin: Chính quyền Trump kiện tiểu bang California về luật di dân. Tìm cách ép buộc bang California hợp tác với chính quyền liên bang trong việc trục xuất di dân, chính quyền Trump đã kiện tụng, nhằm vô hiệu hóa luật lệ của chính quyền tiểu bang California, thách thức trực tiếp các chính sách của tiểu bang này.

Các viên chức ở California đã chuẩn bị đối phó với vụ kiện này trước khi chính quyền ông Trump nộp đơn kiện. Lãnh đạo bang California tin tưởng rằng cuộc tấn công pháp lý của ông Trump vào California sẽ thất bại. California là tiểu bang có di dân đông nhất nước Mỹ. Ở Mỹ, Trung bình có 13% cư dân sinh ra ở nước ngoài, nhưng ở Cali có tới 27% là di dân. Kinh tế California phát triển, một phần nhờ sự đóng góp từ di dân.

Sau hàng loạt vụ vứt áo ra đi, TT Trump nói: Sẽ còn nhiều thay đổi tại Tòa Bạch Ốc để được ‘toàn hảo’. Mặc dù có rất nhiều người rời khỏi tòa Bạch Ốc trong suốt hơn một năm qua khi ông Trump nắm quyền, nhưng ông ta nói rằng, không có tình trạng hỗn loạn diễn ra ở đây, và rằng sẽ có thêm những người khác ra đi vì ông muốn làm cho nơi này hoàn hảo.

Hậu quả cuộc chiến mậu dịch do Trump khởi xướng, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump từ chức. “Ông Cohn là kiến trúc sư chính của chính sách cải tổ thuế 2017 và là một ‘bức tường thành’ chống lại các thế lực theo chủ nghĩa bảo hộ trong chính quyền Trump“, VOA cho biết.




***










No comments:

Post a Comment

View My Stats