Monday, 5 March 2018

BẢN TIN TỐI 5/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết: Hoa Kỳ cam kết mạnh mẽ đối với tự do hàng hải trên biển Đông và tự do thương mại, theo báo Lao Động. Ông Kritenbrink nói thêm về vai trò của quyền tự do hàng hải trên Biển Đông: “Năm 2016, 86% thương mại của Việt Nam đi qua Biển Đông… hàng ngàn tàu thuyền đi qua Biển Đông, giúp chúng ta xây dựng những doanh nghiệp mới và thay đổi tương lai”.

RFI có bài: Đón hàng không mẫu hạm Mỹ, Việt Nam đi dây giữa Washington và Bắc Kinh. Bài báo lưu ý, đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa tàu sân bay đến Biển Đông trong lúc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở các vùng tranh chấp lãnh hải. Tại buổi họp báo ở Philippines tháng 2/2018, ông John Fuller, chỉ huy hải đội tác chiến Carl Vinson, đã bàn đến “sự hiện diện có trọng lượng” của Hải Quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.


Quan hệ Việt – Mỹ
Chuẩn đô đốc John Fuller, Tư lệnh tàu USS Carl Vinson phát biểu: ‘Hôm nay là ngày lịch sử’, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Fuller đã nói như vậy trong buổi họp báo chiều nay ở Đà Nẵng về chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson.

Ông Fuller cho biết thêm: “Chúng tôi có rất nhiều hoạt động như các chương trình đối tác Thái Bình Dương. Tôi vốn là một sĩ quan trên tàu ngầm nên tôi mong muốn ngày nào đó tàu ngầm của hải quân Mỹ có thể tới thăm Việt Nam”.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam phát biểu nhân sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng: Mỹ ủng hộ Việt Nam vững mạnh, độc lập, theo báo Người Lao Động. Trưa nay, nhóm tàu Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày ở Việt Nam. Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ, nhận định rằng “chuyến thăm của đoàn tàu Hải quân Mỹ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ”.

Tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu giữa vịnh Đà Nẵng. Nguồn: Người Lao Động

Người phát ngôn Hải quân Mỹ, Thiếu tá Tim Hawkins, cho biết mục đích thực sự qua chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ, báo Giao Thông dẫn tin từ hãng Channel News Asia. Theo đó, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson sẽ “không tập trung vào mục đích quân sự mà là trao đổi văn hóa giữa các chuyên gia địa phương và thủy thủ Mỹ”.

Facebooker Nguyễn Trường Uy viết“Trưa nay hàng không mẫu hạm Carl Vinson đã vào Đà Nẵng. Đây xem ra chắc chắn không chỉ là một chuyến thăm mang tính xã giao”. Bởi vì, “Đà Nẵng có một vị trí chiến lược và là nơi ghi dấu nhiều cột mốc Việt Mỹ. Tháng 3-1965, lính Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng”.

Tác giả lưu ý: Đà Nẵng chính là thành phố cảng gần nhất với quần đảo Hoàng Sa – nơi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp trên chủ quyền lãnh hải của Việt Nam và gần đây còn đẩy mạnh hoạt động xây dựng, củng cố căn cứ trên các đảo nhân tạo.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Tướng Lê Mã Lương nói gì về tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam? Từ chuyến thăm của tàu Carl Vinson, tướng Lương bình luận về quan hệ Việt – Mỹ – Trung: “Sự kiện này có thể đụng chạm đến nước láng giềng nhưng trong quan hệ đối ngoại, chúng ta đã có khẳng định là quan hệ với đối tác mà các bên đều có lợi, không làm phương hại đến lợi ích của nước thứ 3”.  

VTC bàn về chi tiết hoạt động của sỹ quan, thủy thủ tàu sân bay Mỹ tại Đà Nẵng. Theo đó, các sỹ quan và thủy thủ sẽ “tham gia một số hoạt động cộng đồng, trao đổi kỹ thuật và giao lưu thể thao trong khuôn khổ chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đà Nẵng”.

VnExpress có đồ họa về hệ thống vũ khí trên tàu sân bay USS Caril Vinson:



Quan hệ Việt – Trung
Vụ Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp để Tập Cận Bình có thể nắm quyền trọn đời, BBC có bài phỏng vấn triết gia Mỹ Francis Fukuyama: ‘Việt Nam làm khác TQ’. Ông Fukuyama so sánh ông Tập với cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, hai người đều có biểu hiện muốn làm “hoàng đế” của Trung Quốc thời hiện đại.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn “học tập” từ Trung Quốc và duy trì chế độ độc tài đảng trị, nhưng cách thực hiện thì không hoàn toàn tương đồng. Ông Fukuyama cho rằng: “Có nhiều không gian hơn đối với giới bất đồng chính kiến và cho những người khác biệt tư tưởng ở Việt Nam, mặc dù nước này vẫn còn bị kiểm soát khá chặt chẽ”.

Báo Một Thế Giới bàn về hiện tượng: Người Trung Quốc lách luật ‘bám’ Nha Trang và những nỗi lo. TP Nha Trang đang dần trở thành một xã hội Trung Quốc thu nhỏ: Người Trung Quốc mua sắm trên đường phố ngày càng nhiều, họ lưu trú ở khắp nơi và dễ dàng thuê nhà, thậm chí mua đất. Các lãnh đạo TP Nha Trang và quan chức tỉnh Khánh Hòa đã nhận ra chuyện bất thường, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể để khắc phục.


Chính trường Việt Nam
Báo Tiền Phong đưa tin: Ông Trần Quốc Vượng thay ông Đinh Thế Huynh làm Thường trực Ban Bí thư. Bộ Chính trị vừa có quyết định để Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng giữ luôn cả chức Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông Đinh Thế Huynh sẽ thôi giữ chức này để tiếp tục “chữa bệnh dài hạn”.

BBC viết: Ông Trần Quốc Vượng chính thức làm thường trực Ban Bí thư. Bài viết dẫn lời nhà báo tự do Nguyễn An Dân bình luận về biến động chính trường trong lúc tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam: “Tôi cho là Hà Nội muốn ngầm nói với Bắc Kinh rằng dù có liên kết quân sự với Mỹ thì đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ‘mềm mại về chính trị’ theo mong muốn của Trung Quốc”.


Nhân quyền cho Việt Nam
Facebooker Lương Dân Lý có bài cập nhật tình hình bà Trần Thị Nga. Sáng nay, khi ông lý đến trại giam công an tỉnh Hà Nam để thăm vợ là bà Nga, ông nhận được thông báo bà Nga đã bị chuyển sang trại giam Đắk Trung, tỉnh Đắk Lắk từ tuần trước. Đây là khu vực có khí hậu khắc nghiệt, “mùa hè có khi nóng hơn miền Bắc và mùa đông có khi lạnh hơn miền Bắc”, nước lại khan hiếm và bị ô nhiễm bởi các dự án.


Người dân và dự án
Trang Cafe Land thống kê: Những lần người dân đổ máu vì dự án bất động sản ở Sài Gòn. Bên cạnh vụ Công ty TNHH BĐS Hùng Anh Năm “thuê giang hồ dằn mặt dân” ở quận 5 do thương lượng đền bù bất thành vừa diễn ra, bài viết điểm mặt một số trường hợp khác như vụ người dân sống tại chung cư 4S Riverside ở Thủ Đức bị một nhóm côn đồ tấn công hồi năm 2015, vụ cư dân ở chung cư Era Town, quận 7 bị một nhóm người lạ hành hung.
Vụ hỗn chiến do dự án xây dựng cao ốc ở quận 5, LS Nguyễn Tri Đức nhận định: “Công nhân không rảnh để đánh nhau!” LS Đức cho rằng nhóm người mặc đồ công nhân đến hành hung người dân sống trong diện giải tỏa của dự án BĐS ở quận 5 không phải công nhân, vì họ chuẩn bị sẵn rất nhiều hung khí. Ông Đức yêu cầu phía công an sớm trả lời câu hỏi: “Có hay không chuyện giang hồ núp bóng công nhân đánh người dân?”

Báo Đời Sống và Pháp Luật có bài: Hỗn chiến tại dự án Charmington Plaza, Sacomreal nói gì? Anh Nguyễn Tiến Phong, người bị thương nặng nhất trong vụ hành hung, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do người dân không đồng tình với phương án giải tỏa, và mức giá bồi thường từ phía chủ đầu tư”. Các công ty Hùng Anh Năm và Sacomreal vẫn phủ nhận thuyện thuê giang hồ tấn công dân, thậm chí đổ trách nhiệm cho người dân!

Bài thứ 4 trong loại bài trên trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp về những “siêu dự án” sẽ khởi công năm 2018: Đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục. Bài viết dẫn lời TS Nguyễn Xuân Thủy đánh giá về đoạn đường “đắt nhất hành tinh”: “Đó là hậu quả của việc quy hoạch kém và không có tầm nhìn”.

Không đồng ý với phương án giải tỏa của dự án Đường Vành đai 1, người dân sống quanh đê La Thành biểu tình trước Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội. Nguồn: FB Nhân Dân La Thành 139 nóc nhà


Công an “nhân dân”
Cơ quan công an điều tra đang xác minh vụ Công an Kiên Giang bị tố đánh người, Đại tá Lưu Thành Tín xác nhận với báo Pháp Luật TP HCM. Về chuyện tài xế Dương Hồng Hậu bị cảnh sát trật tự tỉnh này khống chế và áp giải, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội của Công an Kiên Giang đã hủy quyết định phạt hành chính đối với tài xế Hậu, nghĩa là ông Hậu không làm sai. Tuy nhiên, nhóm công an tham gia vụ hành hung 2 tài xế vẫn không thừa nhận họ bắt người trái phép.

Quan chức đảng làm kinh tế
Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi: Vì sao lạm phát tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm? Theo bài viết, lạm phát 2 tháng đầu năm 2018 của Việt Nam tăng 1,24% so với cuối năm 2017, là mức cao nhất trong vòng 4 năm và cao hơn hẳn các nước trong khu vực. Giá xăng dầu, lương thực và nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đều tăng.

Quan chức CSVN tiếp tục “bán lúa giống”: Hà Nội sắp có thương vụ thoái vốn trăm tỷ tại Điện cơ Thống Nhất, theo VnEconomy. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội quyết định “sẽ bán 46,9% cổ phần tại doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Quạt Điện cơ Thống Nhất”. Nếu thương vụ “bán lúa giống” này thành công, Hà Nội sẽ thu được trên 284 tỷ đồng. Công ty này được thành lập vào đầu năm 1965, là tên tuổi gắn liền với nền kinh tế bao cấp.

Đến chiều nay, nợ công Việt Nam đã đạt khoảng 216 tỷ USD, số nợ bình quân đầu người là hơn 51 triệu đồng. Nguồn: Đồng Hồ Nợ Công

Nợ quốc gia, cùng với số nợ mà mỗi người Việt Nam phải trả càng lúc càng tăng, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn cho rằng: Nợ công nằm trong giới hạn an toàn và diễn biến ngày càng tích cực, theo TC Tài Chính. Ban cố vấn chuyên “vẽ” số liệu của Thủ tướng Phúc cho rằng tổng số nợ công chỉ còn khoảng 61,3% GDP.

Tuy nhiên, thực tế là nợ công Việt Nam đã hơn 216 tỷ USD, trong khi trang VnEconomy thống kê rằng GDP năm 2017 của Việt Nam đạt khoảng 220 tỷ USD. Nghĩa là nợ công Việt Nam thực ra đã gần bằng 100% GDP!  

TB Kinh Doanh bàn về “sức khỏe” thật của thị trường. Vừa qua, một số cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đã tăng trưởng quá “nóng”, cùng với ảnh hưởng của TTCK thế giới, “khiến tính hấp dẫn của thị trường giảm sút, nguy cơ rủi ro tăng cao”.


Việt Nam nhận gạo ‘cứu đói’
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Hàn Quốc viện trợ 10.000 tấn gạo cho miền Trung Việt Nam. Cuối tuần trước, tại cảng Cam Ranh, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tiếp nhận gạo do chính phủ Hàn Quốc viện trợ cho người dân các tỉnh miền Trung Việt Nam bị thiệt hại nặng do thiên tai trong năm 2017.

Là đất nước nông nghiệp, có vựa lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sau hơn 42 năm “giải phóng”, Việt Nam vẫn còn phải nhận gạo “cứu đói”, thậm chí nhận gạo từ nước đối địch với Bắc Triều Tiên – một trong các “đồng chí” XHCN của đảng CSVN!


Hiện tượng doanh nghiệp nợ thuế
Báo Đất Việt đặt câu hỏi về đề nghị xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế: DNNN nợ bao nhiêu? Lý do Bộ Tài chính công bố dự thảo đề xuất xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam là: Nhà nước không thể thu hồi được số tiền này nữa. PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng: “Nếu đề xuất này được chấp thuận, điều đó là không công bằng bởi những doanh nghiệp cố gắng nộp thuế theo nghĩa vụ thì bị thiệt”.


Công nhân bị nợ lương
Báo Đời Sống và Pháp Luật đưa tin: Vụ chủ doanh nghiệp ở Bình Phước bỏ trốn: Công nhân đã nhận đủ tiền lương. Hàng trăm công nhân công ty Sang Hun đã đến Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh Bình Phước nhận phần lương bị nợ sau khi họ khởi kiện công ty này ra tòa. Tính đến tháng 10/2017, ở công ty này đã xảy ra 14 vụ công nhân đình công do bị nợ lương.


Bằng giả, bằng dỏm, bằng chạy
Năm qua, nền giáo dục Việt Nam được dịp “bội thu” GS, PGS, tuy nhiên, nguy cơ “nền khoa học sẽ chết nếu không có công bố” vẫn còn đó, theo VnReview. Nước ta có thêm khoảng 1.200 tân GS, PGS, nhưng chỉ có 34% GS và 53% PGS có công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus. Những người không có công trình nghiên cứu nào để công bố nhưng vẫn được phong GS, PGS đang “giết chết nền khoa học”.

Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính của báo Sài Gòn Giải Phóng bàn về sự liêm chính trong khoa học. Từ lời trần tình của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về kết quả xét lại bước đầu đối với các tân GS, PGS, bài viết nhận định: “Chất lượng PGS và GS ở nước ta đã đến mức báo động. Không ai dám bảo đảm không có khuất tất hoặc không có thương lượng gì” trong quá trình xét để công nhận học hàm ở Việt Nam.

Lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp cho biết sẽ xử lý ứng viên phó giáo sư bị tố ‘đạo văn’, theo báo Thanh Niên. PGS. TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng trường này, nói: “Đây là sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và nhà trường. Trường sẽ xử lý vụ việc theo đúng nguyên tắc và theo từng bước chặt chẽ để đảm bảo chính xác và khách quan”.

Báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Phó giáo sư chép sách từng là bị can trong một vụ án. Ông Đặng Công Tráng, người chủ trì “công trình” đạo văn ở ĐH Công nghiệp, từng là bị can trong vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước” hồi năm 2005.

Theo cáo trạng vụ này, ông Tráng cùng 5 đồng phạm đã làm giấy báo điểm giả, để giúp 2 người cháu và một số “khách hàng” vào được đại học. Bị can Tân Minh Hòa “thoả thuận với ông Tráng giá cho mỗi thí sinh vào đại học là 30 triệu đồng và vào cao đẳng 22 triệu”.

LS Lê Văn Luân bình luận“Kẻ đã từng phạm tội làm giả giấy tờ, lại được phong làm phó giáo sư luật học nhờ chép sách của những người khác, và yên tâm công tác để dạy dỗ bao lớp người về luật pháp cùng lẽ công bình cho đến lúc bị phát hiện. Nền giáo dục dung chứa được những thứ quả thật là kinh khủng”.

Vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bị tố cáo đạo văn, BBC đặt câu hỏi: ‘Tự đạo văn’ thực sự nghĩa là gì? GS Vũ Minh Giang, người thường xuyên lên tiếng bảo vệ ông Nhạ, cho rằng “đạo” là ăn cướp của người khác, nên một người không thể “tự đạo văn” của mình!? Ông Giang tiếp tục chứng minh rằng ông hoàn toàn xa lạ với những chuẩn mực nghiên cứu khoa học phổ biến nhất của thế giới.


Giáo dục Việt Nam và vấn nạn bạo hành trẻ em
Vụ chủ trường Mầm Xanh bạo hành trẻ dã man: Gia đình các nạn nhân đòi bồi thường 808 triệu, báo Pháp Luật Plus đưa tin. Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, Sài Gòn, bị can Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh và giáo viên Nguyễn Thị Đào “đã dùng tay, chân, thậm chí bất cứ vật dụng gì để đánh đập, hành hạ trẻ khi cho các em ăn uống”.

Trang Em Đẹp có bài tổng hợp: Cô giáo trường mầm non quốc tế tại Hà Nội bị “tố” vừa buộc tóc, vừa lia lịa giật ngược tóc bé 2 tuổi. Bài viết bàn về đoạn video clip trên Facebook cho thấy cảnh một bé gái bị cô giáo túm tóc, giật ngược ra đằng sau trong lúc buộc tóc cho bé này. Chiều nay, Facebooker Bùi Thanh Tâm chia sẻ với PV rằng “chị là bà ngoại cháu và cũng là người đã đưa đoạn video trên lên mạng xã hội. Theo phản ánh của bà ngoại cháu, cháu bé mới tròn hai tuổi”.

Trước đó, Facebooker Bùi Thanh Tâm viết“Gia đình đã làm việc với nhà trường và đơn vị có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho các con tại trường. Mặc dù được nhà trường đề xuất đền bù thiệt hại tinh thần cho con gái nhưng gia đình xin từ chối”.

Ảnh chụp thư xin lỗi của trường mầm non quốc tế American School ở Hà Nội. Nguồn: FB Bùi Thanh Tâm

Trang Tiin Tiin  chia sẻ lại video clip của Facebooker Bùi Thanh Tâm thể hiện cảnh bé Thanh Trúc bị cô giáo ở trường American School túm tóc giật ngược về đằng sau:


Cô giáo bị nhục hình
Báo Pháp Luật Việt Nam có bài tổng hợp: Bị phản đối cách xử phạt học sinh, cô giáo quỳ trước phụ huynh xin lỗi. Ngày 28/2/2018, 4 phụ huynh có con học ở trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An đã bắt cô giáo Nhung quỳ xin lỗi do họ không đồng ý với cách cô này xử lý vi phạm học sinh.

Báo Giáo Dục và Thời Đại viết: Bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi là vi phạm pháp luật về hành vi làm nhục người khác. Theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, người xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác có thể phải chịu án phạt lên tới 2 năm tù, rồi bồi thường thiệt hại về danh dự, tinh thần cho người bị xúc phạm.

Vụ cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh: Xem lại hành xử của các bên, theo VOV. Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An cho rằng cả phía phụ huynh và nhà trường đều hành xử không khéo. Các cô giáo tiểu học nên có hình thức xử phạt học sinh phù hợp, còn phụ huynh không thể vì thương con mà vi phạm pháp luật.


Văn hóa tâm linh, lễ hội
Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi: Sao dễ dàng quỳ lạy thế? Bài viết lưu ý về hiện tượng “tâm lý đám đông” trong đời sống tâm linh ở Việt Nam. Đối với trường hợp rắn nước thành “rắn thần” ở Quảng Bình, rất nhiều con rắn đã lên bàn nhậu, nhưng rắn ở Quảng Bình được dâng cúng vì trước đó đã có một đám đông liên kết con rắn này với ngôi mộ người ăn mày từ thời Pháp thuộc.  

Báo Lao Động có bài: Người Việt mua đồ cúng lễ nhiều gấp 8 lần sách truyện trẻ em: Quá lãng phí? Từ kết quả thống kê của TS Nguyễn Việt Cường, TS Nguyễn Hữu Sơn nhận định: “Thực tế mỗi năm Việt Nam vẫn tốn cả tỉ đồng chi cho việc đốt vàng mã, trong khi số tiền đầu tư cho văn hóa, đặc biệt việc mua sách vở ngày càng bị cắt giảm”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo Washington Post có bài: ‘Sự cuồng nộ’: Những ngày đen tối bên trong tòa Bạch Ốc qua những cú sốc và cơn giận dữ của Trump. Bài viết cho biết, với tính khí bất thường của tổng thống Mỹ, nên ông ta không thể làm việc chung với ai, kể cả những người thân của mình. Bài viết có đoạn:

Trump hiện là một tổng thống trong thời kỳ chuyển đổi, đôi khi giận dữ và ngày càng bị cô lập. Ông ta cáu kỉnh mỗi khi nhìn lên màn hình TV, các chủ đề tin tức trên truyền hình đang nói về một vụ tai tiếng khác. Ông ta nói về sự thất vọng khi con rể Jared Kushner của ông ta có quá ít người lên tiếng bảo vệ trên truyền thông. Ông ta nhớ lại những mối hận cũ. Và ông ta tâm sự với bạn bè rằng, ông ta chẳng biết tin ai“.

Sau khi có hàng loạt nhân vật thân cận với ông Trump phải rời Nhà Trắng, mọi người đặt câu hỏi, không biết người kế tiếp sẽ là ai. Tại bữa tiệc ăn tối ở câu lạc bộ Gridiron hôm thứ Bảy vừa qua, ông Trump nói đùa rằng, biết đâu người kế tiếp sẽ rời khỏi Nhà Trắng là Melania, vợ ông, CNN đưa tin.

Ông Trump nói: “ nhiều người đã rời khỏi Nhà Trắng. Thực sự là điều thú vị và đầy sức sống bởi vì quý vị muốn có ý tưởng mới. Cho nên tôi thích có sự biến động về nhân sự. Tôi thích sự hỗn độn, điều đó thực sự tốt. Bây giờ câu hỏi mà mọi người vẫn tiếp tục hỏi rằng ‘người nào sẽ ra đi sắp tới? Steve Miller hay Melania’?



Bá quyền Trung Quốc
Báo Dân Việt đưa tin, Trung Quốc gửi cảnh báo lạnh người tới Đài Loan. Dẫn nguồn từ báo Daily Star của Anh, cho biết, trong cuộc họp với các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh hôm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra lời cảnh báo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ kế hoạch ly khai hoặc hoạt động thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan nào”.

Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng trong năm 2018. Dẫn nguồn từ AFP cho biết, Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ chi 1,11 ngàn tỉ nhân dân tệ, tức 175 tỉ Mỹ kim, cho quốc phòng, tăng 8,1% ngân sách so với năm ngoái. Liên tục nhiều năm qua, ngân sách quốc phòng của nước này đều tăng. Năm 2017, Trung Quốc tăng 7% chi tiêu quốc phòng và năm 2016, tăng 7,6%.



***

***









No comments:

Post a Comment

View My Stats