Thursday, 15 March 2018

BẢN TIN TỐI 15/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma
Trang Tài Nguyên và Môi Trường bàn về ký ức Gạc Ma qua những chứng nhân của lịch sử. Cựu binh Nguyễn Văn Thống chia sẻ: “Tôi nhớ những tháng ngày lao ngục, cực khổ biết bao nhiêu cùng những người đồng đội. Nhớ nhất là hình ảnh của liệt sĩ Trần Văn Phương- Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước lúc hy sinh, khi tay anh vẫn còn nắm chặt lá cờ Tổ quốc”.

Cựu binh Trần Thiên Phụng kể: “Khi ấy quân ta thì ít và thô sơ, sử dụng tàu vận tải, còn quân địch thì đông lại được trang bị vũ khí, tàu chiến hiện đại. Chúng chuẩn bị từ trước, chủ động tấn công còn bộ đội ta dù bất ngờ nhưng vẫn quyết tâm bám trụ”.

Bài thứ 2 trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ về những người phóng viên tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa: chuyến tác nghiệp nhớ đời sau thảm sát Gạc Ma. Theo đó, ngày 15/4/1988, tàu Mỹ Á chở đoàn phóng viên ra quần đảo Trường Sa. “Để tránh bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, tàu Mỹ Á phải treo cờ hồng thập tự”. Đến chiều ngày 19/4/1988, tàu Mỹ Á đã tiếp cận tàu HQ 505 ở đảo chìm Cô Lin. “Cả đoàn phóng viên chỉ có hai tiếng tác nghiệp trên tàu HQ505. Khi họ đang tác nghiệp thì một trong ba tàu chiến Trung Quốc chở quân đến sát”.  
Lúc ấy, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nói với đoàn phóng viên: “Các anh cứ bình tĩnh. Chúng ta cứ hiên ngang vì chúng ta đang đứng trên đảo của mình, tàu của mình. Và đây chính là Tổ quốc của chúng ta. Nên các anh cứ bình tĩnh mà tác nghiệp với chiến sĩ của chúng tôi”.

Facebooker Trịnh Anh Tuấn viết: “Năm 2008, tàu đánh cá của Lý Sơn phát hiện dưới đáy biển Trường Sa con tàu của quân ta bị đánh chìm năm 1988 cùng rất nhiều xương cốt của những người lính hi sinh. Báo cáo với Hải quân, nhưng Hải quân lại nhờ chính họ tìm cách vớt. Đang vớt nửa chừng thì bị tàu Trung Quốc đuổi, ngư dân Lý Sơn chỉ mới lấy được 8/28 bộ hài cốt còn mất tích. Gia đình 64 thân nhân liệt sỹ đều được gọi lên để xét nghiệm ADN rồi mấy năm mới có kết quả.
Những người lính còn lại vẫn nằm lại đến bây giờ dưới đáy biển. Hồi đó, Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo TBT Nông Đức Mạnh, đề nghị đàm phán với Trung Quốc tìm cách đem xác họ về. Nông Đức Mạnh lúc đó thản nhiên trả lời, ‘cứ để họ nằm đó đâu có sao đâu’. Ôi, thân xác các anh tôi.”



Tin Biển Đông
Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, tàu sân bay USS Carl Vinson tập chống tàu ngầm trên biển Đông, theo báo Pháp Luật TP HCM. Tin từ Tạp chí quốc phòng Mỹ Stars & Stripes cho biết: “Tham gia hoạt động có tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử tại Việt Nam tuần qua. Phía JMSDF có tàu sân bay trực thăng JS Ise”.

Trong lần đến Biển Đông hồi tháng 2/2017, tàu sân bay USS Carl Vinson cũng từng tổ chức tập trận trên Biển Đông và vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. “Đối với đợt diễn tập lần này, người phát ngôn của JMSDF thông báo rằng hoạt động nói trên không nhắm đến những diễn biến nào cụ thể trên biển Đông”.


Quan hệ Việt – Úc
Việt Nam-Australia trở thành Đối tác Chiến lược, VietNamNet đưa tin. Bài báo cho biết: Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Turnbull “đã ký tuyên bố về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.

Trước đó, ông Phúc nói với hãng Fairfax Media rằng “việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất”.


Vụ Mobifone mua AVG
Báo Một Thế Giới có bài: Nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son nói về vụ MobiFone mua AVG. Về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với những sai phạm của Bộ Thông tin – Truyền thông trong vụ Mobifone mua AVG, ông Sơn cho biết: “Tôi cũng là một thành viên của Bộ trong một thời gian, nên tôi hoàn toàn đồng ý và tin tưởng với phần ý kiến mà Bộ TT-TT hiện nay đang làm để phản hồi lại kết luận của TTCP”.

Ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định vụ MobiFone mua AVG: Cần xem xét trách nhiệm nhiều địa chỉ, theo báo Người Lao Động. Ông Hùng phân tích: “Còn phải xem xét trách nhiệm các địa chỉ khác như những vi phạm quy định của Đảng thì UBKTTW vào cuộc. Nếu thuộc thẩm quyền cấp dưới thì UBKTTWW chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp vào cuộc để làm rõ vi phạm, sai phạm”.

Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa: Toàn cảnh vụ MobiFone – AVG cho đến lúc này

Trang Gia Đình và Xã Hội dẫn lời chuyên gia phân tích những bất thường trong vụ hủy hợp đồng giữa Mobifone với AVG. Chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng, “Mobifone là doanh nghiệp Nhà nước, nên việc hai bên hủy hợp đồng như trên lại là không bình thường. Trường hợp này không đơn giản là hai bên hủy hợp đồng và hoàn trả lại cho nhau là xong”.
Theo ông Thái, chuyện lãnh đạo Mobifone và AVG vội vã hủy hợp đồng, dù có quan chức bộ TT-TT giám sát, vẫn không đảm bảo tính pháp lý. Bởi vì “Mobifone ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không đảm bảo điều kiện có hiệu lực của hợp đồng”.

Trang Cafeland có đồ họa về diễn biến thương vụ ngàn tỷ MobiFone mua AVG

Tối nay, chúng tôi ghi nhận hiện tượng: Tìm kiếm Google với từ khóa “bộ thông tin truyền thông phản bác thanh tra chính phủ”, Google cho ra kết quả, không ít báo trong nước như Tuổi Trẻ, VTC, Giao Thông, Lao Động… đã viết bài về chuyện Bộ TT-TT phản bác kết luận của Thanh tra Chính phủ trong thương vụ Mobifone – AVG. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm cách truy cập thì toàn bộ các bài này đã bị xóa.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra thương vụ MobiFone mua AVG. Theo kết luận này, không những vụ Mobifone mua AVG có nhiều sai phạm, có thể gây thất thoát tài sản nhà nước, mà chính các lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông đã làm việc thiếu trách nhiệm, góp phần hợp thức hóa những sai phạm ấy.

Kết quả tìm kiếm Google với từ khóa “bộ thông tin truyền thông phản bác thanh tra chính phủ”. Nguồn: Google search

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ, cũng như bài của các báo khác về chuyện Bộ TT-TT phản bác kết luận của thanh tra chính phủ về thương vụ Mobifone – AVG, đều đã bị xóa. Ảnh chụp màn hình



Vụ án đánh bạc ngàn tỉ
Diễn biến mới nhất về vụ các cán bộ công an bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Công an Phú Thọ làm việc với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Nguồn tin của báo Pháp Luật TP HCM cho biết: “Công an Phú Thọ bắt đầu mời ông Vĩnh lên làm việc từ hôm qua (14/3), hiện nay vẫn đang tiếp tục làm việc bình thường. Về nội dung làm việc thì chưa thể cung cấp, vụ án đang điều tra, liên quan đến ai thì hỏi người đó thôi”.

Trang Infonet bàn về lý do cơ quan CSĐT Công an Phú Thọ mời Trung tướng Phan Văn Vĩnh đến làm việc. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành mở rộng điều tra vụ án “sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành, nên họ sẽ làm việc với bất cứ ai có liên quan.

LS Lê Hòa viết“Chuyên án được đẩy nhanh do ông cựu Thiếu tướng đã khai tuốt. Do đó ông Trung tướng được mời lên Phú Thọ ‘làm việc’.” Đang có luồng ý kiến trên mạng xã hội lưu ý: Các bài báo về chuyện Công an Phú Thọ “làm việc” với Trung tướng Phan Văn Vĩnh có viết kèm cả tiểu sử tướng Vĩnh, điển hình là các bài nói trên của báo Pháp Luật TP HCM và trang Infonet. Đó là biểu hiện thường thấy ở trường hợp các quan chức sắp bị cho “vào lò”.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Nguồn: internet

Báo Một Thế Giới có bài: Vụ đánh bạc nghìn tỉ: Khởi tố gần 80 bị can, truy nã 9 nghi phạm. Theo bài viết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã phát thông báo truy nã 9 đối tượng trong vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ông Nguyễn Thanh Hóa nhận bao nhiêu tiền từ ‘trùm’ cờ bạc? Bài báo cho biết: Nguyễn Văn Dương đã “chuyển đến ông Hóa hơn 17 tỷ đồng. Trong số này, có 12 tỷ đồng thể hiện là tiền ông Nguyễn Thanh Hóa ‘vay’ Dương trong khoảng thời gian năm 2016-2017, và chưa thấy có chứng cứ ông Hóa trả lại”.



Chiến dịch “đốt lò” vẫn tiếp diễn
Kết quả kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Vi phạm của bà Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, theo báo Pháp Luật TP HCM. Một trong các nội dung chính của kỳ họp này là chuyện xem xét kết quả kiểm tra những sai phạm của lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Không chỉ bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đều có sai phạm và bị kỷ luật. Riêng vi phạm của bà Thanh là “rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật Phó bí thư tỉnh Đắk Lắk, theo Zing. Theo kết luận của UBKTTƯ, trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng cục trưởng Tổng cục V Bộ Công an, ông Trần Quốc Cường đã làm sai quy định, “ký giấy ủy quyền và bản cam kết cho phép doanh nghiệp được huy động vốn cho dự án nhà ở Đại Kim không đúng quy định pháp luật”.


Nông nghiệp Việt Nam và ám ảnh từ Trung Quốc
Nghịch lý của nền nông nghiệp Việt Nam: Su hào, củ cải phải nhổ bỏ vứt đi, vẫn nhập 3.000 tấn từ Trung Quốc, theo báo Dân Việt. Tháng 2/2018, Việt Nam đã nhập khoảng 3.000 tấn rau từ Trung Quốc, lại đúng lúc giá rau trong nước giảm đến mức kỷ lục. “Nhiều ý kiến cho rằng giá rau rớt thê thảm nhiều ngày qua một phần do rau từ Trung Quốc tràn vào trong nước”.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT vẫn ngụy biện: “Giá rau trong nước giảm mạnh không liên quan đến việc nhập khẩu rau từ Trung Quốc, tôi khẳng định điều này hoàn toàn không đúng. Việc nhập 3.000 tấn rau là không đáng kể so với lượng tiêu thụ trong nước”.

VTC có bài: Xót xa 1.000 đồng/kg củ cải, người dân vẫn không mua vì tưởng… hàng Trung Quốc. Một người dân trồng củ cải ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, giá củ cải 1.000 đồng/kg nhưng số lượng người mua rất ít. Thấy củ cải to, khách hàng cho rằng đây là củ cải Trung Quốc. Nhưng thực chất, giống cải chúng tôi trồng là giống to, quy trình trồng đảm bảo sạch 100%”.


Vụ 500 giáo viên mất việc
Thêm tình tiết mới trong vụ hơn 500 giáo viên mất việc ở Đắk Lắk, Công an huyện Krông Pắk triệu tập hiệu trưởng bị tố nhận tiền “chạy việc”, theo báo Dân Việt. Hiệu trưởng Huỳnh Bê của trường THCS Ngô Mây bị triệu tập vì thông tin tố cáo ông này nhận khoảng 300 triệu tiền chạy việc từ bà C.T.L.

Bên cạnh đó, một số giáo viên trường này tố cáo rằng ông Bê đã ăn chặn tiền lương của họ.  Công an huyện Krông Pắk “vẫn đang tích cực xác minh làm rõ cả hai nội dung tố cáo trên. Mặt khác, do ông Huỳnh Bê là Hiệu trưởng, đảng viên nên đơn vị đã báo cáo cho Huyện ủy Krông Pắk xin ý kiến chỉ đạo”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi vụ hàng trăm giáo viên dư dôi tại Đắk Lắk: Chung chi mới vào biên chế? Một giáo viên khẳng định rằng “không thể xin việc thông qua bằng cấp suông mà phải cần ‘quan hệ’ lo lót… Từ năm 2010-2012, anh chi 35 triệu đồng để lãnh đạo nhà trường ký các hợp đồng ngắn hạn. Đến tháng 6.2012, anh được vào chỉ tiêu biên chế”.  




Giáo dục Việt Nam: Loay hoay “trồng người”
Trang VietNamNet có bài: Bỏ tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS: “Thật đáng buồn khi một đề xuất chính sách giáo dục đúng đắn bị bác bỏ”. Ông Nguyễn Kim Hồng, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Việc bác bỏ lương giáo viên có thể thông cảm vì nhìn vào kinh tế hiện nay, nhưng bỏ miễn học phí bậc THCS là không đúng khi Luật giáo dục sắp tới đưa bậc học THCS là giáo dục bắt buộc”.

Ông Hồng đặt câu hỏi: “Sắp tới Luật Giáo dục sẽ phải đưa đưa bậc học THCS là giáo dục bắt buộc. Như vậy nếu là bậc học bắt buộc tại sao phải đóng học phí. Khi đóng học phí người dân đặt câu hỏi bắt buộc sao chúng tôi phải đóng học phí thì nhà nước trả lời ra sao”?


Từ hạng nhì, xuống hạng 95?
Tháng 6/2012, Việt Nam được tổ chức New Economics Foundation xếp thứ 2 trong danh sách các nước hạnh phục nhất thế giới. Cách đây hai tháng, cũng tổ chức này xếp Việt Nam thứ 5 trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Bây giờ Việt Nam bị đẩy xuống hạng 95, so với 156 nước, theo báo cáo của Liên Hiệp quốc. Nhưng mà cũng còn chút “tự hào” là người Việt Nam hạnh phúc hơn người Indonesia (96), Lào (110) và Campuchia (120), theo theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc phát hành hôm 14/3. Báo cáo này được đưa ra vài ngày trước Ngày Hạnh phúc Thế giới 20/3.

***

Tin thế giới

Chuyện nước Mỹ
VOA có bài: Mỹ gặp khó khăn trong việc trục xuất. Cựu viên chức di trú, ông Daniel Ragsdale cho biết, để trục xuất một người, phải có hai điều kiện: Một lệnh trục xuất cuối cùng của chính quyền và một giấy thông hành do chính phủ nước ngoài cấp. Giấy thông hành đôi khi rất khó để có được, nếu đất nước của người bị Mỹ trục xuất không chịu cấp.

VOA có clip: Nơi kể lại cuộc đấu tranh nữ quyền ở Mỹ. Bảo tàng Lịch sử Phụ nữ Quốc gia ở bang Virginia, là nơi trưng bày hình ảnh những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử của nước Mỹ, giúp mọi người hiểu thêm về những người phụ nữ Mỹ đã tham gia và thành công trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa, chính trị, khoa học, thể thao…

Nhưng điều gây chú ý hơn cả khi tới với không gian trưng bày này chính là những nhân vật lịch sử và những câu chuyện của họ trong quá trình đi tìm quyền bình đẳng giữa phụ nữ với nam giới như quyền được bầu cử, quyền được ứng cử vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tại Mỹ. Trong đó rất nhiều người đã phải hy sinh gia đình, thậm chí là hy sinh cuộc sống bản thân để đấu tranh cho một xã hội công bằng, văn minh“.

VIDEO








***









No comments:

Post a Comment

View My Stats