Wednesday, 14 March 2018

BẢN TIN TỐI 14/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma
Đại tá Nguyễn Huy Viện viết: Giỗ Gạc Ma nhìn lại quá trình Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa, một phần Trường Sa. Bài viết thừa nhận, giai đoạn 1956-1974, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc. Đến Hải chiến Hoàng Sa 1974, “trong tình thế quá chênh lệch lực lượng, toàn bộ các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép”.

Ngày 14/3/1988, Trung quốc “huy động một lực lượng hải quân hùng hậu, gồm nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa và pháo 100 mm” đến tấn công các tàu hải quân và lực lượng công binh Việt Nam ở đảo Gạc Ma. “Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp các bãi đá: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Su Bi từ đó đến nay”.

BBC có bài: Báo chí VN ‘mạnh mẽ’ viết về Gạc Ma 1988. Năm nay, báo chí nhà nước không những viết nhiều hơn mà còn viết “mạnh tay” hơn về sự kiện Gạc Ma. Bài viết lưu ý thêm: “Cũng có cáo buộc nói một nhà hoạt động bị công an Việt Nam tạm giữ sau khi tham gia lễ tưởng niệm 30 năm trận hải chiến Gạc Ma sáng 14/3 tại Hà Nội”.

VTC viết: Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc. Trang VietNamNet dẫn lời Đô đốc Lê Kế Lâm: “Đây không phải là trận hải chiến mà là một cuộc thảm sát và xâm lược có chủ đích của Trung Quốc”.


Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa: 30 năm sự kiện Gạc Ma 14-3-1988




Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Pháp tăng cường hiện diện trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Bài viết nhận định: “Một khía cạnh quan trọng khác của vai trò của Pháp tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là nỗ lực của Paris tiếp tục mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, từ Việt Nam đến Philippines, không kể tới Malaysia”.
Về chuyến thăm cảng Manila của chiến hạm Le Vendémiaire, tân đại sứ Pháp tại Philippines Nicolas Galey phát biểu rằng, đó là một phần nỗ lực của Pháp nhằm “đảm nhận đầy đủ vai trò cường quốc Thái Bình Dương” và thực hiện “cam kết quân sự đối với an ninh khu vực Đông Nam Á”.


Quan hệ Việt – Úc
Việt Nam – Úc: Tăng cường quan hệ ngoại giao, quốc phòng và thương mại, theo báo Công An TP HCM. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Fairfax Media rằng, chuyến thăm Úc lần này có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ông Phúc “mong muốn tăng cường hợp tác với Úc vì những lợi ích quốc phòng của Việt Nam… kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế khi hành xử trên Biển Đông”.

Bài báo cho biết thêm: “Thủ tướng cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nơi các chuyến tàu thương mại quốc tế đi qua”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết: Chúng bắt cóc vợ tôi đi ngay trước mặt mà tôi chỉ biết nhìn theo bất lực. Ông Chênh kể rằng sáng nay vợ ông có việc ra khỏi nhà sớm, trước khi thắp hương trong lễ tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma. “Sau đó, tiện đường nàng nhờ Trương Dũng đưa ra tượng đài. Gần đến tượng đài thì nàng và Trương Dũng bị chặn lại, nhưng chỉ mình Dũng bị giữ lại còn nàng thoát đi được”.

Sau buổi tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma, ông Chênh và vợ “đến chỗ lấy xe định ra về thì bỗng dưng một nhóm nhiều người lạ mặt, vòng trong vòng ngoài trên 10 người ập đến đòi mời nàng về đồn công an làm việc… Tôi và nàng hỏi giấy mời đâu, cả bọn không nói gì cứ lầm lì vây chặt lấy nàng”, rồi một chiếc xe 16 chỗ ập đến, nhóm an ninh bắt vợ ông Chênh lên xe. Ông Chênh lấy xe đuổi theo thì bị an ninh mặc thường phục dàn cảnh chặn đường.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết: Gây rối trật tự CC. Bài viết bàn chuyện phía an ninh lấy lý do “gây rối trật tự công cộng” để bắt bà Nguyễn Thúy Hạnh, vợ nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Bà Trang phân tích: “Hành vi nào ở chỗ đông người mà chẳng có thể là gây rối trật tự công cộng theo diễn giải của chúng? Trong trường hợp bằng chứng yếu quá, không chế biến nổi, thì chúng bảo ‘có một lá đơn của quần chúng tố giác anh/chị gây rối trật tự công cộng’, là xong”.

VOA có bài: Ông Phạm Công Út bị xóa tên khỏi đoàn luật sư TP.HCM. Lý giải chuyện này, ông Út viết: “Có lẽ tôi là người có nhiều kẻ thù, vì tôi mở ra một nhóm mang tên ‘Hội đồng bào chữa’ […] mà trở thành cái gai trong mắt của những người cầm quyền hay cầm tiền”. Trước đây, khi viết về mấy ngày đầu vụ Navibank, LS Ngô Anh Tuấn từng gọi LS Út là “ông trùm án oan”, bởi LS Út rất nhiệt tình bảo vệ những người bị oan ức.

Cựu LS Võ An Đôn nhận định rằng, quyết định xóa tên LS Út là “vô nhân đạo”, có mục đích dằn mặt 14.000 luật sư trên cả nước, với thông điệp: “Nếu muốn sống yên thân làm nghề luật sư thì đừng lên tiếng với bất công của xã hội”.

Trước đó, LS Ngô Anh Tuấn viết: Luật sư Phạm Công Út, một bậc kỳ tài. Bài viết điểm qua một số vụ án oan mà ông Phạm Công Út đã tham gia bào chữa, giải oan cho người vô tội, điển hình là vụ của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. “Đâu đó vẫn còn những lời thị phi, những tiếng ganh đua nhưng với đại đa số người dân nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ pháp lý từ luật sư Phạm Công Út”.


Vụ án đánh bạc ngàn tỉ
Vụ ông Nguyễn Thanh Hóa bị bắt: Đã khởi tố 83 đối tượng, báo Dân Việt đưa tin. Một cán bộ VKSND tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tính tới ngày 13/3, cơ quan điều tra đã khởi tố 83 đối tượng, trong đó đã bắt tạm giam 38 đối tượng”. Theo đó, “Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam giữ vai trò cầm đầu, còn ông Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố với vai trò đồng phạm trong vụ án”.

LS Bùi Đình Ứng nhận định: Nếu có ăn chia, ông Nguyễn Thanh Hóa có thể bị xử tội ‘nhận hối lộ’, theo VTC. LS Ứng phân tích: Nếu có hợp đồng ăn chia 20% lợi nhuận giữa ông Hóa với Phan Sao Nam và Nguyễn Văn Dương, “trường hợp nhóm các bị can có chức vụ, quyền hạn nhận tiền rồi bảo kê cho hành vi tổ chức đánh bạc như ông Nguyễn Thanh Hoá thì phải xử lý về các tội tham nhũng như tội ‘nhận hối lộ’ mới đúng”.

Báo Người Đưa Tin có bài: 6 thuộc cấp của cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị đình chỉ công tác. Theo bài viết, 6 cán bộ là thuộc cấp của ông Hóa ở C50 đã bị đình chỉ công tác từ cuối năm 2017. “Những người này bị đình chỉ công tác để kiểm điểm các sai phạm có liên quan và phục vụ việc thanh tra. Sau đó, ông Hóa xin nhập viện chữa bệnh. Thời điểm bị bắt, ông Hóa đang nằm điều trị tại bệnh viện 198”.

Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa giải thích: Tổ chức cờ bạc ông Hóa ‘bảo kê’ hoạt động thế nào?

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Nhà ông Nguyễn Thanh Hóa ở từng bị “tố” lấn chiếm vỉa hè? Ông Nguyễn Văn Cứ, cựu tổ trưởng tổ 62, nơi ông Hóa sinh sống, cho biết: “Trước đây ngôi nhà số 56 nơi ông Hóa ở đã bị người dân tố là lấn chiếm vỉa hè. Sau đó, ông Hóa có cam kết là sẽ tháo dỡ phần vi phạm”. Tuy nhiên, ông Hóa chỉ đập lùi vào một nửa phần lấn chiếm.





Vụ Mobifone mua AVG
VOA đặt câu hỏi về vụ MobiFone mua AVG: ‘Nhả ra hết’ có thoát? Bài báo cho biết: “Một số ý kiến cho rằng tầm cỡ vụ này còn lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh, mặc dù thông tin chính thức chưa đưa ra bất kỳ kết luận về dấu hiệu tham nhũng nào”.

LS Hà Huy Sơn bàn về dấu hiệu vi phạm hình sự trong thương vụ có thể gây thất thoát hàng ngàn tỷ của nhà nước: “Giá trị của công ty [AVG] chỉ 600 tỷ đồng, nhưng MobiFone lại mua tới 8,9 nghìn tỷ… sau khi ký hợp đồng và bắt đầu chuyển giao, thì việc định giá không đúng thực tế cũng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước rồi”.

Báo Dân Việt có bài: Ban Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo thế nào về vụ MobiFone mua 95% AVG? Bài báo cho biết: Ngày 6/9/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra vụ Mobifone mua AVG trong 50 ngày. Gần một năm sau đó, ngày 31/7/2017, TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tăng cường thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, trong đó có vụ Mobifone – AVG. Đến ngày 8/3/2018, Ban Bí thư nhận định: “Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm”.



Chính trường Đà Nẵng
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thừa nhận tình trạng biên chế phình to, cò đất lộng hành, theo Viet Times. Về diễn tiến “phình” biên chế do vấn nạn “con ông cháu cha”, ông Trương Quang Nghĩa nói: “Bao nhiêu phần trăm là con em mình ngồi đây, rồi của TP gửi gắm. Ta cứ suy từ Nhà khách Thành ủy, có bao nhiêu người là con em người này người kia”.

Về chuyện cán bộ Đà Nẵng hợp tác với “cò đất”, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết: “Trước chỉ loe hoe mấy cái nhà, giờ thấy nhà đông đen. Khổ cái, tội nhất là dân, nghèo khổ vô gặp cò đất dụ rồi khóc hết nước mắt. Hiện cơ quan chức năng đã xử lý tới 11 Đảng viên, luân chuyển, kỷ luật”.

Ông Trương Quang Nghĩa cho biết thêm: Có người can thiệp để báo không đăng bài về xây dựng trái phép, theo báo Thanh Niên. Đối với những sai phạm trong quy hoạch đất đai ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, ông Nghĩa nói: “Những thông tin tôi được biết là báo chí tìm hiểu, viết bài phản ánh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của Q.Liên Chiểu thì đang bị một số cán bộ thực thi nhiệm vụ can thiệp”.


Vụ án TrustBank
VKSND Tối cao quyết định truy tố bà Hứa Thị Phấn trong đại án 6.300 tỉ tại TrustBank, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Theo bản cáo trạng, bà Phấn bị truy tố “về hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, bà Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ để nắm quyền chi phối mọi hoạt động của Ngân hàng TrustBank, “thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban điều hành để lũng đoạn mọi hoạt động ngân hàng để chiếm đoạt, sử dụng hàng ngàn tỉ đồng”.

Tại cơ quan điều tra, cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín khai làm theo chỉ đạo của bà Hứa Thị Phấn, báo Dân Trí đưa tin. Ông Hoàng Văn Toàn khai rằng nhờ bà Phấn, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín. “Liên quan tới việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị can Toàn khai nhận có ký vào biên bản mua căn nhà này với nhà 1.260 tỉ đồng từ bà Hứa Thị Phấn”.


Vụ án Navibank
Luật sư bào chữa cho nguyên lãnh đạo Navibank: VKS đã đề nghị các mức án hà khắc, Infonet đưa tin. Các LS tiếp tục phản bác luận điểm buộc tội của VKS và cho rằng thân chủ họ vô tội. LS Trần Thị Ánh cho biết: “Bị cáo Hiền luôn kêu oan nhưng không được nhận văn bản trả lời về việc giải quyết khiếu nại. Không chỉ vậy, 8/10 bị cáo cũng đã gửi đơn khiếu nại nhưng đều không được nhận văn bản trả lời”.

Trong phiên xử sáng nay của vụ cố ý làm trái quy định tại Navibank: Các LS truy trách nhiệm số tiền 200 tỷ đồng, theo trang Kinh Tế Đô Thị. LS Trần Thị Ánh lưu ý: Bản án trong các vụ xử Huyền Như và đồng phạm đã xác định, Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank. Theo đó, Navibank là bên bị hại, nghĩa là không thể có hành vi “cố ý làm trái…”


Hàng trăm giáo viên mất việc
Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc vụ giáo viên tố “chi tiền” để vào biên chế, báo Dân Sinh đưa tin. Đại tá Nguyễn Duy Trường, Trưởng Công an huyện Ea Kar, cho biết: Ngày 9/3/2018, đơn vị này đã tiếp nhận đơn tố cáo Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Trường nói thêm: “Trong đơn của ông này có kèm theo giấy vay tiền và hẹn đến ngày trả của ông B, nhưng không ghi rõ nội dung nhận tiền để chạy việc. Vì vậy, chúng tôi thấy đây là giao dịch mang tính dân sự vay mượn tiền nên đã hướng dẫn ông M. làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Krông Pắk để được giải quyết”.

Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Giáo viên tố hiệu trưởng nhận tiền chạy việc bằng… vay, mượn? Bài báo cho biết, chuyện ký dư hợp đồng giáo viên bắt đầu từ năm 2005, kéo dài đến năm 2016. Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã “vung bút ký khoảng hơn 400 hợp đồng”. Bởi vì quy định mới từ năm 2011 cho phép chủ tịch huyện có quyền tự quyết định chuyện tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp.

Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk đề xuất phương án xử lý vụ hàng trăm giáo viên dư ở Krông Pắk, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết, họ đang “phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh hướng dẫn số giáo viên hợp đồng này đăng ký tham gia tuyển dụng viên chức ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có tổ chức tuyển dụng”.


Vụ bác sĩ đuổi bệnh nhân về nhà
Sở Y tế Kiên Giang quyết định cảnh cáo, cấm bác sĩ ‘đuổi bệnh nhân’ trị bệnh, theo Zing. BS Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, đơn vị này đã kỷ luật cảnh cáo BS Tạ Nam Ngạn. Bên cạnh đó, BS Ngạn còn bị cấm tham gia điều trị trực tiếp cho bệnh nhân “cho đến khi đủ tuổi nghỉ chính sách vào tháng 6/2018”.

Sáng 4/3/2018, ông Ngạn đã yêu cầu người nhà một bệnh nhân đưa người này về nhà về vì bác sĩ “bó tay”. Ông Ngạn nói rằng nếu bệnh nhân này tiếp tục ở lại bệnh viện chỉ “tốn kém tiền Nhà nước và làm khổ cho bác sĩ, điều dưỡng”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Cuộc bầu Dân biểu Liên bang ở Pennsylvania: Dân Chủ thắng Cộng Hòa, Người Việt đưa tin. Mặc dù tiểu bang này ông Trump đã thắng hồi năm 2016 và ông đã tới đây hai lần để vận động trực tiếp cho ứng viên đảng Cộng hòa là ông Rick Saccone, nhưng có lẽ người dân ở đây đã chán ông Trump và đảng của ông, nên họ đã bầu cho ông Connor Lamb, người của đảng Dân Chủ.

VOA đưa tin: Trump đến California, thị sát các mẫu tường biên giới giữa các cuộc biểu tình. Chuyến đi đầu tiên của ông Trump tới California trên cương vị Tổng thống, diễn ra vào lúc chính quyền của ông đang leo thang tranh chấp với tiểu bang này. “Các quan chức California đã từ chối giúp các nhân viên liên bang câu lưu và trục xuất những người nhập cư sống ở Mỹ bất hợp pháp, và Bộ Tư pháp vào tuần trước đã đệ đơn kiện California về ba luật di trú“.

VOA có bài: Bên Trump phớt lờ yêu sách của nữ diễn viên khiêu dâm. Vụ diễn viên Clifford đề nghị trả lại cho phía ông Trump $130.000 Mỹ kim để cô tự do tiết lộ câu chuyện, ông Michael Avenatti, luật sư của cô Clifford cho biết, luật sư của Tổng thống Trump không hồi đáp khi đã quá thời hạn chót để hoàn tiền là trưa ngày 13/3.

Ông Avenatti viết trên Twitter: “Tổng thống và ông Cohen cố tình phớt lờ đề nghị dàn xếp của chúng tôi, tăng cường nỗ lực làm cô Clifford im tiếng và ngăn không cho cô ấy công khai với dân chúng Mỹ những gì đã xảy ra. Đã tới lúc phải tiến tới“. Cô Clifford có thể bị phạt 1 triệu Mỹ kim nếu vi phạm thỏa thuận giữ im lặng, nhưng ông Trump đã không ký vào thỏa thuận này.




Nhà vật lý Stephen Hawking qua đời
Tin buồn cho giới khoa học và cả thế giới: Giáo sư Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76. Stephen Hawking là thiên tài về vật lý vũ trụ người Anh, nổi tiếng với công trình khám phá về lỗ đen và thuyết tương đối tổng quát. Sinh năm 1942, Hawking được nhận vào ĐH Oxford năm 17 tuổi.
Năm 21 tuổi, Hawking được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động và bác sĩ nói ông chỉ có thể sống thêm hai năm nữa, nhưng ông đã sống với căn bệnh teo cơ (ALS) không chỉ hai năm mà tới 55 năm. Năm 1974, ở tuổi 32, GS Hawking đã chỉ ra hố đen phát ra bức xạ, còn gọi là “bức xạ Hawking”, hố đen này tồn tại cho đến khi chúng cạn kiệt năng lượng và bay hơi.

Stephen Hawking không chỉ là một nhà khoa học vĩ đại, mà còn là một con người phi thường, đã vượt qua bệnh tật, cống hiến cả cuộc đời cho khoa học. Ông đã nhận được hàng chục giải thưởng khoa học cao quý, đã đào tạo các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng trên thế giới như: Bruce Allen, Bernard Carr, Fay Dowker, Gary Gibbons, Thomas Hertog…

GS Stephen Hawking nổi tiếng qua việc chiến đấu với bệnh tật và cống hiến cho nhân loại. Ảnh: internet





***







No comments:

Post a Comment

View My Stats