Tuesday, 3 October 2017

"KIỂM SOÁT SÚNG" - CƠN ĐAU ĐẦU KINH NIÊN CỦA NƯỚC MỸ (Đông Hải – VOA Tiếng Việt)




Đông Hải – VOA Tiếng Việt
04/10/2017

“Xứ sở này có rất nhiều lỗ hổng để cho những kẻ khủng bố có thể giết người dã man như vậy, giết người hàng loạt.”
Tony Phạm (tên nhân vật đã được thay đổi), một tay buôn súng “có hạng” tại Hoa Kỳ, với thâm niên hơn 40 năm trong nghề nói với phóng viên VOA Tiếng Việt hôm 02/10, vài giờ sau khi Stephen Paddock, một người Mỹ da trắng 64 tuổi, nã súng từ tầng 32 của sòng bài Mandalay Bay, Las Vegas, thẳng xuống đám đông 22,000 người đang tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời.

Tính tới thời điểm này, ít nhất 59 người thiệt mạng, 527 người bị thương, biến đây thành vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.


Theo tờ The New York Times, Stephen Paddock tuồn được 23 khẩu súng lên phòng khách sạn của mình, nhiều khẩu được trang bị kính ngắm, và có cả gá súng chống giật. Khám xét tư gia nghi phạm tại Mesquite, Nevada, cảnh sát thu thêm 19 khẩu súng, thuốc nổ, và các thiết bị điện tử khác.
Số lượng súng mà Paddlock sở hữu có thể khiến nhiều người kinh ngạc, nhưng đối với Tony Phạm, đó là chuyện “bình thường”.
“Rất nhiều người Mỹ có một, hai trăm cây súng, rất dễ dàng.”

Ăn vào trong máu

Tình yêu súng đạn của người Mỹ đã có lịch sử từ lâu đời. Tu chính án số 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ được Quốc hội nước này thông qua vào ngày 15/12/1791 quy định: "Một dân quân tự vệ có kiểm soát tốt là rất cần thiết đối với an ninh của một quốc gia tự do, người dân có quyền giữ và mang vũ khí mà không vi phạm luật pháp".
Từ đó, người dân Mỹ có quyền sở hữu súng cho mục đích tự vệ, chống áp bức và thực hiện các nghĩa vụ công dân phối hợp với nhà nước trong các hoạt động phòng thủ quốc gia cũng như các hoạt động săn bắn.
Trung tâm Pew cho biết có đến 48% người Mỹ được hỏi nói họ lớn lên trong những gia đình có sở hữu súng. Còn theo một nghiên cứu từ năm 2009 của Viện Công lý Quốc gia, người Mỹ nắm trong tay 48% số lượng vũ khí cá nhân của toàn thế giới.
“Nó có trong máu của họ (người Mỹ) rồi. Từ trước giờ họ rất là dễ dãi về súng đạn. Ai cũng có quyền đi ra ngoài xạ trường bắn chơi cho vui, rồi họ có súng trong nhà,” ông Tony Phạm cho biết.

Tư liệu- Những người ủng hộ quyền sử dụng súng biểu tình bên ngoài toà nhà Quốc hội tại thành phố Phoenix.

Người Mỹ yêu súng, và sẵn sàng hành động nhằm bảo vệ quyền được sử dụng súng của mình. Hiệp hội Súng trường (NRA) của Mỹ, với xuất phát điểm là một nơi giao lưu của những người sở hữu súng, đã phát triển thành một tổ chức “quyền lực” bậc nhất của Hoa Kỳ, chuyên vận động hành lang chống lại những ý định tăng cường kiểm soát súng của liên bang.
Theo một thống kê của đài CBS News, trong vòng 5 năm từ 2011 đến 2016, hơn 100 dự luật về kiểm soát súng đạn đã bị chặn tại Quốc Hội. Nhiều dự luật thậm chí còn không được đưa ra thảo luận.
Chính vì lẽ đó, việc kiểm soát súng đạn phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp của từng tiểu bang.

“Ở Mỹ, có tiền là có tất cả”

Bang Nevada, nơi Paddock, nghi phạm vụ xả súng ở Las Vegas sinh sống, là một trong những địa phương có luật sở hữu súng “dễ dãi” nhất trên toàn nước Mỹ. Tại đây, người ta mua súng mà không cần giấy phép, với số lượng không giới hạn. Điều duy nhất họ cần làm là chờ vài chục phút để người bán súng kiểm tra lý lịch với FBI. Nếu không có tiền án tiền sự (đại hình), không có vấn đề tâm thần, thì có thể mang ngay súng về nhà. Vậy nên không khó để hiểu tại sao Stephen Paddock, một người có quá khứ không tì vết, có thể sở hữu kho súng lên tới hàng chục khẩu như vậy.

Tuy nhiên, tại ngay cả những tiểu bang có những luật lệ kiểm soát súng hà khắc nhất, tình hình dường như cũng ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. California là một ví dụ.
“Luật ở đây khắt khe nhất, nhưng rồi súng ống lậu vẫn tràn lan. Tôi có thể dẫn anh đi mua khẩu súng bất cứ nơi nào. Trăm rưỡi, ba trăm, một ngàn cũng có, năm bảy ngàn cũng có. Mua cái gì cũng có cả. Ở Mỹ, người có tiền là có tất cả,” Johnny Võ, thành viên của Sở cảnh sát hạt Los Angeles, California, nói. “Kiểm soát súng là rất khó, vô cùng khó, không thể nào làm được,” anh cho biết thêm.

Cùng quan điểm với Johnny Võ, ông Tony Phạm cho biết:
“Cái việc làm súng đạn, mua súng đạn lậu tại Mỹ rất là tràn lan. Nếu kẻ gian muốn có súng thì họ có thể mua súng liền lập tức, bất cứ loại súng gì họ muốn ở nước Mỹ này.”
Theo tay buôn súng lão làng này, đó chính là một trong những lỗ hổng trong việc kiểm soát súng đạn của Hoa Kỳ. Trong suốt 40 năm “lái súng” tại tiểu bang California, Tony Phạm đã gặp không ít trường hợp người Việt thử mua súng của ông mà không khai báo thông tin cá nhân phục vụ mục đích kiểm tra lý lịch.
“Họ lầm. Không có người dealer (bán súng) nào mà dám không làm giấy tờ hết.”
Những người “dealer” như Tony Phạm, được coi là “tai mắt” của ATF, chữ viết tắt cho Cơ quan quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Vật liệu nổ của Hoa Kỳ. Khi phát hiện ra bất kì điều gì khả nghi từ những người tìm mua súng, các dealer có trách nhiệm báo cáo lại với ATF. Nhưng phần lớn không làm như vậy, họ sợ rắc rối, Tony Phạm cho biết. Bản thân ông có những cách riêng để từ chối bán súng cho những người ông cảm thấy “không có tư cách”, nhưng tất cả cũng chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân.

Súng được bày bán tại cửa hàng Roseburg Gun Shop thuộc thành phố Roseburg, bang Oregon.

Tuy nhiên, không mua của dealer, người ta vẫn có nhiều cách để mua súng. Trao đổi giữa các cá nhân là một trong số đó. Điều đáng nói ở đây, luật pháp liên bang Hoa Kỳ không có bất kỳ điều luật nào bắt buộc kiểm tra lý lịch người mua trong các giao dịch mua bán súng giữa các cá nhân. Điều này, đối với nhiều người, đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát súng, dẫn tới việc vũ khí nóng rơi vào tay những thành phần bất hảo, và cả những người có tiền sử bệnh tâm thần.

Súng cũng giống thuốc: Cứu người được, cũng giết người được

“Tôi rất ủng hộ việc kiểm soát súng”, ông Tony Phạm khẳng định. Là một người buôn bán súng lâu năm, ông cũng từng rất dễ dãi trong việc sử dụng súng, nhưng những thảm họa xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến người đàn ông này thay đổi suy nghĩ.

Theo dữ liệu từ trang Gun Violence Archive, tính cho tới thời điểm này của năm 2017, cả nước Mỹ đã xảy ra 274 vụ xả súng, với tổng số 11.689 người chết vì súng đạn. Nhưng bất chấp những con số biết nói trên, rất nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi mang một cây súng bên mình.
Cổ phiếu của các công ty sản xuất súng tăng mạnh sau vụ thảm sát Las Vegas hồi Chủ Nhật vừa rồi. Các nhà phân tích cho rằng người dân đổ xô đi mua súng, do lo ngại luật kiểm soát vũ khí sẽ được Quốc hội thắt chặt sau vụ việc.

“Súng cũng giống như thuốc, bác sĩ tốt dùng viên thuốc có thể cứu người, nhưng vị bác sĩ xấu có thể dùng viên thuốc để giết người. Bác sĩ cứu người được, giết người được,” cảnh sát viên Johnny Võ chia sẻ với VOA Tiếng Việt. Anh cho rằng sẽ tốt hơn nếu như người dân được trang bị súng để có thể tự bảo vệ mình, trước khi cảnh sát đến can thiệp.
Có những tiểu bang, hay các quận hạt, người cảnh sát trưởng khuyên người dân mỗi nhà đều có súng và sử dụng súng, và tốt nhất là mình dạy kèm cho người ta các khóa an toàn về súng. Biết để mà phòng thân, để mà giúp ích cho xã hội thì tốt hơn.”
Người cảnh sát này cũng cho biết thêm, anh không tin thắt chặt các luật lệ kiểm soát súng sẽ giúp giảm tỉ lệ tội phạm có vũ trang, đơn giản bởi vì ở Mỹ “muốn là được”.

Trong khi đó, tại Toà Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump nói chính quyền sẽ “thảo luận về luật kiểm soát súng đạn”. Và câu hỏi “Cấm hay không cấm, kiểm soát hay không kiểm soát súng” lại nóng bỏng trên truyền thông chính thống và các trang mạng xã hội Hoa Kỳ … giống như những gì từng diễn ra sau các cuộc thảm sát bằng súng trước đây.

-------------------

04 THÁNG 10, 2017

04 THÁNG 10, 2017

04 THÁNG 10, 2017










No comments:

Post a Comment

View My Stats