Thursday, 26 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ TƯ 25/10/ 2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Triều Tiên: Chớ coi thường cảnh báo thử hạt nhân trên không

Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Triều Tiên về một cuộc thử nghiệm hạt nhân khả dĩ trong bầu khí quyển bên trên Thái Bình Dương nên được xem xét nghiêm túc, một quan chức cao cấp của Triều Tiên nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 25/10.

"Bộ trưởng Ngoại giao biết rất rõ ý định của lãnh tụ tối cao chúng tôi, vì thế tôi nghĩ quý vị nên cân nhắc lời nói của ông ấy nghiêm túc," Ri Yong Pil, một nhà ngoại giao cao cấp của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với CNN.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho tháng trước nói rằng Bình Nhưỡng có thể tính tới việc tiến hành "vụ kích nổ mạnh nhất" một quả bom nghiệt hạch bên trên Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.

Bộ trưởng Ri đưa ra phát biểu này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo rằng Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ. Triều Tiên đang nỗ lực phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng Mỹ.

Giám đốc CIA Mike Pompeo tuần trước nói rằng Triều Tiên có thể chỉ còn vài tháng nữa là đạt được khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Theo các chuyên gia, một vụ thử nghiệm trong khí quyển sẽ là cách chứng tỏ khả năng đó. Tất cả các vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên đều được thực hiện trong lòng đất.

Ông Trump tuần sau sẽ đi thăm Châu Á và trong thời gian đó ông sẽ nêu bật chiến dịch của ông nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn.

Chiến lược này cho tới giờ vẫn chưa ngăn được Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử hạt nhân tại một cơ sở ngầm và bắn phi đạn đạn đạo vào Thái Bình Dương ngang qua Nhật Bản.

Bất chấp những luận điệu hung hăng và những cảnh báo liên tục của Mỹ rằng tất cả các lựa chọn, kể cả quân sự, đều được đưa ra bàn bạc, song các quan chức Nhà Trắng nói ông Trump đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vụ đối đầu. - VOA
|
|
2.
Tập Cận Bình và hành trình tới đỉnh cao quyền lực --- TQ nói hoan nghênh báo chí nước ngoài, dù có ngoại lệ --- Lãnh đạo Bắc Hàn và Mỹ chúc mừng ông Tập --- Tập Cận Bình 'dẫn đầu và ở lại còn lâu'

Từ "thái tử đảng" đến cảnh cơ hàn rồi trở thành Chủ tịch nước, việc ông Tập Cận Bình được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ 5 năm lần nhì trong tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25/10 là đỉnh điểm của một chặng đường dài, vững chải vươn lên quyền lực.

Sinh năm 1953 và là con của Tập Trọng Huân, một trong những người sáng lập nước Trung Quốc Cộng sản, Tập Cận Bình bị buộc phải đi lao động khổ sai ở thôn Lương Gia Hà hẻo lánh thuộc tỉnh Thiểm Tây suốt bảy năm trong cuộc Cách mạng Văn hóa, sau khi cha của ông bị khai trừ khỏi đảng và bị giam cầm.

Ông Tập vượt qua trải nghiệm đó và theo học Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nơi ông lấy bằng kỹ sư hóa học vào năm 1979. Sau đó, ông gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản cầm quyền, khởi đầu với chức vụ phó bí thư tỉnh ủy Hà Bắc rồi sau này trở thành bí thư thành ủy ở trung tâm kinh tế Thượng Hải.

Thanh thế của ông tiếp tục nổi lên sau khi được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2007, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, rồi cuối cùng trở thành Tổng bí thư vào năm 2012 và Chủ tịch nước một năm sau đó.

Dưới thời ông Tập cầm quyền, Trung Quốc có thái độ quyết đoán hơn trong các vấn đề khu vực và thế giới, bao gồm quyết liệt tăng cường quân lực trên các bãi đá và đảo không người ở trên Biển Đông, phớt lờ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng Châu Á-Thái Bình Dương. Ông Tập cũng phát động một chiến dịch ráo riết chống tham nhũng trong giới quan thức, đưa tới việc trừng trị hơn một triệu quan chức Đảng Cộng sản.

Các nhà quan sát nói ông Tập củng cố quyền lực bằng cách nuôi dưỡng chủ nghĩa sùng bái cá nhân như người sáng lập nước Trung Quốc Cộng sản, Mao Trạch Đông, trong khi giám sát một cuộc đàn áp ngày càng tăng nhắm vào những người bất đồng chính kiến và các luật sư nhân quyền.

Hành trình vươn lên nắm quyền của ông Tập được củng cố đầu tuần này khi tên ông được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản, cùng với tên của ông Mao và nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình. Điều này có nghĩa là bất kỳ thách thức nào đối với sự cai trị của ông đều có thể bị coi là hành động phản quốc. - VOA

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/10 nói rằng các nhà báo nước ngoài hãy đi khắp đất nước ông và tường thuật nhiều hơn nữa, cho dù 5 hãng tin lớn tầm cỡ thế giới rơi vào tình trạng không được mời đến đưa tin về bài phát biểu của ông.

BBC, The Economist, The Financial Times, The Guardian và The New York Times đã không được mời đến sự kiện trong đó ông Tập giới thiệu đội ngũ lãnh đạo mới của mình sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức 5 năm một lần, Câu lạc bộ Phóng viên Thường trú Nước ngoài của Trung Quốc (FCCC) cho hay.

"Chúng tôi khuyến khích các phóng viên đi và quan sát Trung Quốc nhiều hơn ... để tìm hiểu và tiếp tục tường thuật về thêm nhiều khía cạnh của Trung Quốc", ông Tập nói tại cuộc gặp gỡ các nhà báo Trung Quốc và quốc tế.

Ông đã không có phần hỏi đáp với các phóng viên. Ông nói: "Chúng tôi không cần lời tán dương của người khác. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh các tường thuật khách quan và những góp ý xây dựng".

Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã tăng cường kiểm duyệt và thắt chặt kiểm soát trên internet và nhiều mặt khác nhau của xã hội dân sự.

Theo các nhóm giám sát truyền thông, các điều kiện đưa tin của các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc đã xấu đi trong những năm gần đây, trong đó có việc họ không được phép đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, kể cả Tây Tạng.

FCCC chỉ trích việc không cho các hãng tin phương Tây được tham dự sự kiện. - VOA

***
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, đã gửi một thông điệp cá nhân hiếm hoi chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Truyền thông nhà nước tại Bình Nhưỡng nói ông chúc ông Tập đạt thành công to lớn sau khi được Đại hội Đảng Trung Quốc tiếp tục giao phó vị trí lãnh đạo trong thời gian năm năm tới.

Đây là lần đầu tiên các tường thuật của Bắc Hàn có đề cập tới ông Tập kể từ hơn sáu tháng qua, dẫu cho trên thực tế Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước đó vài giờ đồng hồ cũng nói lời chúc mừng ông Tập qua điện thoại về điều mà ông gọi là sự "thành công lớn lao".

Trong một tin đăng trên Twitter, ông nói hai người cũng đã thảo luận về vấn đề Bắc Hàn.

Ông Trump trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã ca tụng ông Tập và nói rằng "người ta có thể gọi ông ấy là vua của Trung Quốc".

Ông Tập đã củng cố vững chắc quyền lực của mình tại Trung Quốc khi tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ hai mà không có gương mặt nào rõ ràng có thể trở thành người kế nhiệm ông trong kỳ Đại hội Đảng vừa rồi.

Tên tuổi và học thuyết của ông nay đã được ghi vào điều lệ Đảng. - BBC

***
'Tư tưởng Tập Cận Bình' trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội 19 có gì mới mẻ, hay chỉ cách để ông Tập Cận Bình nhắm tới nhiệm kỳ ba, sau 2022?

Theo BBC News, việc đề cao "Tư tưởng Tập Cận Bình" trong điều lệ Đảng có nghĩa là nếu bất cứ ai thách thức nhà lãnh đạo quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm quy định Đảng.

Đồng hóa mình với Đảng khiến ông Tập có vị trí không ai có thể đặt câu hỏi.

Tuy thế, đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc chậm cải tổ và ít dám mạo hiểm trong những năm tới.

Vì mọi trách nhiệm, đúng sai sẽ dồn vào cá nhân ông Tập.

Có năm gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc.

Trong số này, không có ai là người rõ ràng sẽ kế vị ông Tập, và đây là chỉ dấu cho thấy ông Tập đang củng cố quyền lực thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao trong trật tự.

Vậy Trung Quốc đang bước vào một 'kỷ nguyên mới" hay lại quay về cách bố trí quyền lực cũ, tập trung vào một người như thời Mao?

Ba vòng đai quyền lực

Báo Guardian ở Anh nhận định với cách sắp xếp được nêu ra, hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể coi như một khối ba lớp vành đai (three concentric rings):

Vòng trong cùng là cá nhân Tập Cận Bình, chính thức đóng vai trò "hạt nhân".

Vòng thứ hai là Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản, hoàn toàn làm chủ quốc gia, bộ máy điều hành, quản trị (governance), và cả quân đội, các lực lượng vũ trang.

Vòng thứ ba là Trung Quốc và thế giới.

Nhưng khác với chờ đợi từ trước, ông Tập Cận Bình trong chỉ định ra "người kế vị".

Ông Tập đã phá thông lệ từ thời Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư chỉ định người kế nhiệm sau một nhiệm kỳ: Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm sau khi Giang Trạch Dân nắm quyền một nhiệm kỳ, và Tập Cận Bình được chỉ định năm 2007 khi Hồ Cẩm Đào hết nhiệm kỳ đầu.

Lần này, không có ai được thăng tiến thần tốc để vào bị trí "thái tử".

Theo BBC News, ngoài hai người ở lại là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm nhân vật mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ quá tuổi quy định vào kỳ Đại hội 20 vào năm 2022, nên sẽ không thể cạnh tranh để lên chức vị cao nhất là Tổng bí thư.

Hai nhân vật sáng giá, đủ tuổi để đến kỳ sau lên cao hơn, Trần Mẫn Nhĩ (57), và Hồ Xuân Hoa (54), thì vào Bộ Chính trị nhưng chưa được vào Ban Thường vụ, đặt ra khả năng người kế nhiệm ông Tập nếu ông rời vị trí năm 2022, vẫn còn bỏ ngỏ.

Điều này cho thấy ông Tập hoàn toàn có thể rời chức Chủ tịch nước mà theo luật chỉ có hai nhiệm kỳ, để ở lại chức Tổng Bí thư Đảng (không hạn chế nhiệm kỳ), và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, như một bình luận trên New York Times.

Nếu mọi việc diễn ra như vậy thì tuy là bỏ lệ cũ, không bổ nhiệm người kế vị sau một nhiệm kỳ, ông Tập lại phải quay về một lệ cũ như thời Giang Trạch Dân là ở lại quá hai nhiệm kỳ ở chức vụ mang tính "giám sát", nhằm đảm bảo di sản của ông được duy trì.

Bổn cũ soạn lại?

Trong 14 điểm nêu ra để 'dùng Đảng trị quốc' của ban lãnh đạo cho năm năm tới mới tại Trung Quốc có mấy điểm đáng chú ý:

"Cải tổ toàn diện, phát triển các ý tưởng mới": điều này không mới hơn các khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình nêu ra thời Khai phóng là cần dùng các ý tưởng mới mẻ để cải tổ bộ máy sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội luôn chuyển động.

"Sinh hoạt hài hoà giữa con người và thiên nhiên": Vừa cũ vừa mới: Tuy thay đổi đôi chút về từ ngữ, đây là khẩu hiệu thời Hồ Cẩm Đào về xã hội phát triển "hài hoà".

Với Tập Cận Bình, kỷ nguyên mới của Trung Quốc gồm cả "môi trường sạch", điều ông đã nêu ra khi Trung Quốc hứa thực hiện các cam kết về năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh "một quốc gia hai chế độ" và "thống nhất tổ quốc" để nhắc tới Hong Kong và Đài Loan: Đây là vấn đề không mới, đã có từ hàng chục năm qua. - BBC
|
|
3.
Tổng thống Đức không hài lòng về mối quan hệ với Nga

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 25/10 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông không hài lòng về mối quan hệ hiện nay giữa Moscow và Berlin và kêu gọi nỗ lực cải thiện.

Chuyến thăm đầu tiên tới Nga của một Tổng thống Đức kể từ năm 2010 diễn ra trong khi mối quan hệ giữa hai nước vẫn đang căng thẳng vì Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và cuộc nổi dậy của thành phần ly khai thân Nga ở phía đông Ukraine, cũng như những cáo buộc của Đức về sự can thiệp của Nga vào nền chính trị của nước này, điều mà Moscow phủ nhận.

"Điều thiết yếu là chúng ta sử dụng cơ hội này trong tư cách Tổng thống để tiếp tục đối thoại nhằm cố gắng cải thiện quan hệ song phương của chúng ta hiện đang ở trạng thái không có gì khiến chúng ta hài lòng," ông Steinmeier nói với ông Putin lúc bắt đầu cuộc hội đàm.

"Tôi tin chắc rằng chúng ta cần chống lại sự xa cách vốn đã tăng lên giữa hai nước trong những năm gần đây và để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục đối thoại và cần những nỗ lực lâu dài từ cả hai phía để tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng."

Ông Steinmeier, người theo Đảng Dân chủ Xã hội từng làm Bộ trưởng Ngoại giao, lâu nay đã kêu gọi tăng cường giao tiếp với Moscow.

Đảng của ông, sẽ trở thành đảng đối lập sau bốn năm tham gia chính phủ liên minh với phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel, muốn dần dần nới nỏng những biện pháp chế tài của EU áp đặt lên Moscow vì vai trò của nước này ở Ukraine.

Ông Steinmeier cũng khởi xướng một sáng kiến giải giới mà ông hy vọng sẽ thúc đẩy Nga và Mỹ tiến hành đàm phán về việc giảm vũ khí thông thường.

Bà Merkel, người đã kháng cự những hành động nhằm giảm bớt chế tài đối với Nga, hiện đang cố gắng hình thành một liên minh ba bên với Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ giới doanh nghiệp và Đảng Xanh hoạt động vì môi trường.

Một chính sách mới đối với Nga dường như khó lòng hình thành cho tới khi các cuộc đàm phán liên minh bắt đầu vào cuối tháng 11, nhưng Đảng Xanh nhìn chung ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Moscow vì nước này sáp nhập Crimea và ủng hộ chính phủ Syria. - VOA
|
|
4.
Cuba: ‘Vũ khí siêu thanh là khoa học giả tưởng’

Các nhà điều tra Cuba đang tìm hiểu cáo buộc theo đó nhiều nhà ngoại giao Mỹ có thể bị thương tổn vì một thiết bị siêu thanh ở La Havana, miêu tả những lời cáo buộc đó là “khoa học giả tưởng”, và tố cáo Hoa Kỳ đã vu oan cho họ.

Ba quan chức và một bác sĩ dẫn đầu cuộc điều tra khẳng định với hãng tin Reuters rằng Cuba không có các thiết bị đó, đồng thời bác bỏ bất cứ thiết bị nào như vậy có thê được sử dụng mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của những người khác, hay gây sự chú ý.

Các nhà điều tra Cuba nói họ không được phép khám những người Mỹ đã bị ảnh hưởng.

Sau khi lắng nghe những mẫu âm thanh được Hoa Kỳ cung cấp, nhà điều tra của Bộ Nội Vụ Cuba, Roberto Hernandez, nói với Reuters:

“Chúng tôi không thể chứng minh là sự cố này thực sự đã xảy ra, và cũng không chứng minh được những âm thanh mà chúng tôi phân tích có thể làm tổn thương sức khỏe con người.”

Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao chưa đưa ra bình luận nào về bản tin của Reuters.

Hoa Kỳ nói 24 nhà ngoại giao và công dân Mỹ khác đã bị tổn thương thính giác, và mắc chứng các nhức đầu, choáng váng vì một vũ khí bị nghi là vũ khí siêu thanh, lắp đặt bên ngoài nhà của họ ở Havana.

15 nhà ngoại giao Cuba đã bị trục xuất khỏi thủ đô Washington, như một cách đáp ứng trước vụ việc này.

Các nhà ngoại giao Mỹ cho tới nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của những tiếng động, hoặc thông tin chính xác về bất cứ nghi can nào.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quy lỗi cho Cuba, nhưng không nêu bất cứ tên ai hoặc tổ chức nào, phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này. - VOA
|
|
5.
Tillerson cam kết hợp tác chống khủng bố với Ấn Độ

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj hôm 25/10 trong nỗ lực mới của chính quyền ông Trump nhằm tăng cường các mối quan hệ kinh tế và chiến lược, như một cách để cân bằng sự gia tăng hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc trên khắp châu Á.

Cả hai bên đều cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố, và ông Tillerson nói Washington sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ các công nghệ quân sự tiên tiến.

"Hoa Kỳ ủng hộ sự xuất hiện của Ấn Độ với tư cách một cường quốc hàng đầu và sẽ tiếp tục giúp cho các năng lực của Ấn Độ để mang lại an ninh trong khu vực", ông Tillerson nói trong một cuộc họp báo chung với bà Swaraj.

Ngoại trưởng Tillerson cũng nói rằng Hoa Kỳ đã tăng cường cam kết của mình đối với Afghanistan cũng như với hòa bình và ổn định ở khu vực Nam Á rộng lớn hơn.

"Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này", ông nói, "Trong cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với Ấn Độ. Những hang ổ của khủng bố sẽ không được dung thứ".

Bà Swaraj cho biết vấn đề quan hệ ngoại giao và kinh tế của Ấn Độ với Triều Tiên đã được đề cập đến trong cuộc hội đàm, nhưng bà đã nói với ngoại trưởng của Hoa Kỳ rằng cần có một mức độ hiện diện ngoại giao nhất định.

"Về vấn đề đại sứ quán, đại sứ quán của chúng tôi ở đó rất nhỏ, nhưng quả thực là có một đại sứ quán", bà nói, "Tôi đã nói với Ngoại trưởng Tillerson rằng một số nước bạn của họ nên duy trì các đại sứ quán ở đó sao cho vẫn có một số kênh liên lạc được để ngỏ".

Ấn Độ và Triều Tiên vẫn duy trì các cơ quan ngoại giao ở thủ đô của nhau, mặc dù New Delhi gần đây đã cấm buôn bán đối với hầu hết hàng hoá của nước này, trừ thực phẩm hoặc thuốc men. Thương mại hiện ở mức tối thiểu, bà Swaraj nói.

Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý cùng lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới, ở đó ông dự kiến sẽ thúc giục Chủ tịch Tập Cận Bình làm đúng cam kết của mình về gây áp lực với Triều Tiên.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Tillerson diễn ra một tuần sau khi ông phát biểu tại Washington về việc Hoa Kỳ muốn tăng cường mạnh mẽ sự hợp tác với Ấn Độ, nước mà Mỹ coi là một đối tác chủ chốt khi đối diện với điều mà ông coi là ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc ở châu Á.

Trước khi đến New Delhi, ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 24/10 đã thăm đối thủ của Ấn Độ là Pakistan. Ông gọi Pakistan là một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực nhiều bất ổn trong đó có Afghanistan bị chiến tranh tàn phá.

Trong thời gian thăm Pakistan, ông Tillerson kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này tăng cường các nỗ lực của họ để chống lại quân cực đoan và khủng bố.

Ông Tillerson đã dẫn đầu phái đoàn của ông hội đàm với Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi; người đứng đầu quân đội, tướng Qamar Javed Bajwa; và người đứng đầu cơ quan tình báo cũng như các quan chức hàng đầu khác.

Họ đã thảo luận về việc tiếp tục hợp tác và đối tác song phương, cũng như mở rộng quan hệ kinh tế giữa Pakistan và Hoa Kỳ, theo tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

"Ngoại trưởng nhắc lại thông điệp của Tổng thống Donald Trump rằng Pakistan phải gia tăng các nỗ lực để tiêu diệt các phần tử chủ chiến và khủng bố đang hoạt động trong nước", tuyên bố cho hay.

Để giải quyết những quan ngại đó, theo tuyên bố, Ngoại trưởng Tillerson đã nêu khái quát về chiến lược mới của Washington đối với Nam Á và vai trò quan trọng mà Pakistan có thể nắm để tạo thuận lợi cho một tiến trình hòa bình ở Afghanistan có thể mang lại sự ổn định và an ninh cho khu vực.

"Pakistan và Hoa Kỳ chia sẻ lợi ích chung trong việc thành lập một nước Afghanistan ổn định, hoà bình, đánh bại ISIS ở Nam Á và loại trừ các nhóm khủng bố đang đe dọa cả Pakistan lẫn Hoa Kỳ", ông Tillerson nói với các quan chức Pakistan. - VOA
|
|
6.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tán dương quân đội Philippines

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 25/10 ca ngợi quân đội Philippines tôn trọng nhân quyền trong cuộc chiến kéo dài năm tháng chống lại các phần tử chủ chiến Hồi giáo ở thành phố Marawi.

"Quân đội này phải chiến đấu trong hoàn cảnh như thế, vậy mà không hề có một cáo buộc khả tín nào về nhân quyền chống lại họ," ông Mattis nói với các phóng viên vào cuối 2 ngày hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại một căn cứ Không quân cũ của Mỹ.

"Không một cáo buộc nào, và khi bạn thấy cuộc chiến đó đẫm máu ra sau, nó thực sự cho thấy quân đội Philippines đặt ra điều kiện nhân quyền giữa cuộc chiến đó như cách mà họ đã làm."

Ông Mattis đưa ra phát biểu này một ngày sau khi hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc gặp gỡ mà nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài gọi là "rất nồng ấm." Tổng thống Duterte đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền, đặc biệt liên quan đến chiến dịch chống ma túy.

Hôm thứ Hai, ông Duterte tuyên bố cuộc chiến kéo dài năm tháng giữa quân đội và nhóm phiến quân Hồi giáo Maute đã chấm dứt.

Cuộc chiến đã giết chết ít nhất 700 người và khiến hầu hết cư dân phải tản cư khỏi thành phố Marawi có dân số 200 ngàn người trên đảo Mindanao của Philippines. - VOA
|
|
7.
Nghị sĩ đối lập Campuchia được Vua ân xá

Một thượng nghị sĩ của đảng đối lập chủ yếu ở Campuchia đã được ân xá hôm thứ Tư khỏi bản án 7 năm tù giam vì một tài liệu tải lên Facebook, trong một dấu hiệu hòa giải đến từ Thủ Tướng Hun Sen đối với các đối thủ của ông.

Một chiến dịch đàn áp Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) dẫn đến việc bắt giữ lãnh đạo đảng Kem Sokha về tội phản bội, và một nỗ lực của chính quyền Campuchia đòi giải tán đảng CNRP. Quyết định này đã bị các nước tài trợ phương Tây phản đối.

Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour, 59 tuổi, bị tuyên án hồi năm ngoái về một tài liệu chính phủ giả mạo mà ông tải lên Facebook, nói rằng Campuchia và Việt Nam đã quyết định xóa đường biên giới giữa hai nước.

Đây là một vấn đề nhạy cảm ở Campuchia, nơi những người chống đối Thủ Tướng Hun Sen vẫn tố cáo ông là bù nhìn của Việt Nam từ khi ông được đưa vào vị trí hiện tại vào năm 1985, khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia sau khi lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Ông Hong Sok Hour đã được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo yêu cầu của Thủ Tướng Hun Sen.

Những người chỉ trích ông Hun Sen tố cáo ông là tìm cách biến Campuchia thành một quốc gia độc đảng dưới quyền cai trị của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), để bảo đảm ông lại chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới mà không gặp thách thức nào đáng kể.

Phe đối lập tán thành lệnh ân xá. Bà Mu Sochua, người đứng phó cho ông Kem Sokha đã chạy ra nước ngoài sống lưu vong vì sợ cũng sẽ bị bắt giữ, nói:

“Đây là một dấu hiệu tích cực, mỗi lần có lệnh ân xá cùa nhà vua, thì tình hình chính trị lại lắng dịu.”

Tuy nhiên, hôm thứ Tư ông Hun Sen tái khẳng định sẽ giải tán đảng CNRP, và bất cứ quan chức dân cử nào từ bỏ đảng đối lập để gia nhập đảng của ông, sẽ được giữ chức vụ hiện tại. - VOA
|
|
8.
Tổng thống Trump không dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á


Tổng thống Donald Trump sẽ bỏ qua một hội nghị quan trọng tại Châu Á trong chặng cuối chuyến công du Châu Á của ông trong tháng tới.

Toà Bạch Ốc hôm thứ Ba cho biết ông Trump sẽ trở về Hoa Kỳ vào ngày 14/11, cùng ngày Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á khai mạc ở Philippines. Theo chương trình, ông Trump sẽ dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, cũng diễn ra ở Philippines ngày hôm trước, nhưng sẽ không lưu lại thêm một ngày nữa.

Thay vào đó, một phái đoàn Mỹ sẽ đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, là hội nghị quy tụ đại diện của hơn một chục quốc gia Á Châu, cùng với các nước Úc, New Zealand và Nga. Toà Bạch Ốc không giải thích lý do Tổng thống Trump không có mặt tại hội nghị này.

Philippines sẽ là chặng cuối trong chuyến công du 5 nước, kéo dài 12 ngày, của ông Trump, chuyến đi đầu tiên của ông tới Châu Á.

Dự kiến trọng tâm của chuyến đi này là đòi hỏi của ông Trump yêu cầu các đồng minh của Mỹ trong khu vực tăng áp lực với Triều Tiên để nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Nhưng bất chấp những lời phát biểu cường điệu của ông Trump về lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông Trump có lẽ sẽ không thực hiện chuyến đi thăm vùng phi quân sự (DMZ), vùng được trang bị vũ khí tận răng phân cách hai miền bán đảo Triều Tiên trong suốt 64 năm qua, theo truyền thống các lãnh đạo Mỹ khi đến đây. Tất cả các Tổng thống Mỹ, ngoại trừ Tổng thống Ronald Reagan ra, đã đến thăm DMZ.

Tổng thống Trump đã chế nhạo lãnh tụ Kim Jong Un là “nhóc tì tên lửa” và đe dọa sẽ trút “hỏa thịnh nộ” xuống Bình Nhưỡng nếu giới lãnh đạo miền Bắc không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Trong chuyến đi bao gồm các chặng dừng chân ở Nhật Bản và Trung Quốc trước khi sang Việt Nam dự APEC, Tổng thống Trump sẽ cổ vũ cho các quyền lợi kinh tế của nước Mỹ. Tổng thống Trump còn ghé thăm Philippines, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Rodrigo Duterte, người bị tố cáo về các hành động vi phạm nhân quyền, kể cả giết chết những người bị tình nghi buôn lậu ma túy. Toà Bạch Ốc cho hay Tổng thống Trump sẽ nêu lên những quan ngại về chương trình bài trừ ma túy của Philippines này.

Báo Washington Post là cơ sở truyền thông đầu tiên tường trình về quyết định của ông Trump không dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, vốn về phần lớn tập trung vaò các vấn đề chiến lược tổng quát, thay vì các vấn đề kinh tế như tại APEC. - VOA
|
|
9.
Nhóm ủng hộ IS dùng hình Messi dọa tấn công World Cup

Nhà nước Hồi giáo lên tiếng đe dọa tấn công Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 (World Cup), sẽ được tổ chức vào mùa hè tới ở Nga.

Hôm 24/10, Wafa Media Foundation, một tổ chức truyền thông ủng hộ ISIS tung ra một áp phích ghê rợn quảng bá cho khủng bố. Áp phích sử dụng hình ảnh ngôi sao bóng đá Argentina Lionel Messi đứng sau chấn song sắt, khóc ra máu. Trong áp phích có những dòng chữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả-rập viết rằng: "Các người đang chiến đấu với một nhà nước không có chữ thất bại trong từ điển của mình".

Tấm áp phích dường như cũng chơi chữ với cụm từ quảng cáo nổi tiếng của Nike, "Just Do It" (Cứ làm thế đi), bằng cách đổi thành "Just Terrorism" (“Chỉ là khủng bố thôi” hoặc “Khủng bố vì công lý”, tùy cách hiểu).

Đây không phải là tấm áp phích đầu tiên do một nhóm ủng hộ ISIS tung ra dọa có thể xảy ra hoạt động khủng bố tại World Cup, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14/6 đến 15/7 năm 2018 6 tại Moscow và các thành phố lớn khác của Nga.

Không thể nói được các nhóm ISIS nghiêm túc đến mức nào với những lời đe dọa của chúng. Tổ chức khủng bố này cũng đe doạ khủng bố đối với các giải đấu bóng đá trước đây, kể cả Giải vô địch châu Âu 2016 và Giải vô địch châu Âu nữ năm 2017, cả 2 giải này đều trôi qua không có sự cố gì.

Nga từng là nơi xảy ra nhiều vụ khủng bố trong vài thập kỷ qua, bao gồm cả một số vụ mà ISIS đã nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, trước kỳ World Cup, Nga đã trấn an công chúng rằng nước này chuẩn bị sẵn sàng để bảo đảm cho giải đấu được an toàn, không bị khủng bố. - VOA
|
|
10.
Dân TQ sẽ khó mua nhà ở New Zealand?

Tân Thủ tướng New Zealand vừa công bố lệnh cấm người nước ngoài, mà đa số là khách Trung Quốc và Úc, mua nhà tại đảo quốc nhỏ bé trong nỗ lực làm hạ nhiệt cơn sốt giá bất động sản ở nước này.

Bà Jacinda Ardern, 37 tuổi, người vừa lên là thủ tướng ở quốc gia 4,6 triệu dân, nói lệnh cấm này chỉ áp dụng cho những người không định cư ở New Zealand.

New Zealand hiện đang có cuộc khủng hoảng bất động sản, khiến nhiều người không mua nổi nhà.

Lãi suất thấp, nguồn cung hạn chế và người nhập cư cao đã làm giá nhà tăng mạnh trong vài năm qua.

Mặt khác, phong cảnh thiên nhiên đẹp, có nhiều bãi biển, rừng nguyên sinh, và hệ thống giáo dục cao khiến New Zealand luôn hấp dẫn các công dân châu Á đến sinh sống.

Mua nhà gây ra nhiều vấn đề

Việc người nước ngoài sở hữu nhà và tình trạng thiếu nhà ở các thành phố lớn là các vấn đề nổi cộm trước cuộc bầu cử hồi tháng 9.

Kết quả bầu cử kết thúc chín năm cầm quyền của Đảng Quốc dân theo xu hướng bảo thủ.

"Chúng tôi đã nhất trí cấm người nước ngoài mua nhà hiện có," nữ Thủ tướng Ardern nói hôm thứ Ba 24/10.

Bà Ardern, lãnh đạo đảng Lao Động cánh tả cũng công bố kế hoạch giảm nhập cư và tập trung tạo thêm nhiều việc làm.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhiều người đầu tư vào thị trường bất động sản ở New Zealand nhất.

Theo một báo New Zealand hồi 2016, chỉ trong ba tháng đầu năm đó, chừng 60% nhà ở tại Auckland được bán cho khách hàng là nhà đầu tư Trung Quốc.

Ngoài ra, những người Trung Quốc đã đăng ký đóng thuế tại New Zealand mua thêm các căn nhà nữa, theo sau là công dân Úc.

Khi còn ở ghế đối lập, đảng Lao Động New Zealand, theo lời phát ngôn viên về chính sách nhà ở, ông Phil Twyford, số liệu đó không đầy đủ.

Tuy thế, ông giải thích các con số chỉ có được sau khi chính quyền yêu cầu người nước ngoài mua nhà phải đăng ký với Sở Thuế, và sau khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh việc ngăn chặn chuyển tiền lậu ra nước ngoài, theo báo New Zealand Herald hồi tháng 6/2016.

Thị trường nhà bị nóng không phải là vấn đề duy nhất nữ thủ tướng Ardern phải đối mặt sau khi lên nắm quyền.

Các báo New Zealand nói trong chuyến thăm tới Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11 này, bà sẽ phải ra câu trả lời dứt khoát rằng New Zealand sẽ làm gì với TPP11.

Quan điểm của đảng Lao Động New Zealand cho tới nay chưa rõ ràng về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà chính phủ tiền nhiệm rất ủng hộ.

Bà Ardern vừa phát biểu TPP11, kể cả khi không còn Hoa Kỳ, vẫn cần "chỉnh sửa". - BBC
|
|
11.
Mỹ gửi hải đội hàng không mẫu hạm thứ ba tới Thái Bình Dương

Hàng không mẫu hạm USS Nimitz và các chiến hạm khác trong hải đội của mình, gồm cả khu trục hạm và tàu ngầm, vừa rời khỏi khu vực Trung Đông, nơi từng mở các cuộc không kích nhắm vào ISIS, đến Thái Bình Dương để hỗ trợ cho lực lượng Mỹ ở đây, theo Hải Quân Mỹ hôm Thứ Tư.

Bản tin của Fox News nói rằng hàng không mẫu hạm USS Nimitz sẽ hợp cùng với chiếc USS Roosevelt và USS Reagan và các chiến hạm trực thuộc để hoạt động trong vùng Tây Thái Bình Dương, trước khi Tổng Thống Donald Trump có chuyến viếng thăm Á Châu đầu tiên vào tháng tới.

Các cuộc phối trí lực lượng này diễn ra trong lúc Hải Quân Mỹ, Nhật, và Nam Hàn đang mở ra cuộc tập trận nhằm cải thiện hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn.

Hôm Thứ Hai, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật cho hay rằng khả năng nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn nay trở thành sự đe dọa chưa từng thấy và đòi hỏi phải có biện pháp đối phó khác trước.

Bộ Trưởng Itsunori Onodera nói rằng mối đe dọa này khiến quốc gia ông phải đồng ý với quan điểm của Mỹ là “mọi giải pháp” đều phải được cứu xét — vốn theo Tổng Thống Trump thì gồm cả biện pháp quân sự, bản tin Fox News cho hay. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Rà sát gắt gao người tị nạn vào Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, tái tục nhận người tị nạn vào Mỹ, nhưng áp đặt những biện pháp rà soát gắt gao hơn đối với công dân từ 11 quốc gia được xác định là đề ra nguy cơ cao với an ninh nước Mỹ.

Các quan chức từ chối nêu tên 11 quốc gia, nhưng cả hai hãng tin Reuters và AFP đều xác định đó là những nước mà công dân vốn đã phải trải qua rà soát an ninh nghiêm ngặt hơn bao gồm Ai Cập, Iran, Iraq, Libya, Mali, Triều Tiên, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen.

Sắc lệnh hôm 24/10 là nỗ lực mới nhất của ông Trump hoàn thành những lời hứa lúc tranh cử là giảm số lượng người tị nạn nhập cư Mỹ.

Hàng ngàn người tị nạn đã vào Mỹ từ tháng 1 năm nay, bất chấp hai sắc lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách ngăn chặn chương trình này.

Các vụ kiện đã cản trở việc ban hành lệnh cấm tạm thời. Sau đó, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xác định người tị nạn có thể tiếp tục vào Mỹ miễn là chứng minh được có quan hệ gia đình thân thích tại Mỹ. - VOA
|
|
13.
Thêm một nghị sĩ Cộng hoà về hưu vì không tin vào sự lãnh đạo của TT Trump

Thượng nghị sĩ Jeff Flake của bang Arizona là nhà lập pháp mới nhất của đảng Cộng hòa đứng lên chống lại chính quyền của Tổng thống Trump. Tương tự như Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee hồi tháng trước, ông Flake cho biết sẽ không ra tái tranh cử vào năm 2018, viện lý do là ông không tán thành hướng đi của Đảng Cộng hoà hiện nay. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đang tìm cách lảng xa Tổng thống Trump trong các vấn đề như di trú, chính sách đối ngoại, các tổ chức cực đoan và kế hoạch xây bức tường ở biên giới với Mexico. Tuy nhiên, như tường trình của thông tín viên Zlatica Hoke của VOA, họ thường tránh trực tiếp chỉ trích Tổng thống của Đảng Cộng hoà.

Trong một bài phát biểu hôm thứ ba, Thượng nghị sĩ Flake than phiền về cái gọi là "bình thường mới" trong chính trị Mỹ và nói rằng đã đến lúc nên lên tiếng chống lại tình trạng đó.

Thượng nghị sĩ Jeff Flake, đại diện Đảng Cộng hoà tại bang Arizona phát biểu:

"Quan niệm cho rằng ta nên giữ im lặng trong khi các quy tắc và giá trị đã duy trì sức mạnh của Hoa Kỳ đang bị phá hoại, và giữa lúc các liên minh và hiệp định đã đảm bảo sự ổn định của toàn thế giới thường xuyên bị đe dọa bởi trình độ tư duy gói ghém trong chỉ 140 ký tự - khái niệm cho rằng ta không nên nói, hoặc làm bất cứ điều gì khi đối mặt với cách hành xử bất nhất như vậy thể hiện sự thiếu quan tâm tới lịch sử, và theo tôi, hoàn toàn mất phuong hướng."

Trước ông Flake, thượng nghị sĩ của bang Tennessee Bob Corker của đảng Cộng hòa, nói ông đã từng hy vọng thời thế sẽ tạo anh hùng, và ông Trump có thể đứng lên "dẫn dắt đất nước thay vì chia rẽ nó". Trả lời câu hỏi của nhà báo, ông Corker nói ông không nghĩ Tổng thống Trump là một tấm gương tốt cho trẻ em.

Thượng nghị sĩ Bob Corker nói:

"Việc ông liên tục nói lên những điều không phải là sự thực – việc ông thường xuyên dùng những ngôn từ để nhục mạ, bôi nhọ người khác, những điều đã hạ thanh danh của đất nước chúng ta, theo tôi, sẽ là điều mà người ta nghĩ tới nhiều nhất khi nhớ về ông Trump sau này".

Toà Bạch Ốc lập tức phản hồi những lời chỉ trích. Một người phát ngôn bênh vực thành tích của ông Trump và nói rằng hai Thượng nghị sĩ chỉ trích ông Trump không được sự ủng hộ tại các bang mà họ đại diện để có thể tái đắc cử.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders phát biểu:

"Tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ đánh giá vị tổng thống này như một người đã giúp đánh bại ISIS, một người đã xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều trong vòng nhiều thập niên. Ông đã đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 16 năm, ông đã tạo ra hơn 1,7 triệu việc làm kể từ khi được bầu lên. Tôi nghĩ rằng đó là những điều mà mọi người thực sự quan tâm, không phải một số ý kiến vặt vãnh của Thượng nghị sĩ Corker và Thượng nghị sĩ Flake. "

Các thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Thượng nghị sĩ Flake sẽ không ra tranh cử. Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện ca ngợi ông Flake về "những nguyên tắc đạo đức cao mà ông ta mang đến cho chức vụ của mình."

Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell nói về thượng nghị sĩ Flake như sau:

"Theo quan điểm của tôi, nghị sĩ đại diện cho bang Arizona là một người có tinh thần đồng đội, luôn cố gắng đạt được kết quả có tính cách xây dựng, bất chấp vấn đề trước mắt là gì."

Thượng nghị sĩ John McCain, cũng đại diện cho bang Arizona và là người từng xung đột với ông Trump, miêu tả ông Flake là một người "chính trực đáng tin, một người có danh dự, lịch sự và quyết tâm".

Thượng nghị sĩ John McCain nói:

"Tôi đã chứng kiến Jeff Flake đứng lên bảo vệ những gì mình tin tưởng, nhận thức rõ rằng ông sẽ phải trả một cái giá về chính trị."

Một số đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng loan báo sẽ không ra tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2018. - VOA
|
|
14.
Tướng Mattis gặp tướng Lịch: Mỹ - Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải


Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

Ngũ Giác Đài hôm 24/10 cho biết bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 11 diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/10 tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dana W. White cho biết các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã trao đổi về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hợp tác trong ASEAN nhằm đảm bảo tự do và cởi mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Truyền thông trong nước nói tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, cũng như sự hợp tác có hiệu quả của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường an ninh, hòa bình tại khu vực.

Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhấn mạnh tiến triển trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Ông Mattis cũng đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải, tự do di chuyển trên biển, trên không và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép, theo thông cáo của Ngũ Giác Đài.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thông báo với Bộ trưởng Jim Mattis, trong thời gian tới, Việt Nam dự định tổ chức lễ công bố kết quả giai đoạn 2 của Dự án làm sạch dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Ngoài ra, phía Việt Nam còn đề nghị Mỹ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong dự án làm sạch chất dioxin ở sân bay Biên Hòa.

Ông Mattis nêu rõ Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam ở những nội dung mà Việt Nam có nhu cầu.

"Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực"- phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định.

Bà Dana W. White cũng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á khẳng định cam kết đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định lại cam kết của nước này đối với các đồng minh và các đối tác trong khu vực, và một khu vực Đông Á tự do và mở rộng, bao gồm một ASEAN mạnh mẽ thống nhất về các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Bà Dana W. White cho biết, Bộ trưởng Mattis đã đề nghị tổ chức một cuộc tập trận trên biển với các đối tác ở ASEAN trong năm 2018, một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải và thực thi luật lệ trên biển trong khu vực và một cuộc hội thảo bàn về nguy cơ khủng bố ở khu vực.

Vào tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã có chuyến công du đến Mỹ, gặp ông Mattis tại Ngũ Giác Đài, khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

15.
Phan Kim Khánh bị xử 6 năm tù vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Chính quyền Việt Nam vừa tuyên án sáu năm tù giam và bốn năm quản chế đối một sinh viên tranh đấu cho nhân quyền, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước.”

Tòa án tỉnh Thái Nguyên hôm 25/10 tuyên phạt sinh viên Phan Kim Khánh sáu năm tù giam và bốn năm quản chế, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho sinh viên Khánh tại phiên tòa sơ thẩm cho VOA biết thêm:

“Tôi cho rằng tòa ngày hôm nay không thể hiện sự khách quan, không thể hiện sự thiện chí dù Khánh đã thẳng thắn thừa nhận các hành vi của mình, nhưng tòa đã thêm tình tiết tăng nặng để tuyên mức án cao là sáu năm. Điều này thể hiện sự khác biệt của phiên tòa ngày hôm nay.”

Luật sư Sơn nói thêm rằng trong cáo trạng của Viện Kiểm sát đưa ra không có tình tiết tăng nặng, nhưng tại phiên tòa Hội đồng xét xử cho rằng có tình tiết tăng nặng do Khánh “phạm tội nhiều lần.”

Theo Luật sư Sơn, toà nhận định Khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí… trong khi giám định viên Bộ Thông tin Truyền thông thì kết luận đó là tuyên truyền chống Nhà nước.

Luật sư Sơn cho biết những ý kiến bào chữa của ông không được tòa chấp nhận:

“Tôi đưa ra các ý kiến chẳng hạn như hành vi yêu cầu đa nguyên, đa đảng không vi phạm điều nào trong Bộ Luật Hình sự cả. Bản án này chỉ dựa vào lời khai của Phan Kim Khánh. Cuối cùng, tư tưởng và quan điểm cá nhân không thể được một cơ quan nào giám định cả, nên kết luận giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông không phải là một cơ sở để kết tội. Nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của tôi.”

Hãng tin Reuters hôm 25/10 loan tin Phan Kim Khánh, 24 tuổi, là một sinh viên khoa quan hệ quốc tế và con cả của một gia đình Công giáo ở một tỉnh vùng sâu phía bắc thủ đô Hà Nội. Trước khi bị bắt vào hồi đầu năm nay, Khánh đã viết blog chỉ trích chính phủ.

Luật sư Hà Huy Sơn nói bằng chứng đưa ra trong phiên tòa chống lại ông Khánh là “không rõ ràng, và ông cũng không rõ liệu Khánh có muốn kháng cáo hay không,” theo hãng tin Reuters.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 24/10 kêu gọi Việt Nam bỏ tất các cáo buộc và trả tự do cho Khánh.

Ông Brad Adams, Giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: "Việc tuyên truyền chống lại nhà nước chỉ là cái cớ được thiết kế để bịt miệng tiếng nói ôn hòa chỉ trích chính quyền Việt Nam.”

"Việt Nam nên loại bỏ những luật này và chấm dứt bức hại sinh viên và người dân bình thường vì chỉ nói về các vấn đề của đất nước trên mạng internet."

Ông Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, khi bị bắt đang là sinh viên năm cuối, khoa quốc tế, Đại học Thái Nguyên.

Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.

Phan Kim Khánh bị bắt hồi tháng 3 năm nay với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự vì đã thành lập và điều hành hai trang blog có tên “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Việt Nam”.

Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam hôm 25/10 nói sinh viên Phan Kim Khánh là người thực hiện quyền tự do suy nghĩ, biểu đạt được hiến pháp quy định, “việc kết án anh 6 năm tù giam chỉ vì lập Báo Tham Nhũng là vô lý.”

Trong thông cáo báo chí ngày 24/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền còn yêu cầu các nhà tài trợ và giới lãnh đạo thế giới hãy đòi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu -Thái Bình Dương (APEC) vào đầu tháng tới.

Hãng tin AFP nói việc xử án sinh viên Phan Kim Khánh được tiến hành vào lúc chính quyền Việt Nam xiết chặt kiểm soát đối với những tiếng nói chỉ trích trước dịp diễn ra hội nghị APEC.

Truyền thông Việt Nam nói Phan Kim Khánh “đã móc nối với một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước bàn bạc, trao đổi thông tin và cùng quản trị, trong đó, có Nguyễn Văn Hải, tức Hải “Điếu Cày,” hiện đã xuất cảnh sang Mỹ vì lí do nhân đạo.” - VOA
|
|
16.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: An ninh 'tuyệt đối' cho APEC


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đảm bảo an ninh “tuyệt đối” để không có “một sơ suất nhỏ nào” xảy ra trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC mà Việt Nam sẽ là nước chủ nhà vào đầu tháng sau.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng tại Lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra hôm 24/10 tại Đà Nẵng nơi sẽ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, có mặt trong buổi lễ xuất quân, nói với VOA qua điện thoại hôm 25/10, rằng “tất cả mọi việc đều đảm bảo và chu đáo” cho sự kiện sẽ chính thức khai mạc ngày 6/11.

"(Chúng tôi) phối hợp với tất cả các cơ quan an ninh của các nước có đại biểu đến tham dự APEC. Lúc này mọi phương án đều rất chủ động," theo người đứng đầu Bộ Công an.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác đã khẳng định sẽ tham dự APEC tại Đà Nẵng.

Người đứng đầu Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định "các lực lượng công an và quân đội đã triển khai phương án chủ động, rộng khắp, quyết liệt để tội phạm không có điều kiện phá hoại dù lá bất cứ hành vi nào, thủ đoạn tinh vi nào” và sẽ “kịp thời xử lý kẻ xấu phá hoại.”

Trong nỗ lực bảo vệ an ninh cho APEC, an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã cấm một Việt kiều Mỹ, người từng tham gia biểu tình và đăng nhiều hình ảnh được cho là “nói xấu chế độ,” nhập cảnh Việt Nam hôm 18/10. Ông Dominic Phạm nói với VOA rằng ông bị từ chối nhập cảnh vì “Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC.”

Phương án bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 gồm 2 phần trong đó có phần xử lý tình huống đánh và bắt khủng bố, giải cứu con tin trên nhà cao tầng và trên sông nước.

Lễ xuất quân được truyền thông trong nước ghi nhận cho thấy lễ diễu hành phương tiện và biểu dương các lực lượng của các đơn vị tham gia bảo vệ sự kiện mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao đầu tháng này cho biết “là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017.”

Thủ tướng Phúc cho rằng “Mọi lực lượng tham gia bảo vệ an toàn sự kiện này là một vinh dự, trách nhiệm nặng nề.”

Sự kiện này sẽ diễn ra trong 1 tuần từ 6-11 tháng sau, theo lịch hoạt động đăng tải trên trang web chính thức của Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Năm 2006, 8 năm sau khi gia nhập APEC, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của khối tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush.

APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện gần 40% dân số thế giới, gần 60% GDP và gần 1/2 lượng thương mại toàn cầu, theo thống kê năm 2014. - VOA
|
|
17.
Bộ Công An Việt Nam trình Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng

Bộ Công An Việt Nam vừa trình Quốc hội Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cảnh báo rằng từ năm 2001 đến nay cơ quan này đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật.

Truyền thông trong nước cho biết ông Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công An hôm 25/10 đã trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và An ninh mạng.

Báo VietnamNet dẫn lời ông Lâm cho biết, từ năm 2001 đến nay, bộ này phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Ông chỉ ra rằng các hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế...

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng “việc xây dựng dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.”

Bộ Công an trình dự án luật theo đó phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật.

Ngoài ra dự thảo luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với thông tin ‘Tuyệt mật’ là 30 năm; ‘Tối mật’ 20 năm; và ‘Mật’ 10 năm. Thời hạn này có thể được kéo dài “nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.”

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt phát biểu trước Quốc hội rằng bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn, có thể là 50 hoặc đến 60 năm, hoặc không nên xác định thời hạn giải mật.

Cũng trong ngày 25/10, Bộ trưởng Công an còn trình dự thảo luật An ninh mạng, nhằm chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.”

Bộ này cho rằng thông qua không gian mạng, các đối tượng chống phá liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh.

Báo VietnamNet vào tháng 8 dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nói chỉ trong hơn 1 năm, Bộ này đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Báo Pháp Luật cho biết vào tháng 11/2015, ông Phạm Thanh Trung, nguyên cán bộ Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM, bị tòa xử phạt ba năm tù giam về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, do đã tiết lộ thông tin về “công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam,” và gửi ảnh chụp “Thông báo số 5” kèm theo hướng dẫn cách thức rải truyền đơn, đặt chất nổ trong ngày TP.HCM tổ chức mít-tinh lễ 30/4 đến tài khoản Facebook của Việt Tân.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự Luật An ninh mạng sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày 13/11; và sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 22/11 và 23/11. - VOA
|
|
18.
'Mong tân Tổng thanh tra giải quyết tàn dư của bộ máy'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 25-10 đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự tổng thanh tra Chính phủ, theo đó giới thiệu ông Lê Minh Khái.

Ông Lê Minh Khái từng giữ chức phó tổng kiểm toán nhà nước giai đoạn 2007-2014, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, sẽ trở thành Tổng thanh tra Chính phủ thay ông Phan Văn Sáu đã được Bộ Chính trị phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Một cựu quan chức Việt Nam nay nói với BBC rằng ông mong tân Tổng thanh tra Chính phủ "sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay."

Hôm 25/10, trả lời BBC từ Sài Gòn, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói: "Tôi mong là người được bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng thanh tra sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay."

"Tôi theo dõi thì thấy Tổng thanh tra Chính phủ trước giờ thường chậm công bố những vụ lớn. Có những vụ thanh tra nhiều lần nhưng công luận không biết kết quả ra sao, như vụ Mobifone mua AVG, rồi vụ "biệt phủ Yên Bái" thì chỉ mới công bố gần đây sau một thời gian dài."

'Khó có chuyện sáp nhập'

"Theo tôi nhận thấy, có những vụ cứ thanh tra, kiểm tra đến đâu thì lòi ra sai phạm của bộ máy Đảng, Nhà nước đến đấy. Điều này là do những người tiền nhiệm ở cơ quan Tổng thanh tra làm không tốt."

"Do vậy, tôi mong người ngồi vào ghế tân Tổng thanh tra sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay và giữ đúng tôn chỉ là không có vùng cấm trong công tác thanh tra."

Bình luận về ý kiến của một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương đề xuất sáp nhập Thanh tra Chính phủ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Luật sư Thuận nói: "Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa khẳng định điều đó. Có thể là do Hội nghị Trung ương chưa quyết vấn đề gây tranh cãi này."

"Theo tôi, sẽ khó có chuyện sáp nhập hai tổ chức này, có chăng chỉ là phối hợp, vì phạm vi của cơ quan kiểm tra chỉ là trong nội bộ Đảng, trong lúc cơ quan thanh tra mang tính đại trà hơn và liên quan đến chính sách Nhà nước."

Cùng ngày, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân được báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời:

"Nếu như người đứng đầu ngành thanh tra không xử nghiêm được các vụ việc tiêu cực mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân. Sự cố gắng của người đứng đầu lĩnh vực thanh tra sẽ góp phần tạo thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước."

"Người này cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Có thể nói áp lực với người đứng đầu ngành thanh tra trong bối cảnh hiện nay là rất lớn."

Ngày 26/10, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín phê chuẩn nhân sự mới nắm giữ Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. - BBC
|
|
19.
Chống tham nhũng sau Hội nghị trung ương Sáu bằng luân chuyển cán bộ

Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ

Liên tục kể từ sau Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản lần thứ 12 diễn ra đầu năm 2016, đến các hội nghị trung ương Năm, và trung ương Sáu, người ta thấy nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật với những cáo buộc liên quan đến những vụ tham nhũng, thất thoát tài sản lớn. Đó là các ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Nhiều người trong số này được xem là vây cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị mất hết quyền lực chính trị sau Đại hội 12.

Cơ quan chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam có tên gọi là Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trước đây do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền điều khiển. Nhưng từ năm 2013, Ban này đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng lãnh đạo.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh, nói với báo Tuổi Trẻ trong nước rằng việc chuyển quyền điều hành Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sang cho đảng, thay vì chính phủ, là một việc làm cần thiết, vì đảng lãnh đạo tất cả những cán bộ đảng cử sang điều hành chính phủ.

Bên cạnh đó một công cụ khác được Đảng Cộng sản đưa ra, nói là để phòng chống tham nhũng, là Qui định luân chuyển cán bộ.

Trong những ngày cuối tháng 10, năm 2017, Quốc Hội Việt Nam bàn chuyện điều động ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ về làm Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Minh Khái, đang là Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Bạc Liêu, thay cho ông Phan Văn Sáu, ông Trương Quang Nghĩa đang là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, trong khi đó ông Nguyễn Văn Thể, hiện là Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng về làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đây là điều mà Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam hiện sống tại Sài Gòn, gọi là đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ sau Hội nghị trung ương Sáu.

Ngay trong lúc Hội nghị trung ương Sáu diễn ra, ngày 7, tháng 10, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã ký một quyết định mang số 98 gọi là Qui định về luân chuyển cán bộ. Theo qui định này các các bộ cao cấp sẽ được chuyển đổi thường xuyên, từ những viên chức điều hành các huyện, tỉnh, cho đến các bộ trưởng, để làm sao cho các viên chức đứng đầu địa phương không làm quá hai nhiệm kỳ tại một địa phương.

Qui định này được nói là nhằm để chống tham nhũng, tránh việc kết bè phái, nhóm lợi ích, sử dụng những người trong họ hàng hoặc quen biết.

Phe phái và nhóm lợi ích

Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng cho biết là việc luân chuyển cán bộ này đã từng được thực hiện như một công cụ để đấu tranh giành giật quyền lực giữa các phe phái với nhau:

“Luân chuyển cán bộ là việc mà trước đây ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban tổ chức Trung Ương đã làm, có thể nói là khá thành công, luân chuyển đến 80% nhân sự cao cấp, các tỉnh, thành phố, trước Đại hội 12, và do đó đã mang lại lợi thế cực kỳ lớn cho ông Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội 12, trước ông Nguyễn Tấn Dũng.”

Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam được tiến hành vào đầu năm 2016. Sau Đại hội này nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được nhiều người dự đoán là sẽ nắm quyền lực nhiều hơn nữa, đã về hưu.

Với sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng, giới quan sát cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực tuyệt đối về chính trị tại Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng đánh giá về phe nhóm được cho là của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay:

“Rời rạc, yếu ớt, và rất thiếu bản lĩnh. Đúng như dư luận nói là phe này chỉ nằm đó chờ chết mà thôi, không thể làm được một cái gì có thể gọi là xoay chuyển được tình thế.”

Tuy nhiên, cũng theo lời ông Dũng, việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, không vì thế mà có thể thực hiện được dễ dàng. Theo ông Phạm Chí Dũng, những nhóm quyền lực khác nhau, với những lợi ích kinh tế to lớn, sẽ là những chướng ngại vô cùng lớn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á- Thái Bình Dương, lại nhìn chuyện phe phái ở Việt Nam không đơn giản là chỉ có hai phe Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng như vừa qua. Theo ông thì ở Việt Nam hiện nay có thể có bốn xu thế chính trị khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm mong muốn cải cách, nhóm thứ hai là nhóm không muốn Việt Nam đi theo con đường tổ chức xã hội kiểu phương Tây, nhóm thứ ba là nhóm trung dung, và nhóm cuối cùng ông gọi là nhóm trục lợi.

Theo ông Lâm, thì rất nhiều quan chức, nhóm quan chức cao cấp, không theo phe phái nào cả, và tùy theo cán cân quyền lực ở một lúc nào đó mà người đó, nhóm đó sẽ ngã theo.

Nhưng tựu chung, vẫn theo lời ông Lâm, xu hướng trục lợi, nơi có các nhóm lợi ích khác nhau sẽ là xu hướng rất mạnh tại Việt Nam hiện nay:

“Xu hướng trục lợi thì vẫn mạnh, vì cái chế độ, chính thể ở Việt Nam hiện nay vẫn tạo ra một môi trường rất phù hợp cho xu hướng trục lợi, bởi vì một mặt là một nhà nước tương đối độc đoán, tương đối khép kín, đồng thời lại có một nền kinh tế tương đối thoãi mái trong chuyện làm tiền. Người ta dễ ở một cái vị trí dùng tiền để mua chức, rồi dùng chức để kiếm tiền.”

Ngay sau Hội nghị trung ương Sáu kết thúc, báo chí Việt Nam tiếp tục đưa tin những nghi án tham nhũng có liên quan đến các quan chức cấp tỉnh ở Đồng Nai, Yên Bái. Những nghi án này đã được nói đến từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy những người có liên quan nhận hình thức kỷ luật như thế nào.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Giáo sư Vũ Tường, từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ nhận định về bản án kỷ luật dành cho ông Đinh La Thăng trong Hội nghị trung ương Năm, tháng Năm, 2017:

“Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ.”

Sau khi Hội nghị trung ương Sáu kết thúc, người ta vẫn chưa thấy có một vụ truy tố nào đối với ông Đinh La Thăng được đưa ra.

Giáo sư Vũ Tường nói tiếp là những gì diễn ra xung quanh vụ ông Đinh La Thăng cho thấy đảng cộng sản không có hiệu quả trong việc điều hành nền kinh tế và chống tham nhũng.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sự không hiệu quả ấy nằm ở cơ chế không phân quyền của nền chính trị Việt Nam với duy nhất một đảng cộng sản lãnh đạo. Ngay chính đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, một mặt hoan nghênh việc giao Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về cho các viên chức đảng quản lý, cũng nói rằng cách thức này cũng có cái bất cập vì người đứng đầu cấp ủy, đảng bộ có thể làm lệch hướng, xử nhẹ hoặc ém nhẹm việc điều tra sai phạm của cấp dưới khi họ muốn bao che, bởi đó có thể là người thân thích hay phe cánh. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9








No comments:

Post a Comment

View My Stats