Thursday, 26 October 2017

TT TRUMP & VÙNG ASIA-PACIFIC : LẠI CHUYỆN 'CỌP GIẤY' NỮA ? (Cổ Lũy)




Cổ-Lũy
October 25, 2017

Người đọc cột báo này đã quen thuộc với những nghiên cứu của Giáo Sư Mark Beeson từ đầu năm nay. Ông là chuyên gia về Châu Á và chính trị quốc tế, với chú trọng vào chính trị, kinh tế và chiến lược vùng “Asia-Pacific/Châu Á-Thái Bình Dương.” Trước khi về viện Đại Học Western Australia, ông từng giảng dạy và làm khoa trưởng bang giao quốc tế ở một số đại học Anh, cùng làm việc tại trung tâm Nghiên Cứu Cao Đẳng, viện Đại Học Freiburg, Đức. Ông là tác giả 150 nghiên cứu và sách vở, sáng lập chuyên san Critical Studies of the Asia-Pacific. Ông đều đặn cho xuất bản những công trình nghiên cứu thẩm quyền và viết cho báo Asia Times về bang giao quốc tế và khu vực Asia-Pacific.

Liên hệ giữa hai siêu cường thượng đỉnh Mỹ-Hoa (dựa trên kích thước kinh tế, quân sự, chính trị cùng ảnh hưởng văn hóa tràn ngập – và tham vọng bá chủ) là đề tài vô cùng quan trọng cho cả thế giới; hệ quả từ đây có thể nói là rất sâu đậm và lâu dài riêng trường hợp Việt Nam.

Bài cuối Tháng Chín đưa ra những nét tổng quan của Giáo Sư Beeson về vùng Asia-Pacific và Hoa Kỳ trong thời điểm 2017 và tương lai. Người viết trình bày thêm về bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ đưa đến việc ông Donald Trump thắng cử bất ngờ và lên làm tổng thống. Sau cái nhìn tổng quát của người viết về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ kỳ trước, cột báo tiếp tục trình bày công trình nghiên cứu mới nhất của ông năm nay.

Hoa Kỳ: “Cọp giấy” trong vùng Asia-Pacific?

Tự điển lớn Wikipedia trên mạng cho biết nhãn hiệu “cọp giấy/paper tiger” là từ lãnh tụ Cộng Sản Tầu Mao Trạch Đông đưa ra năm 1946 để chỉ bom hạch nhân mà “thế lực phản động” Mỹ dùng để đe dọa người khác – trông thì ghê gớm, nhưng thật sự chẳng mấy đáng sợ. Mười năm sau, ông Mao nhắc lại, hơi khác đi “thực dân Mỹ bề ngoài thật ghê gớm, nhưng thực tế chẳng có gì đáng sợ” vì hoàn toàn “tách rời khỏi căn bản nhân dân.” Năm 1973, khi “đi đêm” với Tổng Thống Richard Nixon (Cộng Hòa) giải quyết chiến tranh Mỹ ở Việt Nam cùng những vấn đề hệ trọng khác, ông Mao nhận mình là người phát minh chữ Anh “paper tiger” – từ đây được hiểu là nhãn hiệu chính quyền Mao đặt cho đối thủ Mỹ.

Trong thời đại này, ông Beeson đưa ý kiến Hoa Kỳ có thể lại là một “cọp giấy” chăng?
Theo ông, nhiều bút, mực đã viết về liên hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thật khó mà tóm lược những chi tiết khác nhau về đề tài lớn này. Tuy nhiên, có thể ghi nhận rõ rệt: khi tranh cử, ứng viên Trump nhiều lần dọa sẽ gán cho Trung Quốc nhãn hiệu “ kẻ máy mó chỉ tệ/currency manipulator.” Nói nôm na là Bắc Kinh “mánh mung” thay đổi hối suất, làm hạ giá đồng yuan trên thị trường, khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ Tầu rẻ hơn và bán được nhiều hơn ở nước ngoài – đây giúp nước này gia tăng xuất cảng tối đa. Ông cũng hứa sẽ trừng phạt Trung Quốc với tăng thuế trên hàng hóa, dịch vụ xuất cảng từ đây (“tarrif,” với mục đích làm tăng giá cả dịch vụ và hàng hóa Tầu vào Hoa Kỳ, đưa tới hệ quả là giảm thiểu số lượng xuất cảng Tầu) ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Chín tháng sau đó Tổng Thống Trump chưa động tĩnh gì về cả hai mặt; ngược lại, việc ông làm ngay là gặp gỡ thân mật với Chủ Tịch Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago sang trọng của mình ở Florida, và sau đó lại thân mật hơn vì ông Tập hứa sẽ bảo vệ “copyright/tác quyền” những sản phẩm của con gái và cố vấn thân tín Ivanka Trump sản xuất và tiêu thụ ở Trung Quốc. Gia đình của con rể và cố vấn thân tín hơn nữa, Jared Kushner, cũng vội vào đầu tư địa ốc ở  Trung Quốc với lợi thế lớn lao và lợi nhuận dễ hiểu.

Việc ông Trump không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng làm một hành động nào về Trung Quốc như đã hứa cho thấy tình trạng nói chung giữa hai siêu cường nắm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, với Bắc Kinh nắm thế thượng phong.

Người ủng hộ ông Trump có thể bào chữa rằng ông bị “chia trí” và không “động thủ” với Bắc Kinh vì phải đối phó với một chính quyền Bắc Hàn đầy đe dọa và bất trắc. Đây có thể là đúng, và chính quyền Trump biết rằng mình – nếu không có trợ giúp từ Bắc Kinh – không thể làm gì về kế hoạch vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng trừ chiến tranh với Bắc Hàn. Bình Nhưỡng lại sẵn sàng “hy sinh” đến người cuối cùng để “tiêu diệt” hàng chục triệu người Nam Hàn và hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ ở sát ranh giới. Với không một hành động từ ông Trump, đây là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng đi xuống của Washington trong vùng. Việc Bình Nhưỡng liên tục phóng thử hỏa tiễn liên lục địa với cả đầu đạn nguyên tử có thể đến đất Mỹ và trả đũa đích danh ông Trump (sau khi ông nhục mạ lãnh tụ Kim Jong Un) giới hạn khả năng ông Trump vừa đe dọa “chiến tranh” với Bình Nhưỡng vừa duy trì liên hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

Ông Beeson cũng đưa ra giải thích rõ ràng và giản dị tại sao ông Trump không còn hùng hổ mà lại lưỡng lự về chuyện thi hành những biện pháp kinh tế gay gắt với Bắc Kinh. Những biện pháp mà Washington đe dọa sẽ dùng không rõ có hiệu quả đến đâu, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ trả đũa tương xứng, và  hai bên sẽ chịu tổn hại đáng kể. Oái oăm thay, Trung Quốc trở thành đối thủ kinh tế ngang ngửa với Hoa Kỳ một phần nhờ vào những đầu tư và chuyển dịch kỹ thuật Mỹ sau khi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình mở rộng kinh tế trong nước ra ngoài thời 1980. Một trong những hệ quả là phần lớn (khoảng hơn 55%) trị giá “xuất cảng Tầu” qua Mỹ thật sự mang phúc lợi cho các công ty và nhân sự Mỹ. Ông Beeson lấy ví dụ điện thoại di động iPhone của hãng điện tử Apple làm tại Trung Quốc: trong tiến trình từ sản xuất ở Trung Quốc tới tiêu thụ ở Hoa Kỳ và thế giới giá cả gia tăng gấp bội, mang phúc lợi cho Apple, các công ty Mỹ khác cùng các công ty cung cấp bộ phận ở Nam Hàn, Nhật và Đức. Đây đúng là “globalization/toàn cầu hóa” kinh tế trong đó những đại công ty ở nhiều quốc gia thường hoạt động “vượt không gian.” Từ đây ông Beeson đồng ý với nhiều nhà kinh tế trên thế giới rằng những thống kê hay suy nghĩ truyền thống về thương mại không còn mấy ý nghĩa.

Giới trí thức và nghiên cứu tiến bộ vẫn xem “globalization” như nỗ lực lớn lao của Tây Phương dẫn đầu bởi Hoa Kỳ nhằm “đồng hóa thế giới” vào hệ thống kinh tế, chính trị, chiến lược và văn hóa của mình (xin xem “Thánh Chiến Chống Lại Đồng Hóa Thế  Giới,” cùng người viết, trên báo Người Việt). Điều này vẫn không ngăn cản các chính khách Mỹ giận dữ về chuyện “thiếu quân bằng ngoại thương/trade imbalance” (hay “trade deficit/thâm thủng ngoại thương”) với Trung Quốc và nhiều nước Á Châu chỉ “mua ít, bán nhiều.” Đây là điều không mấy ngạc nhiên vì nó đi đúng lối “làm bộ/posturing” bên ngoài của ông Trump và cựu “chiến lược gia” Steve Bannon nhấn mạnh vào “tinh thần quốc gia trong kinh tế/economic nationalism” dễ “mị” đám “base/ủng hộ trung kiên” da trắng vốn thiếu học hành và hiểu biết, nhưng đầy lòng bài ngoại và “yêu nước cực đoan/jingoism.”

Ông Beeson đưa ra ví dụ về Giáo Sư Peter Navarro (University of California, Irvine/UCI), cố vấn kinh tế chính của ông Trump, dựa vào “quan điểm cổ hủ” về vận hành của kinh tế toàn cầu và từ đây đưa ra những chính sách sai lạc. Trong tác phẩm “Death by China” (Chết vì Trung Quốc) ông Navarro khuyến cáo “phải tăng thuế đánh vào [hàng hóa và dịch vụ] xuất cảng Tầu nhằm giảm thâm thủng ngoại thương, đồng thời đầu tư nhiều vào nước Mỹ hơn.”

Nhưng “trade deficit” không phải là chỉ số chính để nhìn vào sức khỏe kinh tế, ông Beeson lý luận, “dù thâm thủng ngoại thương bốn thập niên vừa qua kinh tế Mỹ vẫn gia tăng gấp ba và số công ăn việc làm tăng gấp đôi.” Ông cũng chỉ trích Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross chia sẻ quan điểm với ông Navarro mà không để ý đến việc Bắc Kinh có thể trả đũa tương xứng và hữu hiệu nếu ông Trump hung hăng về ngoại thương. Việc Bắc Kinh chỉ đe dọa ngừng mua công khố phiếu Mỹ (nói chung, gần 4 nghìn tỷ kể cả trái phiếu, cổ phiếu) cũng đủ làm lung lay nhiều thị trường (vốn dễ hoảng hốt) đưa đến việc tăng mức lãi suất – và từ đây gây náo loạn nếu không nói là suy thoái  kinh tế Mỹ.

Đến đây, có thể nói Giáo Sư Beeson chứng minh khá rõ rệt Hoa Kỳ thời ông Trump lại là con “cọp giấy” – ít nhất về mặt kinh tế và chiến lược ở vùng Asia-Pacific.

*
Bài liên quan










No comments:

Post a Comment

View My Stats