30/10/2017
Xưa kia khi Liên Xô còn hùng mạnh, phe xã hội chủ
nghĩa còn rộng lớn, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là ngày hội lớn nhất.
Lễ kỷ niệm hoành tráng, duyệt binh rầm rộ, biểu tình
quần chúng đông đảo, ăn uống linh đình, cờ và khẩu hiệu rực rỡ, diễn văn lê
thê, thôi thì đủ như náo động.
Năm nay kỷ niệm tròn 1 thế kỷ Cách mạng tháng Mười
Nga (1917 – 2017), lẽ ra phải là ngày hội lớn nhất. Nhưng ở nước Nga, gần như
yên lặng. Còn có gì để kỷ niệm? Chỉ nổi cộm một vấn đề mong muốn một số người,
ngay trong quốc hội Nga, là đưa thi hài đã rữa của ông V.I. Lenin về mai táng ở
Petersburg để «giải phóng Hồng trường giữa thủ đô Moscow.»
Ở Bắc Kinh cũng êm re, ông Tập Cận Bình tập trung sức
củng cố thế lực «Hoàng đế Đỏ» của mình. Tại Bình Nhưỡng, Kim Jong-un đang bận rộn
thử tên lửa và bom nguyên tử. Ở Cu Ba, sau khi Fidel Castro qua đời ông em già
yếu Raul Castro đang lo chuyện bàn giao quyền lãnh đạo cho thế hệ mới.
Riêng tại Việt Nam, lãnh đạo ưa thích chơi đồ cổ,
không có lễ kỷ niệm gì lớn, nhưng vẫn có một buổi tọa đàm nhỏ ngày 22/10 lưa
thưa nhạt nhẽo, và một buổi hội thảo ngày 26/10 cũng nhạt nhẽo lưa thưa không
kém do Học viện chính trị quốc gia cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đảng, Hội đồng
lý luận trung ương và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Đó là những
tổ chức đặc sệt giáo điểu cổ hủ với những phát biểu già nua có từ nửa thế kỷ
trước, đọc lại nguyên si, cứ như trái đất ngừng quay, đồng hồ ngừng chạy 30, 40
năm nay!
Vẫn là Mác – Lenin, là chủ nghĩa xã hội hiện thực,
tương lai của thế giới cộng sản trên trái đất này! Đọc và nghe mà khiếp vía!
Xưa là «hủ nho», nay là «hủ Mác»! Không một trí thức tự do nào tham dự những buổi
đọc kinh này.
May thay! cũng vào ngày 26/10/2017 trên báo
Washington Post có bài báo rất hay, bổ ích, lý thú của 2 nhà báo Greg Jaffe và
Vidhi Osh nhan đề «Đây là một chỗ hiếm mà người cộng sản còn có thể mơ ước.»
Ở đâu vậy? Xin hãy hồi hộp chờ xem.
Hai tác giả cho rằng hiện còn có 5 nước theo chủ
nghĩa cộng sản. Đó là Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên và Lào. Tại
đó học thuyết cộng sản đã phá sản hoàn toàn, do thực hiện những điều tệ hại nhất
của chủ nghĩa Mác – Lê, áp dụng bạo lực, khủng bố, đấu tranh giai cấp khốc liệt
trong nội bộ đảng và ngoài xã hội. Thiên đường chẳng thấy đâu, chỉ có chết
chóc, nghèo đói, bất công, do đàn áp và thất bại, đổ vỡ, chỉ là địa ngục trần
gian, tạo nên trên 100 triệu nhân mạng tiêu vong.
Chỉ có một nơi trên quả đất này, chủ nghĩa cộng sản
có sức sống kỳ diệu, do những nhà lãnh đạo ở đó biết chắt lọc, chỉ thực hiện những
điều tốt đẹp của chủ nghĩa Mác, kiên quyết xa rời những mặt tối, tiêu cực, có hại
của cái học thuyết ấy.
Đó là bang Kerala thuộc Ấn Độ, có 35 triệu dân, do đảng
cộng sản Kerala lên nắm chính quyền từ năm 1957 đến nay qua tự do bầu cử. Đây
là mảnh đất phì nhiêu vùng Tây Nam Ấn Độ, có 800 km bờ biển nhìn ra biển A-rập,
theo đạo Phật gốc từ xa xưa vẫn mộ đạo đến ngày nay, chuộng từ bi hỷ xả, cứu
nhân độ thế thành nếp sống và nếp tư duy văn hóa cao quý.
Đảng cộng sản Kerala hiện vẫn quý trọng cố Tổng bí
thư đảng thời 1957 E.M.S.
Namboodiripad đã định hướng cho việc áp dụng chủ
nghĩa Mác có lựa chọn, không mù quáng, không giáo điều, không Lenin, không
Staline, cũng không Mao. Hai định hướng là giáo dục phát triển từ mầm non đến Đại
học, trên đại học, luôn dẫn đầu toàn nước Ấn. Thứ hai là xã hội chăm lo sức khỏe
cho toàn dân một cách bình đẳng, rộng rãi, có chất lượng cao nhất, không mất tiền.
Theo thống kê chung toàn Ấn Độ, Kerala là bang mũi
nhọn,
·
Có chỉ số phát triển con người HDI cao nhất: O.790
(toàn Ấn là: 0.513) ;
·
Có số người biết chữ cao nhất: 93,91% (toàn Ấn là:
74,04%) ;
·
Có tuổi thọ trung bình cao nhất: 77 tuổi (toàn Ấn
là: 63) ;
·
Có văn hóa, báo chí dẫn đầu Ấn Độ, báo ra bằng 9 thứ
tiếng;
·
Là vùng du lịch trọng điểm, đông khách nhất, có nhiều
đền đài Phật giáo, Ấn độ giáo, nhiều điệu múa cổ điển… Ngành điện ảnh cũng đặc
sắc.
·
Kerala từng mang danh hiệu «Nữ hoàng của biển Ả-rập»,
được bình chọn là 1 trong 10 Thiên đường của thế giới.
·
Kerala rất giàu tài nguyên: gạo, dừa, chè, cà phê,
cao su, hạt tiêu, ớt, quế, nghệ, được coi là «vườn gia vị của Ấn Độ.»
·
Cuộc sống ở Kerala thanh bình, hầu như không có cướp
giật, móc túi đến hối lộ tham nhũng, mua bán chức tước, trường học, thư viện,
nhà văn hóa... nhiều hơn nhà tù, trại giam.
Hiểu biết về cuộc sống ở Kerala áp dụng chủ nghĩa
Mác một cách có sàng lọc theo chế độ xã hội dân chủ, tôi bỗng nghĩ đến chủ
trương của cụ Phan Châu Trinh, nâng dân trí, hậu (làm cho hùng hậu) dân khí, vượng
dân sinh, nếu được thực hiện cũng sẽ đạt Thiên đường trên đất mình, như
Kerala-Thiên đường cộng sản hiện thực ngày nay vậy.
Chúng ta nên kết luận gì ở đây? Về toán học thường
quy luật nào cũng có một vài trường hợp lẻ loi, ngoại lệ. Nên có phương ngôn:
«Ngoại lệ chứng minh cho quy luật». Kerala, chỉ chiếm có 1 phần trên 2 nghìn
dân số toàn thế giới, 35 triệu trên 7,5 tỷ dân. Tác giả «Tuyên ngôn của đảng Cộng
sản» là Marx và Engels hy vọng hão huyền sẽ nhuốm đỏ toàn thế giới. Nhưng may
mà có người biết cách thực hiện mặt ước vọng viển vông của học thuyết ấy bằng
biện pháp riêng tư, bỏ qua các biện pháp bạo lực bất nhân, nên đã thắng lợi. Điều
này không mảy may chứng minh sức sống của chủ nghĩa Mác, mà chỉ chứng minh đó
là một tà thuyết chết người, bị 98% dân số thế giới bác bỏ dứt khoát. Kerala có
giá trị là một ngoại lệ để chứng minh hùng hồn cho chân lý ấy. Cám ơn 2 nhà báo
Greg Jaffe và Vidhi Osh đã nêu lên ngoại lệ hấp dẫn này.
Rất mong các đảng viên cộng sản Việt Nam, từ đảng
viên thường, các trí thức có học, đến các ủy viên TƯ, các ủy viên Bộ Chính trị
hãy tìm hiểu tường tận về Kerala, đi du lịch học hỏi tại chỗ không xa xôi gì, để
ngẫm nghĩ cũng là người cộng sản mà sao họ minh mẫn thế, thông minh thế, vì dân
đến thế, coi trọng giáo dục, văn hóa, y tế công cộng đến thế, xã hội bình đẳng
an bình như thế, sao ta lại không làm nổi? hãy cố đi một quãng đường gần, mở mắt
nhìn ra nước ngoài, cố học một sàng khôn.
--------------------------
Ngày 30/10, trang Báo Tiếng Dân và
ngày 1/11 trang Boxitvn đăng bài của Bùi Tín, nhan đề: Có
một thiên đường cộng sản hiện thực. Theo tôi bài báo đã có một nhầm lẫn
lớn, nếu không được phân tích và đính chính sẽ có thể bị ai đó lợi dụng để lừa
gạt.
Nội dung bài báo trình bày tình hình bang Kerala thuộc
Ấn Độ. Bang này có 35 triệu dân, do người của đảng cộng sản (ĐCS) Kerala nắm
chính quyền từ năm 1957 đến nay qua tự do bầu cử. Bang Kerala có một số đặc điểm
như sau, so với toàn nước Ấn Độ: Có chỉ số phát triển con người HDI cao nhất;
có số người biết chữ cao nhất; có tuổi thọ trung bình cao nhất; có văn hóa, báo
chí dẫn đầu Ấn Độ; là vùng du lịch trọng điểm, đông khách nhất, được bình chọn
là 1 trong 10 Thiên đường của thế giới; có cuộc sống thanh bình, hầu như không
có cướp giật, móc túi, hối lộ tham nhũng, mua bán chức tước…; trường học, thư
viện, nhà văn hóa... nhiều hơn nhà tù, trại giam.
Tôi chưa được đến Karala, nhưng tôi tin những điều
được viết phản ảnh gần đúng sự thật. Như vậy có thể xem nơi đó là một trong 10
thiên đường (một số thiên đường khác thuộc vùng Bắc Âu). Nhầm lẫn là ở đầu đề
bài báo. Nó là một “Thiên
đường trên Quả Đất” chứ không phải “Một thiên đường cộng sản”.
Vì sao vậy? Rõ ràng
nó do đảng viên cộng sản nắm quyền kia mà, Đảng cộng sản ở đây là đảng cầm quyền
thông qua tự do bầu cử. Tuy
đảng cộng sản cầm quyền nhưng chế độ không phải là chế độ cộng sản.
Đã một số lần tôi phân tích, phải phân biệt một đảng
cách mạng và một đảng cầm quyền, phân biệt giữa đảng và đảng viên. Một đất nước
muốn xây dựng chế độ cộng sản (thời kỳ đầu là CNXH) theo Chủ nghĩa Mác Lênin
(CNML) thì bắt buộc phải do đảng theo học thuyết đó lãnh đạo. Đảng ấy thường lấy
tên Cộng sản, nhưng cũng có thể lấy tên khác như Lao động, Xã hội chủ nghĩa,
Công nhân thống nhất, Liên minh công nông, v.v. Tên gọi tuy quan trọng nhưng
quyết định là ở ý thức hệ, ở đường lối. Một đảng dù mang tên Cộng sản, tuy có
treo ảnh Mác và Lênin, có tuyên bố là phụng thờ các ông, nhưng thực chất không
làm theo học thuyết, không đi theo đường các ông đã vạch thì không thể nói là đảng
đó đang xây dựng chế độ theo học thuyết cộng sản. Dân Việt có câu: Treo đầu dê,
bán thịt chó, hoặc: Nói dzậy nhưng không phải dzậy.
Để
xem một nước có phải đang trên đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản theo CNML hay
không phải dựa vào những tiêu chí nào? Chủ nghĩa Mác bắt
đầu bằng kinh tế với phân tích sự chiếm hữu tư liệu sản xuất, với mâu thuẩn giữa
quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, với bóc lột và giá trị thặng dư, với đấu
tranh giai cấp, cách mạng vô sản. CNML dẫn đến chuyên chính vô sản thời kỳ
XHCN, rồi chế độ cộng sản với công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, với mọi
người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Thử hỏi bang Kerala đạt được những
thành tựu như đã mô tả là nhờ cái gì? Phải chăng là nhờ CNML hay thứ khác?
Liên hệ tình hình Việt Nam, trong vài bài trước đây
tôi có phân tích điều sau: ĐCSVN theo CNML. ĐCSVN đã lãnh đạo nhân dân làm chiến
tranh và thu chiến thắng. Nhưng kết luận nhờ CNML mà có chiến thắng lại sai, mắc
vào ngụy biện. Với bang Kerala cũng thế. Tôi chưa đến Karala, chưa có những
nghiên cứu kỹ về Karala. Những điều trình bày sau đây chủ yếu lấy thông tin từ
mạng Internet và do suy luận. Nếu có ai phát hiện ra tôi phạm sai lầm chỗ nào
xin được đối thoại.
Ở Ấn Độ có những đảng toàn quốc và đảng của các
bang. Cuộc bầu cử năm 2014 có 1766 đảng tham dự. Ở toàn quốc có 2 đảng cộng sản.
Ở các bang có nhiều đảng cộng sản khác. Bang Kerala theo chế độ dân chủ đại nghị với tam quyền
phân lập. Lập pháp có 1 viện, hiện tại ĐCS Kerala đang chiếm đa số.
Hành pháp có người đứng đầu là Thống đốc do Tổng thống chỉ định. Thống đốc cử
ra Chủ tịch bộ trưởng (Chief Minister) là đại diện của đảng đa số ở Nghị viện.
Tư pháp độc lập.
Từ 1957, Đảng Cộng sản Kerala chiếm đa số trong Nghị
viện. Lúc đó đảng do Namboodinpad lãnh đạo. Ông là một trí thức thuộc tầng lớp
tinh hoa. Ông lập ra đảng chính trị và lấy tên cộng sản là theo phong trào, lúc
đó Ấn Độ đang ngã mạnh về Liên Xô. Ngay từ đầu, đây là một đảng chính trị theo
xu hướng dân chủ. Tôi nghĩ rằng hiện tại Đảng cộng sản Kerala chỉ có cái tên là
cộng sản do lịch sử để lại còn thực chất đó không phải là một đảng cách mạng
theo mô hình của Lênin với đường lối đấu tranh giai cấp, với chủ trương chuyên
chính vô sản, với công hữu hóa tư liệu sản xuất. Đảng cộng sản Kerala vẫn giữ
được sự tín nhiệm cao của nhân dân thông qua bầu cử tự do vì họ không chủ
trương độc tài toàn trị, không dùng thủ đoạn dối trá trong tuyên truyền, không
dùng biện pháp khủng bố bất đồng chính kiến trong quản lý xã hội. Thực ra, nếu
họ có ý đồ dùng một trong các thủ đoạn trên thì đã sớm bị loại trong bầu cử tự
do. Không thấy nói họ đổi mới tư duy, hay chống diễn biến hòa bình ở đâu cả.
Kerala phát triển được tốt đẹp trước hết là nhờ dân
bầu ra được những người lãnh đạo thực sự tài năng từ trong tầng lớp tinh hoa, họ
đã tránh được những độc hại của CNML, nhờ đội ngũ doanh nhân tài giỏi, nhờ nhân
dân thực sự đoàn kết, hòa hợp chứ chẳng nhờ gì học thuyết cộng sản.
Xét như vậy để
thấy nói hoặc viết “Kerala là thiên đường cộng sản” là một sự nhầm lẫn lớn về
nhận thức. Thiên đường cộng sản chỉ là ảo tưởng. Cứ đi theo
con đường cộng sản với đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, độc tài đảng trị,
công hữu kinh tế, hạn chế tự do, bóp nghẹt nhân quyền thì chỉ có dắt dẫn nhau
xuống hố tai ương, hướng tới địa ngục chứ mơ gì đến thiên đường!
No comments:
Post a Comment