Sunday, 29 October 2017

CHIẾC XE NGỰA & ĐOÀN TÀU SIÊU TỐC (Nguyễn Quang Dy)




Nguyễn Quang Dy
Viet Studies  -  27/10/2017

“Giáo dục truyền thống thường dạy học sinh về một thế giới không còn tồn tại…Sau đây 30 năm, khuôn viên các trường đại học lớn sẽ là phế tích”. (Peter Drucker, 1997)

Đổi mới hệ điều hành
Lời tiên đoán táo bạo của Peter Drucker cách đây 20 năm liệu có trở thành sự thật? Thế giới Internet và IoT (Internet of Things), cùng với những thành tựu mới về sinh hóa (biochemistry) và vật lý lượng tử (quantum physics) như đoàn tầu siêu tốc (thế hệ 3.0) đang làm biến đổi diện mạo thế giới. Tuy nhiên thể chế chính trị và quản trị điều hành của Việt Nam vẫn theo hệ điều hành 1.0. Người Viêt vẫn đang tranh cãi về “đổi mới vòng hai” (Reform 2.0).

Tư duy truyền thống và phi truyền thống khác nhau như mặt trăng và mặt trời. Giao diện giữa hai loại tư duy đó giống như nguyệt thực và nhật thực. Mặt trăng tuy đẹp nhưng luôn bị mặt trời lấn át. Những người ở lâu trong hang tối thường dị ứng với mặt trời. Giải phóng con người khỏi hang động vô minh (như Plato nói) là một quá trình khó khăn và nguy hiểm. Khi phải hội nhập, thân thể họ phải ra khỏi hang, nhưng tư duy vẫn còn trong hang.

Lấy một ví dụ dễ hiểu. Việt Nam đã ngang nhiên cử mật vụ sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh làm Đức phẫn nộ vì hành động vi phạm chủ quyền và bất chấp luật quốc tế (chỉ thấy trong phim hành động thời chiến tranh lạnh). Trong khi người Đức hành xử như trong thời hậu chiến tranh lạnh (theo hệ điều hành 2.0) thì người Việt vẫn hành xử như thời chiến tranh lạnh và du kích (theo hệ điều hành 1.0). Việt Nam vừa bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vừa muốn EVFTA? Trong bối cảnh đó, hội nghị cấp cao APEC họp tại Đà Nẵng tháng 11/2017 có nhiều thách thức và bất cập. Việt Nam vừa vi phạm luật quốc tế và tiếp tục chống diễn biến hòa bình, vừa muốn đón Tổng thống Trump và tầu sân bay Mỹ? Nếu không đổi mới tư duy và hệ điều hành, thì làm sao Việt Nam có thể hội nhập quốc tế và “làm bạn với tất cả”?

Nguyên nhân tụt hậu
Ngày xưa, các chàng cao bồi Mỹ ở “Miền Tây Hoang dã” có thể cưỡi ngựa đuổi theo các đoàn tàu hơi nước (thế hệ 1.0) vì tốc độ ngang ngửa. Ngày nay, nếu giới nghiên cứu và quản trị điều hành định dùng xe ngựa truyền thống đuổi theo đoàn tàu siêu tốc (thế hệ 3.0) để kiểm soát nó thì thật khôi hài. Nếu định bắt tàu siêu tốc chạy chậm lại như bắt thế giới mạng phải ngoan ngoãn theo “đúng quy trình”, cũng thật hoang tưởng. Nếu định đón đầu chờ tại các ga xép để phạt đoàn tầu siêu tốc thì càng hồ đồ, vì nó không dừng tại các ga xép.

Khi đổi mới “vòng một” (Reform 1.0), Việt Nam bắt đầu có kinh tế thị trường, nhưng theo “định hướng XHCN” và tư duy “tịnh tiến” (gradualism), nên chưa phải là kinh tế thị trường đích thực, mà là kinh tế thị trường què quặt, méo mó. Đó là cuộc hôn phối giữa tư bản hoang dã (như loài lang sói ăn thịt lẫn nhau) và Chủ nghĩa Xã hội Thân hữu (như loài cá sấu không có nước mắt), đẻ ra những con quái vật “Tư bản đỏ” (như Frankenstein), là những nhóm lợi ích thân hữu, tuy khoác áo mũ XHCN nhưng lòng dạ tim gan là tư bản hoang dã.

Giáo sư Nhật Kenichi Ohno (GRIPS Institute) có lần kể rằng khi trở lại Việt Nam sau 5 năm, ông thấy các bạn Việt Nam vẫn đang say sưa tranh luận về những vấn đề của 5 năm trước. Nếu Kenichi Ohno trở lại sau 10 năm nữa thì chắc vẫn thấy như vậy. Nếu Việt Nam chưa chịu đổi mới thể chế và tư duy phát triển (theo hệ điều hành 1.0) thì nền kinh tế Việt Nam vẫn luẩn quẩn theo mô hình “không chịu phát triển” (như bà Chi Lan nhận xét). Việt Nam tụt hậu so với các nước láng giềng là điều tất yếu, không có gì ngạc nhiên. Muốn vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, chính phủ “kiến tạo” phải đột phá bằng đổi mới toàn diện.

Những bài học bất cập
Cách đây hơn 20 năm, Chương trình Việt Nam tại Harvard đã công phu nghiên cứu và soạn thảo cuốn sách (do David Dapice chủ biên) “Theo hướng Rồng bay” (On the Dragon’s Trail, David Dapice, 1994), đề xuất kế hoạch đổi mới kinh tế Việt Nam. Nhưng khi cuốn sách hoàn thành (sau mấy năm) thì thực tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nên một số nội dung trong sách không còn thích hợp nữa. Để cập nhật, Chương trình Việt Nam đã phải nghiên cứu và soạn thảo một tài liệu mới ngắn gọn hơn (cũng do David Dapice chủ biên) là “Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Nam Á và tương lai Việt Nam” (Choosing Success: The lessons of East and Southeast Asia and Vietnam’s Future, Harvard University Press, 2008).

Một ví dụ khác là “Báo cáo Việt Nam 2035” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Thế giới chủ trì (Vietnam 2035: Toward Prosperity, Criativity, Equity, and Democracy, MPI & World Bank, February 2016). Đó là một báo cáo quan trọng đề xuất đổi mới toàn diện, được nghiên cứu và soạn thảo công phu, nhiều năm mới xong. Nhưng khi hoàn thành thì thực tế Việt Nam cũng đã thay đổi nhiều. Nếu không cập nhật và bổ xung kịp thời thì một số nội dung trong báo cáo quan trọng đó có thể không còn thích hợp với thực tế mới.  

Dù các công trình nghiên cứu có hay đến mấy, nhưng nếu các nhà quản trị điều hành đất nước và doanh nghiệp không chịu đổi mới tư duy và thể chế để đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế cuộc sống đang “diễn biến” nhanh đến chóng mặt, thì cũng giống như câu chuyện chiếc xe ngựa truyền thống vẫn vô vọng đuổi theo đoàn tàu siêu tốc (thế hệ 3.0). Sự bất cập về tư duy và hệ điều hành, cũng như vận tốc chuyển đổi, có thể làm cho thể chế chính trị và quản trị điều hành trở nên lỗi thời và vô dụng như “phế tích” (Peter Drucker).

Một thế giới khác
Hiện tượng Brexitism tại Anh và Trumpism tại Mỹ đang làm đảo điên thế giới, phản ánh thoái trào của toàn cầu hóa, trước sự trỗi dậy của xu hướng biệt lập, chủ nghĩa dân tộc và dân túy (Populism). Thắng lợi của Donald Trump là thất bại của giới chính trị tinh hoa (elite) và giới nghiên cứu đã bị bất ngờ và hẫng hụt, không dự báo được biến chuyển của thời cuộc. Hệ thống quyền lực chính thống (mainstream) của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã thất bại vì không nắm bắt được biến chuyển và đáp ứng tâm trạng bức xúc của cử tri.    

Trong kinh tế thị trường, cạnh tranh (lành mạnh) là quy luật phát triển và đào thải. Lấy một giai thoại vui để minh họa. Hai người thợ săn vào rừng, bị một con gấu to đuổi, phải chạy mất dép để thoát thân. Chạy một lúc mệt quá, người thợ săn thứ nhất nói “tôi không thể chạy nhanh hơn con gấu được nữa”. Người thợ săn thứ hai nói, “tôi không cần chạy nhanh hơn con gấu, mà chỉ cần chạy nhanh hơn bạn”. Trong cạnh tranh, nếu bạn không khỏe và chạy nhanh, thì dễ bị kẻ khác “ăn thịt”. Khoảng 200.000 doanh nghiệp Việt (bằng 30% tổng số cả nước) đã bị phá sản hay “chết lâm sàng”, chắc do chưa hiểu con gấu kinh tế thị trường. Nhiều doanh nghiệp sống sót là do nhà nước cứu trợ, chỉ có một số tự thân thoát hiểm. Nếu các doanh nghiệp vẫn ỷ vào nhà nước mà không có nội lực, họ sẽ chết tiếp khi hội nhập quốc tế.

Trong khi thực tế cuộc sống thay đổi quá nhanh, thì tư duy nghiên cứu và quản trị điều hành thay đổi quá chậm. Tuy chính phủ cũng bắt đầu nói đến cách mạng công nghệ 4.0 (nhưng chưa chắc đã hiểu) thì một số xí nghiệp ở Việt Nam đã bắt đầu dùng người máy thay thế công nhân. Nếu vẫn tư duy theo hệ điều hành 1.0, thì giới chủ và công đoàn sẽ làm thế nào với đội ngũ công nhân thế hệ 4.0 với “trí tuệ nhân tạo” (artificial intelligence).  

Nghịch lý và bi kịch
Nếu chịu khó quan sát thì người ta sẽ thấy một thực tế đáng buồn là đa số người Việt thường mắc bệnh cực đoan. Những người cộng sản cực đoan và những người chống cộng cực đoan tuy đối địch, nhưng lại rất giống nhau. Vì cực đoan nên họ không chịu lắng nghe ý kiến khác biệt để hiểu và chấp nhận người khác (inclusive) mà chỉ muốn khẳng định mình và phủ định người khác (exclusive). Vì cực đoan nên họ hay định kiến và bảo thủ, dẫn đến ngộ nhận và nhầm lẫn. Căn bệnh nguy hiểm đó là một nghịch lý và bi kịch của dân tộc.

Vì nhiều lý do, những người ôn hòa (và ý kiến ôn hòa) thường là thiểu số, dễ bị những người cực đoan (của cả hai phía) phê phán và đả kích (như “ném đá”) vì không giống họ. Những người ủng hộ tự do dân chủ một cách ôn hòa thường bị những người cộng sản cực đoan quy là “diễn biến hòa bình” hay “phản động”, trong khi lại bị những người chống cộng cực đoan quy là “tay sai cộng sản” hay “nằm vùng”. Trong tư duy của những người cực đoan, họ thường không muốn chấp nhận sự đa dạng và hòa giải, mà chỉ muốn “có tao thì không có mày”. Đó là hệ quả của đấu tranh giai cấp đầy bạo lực và nội chiến kéo dài đầy thù hận. 

Tôi ngờ rằng căn bệnh nan y này đã lây lan và di căn đến nhiều bộ phận, kể cả lĩnh vực nghiên cứu và quản trị điều hành. Cần phải nói ngay rằng nghiên cứu khác với tuyên truyền, nghiên cứu độc lập khác với nghiên cứu có định hướng, và báo chí chuyên nghiệp khác với tuyên truyền. Nhưng đáng tiếc là nhiều người thường ngộ nhận và lẫn lộn, thậm chí còn sử dụng “dư luận viên” để phản biện về nghiên cứu và học thuật. Điều đó không chỉ làm sai lạc thông tin (như “ông nói gà, bà nói vịt”) mà còn phản tác dụng (như “lấy đá ghè chân mình”). Lúc này mà vẫn tuyên truyền “chống diễn biến hòa bình” (tư duy 1.0) thì chẳng khác gì tiếp tay cho Trung Quốc, làm phương hại đến lợi ích quốc gia và công tác đối ngoại.      

Vài lời cuối
Xét cho cùng, muốn đổi mới tư duy và thể chế để quản trị và điều hành hiệu quả hơn, người ta phải thay đổi hệ quy chiếu và văn hóa tư tưởng. Bạn muốn cực đoan hay ôn hòa, bảo thủ hay cải cách, thù hận hay hòa giải, bạo lực hay bất bạo lực, truyền thống hay phi truyền thống, độc tài hay dân chủ?... Bạn muốn giáo dục nhồi sọ và vâng lời để làm công cụ cho thể chế, hay khai trí và khai phóng để đổi mới và kiến tạo đất nước? Tư tưởng cách mạng của cụ Phan Chu Trinh đề xuất (cách đây một thế kỷ) là “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh” đến nay vẫn chưa đạt được, trong khi đoàn tầu quốc gia vẫn ỳ ạch, trật bánh, và tụt hậu.

Hệ thống quyền lực quốc gia và trật tự thế giới đang bị khủng hoảng. Không phải chỉ có nước Anh hay Mỹ, nước Pháp hay Canada, mà cả thế giới đang phải đối mặt với những thách thức mới khó lường. Đây là một cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế toàn cầu, làm cho cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thất bại trước Donald Trump (một lái buôn), và các đảng cánh tả và cánh hữu lớn ở Pháp thất bại trước Emmanual Macron (thiếu kinh nghiệm).

Thế giới thay đổi quá nhanh và quá nhiều, nhưng tư duy và thể chế thay đổi quá chậm và quá ít. Để hiểu rõ hơn, có lẽ cần đọc kỹ cuốn “Sự Kết thúc của Quyền lưc” (The End of Power, Moises Naim, Basic Books, 2013). Tuy nhiên, đừng hy vọng là Tập Cận Bình sẽ nhẹ tay tại Biển Đông (sau Đại hội Đảng 19). Dù “hoàng đế trầm lặng” đã chọn được người kế vị là Chen Miner (Trần Mẫn Nhĩ) thì cái bóng của ông ta vẫn bao trùm ít nhất mười năm nữa vì không có đối thủ. (Xi Jinping Has Quietly Chosen His Own Successor, Andre Lungu, Foreign Policy, October 20, 2017). Tập và “Giấc mộng Trung Hoa” tiếp tục là nỗi ám ảnh không những của các nước láng giềng mà còn cả thế giới. Nhưng quyền lực tuyệt đối cũng có thể là “màn kết thúc” (End Game) của “trò chơi quyền lực” (Game of Thrones) không có hậu. 

NQD. 27/10/2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats