Sunday, 29 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BẢY 28/10/ 2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh cảnh báo Bình Nhưỡng về nguy cơ nơi thử hạt nhân bị sụp

Các chuyên gia địa chất Trung Quốc vừa cảnh báo các đồng nghiệp Bắc Triều Tiên về nguy cơ khu vực gần biên giới Trung Quốc mà Bình Nhưỡng đã chọn để thử nghiệm hạt nhân bị sụp đổ với hệ quả thảm khốc. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 28/10/2017, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa Chất và Địa Vật Lý Trung Quốc đã trực tiếp chuyển lời cảnh báo trên cho một phái đoàn Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh vào cuối tháng 9.

Theo các khoa học gia Trung Quốc, vùng núi Punggye Ri cách biên giới Trung Quốc khoảng 80 km, nơi Bắc Triều Tiên đã xây dựng cơ sở thử nghiệm hạt nhân sâu dưới lòng đất, có nguy cơ bị sụp xuống do các vụ nổ liên tiếp.

Sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đã cho nổ một quả bom khinh khí tại cơ sở Punggye-ri vào ngày 03/09, một nhà khoa học hạt nhân kỳ cựu của Trung Quốc đã báo động rằng các vụ thử nghiệm trong tương lai tại cơ sở đó có thể thổi bay đỉnh núi và gây nên sụp đổ nghiêm trọng.

Không biết có phải vì những lời cảnh cáo trên đây hay không, mà hai ngày sau cuộc gặp của giới khoa học Trung-Triều tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã bất ngờ thông báo trước Liên Hiệp Quốc là Bình Nhưỡng có thể cho nổ một quả bom hydro « mạnh nhất » trên Thái Bình Dương, tức là ngoài trời chứ không phải dưới lòng đất như trước.

Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mới đây của Bắc Triều Tiên được ước tính có sức công phá lớn hơn toàn bộ 5 vụ nổ nguyên tử trước đó. Sau vụ thử, nhiều trận động đất và sạt lở đất đã xảy ra ở nơi thử nghiệm, khiến nền đất ở khu vực này trở nên cực kỳ thiếu vững chắc.

Một số nhà khoa học Trung Quốc cho biết nguy cơ cả ngọn núi bị sụp xuống hiện lớn hơn bao giờ hết. Điều đáng sợ là nguy cơ chất phóng xạ rò rỉ và bay qua biên giới, gây hại cho Trung Quốc.

Đối với các chuyên gia Trung Quốc, nếu muốn tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên phải tìm một địa điểm mới, khác với dãy núi Punggye Ri. - RFI
|
|
2.
Bộ Ngoại giao Mỹ định danh các thực thể Nga theo luật chế tài mới

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu định danh 39 thực thể liên quan đến ngành quốc phòng và tình báo của Nga theo một luật chế tài mới. Hành động thi hành này trễ so với thời hạn được ấn định sau khi luật được Quốc hội thông qua với tỉ lệ áp đảo.

Luật này, được Tổng thống Donald Trump ký vào ngày 2 tháng 8, đòi hỏi áp đặt chế tài lên những cá nhân tham gia vào "một giao dịch đáng kể" với các thực thể này của Nga.

Các hành động ngày thứ Sáu tự thân nó không áp đặt các chế tài mới, và quyết định sẽ được đưa ra dựa trên từng trường hợp cụ thể, các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết.

Các nhà lập pháp của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều phàn nàn rằng ông Trump đã trễ nải trong việc thi hành luật này, đòi hỏi đưa ra danh sách những thực thể Nga trước ngày 1 tháng 10.

Danh sách này bao gồm các công ty sản xuất vũ khí lớn của Nga cũng như Rosoboronexport, công ty xuất khẩu vũ khí của nhà nước Nga. Cũng được nêu tên là Trung tâm Công nghệ Đặc biệt ở St Petersburg, vốn bị cựu Tổng thống Barack Obama chế tài vào tháng 12 năm ngoái, nói rằng nó đóng một vai trò trong việc Moscow tấn công tin tặc và những sự can thiệp khác trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Nga đã phủ nhận sự can thiệp như vậy.

Các quan chức Bộ Ngoại giao, báo cáo cho các phóng viên trong điều kiện ẩn danh, nói rằng chính quyền Trump sẽ xúc tiến một cách thận trọng trong việc áp đặt chế tài và đối phó với các vấn đề như các đồng minh của Mỹ mua vũ khí của Nga hoặc phụ tùng thay thế.

Chỉ dẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm thứ Sáu nói rằng để xác định liệu một giao dịch có "đáng kể" hay không, các quan chức sẽ cân nhắc tác động của nó đối với an ninh quốc gia của Mỹ; quy mô và phạm vi của nó; và tầm quan trọng của giao dịch đó đối với ngành quốc phòng và tình báo của Nga.

Luật đòi hỏi ông Trump phải áp đặt chế tài trước ngày 29 tháng 1 đối với các giao dịch thỏa mãn định nghĩa và diễn ra sau khi ông ký ban hành luật vào tháng 8. - VOA
|
|
3.
Lãnh đạo Catalonia bị truất quyền tuyên bố tiếp tục đấu tranh vì độc lập

Tổng thống xứ Catalonia bị truất quyền, Carles Puigdemont, hôm thứ Bảy tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì độc lập sau khi chính phủ Tây Ban Nha ra lệnh cho ông chấp nhận việc bãi nhiệm nội các của ông.

Xứ Catalonia của Tây Ban Nha, từng được hưởng quyền tự trị đáng kể, giờ chịu sự cai trị trực tiếp của Madrid.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy giải tán nghị viện Catalonia vài giờ sau khi nghị viện khu vực biểu quyết ủng hộ độc lập khỏi Tây Ban Nha hôm thứ Sáu.

Ngoài việc giải tán nghị viện khu vực, ông Rajoy cũng kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử chóng vánh tại Catalonia vào ngày 21 tháng 12 và đã sa thải các quan chức cảnh sát cao cấp của Catalonia.

Trong một tuyên bố được thu từ trước, ông Puigdemont nói ông sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng một đất nước tự do và chỉ có nghị viện khu vực mới có thẩm quyền giải tán chính phủ Catalonia.

"Ý chí của chúng ta là tiếp tục nỗ lực để đáp ứng những thẩm quyền dân chủ và đồng thời tìm kiếm sự ổn định và yên bình tối đa," ông nói.

Íñigo Méndez de Vigo, phát ngôn viên của chính phủ Tây Ban Nha, nói ông Puigdemont và tất cả các nhà lãnh đạo khác của Catalonia sẽ hội đủ điều kiện để tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 12 năm nay.

"Chúng tôi đang trao tiếng nói cho người dân Catalonia trong một cuộc bầu cử hợp pháp và tự do, chứ không phải cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý ngoài luật pháp," ông nói. "Vì vậy, đây là cách nói với người dân Catalonia rằng, nếu bạn muốn bỏ phiếu, bạn có quyền bỏ phiếu, hãy làm điều đó theo các điều kiện của luật pháp và một cách tự do."

Nghị viện Catalonia biểu quyết ủng hộ độc lập khỏi Tây Ban Nha hôm thứ Sáu, một hành động khơi lên cảm xúc hân hoan và hoạt động ăn mừng bên trong và bên ngoài nghị trường.

Thượng viện Tây Ban Nha đáp lại bước đi này của Catalonia bằng cách phê chuẩn áp dụng Điều 155 hiến pháp, chính thức cho phép chính quyền trung ương đình chỉ chính quyền khu vực và áp đặt nền cai trị trực tiếp. - VOA
|
|
4.
Mattis nói Mỹ không thể chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Ông Jim Mattis hôm thứ Bảy tại Seoul nói rằng các chương trình phát triển hạt nhân và phi đạn quyết liệt của Triều Tiên đang làm suy yếu an ninh của quốc gia bị cô lập này thay vì bảo đảm nó.

Ông Mattis cảnh báo Triều Tiên rằng quân đội của nước này không địch lại với sức mạnh quân sự của liên minh Mỹ và Hàn Quốc.

"Đừng lầm tưởng," ông Mattis nói, "bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ hoặc các đồng minh của chúng tôi sẽ bị đánh bại và bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của miền Bắc cũng sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng quân sự ồ ạt vừa hữu hiệu lại vừa áp đảo."

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ một lần nữa nhắc lại điều mà ông đã nói suốt tuần trong chuyến công du Châu Á của ông rằng ngoại giao là phương sách được ưu tiên để đối phó với Triều Tiên.

Ông Mattis và Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã tổ chức các cuộc tham vấn hàng năm với các quan chức quốc phòng Hàn Quốc hôm thứ Bảy, đánh dấu lần đầu tiên Hội nghị Tham vấn An ninh được tổ chức kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Hôm thứ Sáu, ông Mattis hội kiến Tổng thống Moon và nói chuyện với các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tại "làng đình chiến" Panmunjom, nơi Hàn Quốc tiếp giáp Triều Tiên.

Chuyến đi Châu Á của ông Mattis bao gồm các điểm dừng chân ở Thái Lan và Philippines. - VOA
|
|
5.
Khi ngoại giao TQ 'thắng' cả phán tòa quốc tế

Hành xử của Trung Quốc sau khi thua kiện Philippines ở tòa án quốc tế (PCA) liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước đang đặt ra câu hỏi liệu ngoại giao của một nước lớn có thể thay thế được một phán quyết của luật pháp quốc tế gây bất lợi cho họ, một nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học SOAS, Anh nói với BBC hạ tuần tháng này.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề một hội thảo về xung đột Biển Đông và giải pháp mới tại một đại học ở Oxford hôm 20/10/2017, Tiến sỹ Yuka Kobayashi, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Quốc học, Trung tâm Đông Á và Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học phương Đông và châu Phi học (SOAS), trước hết nêu quan điểm về vấn đề Biển Đông:

"Tôi nghĩ tranh chấp Biển Đông là thứ gì đó là xung đột khu vực nhưng lại có tác động toàn cầu," bà Kobayashi nói, trong lúc trả lời câu hỏi vì sao giới nghiên cứu quốc tế quan tâm tới xung đột ở khu vực này.

Dẫn ra ví dụ về vụ kiện của Philippines và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) xử Philippines thắng kiện Trung Quốc hơn một năm về trước và diễn biến hậu vụ kiện hiện nay nhất là với xử lý của Trung Quốc, bên thua kiện, trong quan hệ với Philippines, bên thắng kiện, Tiến sỹ Kobayashi nhận xét:

"Phán quyết trong vụ việc xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines liên quan hai quốc gia, nhưng là những nước rất quan trọng ở khu vực, cũng như trên toàn cầu và kết quả khá thú vị nếu quí vị nhìn vào đó theo ý nghĩa phán quyết đã đặt Trung Quốc vào phía rất bất lợi.

"Tuy nhiên, Trung Quốc đã có thể vượt qua điều đó bằng ngoại giao, do đó điều này đặt ra một câu hỏi lôgíc với quốc tế về trung gian trọng tài của Tòa án quốc tế là gì, tính hữu ích của Công ước Quốc tế về Luật Biển là thế nào, nếu ngoại giao lại có tác dụng hơn là luật pháp?"

Biển Đông với 'Vành đai, Con đường'

Bình luận về thực chất chiến lược và tham vọng mà Trung Quốc muốn thực thi ở khu vực và quốc tế, thông qua sáng kiến 'một vành đai, một con đường', qua việc tự tuyên bố một 'bản đồ đường chín đoạn' gây tranh cãi ở khu vực Biển Đông đang có xung đột, tranh chấp, bên cạnh nhiều bước đi chiến lược khác, nhà nghiên cứu người Nhật Bản đang làm việc cho Đại học SOAS của Anh quốc, nói:

"Tôi nghĩ hiện đang ở trong một vị trí rất thú vị, nhất là trong diễn biến tháng này [Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19], do đó nếu quí vị nhìn vào vị trí mà họ đang có hiện nay, dân số 1,3 tỷ người.

"Về cơ bản phải nuôi sống số dân đó và một số trong số đó vẫn còn sống ở dưới ngưỡng nghèo khó và nếu quí vị nhìn vào thời điểm rất thú vị về mặt kinh tế mà Trung Quốc đang thực sự có, vượt trên khả năng của họ, thì làm thế nào? Do vậy, để có được một lối ra cho những vấn đề như vậy, vươn ra bên ngoài biên giới, là điều mà Trung Quốc thực sự rất quan tâm.

"Do đó sáng kiến 'một vành đai, một con đường' là một chiến lược thực sự là rất then chốt để giúp Trung Quốc để tiếp tục phát triển và đạt được sự phát triển kinh tế cao như thế này và vì điều đó, vùng châu Á, Biển Đông là then chốt về mặt ý nghĩa, chúng ta đã biết là sáng kiến 'nhất đới, nhất lộ' được tạo thành từ kinh tế của vành đai và cũng của kinh tế của đường hàng hải.

"Và đường hàng hải có ý nghĩa rất nhiều là Biển Đông và đó là ý nghĩa rất then chốt để đảm bảo sự thành công của sáng kiến 'một vành đai, một con đường' và việc Trung Quốc sẽ chơi các quân bài như thế nào ở đó sẽ là rất then chốt cho sự phát triển của Trung Quốc và cũng của khu vực, bởi vì sự tương thuộc là rất quan trọng giữa hai điều đó," nhà nghiên cứu nói với Quốc Phương của BBC từ Oxford.

Tiến sỹ Yuka Kobayashi, người tốt nghiệp Đại học Kyoto, Nhật Bản, từng giảng dạy về Chính trị Quốc tế và là nhà nghiên cứu ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc.

Trước khi làm việc cho Đại học SOAH, bà có thời gian là nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, nơi bà đã lấy bằng Tiến sỹ. Các lĩnh vực nghiên cứu của Kobayashi bao gồm quan hệ quốc tế và luật của Trung Quốc, chính trị và quan hệ quốc tế ở Đông Á cũng như luật quốc tế. - BBC
|
|
6.
Giấc mơ Trung Hoa, ác mộng thế giới

Tác giả Christian Makarian trên L’Express tuần này khi viết về Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 đã nhận định « Giấc mơ Trung Hoa, ác mộng cho thế giới ». Bài viết mô tả, hàng ngàn đại biểu Đảng bỗng xuất hiện như từ trong quá khứ, với những nụ cười giả tạo và cờ đỏ rợp trời, chẳng khác nào thời kỳ chủ nghĩa cộng sản làm mưa làm gió.

Trong khung cảnh hoành tráng này, vẫn phải đặt ra câu hỏi về tương lai của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc « sẽ có một chỗ đứng trung tâm trên trường quốc tế ».

Không ai nghi ngờ về điều đó, nhưng tất cả vấn đề đều nằm ở đây. Với dân số 1,4 tỉ người, sự « thành công » của Trung Quốc có liên quan đến toàn thế giới. Tập Cận Bình đã tuyên bố trước các đồng chí đang đứng im phăng phắc như tượng: « Chúng ta ngày nay có khả năng hơn bao giờ hết để thực hiện mục tiêu đại phục hưng quốc gia ».

Phục hưng đại quốc như thế nào ? Bắt đầu bằng « Kiên quyết phản đối mọi lời nói và hành động nhằm đặt lại vấn đề, bóp méo hoặc chối bỏ hệ thống chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Tiếp theo là đưa trên 80 triệu người nghèo bước vào giai cấp trung lưu ngay từ đầu thập niên tới. Cuối cùng, từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, « Giấc mơ Trung Hoa » là trở thành một người khổng lồ trên mọi mặt.

Tập Cận Bình thậm chí còn dùng ngôn ngữ của một thủ lãnh chiến tranh, nhấn mạnh « Quân đội khi vào trận là phải chiến thắng ». Hướng về chính quyền Đài Loan và phe đòi độc lập ở Hồng Kông, người đứng đầu Trung Quốc vừa đe nẹt vừa chiêu dụ.

Tăng cường quyền lực cá nhân, cường điệu chủ nghĩa dân tộc, sùng bái lãnh tụ quá trớn…chế độ Bắc Kinh hứa hẹn là một mối đe dọa. Trong khi Donald Trump, Brexit, khủng hoảng Catalunya… đang gây quan ngại, thì một mối lo khác bỗng xuất hiện, bao trùm lên tất cả. Trong khi những nền dân chủ ngày càng gặp khó khăn, thì Bắc Kinh dấn những bước mạnh mẽ.

L’Express cho rằng, việc Tập Cận Bình xử sự như một Mao Trạch Đông mới là rất nguy hiểm cho sự thăng bằng trên thế giới. Bởi vì nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của năm 2017 hoàn toàn không giống chút nào với đất nước nghèo khổ của thời Sách Đỏ, mà là động lực phát triển của thế giới. Nhưng người đứng đầu cường quốc khổng lồ này lại là người quảng bá cho chủ nghĩa toàn trị. Bắc Kinh không ngại ngần đề cao trở lại quan niệm của đế chế Trung Hoa xưa, « Trung Quốc là cái rốn của vũ trụ, là toàn thể diện tích dưới bầu trời ».

Chống Tập Cận Bình là chống Đảng !

Trong bài « Sự phong thánh cho Tập Cận Bình », tuần báo The Economist đánh giá việc ghi « Tư tưởng Tập Cận Bình » vào Điều lệ Đảng đã giúp củng cố quyền lực của ông Tập không chỉ một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà là suốt đời. Tập Cận Bình nay ngang hàng với Mao Trạch Đông, một vinh dự mà những người tiền nhiệm không có được.

Cá nhân ông Tập đã được đồng hóa với Đảng, chống Tập Cận Bình là chống Đảng ! Điều này có nguy cơ khiến cấp dưới chỉ nói với ông Tập những gì ông ta muốn nghe mà thôi, và như vậy có thể dẫn đến các quyết định tồi tệ.

Một số người cho rằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng không làm tăng nhiều quyền lực cho Tập, vì người cộng sản dù sao cũng phải tuân lệnh Đảng. Không có « Tư tưởng Đặng Tiểu Bình », nhưng ảnh hưởng ông Đặng vẫn rất lớn. Đưa được tên mình vào Điều lệ, có lẽ giúp sức cho ông Tập trong trận đấu sắp tới, hơn là mang ý nghĩa ông đã thắng được cuộc chiến.

Theo The Economist, thoạt nhìn vào danh sách các ủy viên thường trực Bộ Chính trị thì có thể nghĩ như thế. Chỉ có một trong số năm ủy viên mới là thân cận với Tập Cận Bình, bốn người còn lại được cho là thuộc các phe nhóm khác. Còn Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập thì về hưu.

4/5 ủy viên thường vụ mới thuộc các phe nhóm khác

Hai ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) và Uông Dương (Wang Yang) thuộc cánh Đoàn Thanh niên Cộng sản của ông Hồ Cẩm Đào. Hai tân ủy viên khác thuộc phe Giang Trạch Dân – tổng bí thư 1989-2002, nguyên bí thư Thượng Hải. Đó là Hàn Chính (Han Zheng), bí thư Thượng Hải hiện nay và Vương Hộ Ninh (Wang Huning), người viết diễn văn cho ông Tập. Vương Hộ Ninh còn là « quân sư », không chỉ cho « Tư tưởng Tập Cận Bình » mà cả « Thuyết Ba đại diện » của Giang Trạch Dân và « Quan điểm Phát triển Khoa học » của Hồ Cẩm Đào.

Ông Vương sẽ trở thành trưởng ban tuyên huấn đầu tiên từng học ở Mỹ (đại học Berkeley). Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), người sẽ phụ trách chống tham nhũng, thuộc nhóm nào không rõ. Chỉ có Lật Chiến Thư là người gần gũi với ông Tập. Hai ông gặp nhau hồi thập niên 80, lúc cùng công tác ở tỉnh Hà Bắc. Trước khi trở thành tổng bí thư năm 2012, ông Tập đến thăm Quý Châu, nơi Lật Chiến Thư làm bí thư, và trở nên thân thiết từ lúc đó.

Như vậy, về thành phần Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất, Tập Cận Bình đã nhượng bộ các phe đối địch ? Không đơn giản như thế, vì trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập đã dựng lên hệ thống « các nhóm chỉ đạo nhỏ ». Trên thực tế, Tập Cận Bình lãnh đạo thông qua các nhóm này, làm giảm bớt quyền hạn của Ban Thường vụ. Bốn ủy viên thường vụ mới là thành viên của các nhóm chỉ đạo này, có lẽ họ đã chịu ơn mưa móc của ông.

Áp đảo ở Bộ Chính trị, nhưng không chỉ định người kế nhiệm

Ở hàng thấp hơn, ảnh hưởng Tập Cận Bình rất rõ nét. Hơn phân nửa trong số 18 ủy viên còn lại của Bộ Chính trị là người của ông Tập, kể cả hai tân ủy viên là Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh và Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), bí thư Trùng Khánh.

Đáng chú ý nhất là sự thiếu vắng người kế nhiệm. Là chủ tịch nước, Tập Cận Bình chỉ có thể làm hai nhiệm kỳ, cho đến năm 2023. Chức tổng bí thư thì không có quy định cụ thể, nhưng theo thông lệ cũng chỉ hai nhiệm kỳ, kết thúc vào năm 2022. Trong Đại hội Đảng 19, người ta hy vọng có được dấu hiệu về một khuôn mặt sẽ nối ngôi. Một nhân vật như thế phải tương đối trẻ để lãnh đạo Đảng đến tận năm 2032, tức là không thể sinh trước năm 1960. Nhưng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, người trẻ nhất là Triệu Lạc Tế sinh năm 1957.

Tập Cận Bình vẫn có thể chỉ định người kế vị trong những năm tới, nhưng hiện nay không có ai trong danh sách chờ. Ông Tập đang một mình một chợ, và có thể tự ý quyết định ở lại tiếp, sau 2022.

Lên ngang hàng với Mao, Tập Cận Bình có quyền lực trọn đời

Với tên tuổi được ghi trong Điều lệ Đảng, Tập Cận Bình sẽ là người có tiếng nói quyết định cuối cùng, dù có đang tại vị hay không. Cùng với Mác, Lênin, Mao và Đặng, nay Tập cũng ngang hàng với những ông tổ cộng sản ; quyền lực ông không chỉ kéo dài thêm 5 năm mà là trọn đời.

« Tư tưởng Tập Cận Bình » là một sự cập nhật luận thuyết của Đặng Tiểu Bình, mang tên « Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Nhưng rõ ràng là Tập trái ngược hẳn với Đặng.

Năm 1980, Đặng Tiểu Bình lập luận rằng Trung Quốc phải được lãnh đạo tập thể, rằng tập trung quá nhiều quyền hành vào tay một con người là không tốt cho đất nước, và Đảng cần phải quy hoạch trước các lãnh đạo tương lai. Ông Đặng cũng quy định ủy viên Bộ Chính trị không thể ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nếu đã 68 tuổi. Về đối ngoại, Đặng Tiểu Bình chủ trương không phô trương, mà phải giấu kỹ thực lực, ẩn nhẫn chờ thời.

Tất cả những quan điểm trên nay đã bị xếp xó. Một bài bình luận trên Nhân Dân Nhật Báo nói rằng « Tư tưởng Tập Cận Bình » xứng đáng có được « sự chú ý của toàn thế giới »,còn Tân Hoa Xã so sánh sức mạnh của « Tư tưởng Tập Cận Bình » với « các nền dân chủ đang lung lay ».

Ông Tập đã đưa ra một số chỉ dấu cho thấy nhiệm kỳ sắp tới của ông sẽ khác nhiệm kỳ đầu. Ông dõng dạc tuyên bố trong Đại Hội : « Chính quyền, quân đội, xã hội, trường học, đông tây nam bắc, Đảng lãnh đạo tất cả!” - RFI
|
|
7.
Campuchia trục xuất 61 nghi can lừa đảo viễn thông

Cảnh sát Campuchia hôm thứ Bảy đã trục xuất 61 công dân Trung Quốc bị truy nã ở Trung Quốc vì nghi ngờ tống tiến qua điện thoại và Internet, theo lời cảnh sát, nhưng Đài Loan nói 19 người là công dân Đài Loan.

Hàng trăm người bị tình nghi là những kẻ lừa đảo đã bị bắt giữ ở Campuchia, nơi mà gần đây nổi lên như một trung tâm lớn của hoạt động lừa đảo tống tiền khiến các nạn nhân mất hàng tỉ đôla.

Những hình ảnh gửi cho hãng tin Reuters hôm thứ Bảy cho thấy những người tình nghi mặc áo khoác da cam bị trói ở cổ tay trước khi bị trục xuất.

Uk Heisela, trưởng điều tra tại cục xuất nhập cảnh Campuchia, cho biết cảnh sát Trung Quốc đã tới để dẫn các nghi phạm đi.

"Cục xuất nhập cảnh đã trục xuất 61 nghi can, trong đó có 13 phụ nữ, dính líu đến những vụ tống tiền trên Internet," Uk Heisela nói với Reuters.

Uk Heisela nói rằng những người này bị câu lưu trong các cuộc đột kích vào ngày 17 và 21 tháng 10 ở thủ đô Phnom Penh, và tại các tỉnh Kandal và Preah Sihanouk.

Chính phủ Đài Loan cho biết 19 người trong số này đến từ Đài Loan, và họ đã đệ trình công hàm phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc về các vụ trục xuất.

Đài Loan không hài lòng về chuyện các nghi phạm tống tiền người Đài Loan từng bị trục xuất sang Trung Quốc trong quá khứ và cáo buộc Phnom Penh hành động theo chỉ thị của Bắc Kinh.

Trung Quốc xem hòn đảo tự trị Đài Loan là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình và Campuchia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Trump chấp thuận cho công bố hết hồ sơ về vụ ám sát Kennedy

Tổng thống Donald Trump cuối ngày thứ Sáu nói rằng ông đã ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ liên quan tới vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.

Trong một dòng tweet tổng thống nói: "Sau khi tham vấn nghiêm ngặt với Tướng Kelly, CIA và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố TẤT CẢ các hồ sơ JFK ngoại trừ tên và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống." Ông nói tiếp rằng ông thực hiện hành động này "vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào."

Ông Trump lúc đầu ra lệnh hôm thứ Năm rằng hàng trăm hồ sơ vẫn sẽ được giữ bí mật, ít nhất là tạm thời, vì lợi ích an ninh quốc gia.

Ông nói tạm thời "không tiết lộ công khai" các tài liệu còn lại là "cần thiết để bảo vệ khỏi những tổn hại đối với phòng thủ quân sự, các hoạt động tình báo, thực thi pháp luật hoặc việc tiến hành các quan hệ đối ngoại có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với lợi ích của công chúng trong việc công khai ngay lập tức."

Phần lớn mối quan tâm học thuật về vụ ám sát tập trung vào các hồ sơ liên quan tới chuyến đi của kẻ ám sát ông Kennedy, Lee Harvey Oswald, tới Mexico hai tháng trước chuyến thăm của tổng thống tới thành phố Dallas vào ngày 22 tháng 11 năm 1963.

Một quan chức Nhà Trắng họp báo với các phóng viên từ chối để ý tới câu hỏi của phóng viên về những hồ sơ Mexico City.

Tranh cãi và các thuyết âm mưu nảy sinh mấy ngày sau vụ ám sát. Chưa đầy một tuần sau cái chết của ông Kennedy, Tổng thống Lyndon B. Johnson bổ nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Sau cuộc điều tra kéo dài 10 tháng, Ủy ban Warren công bố một báo cáo dài 888 trang kết luận rằng Oswald đã hành động một mình để ám sát Kennedy, và rằng chủ hộp đêm địa phương Jack Ruby cũng đã hành động đơn độc khi nổ súng bắn chết Oswald hai ngày sau đó, trong lúc kẻ ám sát đang bị cảnh sát giải đi.

Đại đa số các tài liệu liên quan đến vụ ám sát đã đã được công khai cho công chúng tiếp cận từ nhiều thập kỷ nay.

Những hồ sơ được công bố hôm thứ Năm bao gồm hơn 5 triệu trang hồ sơ bị giữ lại theo Đạo luật Hồ sơ JFK, một số vì các lý do an ninh quốc gia và một số khác vì chúng được coi là không liên quan đến cuộc điều tra.

Việc công bố những hồ sơ cuối cùng dường như khó lòng thỏa mãn được những người tin vào thuyết âm mưu trưởng thành quanh cái chết của ông Kennedy.

Một cuộc thăm dò dư luận của Gallup năm 2013 cho thấy phần lớn người Mỹ tin rằng có những người khác ngoài Oswald tham gia trong vụ ám sát.

Nhiều trong số những thuyết âm mưu này tập trung quanh chuyến thăm của Oswald, một cựu thủy quân lục chiến 24 tuổi từng sống vài năm ở Liên bang Soviet, đến Mexico City hai tháng trước vụ ám sát, khi anh ta thăm đại sứ quán của Soviet và Cuba. - VOA
|
|
9.
Tin nói các cáo buộc đầu tiên trong vụ điều tra Nga đã được đệ trình

Một đại bồi thẩm đoàn liên bang hôm thứ Sáu đã chấp thuận những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, truyền thông ở Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết.

Bản cáo trạng được niêm phong theo lệnh của thẩm phán liên bang vì vậy không rõ những cáo buộc đó là gì và đối tượng bị nhắm tới là ai. Reuters dẫn một nguồn tin cho biết nó có thể được công bố sớm nhất là vào ngày thứ Hai.

Tin đại bồi thẩm đoàn ở Washington đệ trình những cáo buộc này được đài CNN loan đi đầu tiên vào tối thứ Sáu. Nguồn tin của CNN cho biết đối tượng có thể sẽ bị câu lưu sớm nhất là vào ngày thứ Hai.

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận vào tháng 1 rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để cố gắng giúp Tổng thống Donald Trump đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thông qua một chiến dịch tấn công tin tặc và rò rỉ những email gây bẽ mặt, và phát tán tuyên truyền qua mạng xã hội để làm mất uy tín chiến dịch tranh cử của bà.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang, đang điều tra liệu các quan chức của ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với những nỗ lực của Nga hay không.

"Nếu Công tố viên Đặc biệt thấy cần thiết và thỏa đáng, Công tố viên Đặc biệt có thẩm quyền truy tố những hình tội liên bang xuất phát từ cuộc điều tra những vấn đề này," Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói trong một lá thư ngày 17 tháng 5 bổ nhiệm ông Mueller.

Các nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra của ông Mueller cho biết ông đã sử dụng quyền lực rộng lớn này để điều tra những liên kết giữa các trợ lý của ông Trump và các chính phủ nước ngoài cũng như hoạt động rửa tiền, trốn thuế và các tội phạm tài chính khả dĩ khác.

Peter Carr, phát ngôn viên của ông Mueller, từ chối bình luận hôm thứ Sáu.

Ông Trump, đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái trong tư cách ứng cử viên Đảng Cộng hòa, đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng ban vận động của ông thông đồng với Nga và lên án các cuộc điều tra về vấn đề này là "săn lùng phù thủy" (ý nói ông bị truy bức về chính trị).

Điện Kremlin phủ nhận những cáo buộc này.

Cuộc điều tra của ông Mueller cũng bao gồm một nỗ lực nhằm xác định xem liệu ông Trump hay bất kỳ trợ lý nào của ông có tìm cách cản trở công lý hay không.

Đội ngũ điều tra của công tố viên đặc biệt đã tiến hành các cuộc phỏng vấn với cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer và các quan chức Nhà Trắng hiện nhiệm và tiền nhiệm khác.

Vào tháng 7, các đặc vụ FBI đã đột kích nhà riêng của cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, ở bang Virginia. Những giao dịch tài chính và bất động sản và công tác trước đây của ông Manafort cho một đảng chính trị thân Nga ở Ukraine đang bị đội ngũ của ông Mueller điều tra.

Ông Mueller được bổ nhiệm dẫn đầu cuộc điều tra một tuần sau khi ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, người khi đó đang tiến hành một cuộc điều tra liên bang về sự thông đồng khả dĩ với Nga.

Ông Trump ban đầu nói ông sa thải ông Comey vì sự lãnh đạo kém cỏi của ông ta tại FBI, nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó với đài NBC ông nhắc tới "cái vụ Nga này" là nguyên nhân.

Cuộc điều tra liên quan tới Nga đã phủ bóng lên nhiệm quyền tổng thống kéo dài chín tháng của ông Trump và khơi sâu sự chia rẽ đảng phái giữa những người theo Đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa hồi đầu tuần này đã khởi động các cuộc điều tra để xem xét những bất bình chính trị lâu nay của ông Trump, bao gồm cuộc điều tra của FBI về những email của Hillary Clinton và vai trò bị cáo buộc của bà trong việc bán uranium cho một công ty của Nga.

Đội ngũ của ông Mueller cũng đã điều tra Michael Flynn, người từng là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump và sau đó trở thành cố vấn an ninh quốc gia.

Ông Flynn bị sa thải khỏi vị trí đó vào tháng 2 sau khi nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về tầm mức của những cuộc trò chuyện của ông ta với đại sứ Nga Sergei Kislyak vào năm ngoái.

Khi còn trong ban vận động tranh cử của ông Trump, ông Flynn cũng có một hợp đồng trị giá 600.000 đôla từ một doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm mất uy tín giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen sống ở Mỹ, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc khơi mào cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7 năm 2016. - VOA
|
|
10.
8 mẫu thiết kế bức tường Trump được giới thiệu ở California

Bức tường dọc theo biên giới ngăn cách Hoa Kỳ và Mêhicô là một trong những lời hứa hẹn mà tổng thống Donald Trump cam kết thực hiện, trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái. Một năm sau, bức tường này vẫn chưa hình thành, song 8 bản thiết kế mẫu cho bức tường này đã được dựng lên và giới thiệu hôm thứ 5 26/10/2017 ở phía nam California.

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco

8 khối bê tông được dựng lên giữa sa mạc gần San Diego, mỗi khối có chiều cao khoảng 10m. Thực ra, 4 công ty cạnh tranh với nhau đã thiết kế các mẫu với những đặc tính khác nhau, nhằm lựa chọn ra mẫu thiết kế lý tưởng cho việc xây dựng bức tường Donald Trump kéo dài 3 000 km dọc theo biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô.

Trong vòng hai tháng, cảnh sát biên phòng sẽ lần lượt kiểm tra từng mẫu, xem mẫu thiết kế nào sẽ khiến người nhập cư khó vượt qua nhất. Một chiến lược, dù khiến cho các tổ chức phi chính phủ địa phương hoài nghi, song lại được cảnh sát biên phòng đánh giá là hiệu quả, nhằm chống lại nạn buôn ma túy và nạn buôn người.

Tuy nhiên, còn lâu nữa bức tường mới thực sự ra đời, do thiếu kinh phí. Chính quyền của tổng thống Trump muốn đưa vào ngân sách khoản tiền 1,8 tỷ đô la để bắt đầu quá trình xây dựng bức tường. Nhưng trước tiên, Quốc hội phải ủng hộ giải pháp này, và rất ít người ủng hộ đối với tổng chi phí xây bức tường, ước tính gần 20 tỷ đô la.

Về phần mình, tổng thống Donald Trump luôn muốn rằng Mêhicô phải chịu khoản kinh phí này. Chính phủ Mêhicô đã quyết liệt bác bỏ phương án này. - RFI
|
|
11.
Jeff Bezos vượt qua Bill Gates, thành người giàu nhất thế giới

Tỷ phú Jeff Bezos lại vượt qua mặt tỷ phú Bill Gates một lần nữa, trở thành người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, cả hai ông đều có một ngày thắng lợi hôm Thứ Sáu tuần này.

Giá cổ phiếu công ty Amazon tăng 13.5% hôm Thứ Sáu sau khi báo cáo có mức lời lớn lao – vào khoảng hơn 1/3 tỉ đô la cho quý vừa qua.

Ông Bezos làm chủ khoảng 80 triệu cổ phiếu trong công ty Amazon, tính tới Tháng Tám, theo dữ kiện gần nhất của Fact Set, bản tin hãng thông tấn UPI cho hay.

Sự gia tăng này khiến trị giá cổ phiếu của ông Bezos tăng thêm hơn $10 tỷ chỉ trong một ngày. Nay ông có khoảng hơn $90 tỷ.

Bản tin UPI cho biết vào cuối ngày trao đổi trên thị trường chứng khoán hôm Thứ Năm, ông Gates đứng đầu bảng các tỷ phú của Bloomberg Billionaires Index, với số tài sản trị giá $88 tỷ.

Ông Bezos khi đó có $83.5 tỷ.

Theo Fact Set, ông Gates cũng hưởng lợi từ Microsoft khi giá cổ phiếu công ty này tăng 7%.

Ông Gates làm chủ 103 triệu cổ phiếu tính tới Tháng Chín. Giá cổ phiếu Microsoft tăng khoảng $6, do đó ông Gates có thêm khoảng $600 triệu.

Cũng theo UPI, ông Bezos từng qua mặt ông Gates vào ngày 27 Tháng Bảy khi tài sản của ông lên hơn $90 tỷ nhờ giá cổ phiếu Amazon vượt lên. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

12.
Việt Nam kêu gọi Hàn Quốc giúp huấn luyện công an

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn (KNPA) tăng cường hợp tác đào tạo với Việt Nam giúp đỡ nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng công an của Hà Nội.

Kêu gọi vừa nêu được ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại buổi gặp gỡ với Trưởng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn, ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 10.

Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam nói rằng Nam Hàn đã đạt được nhiều thành tích trong khoa học hình sự và cảnh sát. Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam cho việc gia tăng mối quan hệ hợp tác song phương trong lãnh vực ngăn chặn tội phạm nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự xã hội ở cả hai quốc gia. Ông Phúc nói thêm là hai bên cần tích cực trao đổi thông tin trong lĩnh vực này cũng như mở rộng hợp tác trong phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm phi truyền thống và xuyên biên giới.

Thủ tướng Việt Nam còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan cảnh sát, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam rất cố gắng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ của Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới đây.

Trưởng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn, ông Lee Chul-sung nói rằng sẵn sàng làm việc với Bộ Công An Việt Nam, trong đó hai bên đồng ý về một số sáng kiến
​​quan trọng, đặc biệt liên quan chống tội phạm công nghệ cao và đảm bảo an ninh mạng.

Ông Lee cũng cho biết Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn sẽ tiếp tục phối hợp Việt Nam để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa tất cả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mạng và khủng bố. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9










No comments:

Post a Comment

View My Stats