Friday, 31 May 2013

NHẤT UYÊN KHA (Bùi Văn Phú)




Posted on May 31, 2013

Người Việt ở California xuống đường phản đối Trung Quốc, đòi tự do dân chủ cho Việt Nam

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1986 đã đề xuất chính sách đổi mới, giao thương với các nước. Sau đó nhiều quốc gia Tây phương mở rộng quan hệ nhiều mặt, giúp Việt Nam phát triển kinh tế với hy vọng khi xã hội có một tầng lớp trung lưu sẽ kéo theo những cải cách chính trị để dân chủ hoá đất nước.

Hơn một phần tư thế kỷ qua, kinh tế Việt Nam có phát triển nhưng cải cách chính trị còn chậm, nhiều lúc lại đi lùi với trào lưu dân chủ toàn cầu. Cho đến nay, người dân Việt vẫn chưa được tự do phát biểu quan điểm, chưa có tự do báo chí hay tự do ứng cử.

Bộ luật hình sự của Việt Nam, ban hành cách đây 20 năm, với những điều 79, 88 hay 258 thường được áp dụng để kết án tù nhiều chức sắc tôn giáo và những người phát biểu quan điểm bất đồng với nhà nước.

Hôm 27/5 an ninh đã bắt giam người viết Blog Trương Duy Nhất. Sau khi bắt ông từ Đà Nẵng và được đưa ra tạm giam ở Hà Nội, nhà nước cáo buộc ông vi phạm điều 258 Luật Hình sự:
“Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Trương Duy Nhất, 49 tuổi, từng làm phóng viên cho nhiều báo có tiếng tại Việt Nam, hai năm qua ông đã thôi viết báo để viết blog riêng. Blog “Một góc nhìn khác” của ông thu hút nhiều độc giả vì ông bộc trực, chẳng sợ va chạm với chính quyền, chẳng tránh né.

Hãy đọc qua những gì ông đã viết để xem ông có “xâm phạm lợi ích của Nhà nước” hay lợi ích của ai không?

Trước suy thoái kinh tế, chính trị bất ổn, ông kêu gọi:
“Để cứu vãn tình hình kinh tế và chính trị lúc này, chỉ có một cách: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi.”

Khi lãnh đạo viết tiếng Việt sai dấu hỏi, dấu ngã hay viết hoa không đúng, ông đề nghị:
“Tôi nghĩ, Thủ tướng nên chịu khó dành chút ít thời gian đi học lại. Văn phòng chính phủ nên mở lớp bổ túc kèm dạy lại cho Thủ tướng khắc phục những lỗi chính tả rất đỗi sơ đẳng vỡ lòng này. Việc tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Thủ tướng gì mà viết mấy dòng cũng chưa sạch lỗi chính tả, sai tùm lum, sai be bét thua cả đứa học trò cấp 1.”

Ông than thở về vai trò của truyền thông ở Việt Nam:
“Mỗi chuyện Nguyễn Thanh Phượng, cô con gái của Thủ tướng đến kỳ nghỉ đẻ, vậy mà báo chí cũng nhao nhao đưa tin.”
“Hết khuyên Bộ Văn Thể Du chọn Ngọc Trinh làm đại sứ, báo chí tiếp tục vận động người đẹp chân dài não ngắn cởi để… cứu ngành du lịch Việt! Đến mức bốc thơm cô nàng cởi tụt này ‘có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội’. Mọi hành động, phát ngôn… đều được giới truyền thông và công chúng theo dõi, bình luận, thậm chí trở thành phương châm sống của rất nhiều người”.

Vì cách làm thông tin, báo chí như thế nên dù đã ở trong nghề lâu năm, Trương Duy Nhất cũng quyết định bỏ nghề để được tự do truyền đạt suy nghĩ và cảm nhận mà không bị kiểm duyệt.

Ông viết về một cựu chỉ huy công an, tướng Nguyễn Văn Hưởng, như sau:
“Một vị tướng không rành máy tính, đến mức lúng túng trước cả ‘nguyên lý nhắn tin’ của cái điện thoại, nhưng lại chỉ huy chế tạo máy bay không người lái.”
“Quá mỉa mai khi hò reo hồ hởi trước một nguyên lý bay mà thiên hạ đã phát minh từ hơn 100 năm trước. Lắp ráp ra vài cái mô hình máy bay như đồ chơi trẻ con lại ưỡn ngực vênh vênh tự đắc là ‘sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của ngành khoa học công nghệ Việt’.”.

Cảm nhận của ông về ngày 19-5 và về Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Thú thật, tôi quên béng cái ngày hôm qua là sinh nhật cụ Hồ. Ngày qua có uống tí nào đâu mà bảo là… say nhỉ? Không say mà vẫn cứ quên. Lạ thật! Bé đến giờ, chưa bao giờ quên vậy…”
“Vẫn kính trọng, đầy kính trọng nhưng dường như sự thần tượng đến thần thánh ông cụ không còn. Năm rồi ra Bắc vào lăng chỉ còn như một khái niệm xem chứ không phải để viếng nữa. Tự nhận ra vậy.”
“Thế nên cái sự quên chắc cũng là lẽ thường tình, là chuyện… đương nhiên. Ông mất cũng gần nửa thế kỷ rồi còn gì?…”

Trương Duy Nhất không chỉ phát biểu suy nghĩ riêng về lãnh đạo, ông còn mở hộp thăm dò ý kiến trên blog để độc giả đánh giá lãnh đạo trong lúc đại biểu quốc hội bàn đến việc này đối với 49 lãnh đạo cao cấp trong chính phủ.

Thăm dò không mang tính khoa học nhưng ít ra cũng nói lên cảm nhận của những ai tham gia. Có lẽ ông là người Việt đầu tiên, và duy nhất cho đến thời điểm này, công khai thực hiện việc đánh giá Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và những vị phó.

Ông chia cách đánh giá gồm bốn mức: không tín nhiệm, tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao. Theo kết quả ghi nhận, 12 lãnh đạo có tên thì hầu hết nhận được hơn 50% đánh giá không tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp, riêng Chủ tịch Nước là có số tín nhiệm cao.

- Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang với 958 đánh giá: Không tín nhiệm 23%, Tín nhiệm thấp 30%, Tín nhiệm 34%, Tín nhiệm cao 13%.

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với 777 đánh giá: Không tín nhiệm 60%, Tín nhiệm thấp 31%, Tín nhiệm 8%, Tín nhiệm cao 1%.

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 820 đánh giá: Không tín nhiệm 76%, Tín nhiệm thấp 17%, Tín nhiệm 3%, Tín nhiệm cao 4%.

Hai nhân vật mới được chọn vào Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được đánh giá cao hơn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rất nhiều.

- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với 627 đánh giá: Không tín nhiệm 38%, Tín nhiệm thấp 39%, Tín nhiệm 20%, Tín nhiệm cao 3%.

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 687 đánh giá: Không tín nhiệm 21%, Tín nhiệm thấp 32%, Tín nhiệm 39%, Tín nhiệm cao 8%.

Ngay sau khi bị công an bắt, blog “Một góc nhìn khác” của ông cũng không còn truy cập được. Chưa rõ việc bắt Trương Duy Nhất là chủ trương trấn áp mọi tiếng nói bất đồng của nhà nước hay cuộc đấu đá giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã đến hồi kết và Thủ tướng Dũng đã củng cố lại được vị thế sau những phê bình, xử lý nội bộ.

Chuyện thực hiện đánh giá của Trương Duy Nhất tương tự như báo Tuổi Trẻ Xuân 2001 cũng đã thăm dò giới trẻ về những nhân vật được ái mộ. Kết quả, lãnh đạo Việt Nam của quá khứ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay hiện tại như Thủ tướng Phan Văn Khải cũng không được điểm cao, thua cả Bill Gates của Hoa Kỳ. Sau khi phổ biến, tờ báo phải bỏ kết quả thăm dò và người của ban biên tập bị cho nghỉ việc.

Biểu tình trước Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco

Tại những quốc gia tự do dân chủ, truyền thông thường xuyên có những thăm dò đánh giá lãnh đạo và không ai bị an ninh bắt giữ hay bị bỏ tù vì việc này
.
Sống trong một chế đđộc tài toàn trị mà dám làm những điều như thế cho thấy Trương Duy Nhất rất can đảm.

Trước vụ bắt Trương Duy Nhất, ngày 16/5 hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, đã bị toà án ở Long An kết án nhiều năm tù vì giăng biểu ngữ và phát tán truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược và Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản án dành cho Phương Uyên là 6 năm tù và 3 năm quản chế, cho Nguyên Kha là 8 năm tù và 3 năm quản chế.

Trong phiên toà, cáo trạng của viện kiểm sát còn buộc tội nghi can âm mưu dùng chất nổ và tang chứng đưa ra có cả cờ vàng ba sọc đỏ. Hà Nội muốn liên kết lá cờ vàng với những âm mưu bạo động.

Vụ bắt giam và xử án một lần nữa bị nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án vì cho rằng quyền tự do phát biểu của công dân đang bị nhà nước xâm phạm, trái với những gì Việt Nam đã cam kết trong Công ước Liên hiệp quốc về các quyền tự do dân sự và chính trị.

Ngay sau khi Phương Uyên và Nguyên Kha bị tuyên án vì vi phạm điều 88 Luật Hình sự, mạng boxitvn.net có phổ biến một lời kêu gọi trả tự do cho hai sinh viên này và trong hai tuần đã có gần ba nghìn người ủng hộ.

Trong số 115 người đầu tiên ký tên, có trí thức trong và ngoài nước, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, những nhà tranh đấu trong nhiều giai đoạn của lịch sử Việt Nam: Giáo sư Hoàng Tụy, Bác sĩ Hunh Tấn Mẫm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Trần Hữu Dũng, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Giáo sư Lê Xuân Khoa

Nhiều người có cảm tình với Hà Nội từ nửa thế kỷ qua, nay cũng bất bình với bản án và tham gia ký tên, dấu chỉ cho thấy lãnh đạo Việt Nam ngày càng mất đi niềm tin và sự ủng hộ.

Điều 79, 88 và 258 Luật Hình sự giới hạn tự do phát biểu và phản tiến bộ. Dân Việt ngày nay không được phản đối chính phủ, không được lên tiếng hay xuống đường chống những kẻ đang bắn giết ngư dân, xâm lấn đất biển của tổ quốc.

Dân Việt chưa có những quyền căn bản về ngôn luận, báo chí, biểu tình thì làm sao có thể lạm dụng dân chủ. Một đất nước như thế có phải là xứ sở của độc lập, tự do và hạnh phúc hay không?

(ảnh trong bài của tác giả)

© 2013 Buivanphu



No comments:

Post a Comment

View My Stats