Tony Judt
Phan Trinh dịch
Tháng
5 29, 2013
Bài liên
quan:
----------------------------------------
Giới thiệu của người dịch:
Đây là đoạn cuối Chương 18 cuốn
Post War của Tony Judt. Sau khi bàn
về trí thức Tây Âu và Đông Âu,
tác giả nói về nền kinh tế bế tắc và vờ vịt tại Đông Âu, bối cảnh của những
biến động chính trị và xã hội dẫn đến cách mạng 1989.
Nếu nghịch lý là gốc của cái hài
thì nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể được xem như một vở kịch khôi hài đen,
dù đỏ ngầu. Trong những vở đỏ đen nhiều tập kia, Tony Judt nhắc đến hai quái
tật chết người của chế độ, ở Đông Âu trước đây, và cũng không khó thấy ở cả
Việt Nam lâu nay, có thể tóm tắt nôm na như sau:
1. Lỗ vẫn làm: Thay vì kinh tế định đoạt chính trị như người
cộng sản vẫn nói, ở đây chính trị* lại xúi bậy kinh tế. Kinh tế không xuất phát
từ nhu cầu người tiêu dùng mà từ ý chí chủ quan của bề trên. Trên bảo sao dưới
nghe vậy, làm khác là mất việc, phản biện thì phớt lờ, phản đối thì bỏ tù. Hậu
quả là lỗ vẫn làm. Ở Việt Nam, những vụ như Boxit, Vinashin, rừng phòng hộ, điện
hạt nhân, đường sắt cao tốc, 16 chữ… là những ví dụ của lỗ vẫn làm, càng làm
càng lỗ, hoặc thấy lỗ mà/là cứ đâm đầu vào. Không chỉ lỗ tiền, còn lỗ cả mạng
người, môi trường, lãnh thổ, cả sinh mạng Đảng.
2. Sai không sửa: Tất cả những thất bại, vờ vịt của nền kinh tế
kia lãnh đạo biết cả nhưng vẫn im lặng, như một nấm mồ. Họ không dám phẫu
thuật, chỉ dám dùng thuốc giảm đau tại chỗ. Thực ra, khi kinh tế đã đan xen vào
chính trị thành một “khối thống nhất” thì đứt dây động rừng, sửa sẽ sụp. Học
thuật thì nói như Tony Judt: Giữa hai cái xấu, Đảng chọn cái xấu ít hơn. Huỵch
toẹt thì cũng có thể nói rằng: cấp trên rất hiểu cố đấm ăn xôi là xấu, nhưng
vẫn đỡ xấu hơn, đỡ đau hơn và khó chết hơn là thực tâm thay đổi. (Chẳng lạ, bao
nhiêu kiến nghị, phản biện, góp ý của trí thức trên cứ giả vờ như không có. Hóa
ra, những kiến nghị kia không đánh thức được lãnh đạo mà đánh thức xã hội dân
sự.) Nhưng, cũng như ung thư không chữa, đang sống ở giai đoạn cuối, Judt gọi
là mượn thời gian để sống, được ngày nào hay ngày ấy, dân gian gọi là chờ chết.
___________________
Tiến là thoái
Đề tài mà các trí thức phản
kháng ít bàn tới chính là kinh tế. Điều này cũng là một phản ứng thực tế. Kể từ
thời Stalin thì tăng trưởng kinh tế, hay đúng hơn là tăng trưởng công nghiệp,
vừa được xem như mục tiêu vừa được xem như thước đo mức thành công của chủ
nghĩa xã hội. Kinh tế, như trình bày trong Chương 13 cuốn sách này, là ưu tiên
hàng đầu của thế hệ trí thức cải cách thời kỳ đầu: nó phản ánh nỗi ám ảnh của
chế độ cộng sản và một quan điểm, được cả người theo lẫn không theo chủ nghĩa
Marx đồng tình, rằng mọi động thái chính trị chung quy cũng chỉ là vì kinh
tế mà thôi. Vì vậy, có thể nói trong giai đoạn 1956-1968 lúc Đông Âu loay hoay
tìm cách tự cải tổ, phản biện để cải cách kinh tế chính là hình thức đối
lập tốt nhất có thể có, dù là đối lập trong vòng “lễ giáo”.
Nhưng đến giữa thập niên 1970,
những người thông thạo tình hình đã không còn dám hy vọng nền kinh tế khối
Xô-viết có thể tự cải tổ từ bên trong, và lý do không chỉ vì lý thuyết kinh tế
Mác-xít đã sụp đổ sau nhiều thập niên bị lạm dụng tàn tệ, mà còn vì nguyên nhân
khác. Từ năm 1973, nền kinh tế các nước Đông Âu thụt lùi rất xa so với Tây Âu,
không bằng cả mức tăng trưởng chậm lúc suy thoái của Tây Âu. Ngoại trừ Liên Xô
có nhiều mỏ dầu mang lại ngoại tệ, nhất là khi dầu tăng giá, thì nạn lạm phát
trên thế giới vào thập niên 1970 và việc “toàn cầu hóa” thương mại và dịch vụ
vào thập niên 1980 ở phương Tây đã đẩy nền kinh tế các nước khối Xô-viết vào
thế bất lợi không thể khắc phục. Nếu vào năm 1963 hoạt động ngoại thương của
các nước Khối Comecon (Đông Âu) đạt mức 12% tổng lượng ngoại thương toàn cầu,
thì đến năm 1979 con số này lại rớt xuống chỉ còn 9% và còn nhanh chóng sụt
giảm hơn nữa.[i]
Các nước khối Xô-viết không thể
cạnh tranh về chất lượng với các nền kinh tế phương Tây. Cũng không nước nào,
ngoại trừ Liên Xô, có nguồn nguyên liệu thô ổn định để bán cho phương Tây, vì
vậy, họ không thể cạnh tranh cả với những nước kém phát triển nhưng giàu tài
nguyên trên thế giới. Tính khép kín của khối Comecom còn khiến các nước này
không thể tham gia những mạng lưới thương mại mới hình thành của Tây Âu, hoặc
tham gia Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Họ cũng không thể
điều chỉnh nền kinh tế cho phù hợp với giá cả thị trường thế giới mà không làm
người tiêu dùng trong nước phải nổi đóa (như đã xảy ra tại Ba Lan năm 1976).
Ý thức hệ xúi dại
Khuyết điểm làm lụn bại các nền
kinh tế cộng sản lúc này chính là sự bất lực thâm căn do ý thức hệ xui khiến mà
ra. Vì duy ý chí, quyết liệt tập trung sản xuất sản phẩm công nghiệp cơ bản
nhằm đáp ứng công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, khối Xô-viết đã bỏ lỡ
chuyến tầu đưa nền kinh tế từ sản xuất hàng loạt qua sản xuất chuyên sâu giá
trị cao, vốn đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo các nền kinh tế phương Tây vào
thập niên 1960 và 1970. Họ cố bám vào mô hình kinh tế đã quá cũ kỹ, nhìn là nhớ
đến Detroit hoặc Ruhr vào thập niên 1920, hoặc thậm chí cả Manchester cuối thế
kỷ 19.
Vì vậy Tiệp Khắc, nước có rất
ít quặng sắt, vào năm 1981 vẫn phải trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới
(tính theo đầu người) về xuất khẩu thép. Đắng hơn nữa là Cộng hòa Dân chủ Đức
(Đông Đức) lúc đó cũng đang lên kế hoạch sản xuất lớn những sản phẩm công
nghiệp nặng đã hoàn toàn lỗi thời. Chẳng khách hàng đủ tỉnh táo nào lại muốn đi
mua thép Tiệp Khắc hoặc máy móc Đông Đức, trừ khi được trợ giá cực rẻ, nên rút
cuộc các sản phẩm này càng sản xuất, càng bán, càng lỗ vốn. Hậu quả là các nền
kinh tế kiểu Xô-viết thay vì tạo ra giá trị thặng dư, lại tạo ra giá trị âm
trừ. Thật vậy, nguyên liệu thô mà họ nhập khẩu hoặc khai thác từ lòng đất
có giá trị còn cao hơn thành phẩm được làm từ nguyên liệu thô.
Ngay cả trong các lĩnh vực có
ưu thế cạnh tranh, cách làm kinh tế kiểu Xô-viết cũng gây thiệt hại lớn. Trong
khi Hungary được Comecon chọn là nơi sản xuất xe tải và xe buýt, Đông Đức vào
thập niên 1980 được phân công sản xuất máy vi tính. Nhưng, khôi hài không chỉ ở
chỗ máy vi tính do Đông Đức sản xuất không đáng tin cậy và cổ lỗ sĩ về chất
lượng, hệ thống kinh tế tập trung còn khiến họ không thể sản xuất đủ số lượng.
Trong năm 1989, Đông Đức (dân số 16 triệu) chỉ sản xuất được số máy vi tính bằng
1/5 số máy sản xuất tại Áo (dân số 7,5 triệu), trong khi Áo cũng chỉ là một đối
thủ hạng ruồi trên thị trường sản xuất máy vi tính quốc tế. “Ưu thế cạnh tranh”
ở đây rất tương đối: Đông Đức chi hàng triệu Đức-mã cho việc sản xuất những sản
phẩm chẳng ai muốn dùng, trong khi thị trường thế giới đang có những sản phẩm
tương tự với chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn.
Vâng ý trên
Thủ phạm gây ra tất cả những
yếu kém này chính là quy hoạch tập trung, vốn chứa đầy khuyết tật bẩm sinh.
Cuối thập niên 1970, Gosplan (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), cơ quan hoạch định
kinh tế trung ương của Liên Xô, có đến 40 ban ngành kinh tế khác nhau và 27 ủy
hội kinh tế hoạt động riêng biệt. Các quan chức đã bị con ngáo ộp chỉ tiêu ám
ảnh nặng đến nỗi họ luống cuống đưa đại ra những chính sách nghe là cười. Giáo
sư Timothy Garton Ash, chuyên nghiên cứu Đông Âu, nhắc đến chuyện khôi hài này
tại Đông Đức: Trong “Kế hoạch Kinh tế Nhân dân Quận Prenzlauer Berg”, khi nói
về chỉ tiêu trong việc cải tổ thư viện, người ta đã hồ hởi quy hoạch rằng “Số
lượng sách lưu trữ trong các thư viện phải tăng lên từ 350.000 đến 450.000
quyển, và số lượt mượn sách phải tăng lên 108,2%”.[ii]
Hệ thống giá cả cố định cũng
khiến không thể xác định được đâu là giá đúng, đâu là mức cầu, đâu là chỗ cần
điều chỉnh khi tài nguyên thiếu hụt. Quản lý các cấp đều sợ rủi ro, sợ sáng tạo
vì sợ không đạt chỉ tiêu trước mắt. Thực ra, họ cũng chẳng có động lực nào để
làm khác đi: họ biết dù bất lực đến đâu, họ vẫn sẽ ngồi ở vị trí đang có, nhờ
chủ trương nổi tiếng “ổn định cán bộ” (áp dụng từ 1971 về sau) được Brezhnev
rất ưa thích. Trong khi đó, để đảm bảo chỉ tiêu bề trên định sẵn, các đốc công
và giám đốc nhà máy sẵn sàng che giấu thông tin về vật liệu và lao động
dự trữ trước mắt chính quyền. Phí phạm và khan hiếm, tưởng như đối nghịch, đã
trở thành một cặp bài trùng dung dưỡng nhau.
Nịnh hót lên ngôi
Một hệ thống như thế rõ ràng
không chỉ khuyến khích sự trì trệ, yếu kém, mà còn thúc đẩy một vòng quay tham
nhũng liên hoàn không thể ngừng. Đây là một trong những nghịch lý của chủ nghĩa
xã hội khi cho rằng chỉ có tư sản mới nhiều tham nhũng. Quyền lực, chức vụ và
đặc quyền đặc lợi tuy không thể mua bán trực tiếp nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào
mối quan hệ trao đổi qua lại giữa chủ và khách. Quyền hạn do luật pháp quy định
bị gạt qua một bên, thay vào đó là sự nịnh hót, và kẻ nịnh hót lại được tưởng
thưởng bằng công việc ổn định và cơ hội tiến thân. Chỉ để có được những thứ
bình thường và hợp pháp như thuốc men trị bệnh, nhu yếu phẩm, quyền đi học,
người dân cũng buộc phải bẻ cong luật pháp bằng hàng loạt chiêu trò, tuy nhỏ
nhặt nhưng rất xúc phạm nhân cách.
Hậu quả là cách ứng xử vừa bất
tín vừa bất cần gần như trở thành chuẩn mực trong những năm này. Một ví dụ tiêu
biểu: Các xí nghiệp sản xuất máy kéo hoặc xe tải đã không quan tâm sản xuất cho
đủ phụ tùng, đơn giản vì họ có thể nhanh chóng đạt chỉ tiêu khi sản xuất các cỗ
xe to lớn kia hơn. Bi kịch là khi những cỗ xe này hư hỏng thì không tìm đâu ra
phụ tùng thay thế. Những con số chính thức được công bố chỉ nêu ra tổng số máy
móc các loại được sản xuất trong một lĩnh vực nhất định, chứ không chú ý đến
chuyện còn bao nhiêu máy móc chạy được. Thông tin trên giấy thì mập mờ, chỉ hỏi
công nhân mới biết thật mọi chuyện.
Làm giả, lương giả, chợ giả
Thay cho những khế ước xã
hội đường hoàng, ở đây lại là sự đồng lõa xã hội xã hội chủ nghĩa,
và tình trạng này được diễn tả qua câu châm biếm cay độc: “Mày giả vờ làm việc,
tao giả vờ trả lương”. Nhiều công nhân, nhất là lao động chân tay, cũng có lợi
trong tình trạng này, vì họ được hưởng những khoản an sinh xã hội trong khi
chẳng cần làm việc bao nhiêu. Cuốn Tự điển Chính trị Bỏ túi của Đông Đức
đã mô tả tình trạng vừa kể một cách vô tình nhưng thật mỉa mai qua câu sau đây:
“Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, sự khác biệt giữa giờ làm việc và giờ rảnh rỗi,
vốn gay gắt trong xã hội tư bản, không còn nữa.”
Hai lãnh vực duy nhất tương đối
có hiệu quả, trong một nền kinh tế cộng sản tiêu biểu, tính đến năm 1980, là
công nghiệp quốc phòng kỹ thuật cao và cái được gọi là “nền kinh tế thứ hai” –
tức các loại chợ đen cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Tầm quan trọng của nền kinh
tế thứ hai này, tuy không hề và không thể được nhà nước công nhận, là bằng
chứng cho thấy tình trạng bi thảm của nền kinh tế chính thức. Tại Hungary, vào
đầu thập niên 1980, ước tính có tới 84.000 lao động lành nghề các loại hoạt
động thuần túy trong khu vực tư nhân, đáp ứng đến gần 60% tổng nhu cầu về dịch
vụ tại địa phương, từ nhu cầu sửa chữa ống nước cho đến nhu cầu mua dâm.
Thêm vào hoạt cảnh vừa kể một
bên là việc canh tác nhỏ lẻ trên thửa đất gia đình của nông dân, và một bên là
các xí nghiệp tư, hoạt động được nhờ công nhân tuồn nguyên liệu từ xí nghiệp
nhà nước (gạch, dây đồng, chữ đúc…) rồi phù phép “chuyển đổi” cho sản xuất
riêng, thì có được bức tranh tổng thể về chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô-viết – rất
gần với chủ nghĩa tư bản Ý – tức là chỉ tồn tại được nhờ nền kinh tế ngoài
luồng.[iii] Đây là một mối quan hệ cộng sinh: nhà nước cộng sản chỉ duy trì
được sự độc quyền trong khu vực công bằng cách chuyển qua khu vực tư tất cả
những hoạt động và nhu cầu mà nhà nước không thể phủ nhận hay đáp ứng; trong
khi đó, nền kinh tế ngoài luồng lại lệ thuộc vào khu vực công để có nguyên
liệu, và cần hơn nữa chính là nhờ khu vực công bất lực nên khu vực tư mới có
một thị trường béo bở, với những giá trị và lợi nhuận thổi phồng.
Ít con, nhiều rượu, chóng chết
Nền kinh tế tù đọng chính là
lời nguyền rủa vận vào chủ nghĩa cộng sản vốn cho rằng mình hơn hẳn chủ nghĩa
tư bản. Và nếu không là chất xúc tác cho hành vi đối lập, thì nền kinh tế kia
cũng là nguồn gốc tạo nên bất mãn. Với hầu hết người dân dưới chế độ cộng sản
thời Brezhnev, từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980, cuộc sống tuy
không đậm màu sợ hãi hay đàn áp nhưng lại là những chuỗi ngày xám xịt và buồn
tẻ. Các cặp vợ chồng ngày càng sinh ít con hơn, nhưng họ lại rượu chè nhiều hơn
– lượng rượu tiêu thụ tính theo đầu người tại Liên Xô tăng bốn lần trong những
năm này – và chết sớm hơn. Những khu nhà tập thể trong các xã hội cộng sản
không chỉ xấu xí về mỹ thuật, mà còn tồi tệ về chất lượng và gây khó chịu khi
sử dụng. Nói cách khác, nhà tập thể nhếch nhác là chiếc bóng của nhà nước toàn
trị tồi tệ đã tạo ra nó. Một tài xế taxi ở Budapest có lần vừa chỉ tay về những
dãy nhà tập thể cao tầng ẩm thấp, bẩn thỉu, nằm xấu xí ở ngoại ô thành phố, vừa
nói với người viết rằng: “Chúng tôi sống ở đó, trong mấy cái nhà đúng kiểu cộng
sản kia kìa – hè thì nó nóng, đông thì nó rét.”
Như mọi thứ khác trong khối
Xô-viết, nhà tập thể thường có giá rẻ (giá thuê trung bình khoảng 4% thu nhập
một gia đình bình thường ở Liên Xô), cũng vì nền kinh tế không do giá cả mà do
sự khan hiếm điều phối. Điều này có lợi cho nhà cầm quyền – việc phân phối độc
quyền những mặt hàng luôn khan hiếm giúp duy trì sự thúc thủ của quần chúng –
nhưng cũng chứa một rủi ro nghiêm trọng mà hầu hết giới lãnh đạo cộng sản đều
hiểu rất rõ. Đến cuối thập niên 1960, khi mọi sự đã rành rành là những hứa hẹn
về một tương lai “xã hội chủ nghĩa” rạng rỡ không đủ sức dụ dỗ dân chúng trung
thành với chế độ nữa, các nhà lãnh đạo cộng sản đã đổi chiều, xem dân chúng như
những người tiêu dùng và tìm cách thay thế xã hội không tưởng (xã hội chủ
nghĩa) của ngày mai bằng những sung túc vật chất của ngày hôm nay.
Sao cũng được
Đó là chọn lựa rất có tính
toán. Vasil Bil’ak, nhân vật bảo thủ có công cõng rắn cắn gà nhà đưa quân
Xô-viết xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968, trong lần phát biểu với Ban Tuyên giáo
Đảng vào tháng Mười 1970 đã nói rằng: “Lúc đó (năm 1948), ta treo tranh cổ động
ở cửa hiệu vẽ vời chủ nghĩa xã hội sẽ đẹp đẽ ra sao và quần chúng cứ thế tin
như in. Nhưng đó là cơn lên đồng của một thời xưa rồi. Bây giờ, không thể cứ
treo bánh vẽ nói về chủ nghĩa xã hội sau này nữa mà cửa hàng hôm nay phải chứa
cho đầy hàng, để ta ghi vào thành tích là ta đang tiến tới chủ nghĩa xã hội, là
ta đang có chủ nghĩa xã hội ngay tại đây.”[iv]
Rõ ràng nhà nước đã làm điều
ngược ngạo là cố khuyến khích dân chúng xem chủ nghĩa tiêu thụ như thước đo
thành công của chủ nghĩa xã hội. Điều này dĩ nhiên khác hẳn với nội dung của
“cuộc tranh luận trong bếp” đình đám giữa Tổng Bí thư Liên Xô Khrushchev với
Phó Tổng thống Mỹ Nixon vào năm 1959, khi Khrushchev nói với Nixon rằng chủ
nghĩa cộng sản sẽ qua mặt chủ nghĩa tư bản chẳng trong bao lâu nữa. Bil’ak –
cũng như Kádár tại Hungary – không ảo tưởng như vị Tổng Bí thư kia. Ông hài
lòng chấp nhận chủ nghĩa cộng sản là một bản sao mờ nhạt của chủ nghĩa tư bản,
chừng nào có đủ hàng hóa làm người tiêu dùng hài lòng. Erich Honecker tại Đông
Đức – lên làm lãnh tụ năm 1971, thay thế Walter Ulbrich, kẻ ra đi không ai
thương tiếc – cũng vậy, ông chỉ hứa hẹn mang lại cho dân Đông Đức một phiên bản
thu gọn của “phép lạ” kinh tế diễn ra tại Tây Đức vào thập niên 1950.
Phồn vinh giả, mệt thật
Chiến lược này thành công vừa
phải trong một thời gian. Mức sống tại Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan được cải
thiện trong thập niên 1970, ít nhất là khi đo bằng mức tiêu thụ hàng hóa bán
lẻ. Số xe hơi và tivi, hai mặt hàng tiêu dùng tiêu biểu của thời kỳ này, tăng
lên đều đặn: tại Ba Lan, số xe hơi tư nhân, tính bình quân đầu người trên toàn
dân số, tăng bốn lần từ 1975 đến 1989. Đến cuối thập niên 1980 tại Hungary,
trung bình cứ 10 người thì có 4 chiếc tivi; ở Tiệp Khắc cũng có số tương tự.
Nếu người mua chấp nhận chất lượng kém, kiểu dáng nghèo nàn và không nhiều chọn
lựa, họ có thể tìm được những gì mình muốn, không có ở cửa hàng nhà nước thì ra
chợ đen. Tuy nhiên, ở Liên Xô, hàng hóa “ngoài luồng” khó tìm và tương đối đắt
đỏ hơn.
Với nhu yếu phẩm, tình trạng
cũng vậy. Vào tháng Ba 1989, một người tiêu thụ tiêu biểu ở Washington DC sẽ
cần làm việc 12,5 giờ để mua một giỏ hàng nhu yếu phẩm chuẩn (gồm xúc-xích,
sữa, trứng, khoai tây, rau củ, trà, bia,…). Một giỏ hàng tương tự sẽ tốn 21,4
giờ làm việc tại London, nhưng lại ngốn tới 42,3 giờ làm việc tại Moscow, mặc
dù nhà nước đã trợ giá rất nhiều.[v] Chưa hết, người tiêu thụ ở Liên Xô và Đông
Âu còn phải tốn nhiều thời giờ để tìm kiếm, chờ đợi mua thức ăn và những mặt
hàng khác. Nếu không đo bằng đồng rúp [Nga], đồng crown [Tiệp Khắc] hay đồng
forint [Hungary], mà đo bằng thời gian và công sức, thì có thể thấy đời sống
dưới chế độ cộng sản vừa đắt đỏ vừa mệt mỏi.
Việc định nghĩa thành công của
chủ nghĩa cộng sản bằng khả năng thỏa mãn nhu cầu cá nhân của người tiêu dùng
cũng không dễ dàng, vì như trình bày ở trên, toàn bộ nền kinh tế đã được cài
đặt để sản xuất lớn máy móc công nghiệp và nguyên liệu thô. Ngoại trừ thức ăn,
các nền kinh tế cộng sản đã không sản xuất ra được những sản phẩm mà người tiêu
dùng mong muốn (ngay sản xuất thức ăn họ cũng không hiệu quả bao nhiêu – Liên
Xô từ lâu đã trở thành nước nhập khẩu gạo, đưa tổng số thực phẩm
nhập khẩu tăng lên ba lần từ năm 1970 đến 1982). Cách duy nhất vượt qua trở
ngại này là nhập khẩu hàng tiêu dùng từ nước ngoài, nhưng phải trả bằng tiền
theo giá thị trường. Tiền chỉ có nhờ xuất khẩu, nhưng, ngoại trừ Liên Xô có dầu
hỏa, thị trường thế giới chẳng quan tâm gì đến sản phẩm của khối xã hội chủ
nghĩa, trừ khi chúng được bán với giá rẻ bèo, nhưng ngay cả khi bán với giá
bèo, vẫn có trường hợp không ai mua. Cách thực tế nhất, cách duy nhất để các
cửa hiệu có đủ hàng hóa cho người tiêu dùng tại phương Đông là vay tiền từ
phương Tây.
Tư sản nuôi vô sản
Phương Tây đương nhiên sẵn sàng
ra tay giúp đỡ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và những ngân hàng tư
nhân đều rất vui lòng cho các nước khối Xô-viết vay tiền, vì lý do: Hồng quân
Liên Xô là bảo chứng đáng tin cậy cho ổn định lâu dài, thêm vào đó, quan chức
cộng sản cũng đã biến hóa các số liệu về năng suất và tài nguyên nghe rất
thuyết phục.[vi] Chỉ tính trong thập niên 1970, nợ nước ngoài của Tiệp Khắc đã
tăng lên 12 lần. Tại Ba Lan, nợ nước ngoài tăng đến 3000% sau khi Tổng Bí thư
Gierek và tay chân cho nhập ào ạt hàng hóa được trợ giá từ phương Tây, cùng lúc
thực hiện các chương trình bảo hiểm xã hội mới rất tốn kém dành cho nông dân, và cho kềm
giá thực phẩm ở mức giá năm 1965.
Thật khó lòng kiểm soát khi nợ
lên đến mức vừa kể. Năm 1976, Gierek cho tăng giá thực phẩm tại Ba Lan thì bạo
loạn giận dữ đã nổ ra nhưng lập tức bị dẹp tan, và chế độ đã không còn con
đường nào khác ngoài tiếp tục vay mượn: từ năm 1977 đến 1980, 1/3 tiền Ba Lan
vay từ nước ngoài được dùng để trợ giá cho hàng tiêu dùng trong nước. Các kinh
tế gia cộng sản tại Praha, Tiệp Khắc, cũng khuyến cáo nên bỏ dần bao cấp và
chấp nhận giá “thật”, nhưng các lãnh tụ chính trị của họ sợ hậu quả khó lường
của biện pháp này nên cũng chỉ chọn cách vay mượn nhiều hơn nữa. Và, tương tự
như những năm giữa hai thế chiến, lại một lần nữa các quốc gia nhỏ và dễ vỡ tại
Đông Âu phải vay vốn từ phương Tây để vực dậy nền kinh tế tự cấp, và cũng để
tránh né những chọn lựa còn khó khăn hơn nhiều.
Ngập nợ
Miklós Németh, thủ tướng cộng
sản cuối cùng của Hungary, vài năm sau đó cũng phải công nhận những điều vừa
kể. Khoản vay một tỉ Đức-mã từ Bonn, được chấp thuận vào tháng Mười 1987 và
được các chính khách Tây Đức mô tả như một đóng góp cho công cuộc “cải cách”
kinh tế của Hungary, thực ra đã không được dùng để cải cách kinh tế. Németh
công nhận: “chúng tôi dùng 2/3 số tiền này để trả lãi, và phần còn lại dùng để
nhập thêm hàng tiêu dùng, cho khủng hoảng kinh tế nhìn bớt xấu xí.” Năm 1986,
thâm thủng thương mại của Hungary được nhà nước công bố là 1,4 tỉ đô-la
Mỹ mỗi năm. Từ 1971 đến 1980, nợ nước ngoài của Ba Lan đã tăng từ 1 tỉ lên 20,5
tỉ đô-la Mỹ, và sau đó còn lên cao hơn nữa. Chính Đông Đức cũng tự nhận rằng
trong những năm cuối cùng của chế độ họ đã dùng trên 60% tiền lãi nhờ suất khẩu
hàng năm để trả lãi tiền vay của phương Tây (dù lãi suất đã được phương Tây cắt
giảm rất hào phóng). Yugoslavia, một khách hàng thường được chiều chuộng (từ
1950 đến 1964, Mỹ đã bao trả đến 3/5 thâm thủng hàng năm của Belgrade) thì luôn
nhận được những khoản cho vay rộng rãi và những cam kết hỗ trợ tức thời, tất cả
đều dựa trên những số liệu khống, không có bất cứ liên hệ gì với thực tế.
Gộp chung, nợ nước ngoài của
Đông Âu ở mức 6,1 tỉ năm 1971, đã tăng lên 66,1 tỉ vào năm 1980, và lên tới
95,6 tỉ đô-la Mỹ vào năm 1988[vii]. Con số vừa kể không bao gồm số liệu từ
Rumani – vì Ceaușescu đã trả hết nợ vay nước ngoài nhờ đè đầu cỡi cổ vắt kiệt
dân nước mình trong nhiều năm trời; con số cũng có thể cao hơn nếu Hungary
không có những nhượng bộ về giá cả trong thập niên 1970. Nhưng ý nghĩa của tình
trạng này thật rõ ràng: hệ thống cộng sản không chỉ vay tiền để sống, mà còn
vay mượn cả thời gian. Không sớm thì muộn, chế độ cần phải thực hiện những điều
chỉnh kinh tế, tuy sẽ đau đớn và làm xáo trộn xã hội.
Không thể sửa
Nhiều năm sau này, ông Markus
Wolf, trùm gián điệp Đông Đức, có thể tự hào rằng vào cuối thập niên 1970, mình
là người dám khẳng định Đông Đức đã “hỏng rồi”. Cũng không chỉ mình Wolf thấy
điều này. Những nhà kinh tế như Tamás Bauer tại Hungary, và đồng nghiệp Ba Lan
Leszek Balcerowicz, cũng rất hiểu tòa nhà cộng sản xây trên cát đang lung lay
đến mức nào. Nhưng, chừng nào những nhà tư bản còn bảo kê nó, thì chủ nghĩa
cộng sản vẫn tồn tại. “Thời kỳ trì trệ” (nói theo Gorbachev) dưới triều Leonid
Brezhnev đã tạo ra rất nhiều ảo tưởng, và không chỉ là trong các nước cộng sản.
Năm 1978, khi Báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định rằng Đông Đức có mức
sống cao hơn cả Anh Quốc, thì có lẽ cả thằng Cuội trên cung trăng cũng phải lăn
ra cười sặc sụa.[viii]
Nhưng, những người cộng sản
hiểu nhiều điều mà các nhà tài chính ngân hàng phương Tây không tưởng tượng
được. Cải cách kinh tế trong khối Xô-viết không phải là bị trì hoãn, mà là
không thể được. Như Amalrik dự đoán trong cuốn Liệu Liên Xô có tồn tại đến
năm 1984?, giới lãnh đạo cộng sản “thấy chế độ hiện tại tệ hại, nhưng vẫn
đỡ tệ hại hơn là phải đau đớn thay đổi nó.” Cải cách kinh tế, dù chỉ là những
điều chỉnh cục bộ nhất, mang lại hiệu quả nhỏ nhất, cũng sẽ đứt dây động rừng,
có ảnh hưởng chính trị lập tức. Những sắp xếp kinh tế của chủ nghĩa xã hội
không tạo ra những khu vực độc lập mà đan xen chằng chịt vào nhau tạo thành cả
một hệ thống chính trị.
Không phải vô tình mà các nước
chư hầu Liên Xô tại Đông Âu đều được cai trị bởi những ông trùm già, bảo thủ và
cơ hội. Vào thời đại mới của chủ nghĩa thực dụng, những vị như Edward Gierek ở
Warsaw (sinh 1913), Gustáv Husák ở Praha (sinh 1913), Erich Honecker ở Bá Linh
(sinh 1912), János Kádár ở Budapest (sinh 1912) và Todor Zhivkov ở Sofia (sinh
1911) – chưa kể các vị Enver Hoxha ở Tirana (sinh 1908), và Josip Broz Tito ở
Belgrade (sinh 1892) – đều là những vị có tính thực tế ở mức thượng thừa. Giống
như Leonid Brezhnev – sinh 1906, bảy lần nhận Huân chương Lênin, bốn lần nhận
danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô-viết, đoạt Giải Hòa bình Lenin, Tổng Bí thư, và
từ 1977 kiêm luôn Chủ tịch Nước – các ông trùm này cũng chỉ già đi theo kiểu
rất thường dân: Họ không có động cơ gì để tự làm khổ mình, ngược lại, họ có đủ
ham muốn để được chết trên chiếc giường hiện có. [ix]
Chưa thể sụp
Mặc dù “chủ nghĩa xã hội trên
thực tế” đã chứng tỏ sự bất lực và mất uy tín toàn diện nhưng điều này vẫn chưa
làm chế độ sụp đổ. Aleksandr Solzhenitsyn, trong diễn văn nhận Giải Nobel Hòa
bình năm 1971 (diễn văn được đọc thay, vì ông vắng mặt), nói một cách hùng hồn
rằng “một khi dối trá bị lật tẩy, bạo lực trần trụi sẽ lộ nguyên bộ mặt thô bỉ
của nó, và rồi bạo lực, khi ấy đã đuối sức, sẽ sụp đổ tan tành.” Nhưng nhận
định này đã không hẳn đúng. Sự trần trụi của bạo lực Xô-viết đã hiện nguyên
hình từ rất lâu – và còn bị phơi trần lần nữa trong cuộc xâm lăng đầy thảm họa
vào Afghanistan năm 1979 – bên cạnh đó, những dối trá của chủ nghĩa cộng sản
cũng đã từng bước bại lộ và được giải mã vào những năm sau biến cố 1968.
Tuy vậy, chế độ cộng sản vẫn
chưa sụp đổ. Có thể nói, đóng góp nổi bật của Lenin cho lịch sử Châu Âu là ông
đã bắt cóc tinh thần cấp tiến của châu Âu, vốn có tính chia rẽ ly tâm, và biến
nó thành một thứ quyền lực chính trị với một hệ thống kiểm soát độc quyền rất
sáng tạo: thu gom thô bạo mọi quyền hành về một mối và dùng bạo lực quyết liệt
để duy trì nó tại một chỗ. Hệ thống cộng sản có thể bị bào mòn vô hạn định ở ngoại
vi [Đông Âu], nhưng yếu tố khiến nó cuối cùng sụp đổ chỉ có thể đến từ trung
tâm của quyền lực [Moscow]. Trong câu chuyện về ngày tàn của chủ nghĩa cộng
sản, những hoạt động đối lập mới, nở rộ trong giới trí thức tại Praha và
Warsaw, có thể xem là đoạn kết cho một khởi đầu mới. Còn nhân tố lãnh đạo vừa
xuất hiện tại Moscow mới chính là khởi đầu cho đoạn kết.[x]
Nguồn: Post War, Tony Judt, NXB Penguine Books,
2006, trang 577-584. Tựa và tiêu đề là của người dịch.
[i] Suốt thập niên 1980, Ba Lan
và Tiệp Khắc rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng (“tăng trưởng” âm) – nền
kinh tế các nước này thu nhỏ lại. Nền kinh tế của chính Liên Xô cũng đã co cụm
lại từ năm 1979. (TG)
[ii] Timothy Garton Ash, The
Uses of Adversity (NY, 1989), trang 9. (TG)
[iii] Trong nông nghiệp, phần
lớn Liên Xô, Hungary, Rumani một lần nữa lại gợi nhớ tới tình trạng các đại
trang trại vào thế kỷ 19: giới lao động nông nghiệp bị trả lương bèo bọt, làm
việc cầm chừng, thiếu thốn dụng cụ nên chỉ làm tối thiểu cho những ông chủ vắng
mặt, còn để dành sức cho công việc thật tại các thửa đất riêng của gia đình.
(TG)
[iv] Xin cảm ơn Tiến sĩ Paulina
về trích dẫn này. (TG)
[v] Dưới thời Brezhnev, một
pound (khoảng nửa ký) thịt bò tốn 3,5 rúp để sản xuất nhưng chỉ được bán với
giá 2 rúp. Cộng đồng Châu Âu cũng trợ giá cho người chăn nuôi, với tỉ lệ gần
như tương tự. Sự khác biệt nằm ở chỗ Tây Âu có Chính sách Nông nghiệp Chung,
trong khi Liên Xô thì không. (TG)
[vi] Hungary gia nhập Quỹ Tiền
tệ Quốc tế (IMF) năm 1982, cả hai đều phấn khích chúc mừng nhau. Chỉ đến năm
1989, người ta mới biết chính quyền Hungary đã cố tình hạ rất thấp mức nợ trong
và ngoài nước của thập niên trước đó. (TG)
[vii] Jeffrey D. Sachs, cố vấn
kinh tế của chính phủ Ba Lan hậu cộng sản và nhiều nước trên thế giới, chủ
trương rằng: Kinh tế các nước hậu cộng sản sẽ khó lòng phục hồi nếu cứ phải trả
các khoản nợ do chế độ cũ để lại. Với nỗ lực vận động và tư vấn của Sachs, Thủ
tướng Đức Helmut Kohl đã giúp xóa 50% nợ cho Ba Lan, tương đương 15 tỉ đô-la
Mỹ, vào đầu thập niên 1990. Lý do để Thủ tướng Kohl thay đổi, từ phản đối
qua đồng ý xóa nợ, là vì nước Đức cũng từng được đồng minh xóa những khoản nợ
vay trước Thế chiến II. Chuyện xóa nợ được kể lại trong Chương “Poland’s Return
to Europe” (Ba Lan trở về với Châu Âu) trong cuốn The End of Poverty (Chấm
dứt nghèo đói), của Jeffrey D. Sachs, NXB Penguine Books, 2006. (ND)
[viii] Nguyên văn “Prince
Potemkin must surely have smiled in his far-off grave” (Hoàng thân Potemkin có
nằm trong mộ ở nơi xa lắc cũng phải mỉm cười). Potemkin (1739-1791) – nhà quý
tộc, chính khách, nhà quân sự Nga, được phong tước Hoàng thân Đế quốc Nga –
được nhắc đến ở đây như một kẻ phỉnh phờ, do giai thoại ông cho xây một ngôi
làng giả tạo nhưng đẹp đẽ để gây ấn tượng khi Nữ hoàng Catherine II đến thăm.
(ND)
[ix] Hơn nữa, cũng như
Brezhnev, các vị này là những người tiêu dùng hàng đầu của thời đại họ đang
sống. Một truyện tiếu lâm Xô-viết cùng thời kể rằng: Vị lãnh tụ Liên Xô một hôm
khoe với mẹ các dacha [nhà nghỉ dưỡng ở đồng quê], biệt đội xe hơi, và
các dãy nhà lưu trú mùa săn bắn của mình. Mẹ lãnh tụ khen: “Tuyệt đấy, Leonid!”
Nhưng rồi bà lại lo: “Nhưng nếu bọn cộng sản trở lại nắm quyền thì sao con?”
(TG)
[x] Tony Judt viết đoạn cuối
này để dẫn nhập vào Chương 19 “The End of the Old Order” (Kết thúc trật tự cũ),
chương nói về những yếu tố khác dẫn đến sự sụp đổ của cộng sản, trong đó nổi
bật là vai trò của Gorbachev, vai trò của Giáo hoàng John Paul II, Công đoàn
Đoàn kết, vụ Liên Xô sa lầy ở Afghanistan (khiến sau đó Liên Xô phải bỏ hẳn chủ
trương xua quân sang Đông Âu, dù để cứu các chế độ chư hầu đang lâm nguy), thảm
họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, những biến chuyển ở Kremlin, phản ứng của
phương Tây… Chương 19 cũng nói về diễn tiến cách mạng 1989 tại các nước Đông
Âu, trước khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Liên Xô năm 1991. (ND)
No comments:
Post a Comment