Thứ Năm 30
Tháng 5 2013
Lời dẫn
Ba
tháng qua tôi đã có thời gian để suy xét lại về những điều tôi đã cho là đúng
và cả những điều tôi đã cho là sai trước đó. Cũng trong ba tháng qua tôi có
điều kiện quan sát gần hơn, tiếp cận gần hơn, có điều kiện để biết nhiều hơn,
hiểu rõ hơn về các xu hướng vận động của nền kinh tế – chính trị nước nhà. Đó
là khoảng thời gian quý báu với riêng tôi. Có thể coi đề xuất, chương trình, ý
kiến… gọi là gì cũng được mang tên “MỘT CON ĐƯỜNG CẢI TỔ” ở dưới là kết quả của
3 tháng vừa rồi. Bài viết này xuất phát từ ý thức dân tộc, ý thức về trách
nhiệm của một cá nhân, một công dân với vận mệnh dân tộc.
Tôi
đã cố gắng giữ cho mình nguyên tắc, đứng ngoài mọi phe nhóm, mọi tổ chức chính
trị, trong hay ngoài nước, trong hay ngoài Đảng Cộng sản để giữ cho mình một sự
độc lập nhất định về tư tưởng. Hay nói cách khác, tôi chọn cho mình một con
đường tri thức độc lập. Đó là tôn chỉ tôi đã theo và sẽ theo. Bài viết này, vì
thế tôi mong mọi người được đọc với một tinh thần khách quan như vậy.
Về
riêng bản thân tôi, tôi đã hoạch định cho mình một kế hoạch cá nhân và đã bắt
đầu thực hiện kế hoạch này. Tôi đang theo học tiếng Đức với hy vọng có thể theo
học và nghiên cứu triết học một cách bài bản tại Đức. Triết học là đam mê của
cá nhân tôi, mặt khác, cá nhân tôi cho rằng, không một quốc gia nào có thể phát
triển bền vững nếu không có nền Triết học, Toán học vững chắc. Tôi hy vọng rằng,
mình có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào việc phục dựng lại, đặt lại những nền
móng Triết học cho nước nhà, công việc mà theo tôi biết, đã có nhiều con người
đáng kính đã làm và đang làm.
Trong
quá khứ không xa, miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đã có một thế hệ những
người nghiên cứu và làm Triết học một cách bài bản, tạo ra một trào lưu mà bất
cứ ai đọc lại những tác phẩm của họ tôi vẫn thấy một niềm kỳ vọng, một sự khích
lệ lớn lao, đó là những tên tuổi như: Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn
Trung… và miền Bắc là Trần Đức Thảo, Trường Chinh, Hồ Chí Minh… Thời qian qua,
tôi cũng có tìm đọc lại các tác phẩm của Trường Chính, nếu bỏ qua các định kiến
ý thức hệ, thì ta có thể tìm thấy ở Trường Chinh, Hồ Chí Minh nhiều nhân tố
triết học thực hành có giá trị. Tôi cũng có điều kiện tiếp cận với ý tưởng
triết học rất thú vị của Lê Quý Đôn. Riêng Lê Quý Đôn tôi nghĩ mình cần thêm
nhiều thời gian để nghiên cứu ông và có thể từ ông sẽ khơi gợi, phục dựng được
nhiều giá trị văn hóa, triết lý mang bản sắc Việt.
Người
ta vẫn thường hô hào “Giữ gìn bản sắc dân tộc”, lĩnh hội “Tinh hoa văn hóa nhân
loại”… nhưng tôi chưa thấy họ thực sự đã làm gì để đạt được những mục tiêu này.
Cá nhân tôi cho rằng, việc học tập những phương pháp nghiên cứu, tinh thần dân
chủ, khoa học phương tây, đặc biệt với giới trẻ là điều kiện tiên quyết. Chúng
ta không thể cứ ngồi một chỗ, giữ khư khư những thứ mà ta cho là hay, là tốt mà
lại không biết nó thực sự có vị trí như thế nào trong thế giới tư tưởng nhân
loại. Tôi thấy rằng, mỗi khi chúng ta quên mình đi nhiều nhất, mở rộng lòng
mình ra nhiều nhất, gỡ bỏ những định kiến, những thói quen xưa cũ nhiều nhất,
là mỗi khi mình nhìn thấy mình rõ nhất, ta mình tự nâng mình lên nhiều nhất.
Tôi
cũng sáng lập ra một nhóm gọi là Nhóm
Thứ-Ba. Đây không phải là một nhóm chính trị. Mọi người có thể thấy rõ điều
đó khi đọc nguyên tắc nhóm. Mục tiêu của tôi khi lập ra nhóm này là muốn khơi
gợi tinh thần trung thực, ý chí tự cường, tinh thần dám phiêu lưu khám phá
những chân trời mới, dù là trong cuộc sống hay trên con đường truy tầm chân lý.
Tôi cho rằng, đó sẽ là những tinh thần mà người Việt chúng ta cần trên con
đường chấn hưng đất nước.
Những
giá trị này tôi đã tìm thấy khi tiếp cận triết học F.Nietzsche. Tôi đã từng đặt
những câu hỏi, tại sao phương Tây phát triển như ngày nay, tại sao họ có được
nền khoa học, tinh thần dân chủ, khoa học như ngày nay? Tại sao phương Đông lại
đứng lại lâu thế? Những động lực nào thúc đẩy xã hội con người tiến lên? Tôi
nghĩ rằng, mình có thể tìm được những câu trả lời căn bản khi đọc F.Nietzsche.
Thời
gian qua, được tiếp cận nhiều hơn với những con người dân chủ, tiến bộ (qua facebook,
blog…), tôi cũng có dịp tiếp cận nhiều hơn với các luồng thông tin, tri thức
mới, nhận thấy rõ hơn những con người tri thức cao quý, tiến bộ… những con
người này mang lại cho tôi kỳ vọng lớn lao nếu có thể tập hợp lại được dưới
ngọn cờ dân tộc thống nhất.
Do
công việc học tập và nghiên cứu của mình, tôi cũng hy vọng mọi người có thể ưu
ái cho tôi một thời gian yên tĩnh cần thiết không phỏng vấn, không mời gọi ra
nhập nhóm này, nhóm kia. Tôi xin nhắc lại tôi chọn con đường tri thức độc lập.
Trân
trọng
Nguyễn
Đắc Kiên
---------------------------------------
MỘT CON ĐƯỜNG CẢI TỔ
Chương 1
Tình thế
hiện nay
1.
Nhận diện nhóm cấp tiến
Hội
nghị Trung ương 6 và 7 của Đảng cho thấy phe bảo thủ, muốn kiên trì định hướng
XHCN theo học thuyết Marx-Lenin đang ở thế yếu.
Cuộc
vận động tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong quần chúng cho thấy,
một bộ phận không nhỏ người dân đã ý thức mạnh mẽ về quyền lực chính trị của
mình. Họ sẵn sàng là lực lượng đi đầu thúc đẩy tiến trình dân chủ, tự do cho
đất nước.
Nhưng
sẽ là quá lạc quan nếu ai đó, đưa ra một dự đoán nhất quyết về một cuộc cải tổ
trong tương lai ngắn hạn ở VN.
Tình
thế hiện nay, trong nội bộ ĐCS, nhóm lợi ích đang tỏ ra chiếm ưu thế hơn nhóm
bảo thủ. Nhưng cả hai nhóm này đều sẽ là trở lực cho tiến trình dân chủ. Nhóm
lợi ích đôi khi tỏ ra cấp tiến, tuy nhiên những người theo dõi chính trường VN
đã quá quen với những thủ đoạn, những trò lật lọng của nhóm này. Sẽ chẳng ai
ngạc nhiên nếu khi nhóm này đã đạt được mục đích thâu tóm quyền lực sẽ quay mũi
giáo, chống lại nhân dân, đàn áp lực lượng dân chủ.
Lực
lượng bảo thủ trong đảng, nhóm lợi ích cùng với thế lực bành trướng Bắc Kinh rõ
ràng sẽ là những trở lực lớn nhất cho dân chủ, cũng là hiểm hoạ lớn nhất đẩy VN
vào đêm dài lạc hậu, suy thoái, thậm chí hỗn loạn.
Sự
đối đầu giữa phe bảo thủ và phe nhóm lợi ích, đặc biệt trong hai Hội nghị Trung
ương vừa qua làm người ta nhầm tưởng rằng trong chóp bu ĐCS hiện chỉ có hai lực
lượng này. Tuy nhiên, ngày càng có những chỉ dấu rõ ràng cho thấy, trong thượng
tầng nội bộ đảng còn có nhóm thứ ba – nhóm cấp tiến. Việc Hội nghị Trung ương 6
không kỷ luật “đồng chí X”, Hội nghị Trung ương 7 không bầu hai ông Nguyễn Bá
Thanh và Vương Đình Huệ, hai ứng cử viên do Bộ Chính Trị giới thiệu có thể coi
là một chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ về ý thức dân chủ của các uỷ viên trung
ương. Việc hai ông Thanh và Huệ không trúng ghế ủy viên BCT chưa chắc đã là do
nhóm lợi ích mạnh. Nhóm lũng đoạn có thể chỉ làm một động tác phá quấy là đưa
thật nhiều ứng viên ra tranh cử, sau đó các Ủy viên Trung ương, với ý thức đã
tiến bộ về quyền lực của mình làm nốt phần việc còn lại là loại ông Thanh và ông
Huệ. Việc các Ủy viên TƯ không bỏ phiếu cho hai ông này, cũng không thể quy kết
ngay cho họ là ủng hộ nhóm lợi ích. Họ chọn ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn
Thị Kim Ngân có thể đơn giản chỉ là do họ thấy những vị này thích đáng hơn.
Những
đảng viên cấp tiến, có thể ngay ở trong Bộ Chính Trị, ngay trong các vị Ủy viên
TƯ có thể tạo ra những diễn tiến bất ngờ khi họ bỏ tấm mạng che bước ra ánh
sáng chính trường.
2.
Phe dân chủ ngoài Đảng thiếu một lực lượng vật chất
Việc
nhận diện ra lực lượng thứ ba, lực lượng tiến bộ trong nội bộ nhóm lãnh đạo của
ĐCS hiện nay là rất quan trọng. Nếu có thể vận động được lực lượng này gắn kết
lại với nhau, cùng với lực lượng tiến bộ ngoài đảng tiến hành cải tổ đất nước
thì đây có lẽ sẽ là phương án ít mạo hiểm có thể thu được các bước tiến vững
chắc nhất.
Không
khó để nhận thấy lực lượng dân chủ ngoài đảng cả trong và ngoài nước hiện nay
phân tán. Nếu có thể quy tụ lại cũng dễ tan vỡ. Lực lượng trong nước thì gặp
cản trở từ phía chính quyền, định kiến xã hội. Lực lượng ngoài nước có môi
trường thuận lợi hơn nhưng lại dễ bị chia rẽ, thậm chí xung đột.
Sự
phân tán này sẽ hiển hiện khi ta đặt câu hỏi: Lực lượng vật chất nào? Khối quần
chúng nào có đủ sức mạnh đối kháng thách thức quyền lãnh đạo ĐCS hiện nay?
Tìm
kiếm sự hỗ trợ vật chất từ các nước phương Tây cũng là một sự lựa chọn mạo hiểm
và khó khả thi trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Hơn nữa, một lực lượng
đối kháng đủ mạnh để đương đầu với chính quyền hiện hành luôn mang theo nguy cơ
bạo loạn, tốn xương máu mà chính quyền mới được dựng lên nếu có thể cũng không
có gì đảm bảo là sẽ ít độc tài hơn chính quyền cộng sản hiện nay.
Vận
động để nhóm cấp tiến trong nội bộ ĐCS lên nằm quyền và tiến hành cải tổ có thể
là lựa chọn sáng suốt nhất trong tình hình hiện nay. Nhận định này nhiều khả
năng sẽ ngay lập tức bị phản đối với những người có nhiều ân oán với cộng sản
cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu điềm tĩnh lại để suy nghĩ thì họ sẽ thấy
lựa chọn này thật sự không tồi. Và bản thân những định kiến của họ cũng không
phải là không thể vượt qua. Rào cản lớn nhất, lâu dài nhất, ám ảnh dai dẳng
nhất có lẽ là rào cản ý thức hệ. Rào cản do cả hai phe Quốc gia và Cộng sản đã
cố công dựng lên đến giờ vẫn như bóng đen bao trùm, cản trở mọi nỗ lực cải tổ,
hoà hợp.
3.
Ngọn cờ dân tộc thống nhất
Có
thể còn một số ít người trong phe bảo thủ vẫn thực lòng muốn bảo vệ học thuyết
cũ. Với phe nhóm lợi ích học thuyết cũ cũng có giá trị khi nó còn giúp họ núp
bóng, trục lợi, vì thế họ cũng có lí do để lớn tiếng bảo vệ ĐCS khi cần phải
chống lại nhóm cấp tiến.
Nhóm
cấp tiến, cách gọi có thể khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn trong thời điểm
hiện nay khi hình thù của nó vẫn mờ mịt, những đại diện của nó vẫn lặng câm
trong bóng tối. Điều này cũng dễ hiểu. Ngoài uy thế lấn lướt của nhóm bảo thủ
và nhóm lợi ích, những người cấp tiến trong ĐCS hiện nay, tự bản thân họ cũng
phải vượt qua rào cản ý thức hệ. Cũng như những người Quốc gia không dễ gì xoá
bỏ định kiến ý thức hệ Cộng sản, những người cấp tiến trong đảng hiện nay cũng
không dễ gì tuyên bố thẳng thừng việc rời bỏ con đường Marx – Lenin, dù họ có
biết chắc chắn con đường đó chỉ dẫn dân tộc đến lạc hậu, tăm tối, bại vong.
Cũng như những người chống cộng cực đoan, họ cần sự trợ giúp.
Đây
có thể chính là thời điểm để khối quần chúng tiến bộ trong và ngoài đảng thể
hiện vai trò vận động của mình. Đây có thể là thời điểm thích hợp nhất để ngọn
cờ dân tộc thống nhất một lần nữa lại cần phất lên. Lực lượng tiến bộ trong hay
ngoài đảng, quần chúng hay lãnh đạo, đương chức hay đã nghỉ hưu, trong hay
ngoài nước… cần đứng lại với nhau, cùng một chiến tuyến, không phân biệt người
Quốc gia, người Cộng sản, bỏ hết mọi định kiến ý thức hệ, chỉ hướng đến một
ngọn cờ duy nhất, ngọn cờ dân tộc thống nhất, vì một nước Việt Nam thống nhất
phát triển.
Sự
vững vàng về mặt an ninh quốc gia hiện nay cần được xem như một lợi thế để tiến
hành cải tổ. Tình hình có thể sẽ xấu đi khi nhóm lợi ích ra tay hành động, gây
hỗn loạn để thừa nước đục thả câu, sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu có thêm bàn tay
can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Chương 2
Cải cách
kinh tế
1.
Loại bỏ sự thao túng của nhóm lợi ích
Tình
trạng nền kinh tế VN hiện nay khá giống với Đài Loan những năm 1940-1950 (khi
đó Đài Loan là một tỉnh của Trung Hoa Dân Quốc). Nền kinh tế Đài Loan khi đó
nằm trong tay nhóm lợi ích của Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn. Cũng giống như
Việt Nam hiện nay, nhóm lợi ích của Khổng, Tống lộng quyền, tham ô, hết thao
túng các công ty quốc doanh, tài nguyên quốc gia vơ vét vào túi riêng đến nắm
các ngân hàng, “chuyển trọng tâm tư bản nhà nước sang kinh doanh tiền tệ vàng
bạc và đầu cơ”. Nhóm Khổng, Tống khi đó cũng áp dụng các chính sách vơ tận, vét
sạch, phát hành trái phiếu, “vay nợ nước ngoài một số tiền lớn để ăn chiết khấu
và trưng thu đủ các loại thuế, cưỡng bức vơ vét tài sản của dân”. Nền kinh tế
Đài Loan khi đó cũng bị khủng hoảng trầm trọng. Chỉ sau khi Khổng Tường Hy và
phe nhóm của ông ta tháo chạy sang Mỹ, Trần Thành và Tưởng Kinh Quốc lên nắm
quyền mới tiến hành những cải cách căn bản, đặt nền móng cho một Đài Loan cất
cánh sau này (Tham khảo: Phùng Gia Thụ – Đài Loan tiến trình hóa rồng).
Cải
cách của Trần Thành, Tưởng Kinh Quốc khi đó đặt trọng tâm vào hai chính
sách lớn: Thứ nhất cải cách ruộng đất; thứ hai nâng đỡ khối dân doanh.
Ruộng
đất ở Đài Loan trước cải cách đa phần nằm trong tay địa chủ, chính quyền Đài
Loan đã đặt ra cơ chế hạn điền, buộc những điạ chủ chiếm nhiều đất hơn hạn mức
phải bán lại cho những nông dân không có ruộng. Tiền bán ruộng do người mua trả
dần, chính phủ cũng đứng ra hỗ trợ thu mua hỗ trợ nhưng không trả bằng tiền mặt
mà bằng cổ phiếu trong các doanh nghiệp quốc doanh. Cũng nằm trong chiến lược
nâng đỡ khối dân doanh ở Đài Loan khi đó, song song với cải cách ruộng đất Đảng
Quốc dân tiến hành “chuyển công doanh sang tư doanh”, đem bán cổ phiếu của 4
ngành xi măng giấy, mỏ và nông lâm để trả thay tiền trưng mua ruộng đất. Kết
quả biến một số điạ chủ trước cải cách thành các nhà công nghiệp lớn, mà nổi
tiếng nhất là “tứ đại hào chủ”: Cố Chấn Phố, Lâm Do Long, Lâm Bá Thọ, Trần Khởi
Thanh.
Sau
năm 1950 nguyên tắc chỉ đạo của chính quyền Đài Loan là “hết sức thu hẹp phạm
vi quốc doanh trong công nghiệp dân sinh”, “phân rõ phương hướng kinh doanh
khác nhau giữa nhà nước và nhân dân”. Theo đó doanh nghiệp nhà nước chủ yếu
kinh doanh ngành năng lượng, giao thông, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp
chế tạo quy mô lớn, tiền tệ… Có quan hệ nhiều đến vận mệnh nền kinh tế và đầu
tư lớn, những ngành tư nhân không tiện kinh doanh. Còn những mặt hàng dân dụng,
trực tiếp quan hệ đến đời sống như: dệt, giấy, xi măng, đồ sinh hoạt hàng ngày…
Giao hết cho tư bản tư nhân kinh doanh.
Kết
quả, đến năm 1985, tỷ trọng giá trị sản lượng các doanh nghiệp dân doanh đạt
86% giá trị tổng sản lượng ngành công thương nghiệp, quốc doanh chỉ chiếm 14%.
Hoàng Gia Thụ trong cuốn Đài Loan tiến trình hóa rồng đánh giá: “Sự phồn vinh
của tư bản tư doanh đã cung cấp sức sống mạnh mẽ cho việc chấn hưng kinh tế Đài
Loan”.
Tuy
nhiên, việc thu hẹp quốc doanh và nâng đỡ dân doanh sẽ không thể nào đạt kết
quả nếu song song với quá trình đó không có một chiến dịch “bàn tay sạch” của
Đảng Quốc dân.
Đảng
Quốc dân trước hết cách chức các giám đốc hữu danh vô thực, thay thế bằng những
người “thích thú với sự nghiệp, có tinh thần trách nhiệm và khả năng thực tế
phụ trách”. Sau khi áp dụng biện pháp này, những người chỉ đứng tên ăn lương
nhờ quan hệ cá nhân làm giám đốc, chánh văn phòng… nhất là những người núp sau
Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Quả Phu lần lượt bị đào thải.
Liên
hệ với tình hình VN hiện nay, rõ ràng cần một người đủ sức mạnh, trí tuệ, sự
đảm lược và tinh thần vì dân tộc tiến hành thanh lọc, cải cách, loại bỏ những
kẻ ngồi không ăn bám trong các doanh nghiệp nhà nước.
Bên
cạnh đó, cần khôi phục Ban cố vấn của Thủ tướng trước đây, tập hợp các chuyên
gia trong và ngoài đảng, trong và ngoài nước, tham gia nghiên cứu, tư vấn và
khuyến nghị chính sách.
Để
tránh sự thao túng thị trường tiền tệ, tránh hiện tượng biến tài sản nhà nước
thành tài sản tư nhân của nhóm tư bản thân hữu, cần tham khảo một phương pháp
mà Đài Loan đã áp dụng là thành lập chế độ Hội đồng tài chính một cách nghiêm
khắc, tách rời quyền quản lý và quyền sở hữu ra. Ngân hàng nhà nước hiện nay
cũng cần được cải tổ để trở thành ngân hàng trung ương đích thực, độc lập với chính
phủ, có thể thuộc quyền giám sát trực tiếp của quốc hội, không tồn tại như một
cơ quan của chính phủ như hiện nay.
2.
Nâng đỡ khối dân doanh phát triển
Không
giống như Đài Loan những năm 1950, VN hiện nay, không có nhu cầu cải cách ruộng
đất bức thiết, tuy nhiên, mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty CP Bảo vệ thực
vật An Giang cần được nhà nước hỗ trợ nhân rộng. Quy định sở hữu toàn dân về
đất đai hiện nay cũng cần phải thay đổi, theo đó cần quy định đa sở hữu về đất
đai với các chủ thể: Nhà nước, tư nhân, tổ chức, tập thể… làm thế vừa tránh
chuyện lạm dụng, tham ô đất công, vừa giúp người dân bảo vệ hiệu quả quyền sở
hữu tư nhân về đất đai của mình.
Một
khía cạnh nữa trong nông nghiệp, có thể cũng cần bàn tay nhà nước đó là “Lựa
chọn nhóm hàng nông nghiệp mục tiêu – đẩy mạnh công nghiệp chế biến”. Bởi vì
việc lựa chọn nhóm hàng mục tiêu, đi liền với đầu tư về nghiên cứu, phát triển,
chuyển giao công nghệ, đòi hỏi vốn lớn, thời gian lâu dài, các doanh nghiệp tư
nhân khó mà đảm đương trong một sớm một chiều.
Không
chỉ trong nông nghiệp, đảm đương việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công
nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia cho khối dân doanh cũng cần được áp dụng cho
các khu vực sản xuất khác.
Hãy
tham khảo một đoạn mô tả rất có ý nghĩa sau đây của Hoàng Gia Thụ về các chính
sách Đài Loan đã thực thi: “Đến những năm 70, Chính quyền Đài Loan lại xúc tiến
quá trình liên hợp của các xưởng cùng sản xuất một mặt hàng, tổ chức các công
ty mậu dịch lớn có một mạng lưới cơ sở sản xuất và bán sản phẩm. Như vậy, vừa
thống nhất được qui cách, chất lượng của các sản phẩm cùng loại, vừa mở rộng
được quy mô sản xuất, lại tránh được trong tỉnh tàn sát nhau để người nước
ngoài hưởng lợi.
Để
khuyến khích sự hợp tác kỹ thuật giữa các hãng tư doanh với ngoại thương, chính
quyền Đài Loan có đãi ngộ thích đáng đối với ngoại thương, cung cấp kỹ thuật
tiên tiến và license cho Đài Loan, đồng thời cấp những khoản tiền lớn cho các
hãng học tập và mua kỹ thuật mới. Thí dụ, để dẫn dắt cho sản phẩm nông nghiệp
xuất khẩu, chính quyền trước hết đầu tư cho cơ cấu nông nghiệp trồng thử ngô
đường, thử nuôi cá quả Mỹ , thử chế biến bột tảo Chlorena và tinh tảo Chlorena…
có hiệu quả rồi mới mở rộng. Để phát triển hàng cơ khí và đồ điện, chính quyền
Đài Loan đã bỏ ra 20 triệu đài tệ mới để khuyến khích làm thử sản phẩm mới. Để
thâm nhập vào thị trường đồ chơi quốc tế, chính quyền Đài Loan bỏ ra 200.000
đài tệ mới để thu thập mẫu đồ chơi ở các nơi trên thế giới, cung cấp cho các
nhà sản xuất quan sát và bắt chước.
Về
mặt xuất khẩu, chính quyền Đài Loan đặt trụ sở và mạng lưới mậu dịch ở hơn 80
nước và các khu vực, tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế, thường xuyên mời
khách nước ngoài và các nhà kinh doanh đến Đài Loan tham quan, và cũng thường
xuyên cử người đi chào hàng ở nước ngoài. Để mở rộng mạng lưới mậu dịch quốc
tế, Đài Loan đã xây dựng các “Trạm phục vụ mậu dịch quốc tế” cung cấp cho ngoại
thương các đường dây điện thoại và khuyến khích ngoại thương đặt các đại lý ở
nước ngoài. Chính quyền còn treo các “phần thưởng ngoại thương” trao cho hãng
nào xuất khẩu được nhiều”.
Tất
nhiên, khối doanh nghiệp dân doanh của VN hiện nay đã trưởng thành hơn nhiều so
với các nhà tư bản tư nhân của Đài Loan khi đó, tuy nhiên sự việc tính đến các
biện pháp hỗ trợ vẫn cấn thiết.
Nhưng
điều cốt yếu hơn là nhà nước trước tiên đừng cản trở. Mở rộng tràn lan các
doanh nghiệp nhà nước thời gian qua là một cản trở, vì nguồn lực một nền kinh
tế có giới hạn, khi các doanh nghiệp nhà nước chiếm dụng vốn, tài nguyên lại có
lợi thế độc quyền, lợi thế thao túng chính sách thì khố doanh nghiệp tư nhân
đương nhiên sẽ không còn đất để thở. Sẽ có các nhà doanh nghiệp khôn ngoan, bám
vào sân sau các tập đoàn, các ông ty nhà nước để hưởng lợi, nhưng một nền kinh
tế như thế chỉ dẫn đến lụn bại, vì nó không thể khuyến khích sáng tạo, cải tiến
kỹ thuật, đổi mới phương thức phục vụ để cạnh tranh sòng phẳng.
Cản
trở thứ hai với khối dân doanh ở VN hiện nay là thủ tục hành chính, thuế khoá,
hải quan, nhưng đây là những cản trở doanh nghiệp có thể thích ứng. Cản trở thứ
ba, quan trọng hơn, đã đánh gục các doanh nghiệp mấy năm qua đó là chính sách
tiền tệ. Khi ngân hàng nhà nước bị thao túng, chính sách tiền tệ chỉ phục vụ
nhóm lợi ích hoặc sai lầm mà không được sửa chữa kịp thời thì các doanh nghiệp
dan doanh phải gánh hết hậu quả. Lãi suất vốn vay có thời điểm lên đến 20-30%
là bản án tử hình với các doanh gnhiệp dân doanh, với mức lãi suất này, họ
không thể nào cạnh tranh với các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp FDI được
vay vốn giá rẻ ở nước ngoài. Rào cản về tiền tệ này, chẳng khác nào chính sách
ngăn sông cấm chợ cuối thời nhà Nguyễn mà hậu quả khi đó là nền kinh tế, thương
mại rơi hết vào tay người Hoa, các thương gia VN bị bóp nghẹt đồng thời mở ra
cơ hội cho người Hoa thâu tóm, trục lợi. Những thành quả gần 20 năm Đổi mới vừa
qua, có bị cuốn trôi hết chỉ với một cơn khủng hoảng hiện nay nếu chúng ta
không kịp thời cải tổ.
Chương 3
Cải tổ
chính trị
1.
Đổi tên Đảng
Lịch
sử cho thấy ĐCS còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ biết thay đổi, thích ứng,
cải tổ trong những thời điểm quyết định. Khả năng đó mang lại kỳ vọng cho một
cuộc cải tổ ở thời điểm hiện tại. Ở trên tôi đã nói về ám ảnh ý thức hệ của
người Quốc gia, ở đây tôi sẽ nhấn mạnh đến ám ảnh này với người Cộng sản. Bản
thân những người Cộng sản cũng đang bị nỗi ám ảnh ý thức hệ chưa buông tha.
Muốn gỡ bỏ nó thật không dễ. Nhưng cứ thử xem.
Hãy
nghe lại lời cố TBT Trường Chinh khi nói về việc đổi tên đảng thành Đảng Lao
động VN: “Một số đồng chí ta chưa thông về việc đặt tên Đảng ta là Đảng Lao
động VN. Có đồng chí băn khoăn vì tình cảm, cho rằng biết bao đồng chí ta đã hy
sinh cho Đảng cộng sản Đông Dương, nay bỗng chốc phải từ biệt cái tên thân mến
ấy thì đau đớn biết bao! Hoặc cho rằng tên “đảng lao động” đã bị quần chúng
không ưu thích ở Anh rồi, ta giây vào cái tên ấy làm gì cho mệt!
Cố
nhiên, bỏ tên Đảng cộng sản Đông Dương là một sự hy sinh. Hy sinh nào cũng đau
đớn. Nhưng hy sinh vì lời ích cách mạng là hy sinh cần thiết. Ta không nên đứng
về mặt tình cảm nhỏ hẹp mà nhận xét vấn đề đặt tên Đản, nên đứng về lợi ích
cách mạng mà nhận xét thì đúng hơn”.
Chính
cố TBT Trường Chinh là một tấm gương đáng nhắc lại để học tập về tinh thần tự
đổi mới tư duy, tinh thần hy sinh vì lợi ích chung. Hiện nay kêu gọi hy sinh vì
lợi ích cách mạng là không hợp lý. Hai chữ “cách mạng” thậm chí còn gây phản
cảm. Nhưng lợi ích dân tộc thì sao? Tại sao các đảng viên cộng sản hiện nay
không hy sinh vì lợi ích dân tộc. Tại sao không một lần nữa mạnh dạn đổi tên
đảng, thành “Đảng Lao động mới” chẳng hạn. Làm như thế có dễ hoà giải, dễ đoàn
kết dân tộc hơn không? Cương lĩnh chính trị cũng vậy, sao không thay kiên trì
học thuyết Marx-Lenin đã lỗi thời bằng con đường “dựa trên nền tảng học thuyết
Marx-Lenin, tiếp thu tinh thần những học thuyết kinh tế chính trị khác”. Học
thuyết Marx-Lenin không phải sai hết, thành tích xoá đói giảm nghèo, phổ cập
giáo dục, phát triển y tế cộng đồng… của VN hiện nay và nhiều nước phát triển
không thể không ghi nhận phần đóng góp của học thuyết này. Như thế, sau này ai
thấy học thuyết Marx-Lenin có điểm gì hay, tiến bộ thì cứ nghiên cứu, phổ biến.
Ai thấy các học thuyết khác có điểm gì hay, tiến bộ thì cũng ra công học hỏi,
mang ra áp dụng. Làm như vậy chúng ta sẽ dễ dàng hơn để cởi trói tư tưởng, chữa
bệnh quan liêu, duy ý chí. Thực tế cuộc sống hiện nay, khối quần chúng nhân dân
đã quen với đa nguyên tư tưởng, quen với các luồng ý kiến khác biệt, ĐCS cũng
cần thay đổi để thích ứng.
2.
Địa phương tự trị
Những
thay đổi như đổi tên đảng, điều chỉnh cương lĩnh đòi hỏi nhiều hy sinh của các
đảng viên cộng sản vì lợi ích dân tộc, nhưng những người Quốc gia, những tri
thức cấp tiến, để đứng cùng đảng mới dưới lá cờ dân tộc thống nhất, họ còn phải
hy sinh nhiều hơn. Có những rào cản vô hình nhưng vì vô hình nên cũng vô cùng
khó vượt qua. Chỉ có sự thành thật mới có thể trợ giúp cho các bên trong những
hoàn cảnh như thế. ĐCS phải thành thật muốn cải tổ, những người đối lập phải
thực muốn thành tâm hợp sức.
Những
lời cam kết đôi khi không quan trọng, những thay đổi lớn ngay tức khắc dễ dụ
ngọt nhưng lại thường không bền vững. Với hiện trạng VN bây giờ, những thay đổi
nhỏ, nhưng căn bản có thể sẽ có ích hơn cho sự thành thực của các bên. Tôi muốn
nói đến việc nâng cao tính tự trị của địa phương. Mô hình chính quyền đô thị đã
được thử nghiệm cần được mang ra mổ xẻ, rút kinh nghiệm để áp dụng cho toàn
quốc. Những thành công trong việc xây dựng chính quyền ở Đà Nẵng cần được tham
khảo. Những thay đổi, dù nhỏ nhất, nhưng sẽ rất khó đảo ngược nếu được người
dân tiếp nhận trực tiếp. Đó là cơ sở cho đề xuất cải tổ tính tự trị của địa
phương. Người dân mỗi tỉnh, huyện cần được bầu trực tiếp chủ tịch tỉnh, chủ
tịch huyện, nghị viên hội đồng nhân dân tỉnh, nghị viên hội đồng nhân dân
huyện.
Các
tỉnh, huyện tự xây dựng và thực hiện cho mình các chính sách giáo dục, y tế,
công thương nghiệp, giao thông, nông lâm, tài chính… miễn sao các chính sách
này không trái với Hiến pháp, pháp luật trung ương.
3.
Cải tổ Quốc hội – chế độ bầu cử
Một
Quốc hội mạnh, thực sự đại diện cho ý chí nhân dân là điều kiện tiên quyết cho
tính bền vững của những cải tổ dân chủ.
Đại
biểu Quốc hội cần là những đại biểu chuyên trách. Không một đại biểu Quốc hội
nào được kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy hành pháp trung ương hay địa
phương.
Đại
biểu Quốc hội nên phân theo địa phương. Số đại biểu mỗi địa phương căn cứ theo
dân số, một số địa phương đặc thù có thể được xem xét tăng thêm về số lượng,
việc này phải do Quốc hội quy định. Nên quy định đại biểu địa phương nào, nhất
thiết phải cư trú tại địa phương đó, quy định này vừa có ý nghĩa với việc tăng
quyền lực tự trị địa phương, vừa có ý nghĩa giúp cử tri giám sát đại biểu của
mình tốt hơn, bản thân đại biểu vì cư trú tại địa phương cũng sẽ có nhiều áp
lực hơn, có trách nhiệm hơn với tiếng nói, lá phiếu của mình tại Quốc hội. Tuy
đại diện cho địa phương, nhưng đại biểu phải phục vụ cho lợi ích chung của quốc
gia, không phải cho lợi ích cục bộ địa phương.
Ứng
cử viên đại biểu Quốc hội có thể do Đảng mới đề cử, do Mặt trận tổ quốc đề cử
hoặc tự ứng cử với điều kiện thu thập được một số lượng chữ ký ủng hộ nhất
định. Nhất thiết phải bỏ quy định hiệp thương phi dân chủ hiện nay.
Cần
quy định rõ chế độ nguyên thủ quốc gia. Với cơ cấu hiện hành, điều chỉnh cho
phép nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước là có khả năng thực thi cao nhất. Chủ
tịch nước sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân, khi nhận chức cần tuyên
thệ trung thành tuyệt đối với tổ quốc, hơn mọi đảng phái, ý thức hệ. Chủ tịch
nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, chịu trách nhiệm đối ngoại, đề xuất thành
viên nội các.
Nội
các có một Thủ tướng đứng đầu, chủ yếu lo công tác đối nội, điều hành nền kinh
tế. Thủ tướng và các Bộ trưởng do Chủ tịch nước đề cử, phải được Quốc hội thông
qua, sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và có thể bị bãi miễn bởi Chủ tịch
nước.
Ứng
cử viên Chủ tịch nước do Đảng mới, hoặc Mặt trận tổ quốc đề cử, hoặc ứng viên
có thể tự ứng cử với điều kiện thu thập được một số chữ ký nhất định. Dù trong
trường hợp nào cũng phải có ít nhất hai ứng viên cho một cuộc bầu cử.
Nguyên
tắc tương tự được áp dụng cho các cuộc bầu cử tỉnh trưởng, huyện trưởng ở địa
phương.
Việc
vận động tranh cử là bắt buộc. Người dân cũng được tự do tham gia quá trình đề
cử, vận động, tham gia vào công việc chính trị như mọi việc khác. Đó là quyền
cơ bản của mọi người dân. Việc người dân bày tỏ thái độ ủng hộ người này, phê
phán người kia là chuyện bình thường ở một quốc gia có dân chủ. Không thể quy
kết họ phe phái, gây rối để bắt bớ khi họ bày tỏ thái độ chính trị. Cần chấm
dứt ngay tình trạng độc quyền hoạt động chính trị của ĐCS hiện nay.
4.
Chấm dứt tình trạng một quốc gia – hai nhà nước
Hiện
nay, cơ cấu đảng và các hội đoàn của nó tồn tại như một nhà nước thứ hai ở VN,
song song, thậm chí bên trên nhà nước pháp định. Mỗi người dân VN nghiễm nhiên
phải gánh trên vai một lúc hai nhà nước. Tình trạng này cần chấm dứt.
Các
hội đoàn quốc gia, tiêu tốn ngân sách như: Đo
àn
thanh niên, Hội phụ nữ… cần giải thể, nếu không giải thể thì phải tự túc kinh
phí hoạt động của mình. Ngân sách nhà nước cần dùng cho các việc khác cần thiết
hơn là chi vào những hội đoàn quốc gia mà sự tồn tại của nó chỉ tạo ra sự bất
bình đẳng giữa những người trong và ngoài hội, gây ra sự mất đoàn kết sâu rộng,
trong các khối quần chúng nhân dân.
Có
thể trong giai đoạn đầu, sẽ chỉ có hai tổ chức được cấp ngân sách hoạt động là
Đảng mới và Mặt trận tổ quốc. Nhưng ngân sách cấp cho các tổ chức này phải được
công khai và do Quốc hội quyết định, giám sát. Mặt khác, Quốc hội có thể đề ra
hạn định để hai tổ chức này cũng phải có lộ trình để tự túc kinh phí hoạt động,
chấm dứt việc sử dụng ngân sách quốc gia.
Vấn
đề quân đội phải trung thành với Đảng bây giờ mới được đề nghị đưa vào Hiến
pháp, nhưng thực tế bộ máy chính trị trong quân đội hiện nay đã mang bản chất
Đảng trị quân đội từ lâu. Không một quốc gia dân chủ thực sự nào có một thể chế
Đảng trị quân đội như thế. Tuy nhiên, việc ngay lập tức loại bỏ hệ thống này
trong quân đội là rất khó. Có thể bắt buộc điều chỉnh cương lĩnh tuyên truyền
của hệ thống chính trị theo hướng, loại bỏ các tôn chỉ ý thức hệ, quy định:
“Quân đội phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc, sự bình an
của nhân dân”.
Hội
đoàn quốc gia, cũng như chế độ công chức – biên chế thực chất là những “hầm trú
ẩn” nó giúp chính quyền củng cố quyền lực của mình nhưng với các công chức
trong đó, nó làm nhụt ý chí tự do, động lực lao động sáng tạo. Một công chức đã
yên vị trong biên chế, anh ta có thể không cần một chút cố gắng nào cũng sẽ có
một cuộc sống bình an và với anh ta bất cứ thay đổi nào cũng sẽ là một lựa chọn
không khôn ngoan. Anh ta sẽ bám vào biên chế bằng bất cứ giá nào. Trên một bình
diện rộng, cơ chế công chức, biên chế hiện nay là thứ thuộc độc hại làm suy đồi
sức sống của quốc gia. Chưa kể, cơ chế này còn tạo ra một sự bất bình đẳng,
những lợi thế phi lý và những mâu thuẫn ngấm ngầm trong tổ chức, cộng đồng xã
hội. Vì thế, cùng với việc giải thể các hội đoàn quốc gia, cần xóa bỏ cơ cấu
biên chế hiện nay. Một biện pháp mà chính quyền Đài Loan đã áp dụng khá thành
công theo Hoàng Gia Thụ là chế độ luân chuyển công chức. Chẳng hạn, công chức
phòng công chứng quận A, có thể sẽ được luân chuyển sang quận B sau hạn kỳ 2
năm, để tránh nguy cơ công chức hành chính ngồi lâu một chỗ cấu kết, lũng đoạn.
Một kinh nghiệm khác của Đài Loan là luân chuyển kế toán trong các doanh nghiệp
nhà nước. Do tính chất tương đồng của công việc kế toán, tránh sự cấu kết giữa
kế toán và giám đốc doanh nghiệp, khi cải cách doanh nghiệp nhà nước, Đài Loan
đã đặt ra chế độ luân chuyển kế toán giữa các doanh nghiệp theo hạn kỳ 2 hoặc 3
năm. Đó cũng có thể là một cơ chế chúng ta có thể tham khảo để áp dụng.
5.
Cải cách hệ thống tư pháp – thực thi tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản
Nhất
thiết phải có một tòa án Hiến pháp độc lập, để mọi người dân có thể bảo về
quyền hợp hiến của mình. Tổ chức lại hệ thống tư pháp, đảm bảo tính độc lập,
khả năng phán xét theo công lý của tòa án, đó là cơ sở quan trọng cho việc xây
dựng tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nhất
thiết phải bỏ ngay các điều luật phản dân chủ, bóp nghẹt tự do ngôn luận như
Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự. Tuyên bố thả ngay những người bị án vì lí
do chính trị.
Cải
cách tư pháp có thể sẽ cần thời gian dài và gặp nhiều vấp váp, nhưng việc thực
thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản có thể thực hiện ngay. Trước
hết, là mở cửa cho báo chí tư nhân, thực tế đã tồn tại dưới nhiều hình thức ở
nước ta. Cổ phần hóa các đơn vị báo chí trực thuộc nhà nước hiện hành. Chuyển
các cơ quan tuyên truyền, tuyên giáo thành cơ quan nghiên cứu thuần túy. Chấm
dứt các tiêu chuẩn ý thức hệ trong kiểm duyệt xuất bản.
6.
Tổ chức cơ quan thống kê độc lập
Thiết
kế Tổng cục thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư hiện nay có nguy cơ bị
lũng đoạn cao, ở khía cạnh các con số có thể bị làm sai lệch một cách có chủ
đích để bảo vệ lợi ích của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Trong một nền kinh tế hội nhập, những con số thống kê hết sức phức tạp và quan
trọng. Nó đặc biệt quan trọng với những quốc gia như VN, khi trong trường hợp
có cải tổ thì khu vực kinh tế nhà nước, bàn tay nhà nước trong nền kinh tế vẫn
sẽ giữ vị trí quan trọng. Các con số thống kê khách quan, chính xác sẽ là cơ sở
để các quyết sách đúng đắn được đưa ra, cơ sở để các chuyên gia độc lập đưa ra
các khuyến nghị chính xác.
Vì
thế nhất thiết cơ quan thống kê cần được độc lập với chính phủ, có thể hoạt
động như một cơ quan độc lập của Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội.
Chương 4
Cải cách
giáo dục – chấn hưng văn hoá
1.
Thiết kế hệ thống giáo dục theo nguyên tắc “Tự trị – Thực hành”
Tôi
thấy những thảo luận về triết lý giáo dục là chủ đề vô cùng theo nghĩa có nhiều
trường phái, luôn xuất hiện các trường phái mới và kết quả có thể là đi đến
những lý luận vòng quanh mà những sửa đổi quan trọng thì lại không thể đưa ra.
Vì thế ở đây tôi sẽ chú trọng đến việc “Thiết kế Hệ thống giáo dục”. Hệ thống
giáo dục của Pháp đã áp dụng ở Việt Nam trước năm 1945 cần được coi là có giá
trị tham khảo tốt. Hệ thống giáo dục này đã được hình thành và áp dụng trong
một quá trình dài lâu cùng với quá trình khai thác thuộc địa ở VN, nên sẽ có
những cơ sở cho niềm tin vào sự thích ứng tương đối với thực trạng VN hiện nay.
Mặt
khác, nếu bỏ qua những yếu tố khai thác thuộc địa thì hệ thống giáo dục này vẫn
giữ những tinh thần tự do cơ bản của nước Pháp trong giáo dục và đặc biệt, vì
mục tiêu khai thác của nó, trong nhiều thiết kế của hệ thống này có giá trị
thực tiễn, tính thực thi cao với chi phí thấp cho chủ thể nhà nước, đặc biệt
trong khu vực đào tạo nghề chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Cơ
sở của hệ thống này là nguyên tắc tự trị. Khi đề cập đến nguyên tắc tự trị, tức
là đồng thời chúng ta phải gỡ bỏ những rào cản hiện nay của giáo dục nước ta.
Rào
cản đầu tiên là rào cản ý thức hệ.
Đất
nước Việt Nam là của người Việt Nam hay là của ông Marx-Lenin?
Là
của người Việt Nam.
Dân
tộc Việt Nam là của người Việt Nam hay của ông Marx-Lenin?
Là
của người Việt Nam.
Vậy
tại sao chương trình giáo dục từ phổ thông đến đại học, cao học… học thuyết
Marx-Lenin phải chiếm vị trí độc tôn như hệ thống triết học, đạo đức, tư tưởng
duy nhất?
Cần
loại bỏ tình trạng này trong thiết kế chương trình giáo dục mới. Cần đặt học
thuyết Marx-Lenin đúng vị trí của nó, chỉ là một phần nhỏ trong thế giới
tư tưởng nhân loại, trong hệ thống tư tưởng, học thuyết cần cho sự giáo dục đào
tạo người Việt Nam.
Rào cản thứ hai là
rào cản biên chế.
Việc
loại bỏ biên chế đã nói ở trên đương nhiên cũng cần áp dụng cho ngành giáo dục.
Tôi thấy cơ chế biên chế hiện đang tạo ra một sự bất bình đẳng và tiêu cực lớn
trong ngàng giáo dục. Nó là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng,
suy đồi đạo đức giáo viên và qua đó là chất lượng giáo dục. Rất khó đòi hỏi một
giáo viên phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để chạy vào biên
chế một sự lành mạnh, nguyên vẹn trong tâm hồn mình.
Rào cản thứ ba là
rào cản ngân sách và sự phụ thuộc của địa phương, các trường đại học, cao đẳng
vào ngân sách nhà nước.
Đây
thực chất là mô hình quản lý nhà nước tập trung, xuyên suốt từ trung ương
đến địa phương. Trong một trình độ phát triển thấp, số lượng trường lớp, học
sinh, sinh viên có giới hạn mô hình này có thể phát huy hiệu quả. Nhưng trong
một trình độ giáo dục phát triển cao, nhu cầu đào tạo đa dạng, số lượng trường
lớp, học sinh sinh viên lớn mô hình này sẽ trở thành một rào cản, ngáng trở sự
phát triển.
Với
hệ thống giáo dục phổ thông
Loại
bỏ được sự độc quyền ý thức hệ là cơ sở để gỡ bỏ sự độc quyền viết, xuất bản
phổ biến sách giáo khoa, sách tham khảo ở các cấp học.
Trong
nền giáo dục Pháp thuộc cũ, chương trình học do nhà nước quy định có tính cách
bắt buộc trong việc giảng dạy nhưng sách giáo khoa lại hoàn toàn do các nhà
xuất bản mời người biên soạn. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều giáo trình do các
học giả VN, Pháp soạn thảo theo nguyên tắc này như: Văn học Sử yếu của Dương
Quảng Hàm, Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim… Thiết kế này vừa tạo ra tính tự
chủ cho các soạn giả, nhà giáo trong việc lựa chọn và thiết kế bài giảng,
khuyến khích các học giả, nhà giáo nghiên cứu phát triển học thuật, sáng tạo tự
do trong bài giảng. Mở cửa việc soạn thảo sách giáo khoa cho các cá nhân, tổ
chức đồng thời tạo ra một khả năng lựa chọn đa dạng, cơ sở để có những sản phẩm
sách tốt.
Thiết
kế này đi liền với tính tự chủ của trường học, địa phương. Chẳng hạn cùng một
chương trình toán cấp 3, sẽ có 5 bộ sách tham khảo của 5 nhóm tác giả khác
nhau. Khi đó, việc chọn sách nào để dạy cho học sinh trong một trường A sẽ do
Hội phụ huynh học sinh trường đó biểu quyết, quyết định. Nếu Hội phụ huynh
không tự biểu quyết có thể trao quyền cho Hội đồng nhà trường. Việc lựa chọn
sách có thể phân chia theo các nhóm học khác nhau nếu theo chương trình phân
ban. Điểm cốt yếu trong thiết kế này là sự tự chủ của nhà trường, phụ huynh học
sinh (đại diện cho học sinh), trong việc lựa chọn sản phẩm giáo dục cho con
em mình.
Địa
phương tự chủ về giáo dục, nghĩa là các địa phương hoàn toàn tự chủ trong việc
chi ngân sách, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đào tạo nhân lực…
dưới sự giám sát của hội đồng nhân dân địa phương. Địa phương tự chủ về giáo
dục đồng nghĩa với việc để địa phương chủ động trong việc chi trả lương cho
giáo viên cấp học phổ thông. Mức lương có thể cần được quy định để đảm bảo một
cuộc sống ổn định cho giáo viên trong mọi hoàn cảnh. Với những địa phương có
khó khăn về ngân sách, trung ương có thể có những cơ chế hỗ trợ đặc thù.
Với
hệ thống đào tạo nghề chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học
Thứ
nhất, chúng ta có thể cân nhắc tiếp tục phát triển các trường vừa học vừa làm
theo mô hình hiện nay. Theo mô hình này, những học sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ
thông cơ sở (lớp 9) có thể vào học các trường này, vừa tiếp tục học văn hóa
tương đương cấp phổ thông trung học, vừa học nghề.
Thứ
hai, hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng. Từ Cao đẳng ở đây tôi dùng theo
nghĩa Cao đẳng École Supérieure – khác với trường gọi là cao đẳng hiện nay ở
VN.
Tôi
thấy xu thế bỏ các trường cao đẳng (cao đẳng của Việt Nam hiện nay), trung cấp
nghề hiện nay của Việt Nam là phù hợp. Các trường này có thể gộp trung vào các
trường đào tạo nghề vừa học vừa làm đã nói ở trên.
Trong
hệ thống đào tạo cao nhất, chỉ nên gồm các trường Đại học (Université) và Cao
đẳng (École Supérieure).
Chúng
ta hãy tham khảo học chế đã được người Pháp áp dụng tại Việt Nam cho bậc học
Cao đẳng và Đại học. Trường Cao đẳng (École Supérieure) là loại trường chuyên
nghiệp, nhập học phải hội đủ điều kiện văn bằng đòi hỏi (tốt nghiệp phổ thông
trung học) và qua một kỳ thi tuyển (concours). Trúng tuyển được cấp học bổng ăn
học suốt học trình. Tốt nghiệp phải làm việc cho chính quyền một thời gian ấn
định, nếu không, theo nguyên tắc, phải bồi thường tiền học bổng. Các trường cao
đẳng, đào tạo các chuyên viên có nghề nghiệp nhất định như bác sĩ, kỹ sư, công
chức, giáo sư… Đây là những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, cần
những tiêu chuẩn khắt khe về nghề nghiệp, người ra trường thường chỉ có thể làm
được đúng nghề mình được đào tạo (khó có thể làm trái ngành). Các trường này có
thể coi là thuộc hệ thống trường công do nhà nước bỏ chi phí đào tạo (một phần)
và phục vụ các mục tiêu chiến lược của nhà nước.
Chúng
ta, hiện nay có thể áp dụng mô hình này trong việc quản lý chất lượng giáo dục,
về chi phí đào tạo, có thể nhà nước chỉ chi trả (dưới dạng cấp học bổng) cho
những ngành đào tạo này gắn với nguồn nhân lực nhà nước cần, mà thị trường đào
tạo không hoặc khó có khả năng cung cấp như: Kỹ sư nông nghiệp, bác sỹ cộng
đồng, công chức hành chính, giáo viên phổ thông… Ngoài ra các ngành nghề khác
mà thị trường có nhu cầu cao, có khả năng kiếm việc dễ và thu nhập cao, sinh
viên phải tự túc học phí, nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua các chương trình cho
vay vốn. Đương nhiên khi đó, ra trường sinh viên tự túc tìm việc làm.
Hệ
thống trường Đại Học (Université) có thể xếp vào hệ thống trường tư muốn nhập
học các trường đại học chỉ cần đủ điều kiện về văn bằng đòi hỏi mà không phải
qua một kỳ thi tuyển. Việc thu nhận sinh viên không hạn định tuổi tác và số
lượng. Sinh viên phải tự túc về học phí (ngoại trừ những sinh viên xuất sắc
được học bổng). Khi tốt nghiệp chính quyền không có nhiệm vụ cung cấp việc làm,
cá nhân phải tự tìm kiếm. (Tham khảo: Trần Bích San – Thi cử giáo dục Việt Nam
dưới thời Pháp).
Đất
nước ta không thể đứng một mình một cõi. Dân số nước ta cũng không thể đông như
người Trung Quốc để có thể lấy số đông mà áp chế người. Ai cũng biết chúng ta
cần hội nhập, cần phát triển. Hội nhập, phát triển thì không thể đóng khung tư
tưởng con em mình, đóng khung nền giáo dục nước nhà như những “Con ngựa
già của chú Trịnh” chỉ thấy một bầu trời nhỏ hẹp qua khe mắt.
2.
Chấn hưng văn hóa
Cải
cách giáo dục, gỡ bỏ áp chế về tư tưởng cần đi đôi với việc chấn hưng văn hóa.
Học giả Nguyễn Khắc Viện trong cuốn Đạo và Đời có kể một câu chuyện rất đáng
suy nghĩ như sau: Ông kể rằng thời trẻ, ông một anh học trò Tây học, dù biết
rằng mình hơn hẳn những anh nhà nho quần chùng áo dài khi đó về kiến thức khoa
học, thậm chí địa vị trong xã hội, nhưng vẫn có một cái gì đó mặc cảm. Vẫn thấy
ở anh nhà nho kia cái gì đó nể vì, dù biết rằng anh ta hủ lậu. Sau đó, Nguyễn
Khắc Viện đã giải thích sự nể vì đó là hồn cốt, là cái cao quý của nhà nho, là
cái văn hóa của dân tộc. Với chương trình Tây học Nguyễn Khắc Viện học được
thật nhiều kiến thức, nhưng lại thật ít đạo, đạo làm người, đạo trời đất, đạo ở
đời, những thứ mà bất kỳ anh khóa nào cũng vượt trội hơn hẳn mình. Điều đó
không khó giải thích vì những bài học chữ nghĩa đầu tiên của các nhà nho đã đều
là các bài học đạo lý thâm sâu về trời đất con người “nhân tri sơ, tính bản
thiện”. Không chỉ học, các nhà nho, các anh khóa còn áp dụng và có ý thức áp
dụng ngay những đạo lý mình đã học thành châm ngôn hành động của mình.
Ngày
nay, ta có thể gặp không ít người nhiều năm sống ở trời Tây, theo học có bằng
cao học, tiến sỹ ở châu Âu mà vẫn mang một đầu óc đầy định kiến và ấu trĩ. Tinh
thần, văn hóa phương Tây không dễ gì tiếp nhận được ngày một ngày hai. Phương
pháp khoa học, phương pháp nghiên cứu chỉ cần cố gắng trong vài tháng vài năm
là có thể lĩnh hội được, nhưng cái tinh thần, hồn cốt căn bản thì đòi hỏi rất
nhiều.
Để
có được tinh thần khoa học, tinh thần dân chủ tự do bây giờ người phương Tây đã
có một lịch sử phát triển dài lâu, hồn cốt của tinh thần này họ truyền qua thế
hệ con cháu từ thói quen, tập tục đến những tác phẩm nghệ thuật, thơ ca, văn
chương, hội họa, âm nhạc… Hiểu và lĩnh hội những thứ đó cần một sự nỗ lực thực
sự và một thời gian đủ lớn để trải nghiệm.
Nền
nho học cũ của chúng ta đã không giúp quốc gia chống chọi với đại bác thực dân
Pháp, nhưng ít ra nó, với lực lượng đông đảo các nho sinh, ông tú, ông cử trải
rộng, đi sâu khắp xã hội, cũng giúp phổ biến, gìn giữ, những phẩm giá cao quý
của con người. Nền nho học, có thể cần được nhìn nhận theo cách khác, không
phải chỉ đào tạo ra những người đi làm quan, mà còn đạo tạo ra những người quân
tử trong cộng đồng. Nhà nho trong một cộng đồng, dù ở chức vị nào cũng là biểu
trưng cho văn hóa, cho những giá trị cao đẹp và bản thân họ cũng ý thức, gìn
giữ những giá trị này, khác hẳn với các quan chức công quyền hiện nay. Đó là
điều chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc.
Chúng
ta cùng suy nghĩ lại thật nghiêm túc về nền giáo dục, về sự nghiệp chấn hưng
văn hóa ngày nay, khi có lẽ chúng ta ngày nay đã chỉ “hớt váng” những thành quả
khoa học phương Tây, chưa đi sâu được vào căn cốt, lại đồng thời mai một những
giá trị, những hồn cốt cao quý của dân tộc.
Cũng
học giả Nguyễn Khắc Viện đã đánh giá, sau cách mạng tháng 8, đặc biệt là sau
phong trào đưa trí thức về nông thôn, văn học VN đã tiếp nhận được một làn gió
mới với các sáng tác từ đồng ruộng đi ra. Người nông dân rũ bùn, gạt mồ hôi
bước vào văn học, các sáng tác về người nông dân, của chính những người nông
dân nở rộ hơn bao giờ hết, đẩy lùi trào lưu văn học lãng mạn tiểu tư sản những
năm 1930. Bỏ qua một vài khía cạnh tích cực của trào lưu này thì tôi cho rằng
hệ quả tiêu cực của nó, cùng với Nhân văn Giai phẩm, cùng với nạn Sùng bái cá
nhân, nền văn học, văn hóa nước nhà đã có một cuộc đảo lộn ngoạn mục và kinh
khủng, văn hóa tiểu nông lên ngôi. Những tri thức, những tinh hoa dân tộc bị
đẩy lùi, bị giam hãm vào một góc tối không thể nào cựa quậy được. Đó là bi kịch
cho bất cứ một dân tộc nào gặp phải.
Trong
Việt Nam văn hóa sử cương học giả Đào Duy Anh đã nhận định trong mỗi người Việt
Nam có một ông quan và một nhà thơ. Một ông quan có vẻ gì đó kiêu bạc và một
nhà thơ có tâm hồn mơ mộng. Tôi hiểu ý của Đào Duy Anh là phê phán, chính ông
quan và nhà thơ này, vì kiêu bạc, vì mơ mộng đã thực không phải là những con
người hành động, để cải tổ, để canh tân để đổi mới đất nước, mà gần nhất (thời
Đào Duy Anh) là giúp dân tộc VN tránh được gần 100 năm nô lệ thực dân.
Nhưng
cũng với “ông quan và nhà thơ” ngày nay, nếu một mặt “ông quan ngày nay” vẫn
giữ được cốt cách của người quân tử, một mặt vẫn không ngừng cởi mở học hỏi
không ngừng, không chịu thua kém tụt hậu với bạn bè lân bang thì lại là tốt.
Còn “nhà thơ”, chẳng phải cả người châu Âu hiện nay đang tìm lại bản năng xúc
cảm, đề cao trí tưởng tượng hay sao? Sao không biến tinh thần nhà thơ này thành
tinh thần tiến thủ, tinh thần dám phiêu lưu mạo hiểm, dám đối mặt với mọi nguy
nan, dám thám hiểm, khám phá mọi chân trời mới dù đó là chân trời địa lý hay
tri thức – khoa học?
Tôi
đã thấy những xu hướng mới đáng khích lệ, các bậc cha mẹ ngày nay đã quan tâm
hơn đến sự phát triển trí tuệ, văn hóa của con mình, không chỉ dừng ở việc học
trên lớp. Nhiều bàn luận về văn hóa đọc, cách đọc, khuyến khích con đọc sách đã
được đưa lên báo chí, diễn đàn thảo luận. Theo tôi cách tốt nhất để tạo cho con
mình có thói quen đọc sách là bản thân mình hãy có thói quen đọc sách. Khi con
cái thấy mình đọc thì tự chúng sẽ tìm đến sách mà đọc. Khi con cái thấy nhà có
tủ sách đủ loại thì tự chúng nó có hứng mà đọc, tò mò mà đọc. Đọc sách cũng
đừng cầu mong tìm ngay tri thức như tìm hòn ngọc, viên kim cương. Tôi chẳng
thấy có quyển sách nào có thể là kim chỉ nam cho cả đời người. Sách chỉ nên coi
là bạn, bạn đường, bạn tâm sự, những ý tưởng, những gợi cảm từ cuốn sách chỉ
nên coi là chất xúc tác cho ta suy tư hơn là tìm kiếm dễ dãi một phương thức
hành động, một triết lý để ta bám vào đó mà theo. Tự ta phải suy tư là căn bản.
Tôi
cũng thấy nhiều người quá chú trọng vào việc chọn sách, cách đọc sách. Theo tôi
thì mỗi người có một cách đọc khác nhau, mỗi người có một gu đọc khác nhau,
hình thành trong chính quá trình tìm, đọc sách của họ. Hãy bắt đầu bằng những
cuốn sách, những vấn đề mình quan tâm thích thú, dần dần bạn sẽ có cách đọc, có
gu đọc sách của riêng mình. Những bài điểm sách, những bài giới thiệu sách của
các học giả có uy tín có thể giúp bạn nhanh chóng hơn trong việc tìm kiếm các
chủ đề, cuốn sách mình quan tâm, nhưng điều đó không thể thay thế cho việc đọc.
Có một học giả đánh giá cao ông Tập Cập Bình – TBT Trung Quốc vì “ông Bình là
lãnh đạo biết đọc sách. Người đọc sách có khả năng tư duy các vấn đề phức tạp”.
Google, Vikipedia ngày nay có thể cung cấp cho ta ngay lập tức hầu như mọi kiến thức phổ thông; báo chí, đặc biệt là báo điện tử có thể cung cấp cho chúng ta thông tin 24/24; nhưng việc kiên nhẫn đọc hết một quyển sách đọc, lĩnh hội được ý nghĩa toàn thể của nó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tư duy khác, một sự rèn luyện trí tuệ khác.
Nói
về chuyện đọc sách mở mang kiến thức là nói đến thị trường sách, môi trường học
thuật. GS Trịnh Văn Thảo trong cuốn Ba thế hệ tri thức người Việt đã có ý nuối
tiếc và cả kỳ vọng về một trào lưu học thuật, tư tưởng của một thế hệ tri thức
người Việt vừa nhen nhóm và đã vội lụi tắt ở miền Nam trước năm 1975.
Vậy
sao chúng ta ngày không cùng chung tay để khơi lại những mạch nguồn này. Đừng
chờ đợi. Chúng ta không muốn làm nô lệ thì chúng ta phải tự thân vận động. Hãy
làm những việc chúng ta coi là có ích trong phạm vi năng lực của mình và sẵn
sàng hợp tác với những người đồng chí hướng. Khi chúng ta chờ đợi và trông cậy
vào chính quyền vào nhà nước là chúng ta đã chui một nửa người vào vòng áp chế,
nô lệ của chính quyền. Người Mỹ không làm thế.
Khi
nghiên cứu về nền dân trị Mỹ A.Tocqueville đã thấy tinh thần tự chủ của từng
người dân Mỹ chứ không phải thiết kế khôn ngoan đã giúp người Mỹ có một nền dân
trị tốt đẹp. Trước khi kêu gọi sự trợ giúp của chính quyền, dù đó là một việc
làm vì lợi ích chung, người Mỹ sẽ tự làm, tự vạch ra kế hoạch hành động và kêu
gọi người khác cùng chung tay. Tinh thần tự chủ này, đến nay ta vẫn còn thấy,
qua các cơn khủng hoảng như sau vụ khủng bố 11/9, người ta thấy những người dân
Mỹ tự tập hợp nhau thành nhóm để bảo vệ các cửa hàng, cửa hiệu của ngưởi Ả Rập
trước khi chờ đợi lực lượng cảnh sát của chính quyền tìm đến.
Ngày
nay, Việt Nam chúng ta cũng có thể tìm thấy những tấm gương tự chủ như thế,
nhóm Cánh Buồm trong giáo dục, chương trình Tủ Sách Nông Thôn của anh Nguyễn
Quang Thạch, nhóm Cơm Có Thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhóm Áo ấm biên
cương… cùng rất nhiều các nhóm từ thiện khác. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho
tinh thần tự chủ. Chúng ta cần thật nhiều, những con người, những nhóm có tinh
thần tự chủ như thế ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực học
thuật. Việc xuất bản các tập san, các tạp chí được tổ chức tốt, có tính học
thuật cao sẽ không chỉ là môi trường để những nhà nghiên cứu, học giả thi thô
tài năng, khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo.. mà còn giúp xã hội nhìn nhận ra
những giá trị đích thực, những học giả đích thực. Đừng chờ đợi chính quyền,
chúng ta, mỗi người hãy thử nghĩ xem liệu có thể làm được những gì thì hãy bắt
tay ngay vào làm.
Lời kết
Đề
ra một chương trình cải tổ cho cả một đất nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng
là một sự mạo hiểm to lớn. Nhưng vì e ngại mạo hiểm mà tất cả bó tay, chùn gối
thì đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi đến đâu?
Trên
tinh thần tự chủ, bắt tay ngay vào việc đã thúc đẩy chính tôi quyết định viết
ra chương trình này. Tôi cũng xin hết sức lưu ý, những ý kiến đưa ra ở đây cần
được nhìn nhận thật đúng mức, đó là ý kiến của một cá nhân đưa ra để cùng thảo
luận, chia sẻ, vì thế, nó mang mọi hạn chế của cá nhân đề xuất ra nó và mọi
tính khả nghi chân lý. Tôi cho rằng, bất cứ ý kiến nào đưa ra sai hay đúng, nếu
được thảo luận dân chủ, tự do cuối cùng chân lý sẽ lộ diện, đó cũng chính là ưu
thế của dân chủ, tự do mà độc tài, áp chế không thể có.
Nhà
thơ Gia Hiền đã ngậm ngùi viết: “Thế hệ tôi/một thế hệ cúi đầu”.
Nhưng
tại sao? Tại sao? Tại sao?
Tại
sao chúng ta không phải là một thế hệ ngẩng mặt? Một thế hệ dấn thân? Một thế
hệ thay đổi?
Chỉ
cần ngay hôm nay mỗi người, hãy thử thay đổi thái độ của mình, thử một lần vượt
lên lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm. Hãy thử một lần vượt lên oán thù, vượt
lên định kiến ý thức hệ. Hãy thử một lần đặt dân tộc lên trên hết, chúng ta,
dân tộc chúng ta sẽ có một tương lai khác.
Nguyễn
Đắc Kiên
No comments:
Post a Comment