Lê Diễn
Ðức
Sunday,
May 26, 2013 4:03:31 PM
Trong
phiên họp Quốc Hội ngày 20 Tháng Năm 2013, ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy Ban
Thường Vụ Quốc Hội, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội, ủy viên Ủy ban Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSÐHP) năm 1992 công bố giữ nguyên tên nước Cộng Hòa
Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và giữ điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo
của đảng.
Ông Lý cho rằng, giữ nguyên tên nước CHXHCNVN là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên XHCN, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Như vậy là tính từ đầu Tháng Giêng 2013 đến gần hết Tháng Năm, đã có nhiều đợt tham khảo góp ý của toàn dân mà con số đưa ra khoảng 26 triệu người. In ấn tài liệu đưa xuống tận phường khóm, đề nghị xác nhận đồng ý với bản dự thảo của Quốc Hội, ÐCSVN đã làm một cuộc tổng tấn công rộng khắp và toàn diện, gây áp lực lên chính kiến của đại đa số quần chúng. Một cuộc vận động mà trong đó gió chiều nào ngả theo chiều đó, khiên cưỡng, đồng ý cho xong chuyện theo kiểu bày đàn được thực thi, giúp đảng có tiếng nói của cái gọi là toàn dân.
Tuy nhiên, giữa cuộc vận động ầm ĩ ấy, vẫn có những tiếng nói khác, công khai và nghiêm túc, đặc biệt kiến nghị của 72 vị nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng - đa số là đảng viên cộng sản, những người đã và đang góp công sức xây dựng nhà nước hiện hành. Hầu hết, họ không phải là “những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, càng không phải bị kích động bởi âm mưu “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch” với chế độ. Ðơn giản họ là những con người thật, chính danh, đang giữ chức vụ hoặc đã hưu trí, ưu tư, trăn trở trước sự bê bối, thoái hóa của hệ thống chính trị, thấy cần phải thay đổi, hướng tới cái đẹp của lẽ phải, thuận với trào lưu của thời đại.
Nếu cho rằng, “không thể ‘khoác áo’ dân chủ để kích động, gây rối” như bài viết của tờ Hà Nội Mới hôm 16 Tháng Năm, rằng, “Nhiều tài liệu phản động được những nhóm người này phát tán qua blog và một số trang mạng xã hội đã, đang làm ‘ô nhiễm’ đời sống xã hội”, thì kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã được trao tận tay đại diện Ban Biên tập DTSÐHP và đã được chuyển qua đường bưu điện đến từng đại biểu Quốc Hội. Một việc làm rất đàng hoàng, minh bạch.
Trong kiến nghị, sự thật ở đây là kiến nghị xác lập quyền đa nguyên chính trị, đa đảng; xây dựng chế độ tam quyền phân lập; phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, quân đội chỉ phụng sự đất nước, không phục vụ cho riêng phe đảng cầm quyền nào; xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và thực thi đa dạng hóa quyền sở hữu đai.
“Nhìn từ thực tế các cuộc ‘cách mạng dân chủ’ theo kiểu mẫu của phương Tây đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy rằng sau những chiếc ‘bánh vẽ’ đầy màu sắc của ‘cách mạng nhung’, ‘cách mạng cam’, ‘cách mạng hoa nhài’... tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nhiều quốc gia, nơi đã xảy ra các cuộc cách mạng ấy vẫn còn nhiều bất ổn”, tờ Hà Nội Mới viết.
Trừ cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, lật đổ các chế độ độc tài, cuộc cách mạng Mùa Thu 1989 là một tiến trình làm phá sản toàn bộ hệ thống XHCN ở Châu Âu. Các chính quyền dân cử thông qua bầu cử tự do thay thế cho một chế độ độc quyền toàn trị.
Với ngót nửa thế kỷ sống trong sự kìm kẹp của Liên Xô, nền văn hóa bị hủy hoại, kinh tế bị khủng hoảng trầm trọng, không dễ gì xây dựng ngay lập tức một xã hội dân chủ văn minh và giàu mạnh là điều dễ hiểu. Mới hơn hai thập niên mà có được thành quả như ngày hôm nay ở ba nước cộng hòa Baltic, Ba Lan, Hunggary, Cộng Hòa Czech, Slovakia... là một ngoại lệ, chứng minh cho sự đúng đắn của các giá trị dân chủ và tự do.
Tuy nhiên, mỗi dân tộc có hoàn cảnh lịch sử, địa lý và năng lực khác nhau, họ đã chọn cho mình con đường tự quyết cho tiến trình dân chủ. Nước Nga và hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ đã chọn con đường này. Có thể tiệm tiến, ngược với nhiều nguyên tắc của dân chủ, tự do, nhưng ít ra xã hội được đảm bảo đa nguyên (hạn chế) cùng những điều kiện sơ đẳng nhất về dân chủ.
Ở các nước Ả Rập, phức tạp hơn nhiều do tình trạng tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của các giáo phái, sắc tộc. Ngay trong các chế độ độc tài cũng đã có những xung đột mạnh mẽ, nhưng bị đàn áp bằng bàn tay sắt. Ðiều kiện dân chủ (sơ khai) đã tạo điều kiện thêm cho sự tranh chấp, gây bất ổn, khó khăn trong việc khôi phục và phát triển kinh tế. Chính phủ được tạo dựng nên dù qua bầu cử tự do nhưng không đáp ứng được nguyện vọng riêng của các nhóm còn lại. Tuy nhiên, tại các quốc gia này thường xảy ra những cuộc biểu tình chống đối chính phủ, hoặc những cuộc khủng bố của các phần tử cực đoan, chứ không có những cuộc đàn áp, thảm sát sắc tộc hàng loạt. Quyền con người được bảo đảm hơn.
Cho nên, nói rằng, “Những cuộc bạo loạn, lật đổ mang tên ‘cách mạng sắc màu’ ấy không phải là những cuộc cách mạng mà chỉ là những cuộc lật đổ để thay chính quyền hiện hữu bằng một chính quyền thân phương Tây”, “những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cái giá phải trả cho ‘bánh vẽ dân chủ’ tiếp tục đeo bám người dân và để lại hệ lụy thế nào cho đời sống xã hội thì câu trả lời đã quá rõ” - là ấu trĩ, không hiểu biết gì về tiến trình xây dựng dân chủ.
Gene Sharp đã từng nói: Lật đổ một chế độ độc tài đã khó, xây dựng một chế độ dân chủ đòi hỏi một quá trình làm việc nặng nhọc.
Dân chủ chỉ mới là khởi điểm thành quả của cách mạng, sau cách mạng phía trước là cả một tiến trình cam go, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía và tôn trọng sân chơi. Dân chủ là một giá trị thật, không hề là bánh vẽ, mà muốn có nó thì phải kiếm bột, nhào nặn cật lực và nướng cho ra lò.
Trong hoàn cảnh hiện nay, không nhìn thấy lộ trình dân chủ nào khả dĩ của Việt Nam, trừ phi ÐCSVN tự xác định và từng bước tạo ra lộ trình này, đặt lợi ích dân tộc và xu thế tất yếu của thời đại lên trên lợi ích của đảng phái.
Người ta nói đảng cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của ÐCS Ba Lan, năm 1990 ÐCS Ba Lan đại hội lần cuối cùng, xác nhận kết thúc vai trò trong một giai đoạn lịch sử và tuyên bố giải tán. Những cựu đảng viên CS như L. Miller, A. Kwasniewski... đã đứng ra thành lập đảng Cánh tả dân chủ-xã hội, với một ý thức hệ và vai trò mới, cạnh tranh bình đẳng trên sân khấu chính trị Ba Lan và trở thành một lực lượng không thể thiếu vắng trong sinh hoạt của cộng đồng xã hội. Năm 1994 Liên minh Cánh Tả đã giành được đa số phiếu và cầm quyền. Còn A. Kwasniewski đã giành được chiến thắng trước đối thủ nặng ký L. Walesa, cựu thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết, làm tổng thống Ba Lan dân chủ liên tiếp hai nhiệm kỳ (1995-2005).
ÐCSVN hiện nay bị phân hóa, chia rẽ, thậm chí có nhiều xu hướng khác nhau. Nền tản Mác-Lenin hay tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là một bức bình phong che giấu những mưu lợi, hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong thực tế. Thực chất họ đang xây dựng một bộ máy mà các thành phần của đảng gắn kết với nhau bằng các lợi ích hơn là ý thức về xã hội chủ nghĩa.
Do bị triệt tiêu mọi mầm mống phản kháng, ngăn chặn từ trứng nước nên không xuất hiện lực lượng đối lập. Chỉ có những tiếng nói đối kháng với hệ thống và thông thường bị kết cục bằng những bản án tù giam nặng nề.
Trong trào lưu thay đổi hiến pháp 1992, một cơ hội to lớn đặt ra cho ÐCSVN là có thể tự chuyển hóa, thay thế mô hình lỗi thời bằng mô hình dân chủ, không nhất thiết theo mô hình của phương Tây, mà đưa đất nước đi dần vào lộ trình dân chủ tự quyết, tiệm tiến. Bằng cách này, ÐCSVN sẽ giữ và nâng cao uy tín với quần chúng xã hội, có công lao là người đặt nền tảng cho dân chủ.
Trong ít nhất vài thập niên, ÐCSVN vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo, thậm chí thông qua bầu cử tự do. ÐCSVN ở thế không có đối thủ cạnh tranh, khó ai có thể qua mặt được ÐCSVN trong việc tuyên truyền, vận động sâu rộng quần chúng, ít nhất vì nắm thế thượng phong về tiền bạc và phương tiện. Trong dài hạn, ÐCSVN với bộ mặt mới có thể vẫn sẽ là một lực lượng chính trị vững mạnh, chi phối trên chính trường. Như đảng Nhân Dân Campuchia của Thủ Tướng Husen, đảng Nước Nga Thống Nhất của V. Putin, hoặc đảng Ðoàn Kết Phát Triển Liên Bang của Thein Sein, Miến Ðiện.
Phớt lờ ý kiến đóng góp của dân chúng, những người Cộng Sản Việt Nam đã không thể thoát ra khỏi tư duy giáo điều, bảo thủ, thiếu bản lĩnh chính trị và sự tự tin, ràng buộc quá mức vào mối quan hệ chư hầu trước ÐCS Trung Quốc. Họ đã bỏ lỡ một cơ hội lớn như họ đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ.
Lộ trình dân chủ của Việt Nam khép lại với những toan tính ngắn hạn và thiển cận nhất của tập đoàn thái thú Ba Ðình. ÐCSVN tiếp tục là tập đoàn tham nhũng, suy thoái, dối trá, phản động, mưu lợi phe nhóm, bán rẻ chủ quyền dân tộc cho ngoại bang và sẽ phá sản với những kết cục bi thảm khó lường.
No comments:
Post a Comment