Thomas
Engelbert
27/05/2013
Vừa
qua, trong chuyến sang khảo cứu chuyên môn tại Việt Nam, ông Thomas Engelbert,
GS Việt học người Đức dạy ở ĐH Hamburg có ghé thăm GS Nguyễn Huệ Chi vào ngày
25-4-2013 chuyện trò về bộ môn Việt Nam học, nhân tiện phỏng vấn người chủ trì
trang mạng BVN về một vài vấn đề mà nhiều trí thức nước ngoài hiểu biết
về tình hình Việt Nam hiện đang quan tâm. Sau đây là bản ghi vắn tắt những câu
hỏi và trả lời giữa hai bên, do phóng viên BVN chấp bút.
Bauxite
Việt Nam
*
*
1) Sự ra đời của
trang Bauxite Việt Nam vào
năm 2009. Tại sao GS lại được liên can đến một sự kiện như vậy?
-
Trước đó 1 năm chúng tôi đã bắt đầu một thử nghiệm: đó là việc kiến nghị về tập
Thơ Trần Dần. Người ta ra lệnh thu hồi tập thơ và như báo TP đưa tin sẽ
phải đốt, nghĩa là trở lại kiểu hành xử trung cổ thời CCRĐ và thời mới chiếm
SG. 7 người chúng tôi gồm nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa... quyết lên
tiếng ngăn chặn một hành vi vô văn hóa. Tôi cùng nhà thơ Dương Tường và nhà thơ
Hoàng Hưng đến đưa kiến nghị tại trụ sở Bộ TTTT, được ông Thư ký Bộ trưởng
tiếp. Và kết quả thành công. Tập thơ không bị thu hồi nữa. Ai nấy cùng vui
mừng, nhận thấy kiến nghị xã hội xem ra có tác dụng.
-
Xã hội VN vào năm 2009 đã bắt đầu dầm mình vào những bức bối lớn tuy chưa đến
mức như hiện nay, nhưng nguy cơ lệ thuộc Tàu thì đã nhìn thấy trong nội bộ Đảng
cầm quyền. Nguy cơ về môi trường cũng đã nổi cộm. Văn hóa nói chung ở tình thế
bị o ép, các di sản, di tích bị phá hoại. Văn học nghệ thuật bị kiểm soát gắt
gao. Một vài triển lãm hội họa ở Viện Goethe Hà Nội đến phút cuối bị bãi bỏ.
Tập thơ Dự báo phi thời tiết bị cấm...
-
Tôi được can dự vào những sự kiện phản biện của hai năm 2008 và 2009 cũng là
ngẫu nhiên. Một số anh em văn nghệ sĩ và văn hóa có tinh thần cấp tiến muốn tìm
một số bạn đồng tâm đồng chí để lên tiếng về những vấn đề này. Và họ nghĩ đến
tôi, một người xưa nay không bị tư tưởng chính thống trói buộc. Khi bắt tay
thảo các Kiến nghị và trao đổi câu chữ ngã ngũ thì họ đẩy tôi lên ký đầu tiên,
nói rằng tôi có chức danh GS và từng là Chủ tịch HĐKH của một Viện. Tôi hồn
nhiên nhận lời. Và từ bị động bỗng chuyển sang chủ động vào cuộc. Thế là thành
người chủ trì trang BVN.
-
Vị trí độc sáng của những Kiến nghị bauxite Tây Nguyên năm 2009 và sau đó là
của trang BVN là: Chúng tôi đã đưa một vấn đề vốn chỉ mới thu hẹp trong
phạm vi hội thảo “quan phương” ra giữa đời sống dân sự và gây một tác dụng đột
biến không ngờ. Trước đó đã có một số thư phản biện tâm huyết của Đại tướng Võ
Nguyên giáp và một vài nhà khoa học nổi danh như GS Nguyễn Văn Chiển; đã có nhà
văn Nguyên Ngọc lên tiếng, TS Nguyễn Thành Sơn lên tiếng; nhưng tất cả chỉ mới
giới hạn trong việc gửi lên các cấp quyền lực tối cao, và khuôn lại trong phạm
vi những hội thảo khoa học chính thống. Lần đầu tiên chúng tôi – tôi, nhà giáo
Phạm Toàn và GS TS Nguyễn Thế Hùng – mở tung được cánh cửa của các thứ giới hạn
nghiêm ngặt đó để đẩy vấn đề bauxite – một nguy cơ cực lớn cho đất nước – ùa ra
giữa cuộc đời. Phong trào dân sự từ lâu vẫn âm ỉ, nay bỗng nổ bùng và phát
triển mạnh mẽ.
GS
Thomas Engelbert và GS Nguyễn Huệ Chi trong cuộc chuyện trò thân mật chiều
25-4-2013
2) Sự phản ứng của
cơ quan chức trách và của quần chúng.
-
Quần chúng đón nhận lúc đầu cũng chưa đông đảo mấy, chủ yếu là những thành phần
trí thức tiên tiến và các bloggers tự do. Họ lên tiếng ủng hộ rất mạnh, tạo khí
thế cho trang BVN và làm cho phong trào ngày một đi sâu hơn vào dư luận.
Càng về sau thì trang BVN đã trở thành một trung tâm điểm của tiếng
nói trí thức không ở trong guồng máy và là một món ăn không thiếu được của
dân cư mạng. Con số người vào trang vọt lên đến mức phi thường, được xếp vào
hàng những trang mạng được đọc nhiều trên thế giới. Nhiều hôm đi trên xe, người
lái xe nhận ra mặt tôi và bày tỏ sự ngưỡng mộ. Có hôm đi ăn với nhau ở một nhà
hàng, một số người thập thò bảo là: “Đúng rồi, Đúng rồi”. Và họ đến, họ xưng là
cựu sinh viên ĐHBK, độc giả trung thành của trang BVN, biết tôi trên
ảnh. Họ hồ hởi đưa tôi về nhà và sẵn sàng giúp đỡ tôi nếu có việc gì cần.
-
Còn chính quyền thì tất nhiên bị động. Khi bắt đầu đưa Kiến nghị, cơ quan Chính
phủ và cơ quan Đảng CS thì phớt lờ, riêng cơ quan Quốc hội, cả UB Văn hóa và
Giáo dục, và cả Văn phòng, đều tiếp đón niềm nở, lịch sự. Sau đó, một Ủy ban
của Quốc hội cũng có hồi đáp, nhưng lại cho người phụ trách Phòng Hành chính
viết thư trả lời và trả lời sai tên tôi làm cho giới công luận lên tiếng chế
giễu. Và Ông Phó Chủ nhiệm UB đã chính thức xin lỗi một cách nghiêm chỉnh.
-
Bước sang đầu năm 2010 thì cơ quan CA bất ngờ đến lục soát máy tính và thẩm vấn
tôi liên tục 22 ngày. Họ muốn tìm ra một vài chứng cứ chứng tỏ chúng tôi liên
hệ với các tổ chức bên ngoài mà họ gọi là “lực lượng thù địch”, nhất là Đảng
Việt Tân, nhưng chúng tôi lại chẳng hề có chút dây mơ rễ má nào với những thành
phần như họ nghĩ cả. Không có lý do gì để khép tội được tôi, họ đành dừng thẩm
vấn, nhưng yêu cầu tôi “vì lợi ích của quốc gia” phải từ bỏ trang mạng (theo
lệnh từ những người giữ quyền lực tối cao trong Bộ CA, song lại chỉ là lệnh
miệng; khi tôi đòi lệnh giấy thì họ nói: về nguyên tắc không thể đưa lệnh giấy
được). Trong áp lực đó, tôi ngẫm nghĩ khá căng và quyết định nhận lời, vào giây
phút nói ra sự nhận lời tôi đã bật khóc.
Tuy
nhiên, trang mạng là do 3 người sáng lập nên khi trở về trao đổi trong anh em
thì hai đồng sáng lập có ý kiến: Việc tôi chấp thuận lúc bấy giờ là tình thế
buộc không thể khác, nhưng đây là trang do 3 người lập ra nên cả 3 người không
có một giao ước gì với chính quyền cả, vậy thì trang mạng vẫn hoạt động như
thường. Tôi đã trả lời lại cơ quan chức năng như vậy khi họ đến “thăm”. Từ đấy
chúng tôi lập ra một trang mạng mới, có thông báo cho Bộ VHTTDL theo đúng quy
định (Bộ có phản hồi cho biết việc chúng tôi làm đúng luật định), và trở lại
hoạt động bình thường (bởi vì trước khi tôi bị thẩm vấn, trang mạng đã bị đánh
phá và xóa sổ, nhưng trong thời gian tôi bị thẩm vấn thì anh em cộng sự đã tạm
lập ngay một trang blog để nhà giáo Phạm Toàn thay tôi điều hành, đưa tin liên
tục về tôi với những bài viết trào lộng sắc bén làm cho dư luận được thông tin
đều đặn). Tất nhiên, cơ quan an ninh vẫn “săn sóc” đặc biệt đến trang BVN,
cho mãi đến gần đây.
3) Những mốc lịch sử
quan trọng của trang BVN, sự mở rộng của trang ấy đề cập đến những v/d khác như
thế nào?
-
Có 5 mốc lịch sử: mốc đầu tiên vào tháng 5 năm 2009: sáng lập và tạo nên
một tiếng nói đột xuất trong dư luận xã hội cả trong và ngoài nước. Được công
chúng mạng và các blog khác hết lòng ủng hộ, truyền tải. Gây tiếng vang rộng
rãi đến cả trong chính giới. Gặp khi miền Trung bị bão lụt nặng, chúng tôi đã
tổ chức quyên góp và tiến hành hai đợt cứu trợ, cử một đoàn trực tiếp đến tận
những nơi bị bão tàn phá nặng nề nhất, từ Phú Yên ra đến Quảng Ngãi, Quảng Nam,
ra tận đảo Lý Sơn, lên Tây Nguyên, đến những nơi như Tu Mơ Rông, đưa tận tay
đồng bào những món tiền và tài sản thiết thực nhất như tôn để người dân lợp lại
nhà. Trong hoạt động này chúng tôi được một số trí thức ở Đà Nẵng tận tình giúp
đỡ nên đạt kết quả có thể nói là mỹ mãn. Trở về, chúng tôi cho đăng đầy đủ chữ
ký người nhận tiền và hiện vật, ảnh những nơi mình đi qua (có cả một bộ phim
phóng sự) lên trang mạng, và nhận được nhiều lời cảm ơn chân tình. Mốc thứ
hai vào đầu 2010 (sau khi tôi bị thẩm vấn): Trưởng thành vững vàng hơn,
khẳng định lý do tồn tại của mình với tư cách một trang mạng xã hội, đóng góp
những tiếng nói phản biện mũi nhọn trên nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, an ninh,
đời sống dân chúng, quyền con người, sự lộng hành của bộ máy, đàn áp của
CA,...) góp phần phơi rõ những việc làm sai trái, hoặc bất lợi của chính quyền,
với hy vọng bớt đi những hậu quả tồi tệ khiến đất nước tụt dốc trông thấy. Mốc
thứ ba vào cuối năm 2010: Đi sâu vào phản biện những vấn đề thiếu dân chủ
và vi Hiến, tùy tiện thực thi luật pháp của Nhà nước toàn trị. Kiến nghị chống
lại những bản án bất công như vụ án TS CHHV. Mốc thứ 4 vào năm 2011:
chống Trung Quốc cưỡng chiếm biển Đông, nêu cao mục tiêu độc lập và toàn vẹn
lãnh thổ, ủng hộ biểu tình chống TQ xâm lược của các tầng lớp nhân dân Hà Nội,
SG... Bản thân người chủ trì trang mạng cũng tham gia vào các hoạt động diễu
hành này. Đồng thời, tiếp tục phản biện mạnh mẽ dự án bauxite và các chính sách
làm cho đất nước suy thoái nặng nề, nhất là các dự án kinh tế thua lỗ khủng như
Vinashin, Vinalines..., chống làm đường tàu cao tốc, chống xây nhà máy ĐHN,... Mốc
thứ 5 từ đầu 2013: nhân sửa đổi Hiến pháp đặt vấn đề quyền con người,
xóa bỏ điều 4 và đòi quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân
lên thành trọng tâm; yêu cầu thay đổi Hiến pháp theo hướng dân chủ hóa và yêu
cầu bỏ điều luật 88 vi phạm quyền con người. BVN là một địa chỉ quan
trọng đầu tiên đăng Tuyên bố về việc xóa bỏ điều 88 của Bộ luật hình sự cũng
như đăng Kiến nghị 72, cũng là nơi để bạn đọc ghi danh vào các Tuyên bố và Kiến
nghị ấy.
4) Có thể nói
được rằng xung quanh trang web này có một nhóm trí thức "cấp tiến",
là "tiên phong" trong việc xây dựng nên cái gọi là xã hội dân sự
không? Theo GS, trang này giữ được vai trò riêng biệt hay là hãy còn có những
trang hoặc những nhóm khác cũng giữ vai trò tương tự như vậy không?
-
Đương nhiên là xung quanh BVN có cả một nhóm trí thức cấp tiến ủng hộ và
làm nòng cốt, ngay từ buổi đầu ra các Kiến nghị dồn dập vào tháng 5 và tháng 6
năm 2009 đã có mặt họ. Họ là những chuyên gia đầu ngành cả trong và ngoài nước,
có chức danh khoa học cao và có uy tín ở trong nước và trên thế giới. Họ là
những người từng có chức có quyền, là lão thành cách mạng, là trí thức đấu
tranh của SG thời trước, nay về hưu và phản tỉnh, thấy con đường của BVN
hợp với tâm nguyện của mình nên hoặc tham gia viết bài, hoặc đứng sau ủng hộ,
hoặc làm chỗ dựa cho BVN, một khi BVN lên tiếng thì lập tức ký
tên không nề hà. Có cả những người như Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã từng ủng
hộ nhiệt liệt buổi ban đầu, cùng với Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng phản
đối bán rừng đầu nguồn cho Trung Quốc và nước ngoài trên trang mạng, sau vì lý
do này khác nên không thấy vị Trung tướng này tiếp tục lên tiếng nữa nhưng chắc
trong thâm tâm thì vẫn coi BVN là tiếng nói gần gụi với mình. BVN
không đơn độc vì còn có những trí thức thuộc các nhóm khác như IDS (tuy tổ chức
thì đã giải thể nhưng con người vẫn tồn tại) cũng sát cánh dưới nhiều hình thức
với chúng tôi và có những sự kiện chính họ chủ động khởi động trước, lấy chúng
tôi làm diễn đàn. Chúng tôi phối hợp với nhau rất ăn ý.
-
Sau khi BVN lên tiếng và ngày càng có nhiều tác động ra ngoài xã hội thì
nhiều trang mạng hoặc blog độc lập khác cũng chuyển biến, hướng tới các vấn đề
thời sự trực diện hơn trước và tiếng nói không dè dặt nữa mà cứng cáp hẳn. Mỗi
trang một vẻ, có trang như Anhbasam tuy chỉ đóng vai trò tổng hợp đưa tin nhưng
là trang đưa đủ tin từ nhiều phía, lại có kèm những lời bình ngắn và rất thẳng
và sắc nên thu hút được rất nhiều độc giả (lượng độc giả vào trang này có lẽ
đứng đầu các trang mạng hiện nay), vai trò hết sức lớn. Có những trang khác lần
lượt nối nhau ra đời như Quê Choa, người buôn gió, Phạm viết
Đào, J.B. Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Bà Đầm Xòe,
Thùy Linh, Nguyễn Tường Thụy, Bùi Văn Bồng,... và nhiều
blog nữa không thể kể hết, cũng đăng nhiều bài – và ngày càng đăng thường
xuyên, sát sườn với thời cuộc, không xa xôi bóng gió mà đi thẳng vào các vấn đề
xã hội bức xúc. Các trang này đều có đóng góp tích cực vào phong trào dân sự
của xã hội Việt Nam. Có trang như Quê Choa, mới đầu thấy tôi bị thẩm vấn
thì hơi sợ, im lặng một thời gian, về sau lại hăng hái trở lại. Có những blog
độc lập có thể không chịu ảnh hưởng của BVN mà song trùng quan điểm với BVN
hoặc nhiều khi còn mạnh mẽ hơn cả BVN như blog của Nhạc sỹ Tô Hải, v.v. Có thể
nói, từ 2009 đến nay, thế giới mạng ở Việt Nam đã trở thành một bức tranh nhiều
gam màu, phản ánh một sự trưởng thành vượt bậc trong yêu cầu dân chủ hóa đất
nước cũng như trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.
5) Cảm ơn GS rất
nhiều. Kinh mến chào GS
Thomas
Engelbert
No comments:
Post a Comment