Posted on 30/05/2013 by gocomay
Theo nhận định của các
blogger phò chính thống (xem ở
đây) thì tội của họ Trương là “a dua, chửi đổng và ngứa mồm“.
Nhưng theo tôi cái tội lớn duy nhất của Trương tiên sinh là tội “làm lộ bí mật
quốc gia”. Bởi nếu “a dua chửi đổng và ngứa mồm” thì những người qui tội cho
Trương Duy Nhất (TDN) còn mắc nặng hơn. Ví dụ nàng Beo, xưng xưng dám gọi Quốc
hội của CHXHCN Việt Nam với một kiểu rất xếch mé là “cuốc hội” cơ mà. Nhưng
nàng ta có dao găm súng lục bảo kê nên vẫn sống phây phây đó thôi. Ừ cứ cho là
với cái kiểu “a dua chửi đổng và ngứa mồm” đã sinh oán cừu khiến mụ đã bị kỷ
luật và mất chức TBT của một tờ báo quốc doanh thơm thảo đi chăng nữa. Nhưng so
với TDN, Beo còn may chán.
Trương Duy Nhất đang bị áp giải từ sân bay Đà Nẵng ra Hà Nội… (Chụp lúc
15g10 ngày 26-5 – Ảnh: Đ.Nam/TTO)
Trở lại với cái tội của TDN dẫn đến từng bị cảnh báo, câu
lưu thẩm vấn rồi cuối cùng là “bắt khẩn cấp”. Tôi thấy có ý kiến cho rằng
TDN bị bắt vì lý do đã tự ý tổ chức “Bỏ phiếu cùng Quốc hội” trên blog cá nhân
“Một góc nhìn khác” với 12 chức danh chủ chốt của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ
và Quốc hội là có cơ sở.
Việc làm của TDN, nếu chiểu theo văn bản luật đã ban hành
công khai của CHXHCN Việt Nam thì không sai. Nhưng như ai cũng biết, luật của
“xứ thiên đường” nhà mình nó cũng hay bị lắt léo theo cách giải thích luật vòng
vo tam quốc của những người có chức quyền. Bởi thế có khi cả rừng luật thật đấy
lại thua một thứ “luật rừng” cũng là lẽ đương nhiên.
Có người nói, nếu kết qủa “Bỏ phiếu cùng Quốc hội” của
TDN mà có kết qủa khác. Chẳng hạn tất cả (hoặc đa số) trong 12 nhân vật lãnh
đạo chủ chốt kia mà đều qúa bán ở mức “tín nhiệm cao” thì chắc chắn Nhất sẽ vô
sự. Có khi lại được hoan nghênh tưởng thưởng cũng chưa biết chừng. Trớ trêu
thay, trên bảng điện tử hiện ra trên “Một góc nhìn khác”, tất cả đều không qúa
bán (Xem bảng
tổng kết ở đây)
Nếu theo đúng tinh thần của nghị quyết “lấy phiếu tín
nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” mà Quốc hội đã thông qua thì với kết quả “lấy
phiếu tín nhiệm” trong dân, do TDN thực hiện thì chỉ có ông Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang dẫn đầu cả về số phiếu bầu (958) lẫn mức độ “Tín nhiệm cao”
(13%). Ngược lại ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xếp thứ nhì về số phiếu bầu
(820) và dẫn đầu về mức độ… “Không tín nhiệm” (76%). Kết cục chỉ có hai “thí
sinh”: Trương Tấn Sang và Nguyễn Thị Kim Ngân có thể để lại, chờ kết quả “lấy
phiếu tín nhiệm” năm tới. Còn lại tất cả các “thí sinh” nặng ký khác như:
Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Sinh Hùng, Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc
Sơn, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Vũ
Văn Ninh đều phải trải qua cái vòng “bỏ phiếu tín nhiệm” để xác định có đủ điểm
vượt qua cái vòng thi khắc nghiệt này hay không?
Đến đây một câu hỏi được đặt ra là: Những vị đại diện của
cử tri cả nước (Nghị sĩ do đảng cử dân bầu) sẽ nghĩ gì khi đa số các chức danh
chủ chốt do Quốc hội bổ nhiệm (với số phiếu tín nhiệm khá cao) trước đây lại có
một kết qủa khiêm nhường nếu không muốn nói là qúa tệ như vậy?
Với một Quốc hội do đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.
Trong đó trên 90% là đảng viên. Chỉ lọt được vào một số hiếm hoi (như Nghị
Quốc; Nghị Phước là ví dụ) thì việc đảo ngược cái kết qủa ở lần “lấy phiếu tín
nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” thì có khăn gì?
Đúng là chẳng khó khăn gì. Nếu như ở cái thời “tao là
đảng mà đảng cũng là tao” hồi thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Nhưng nay, với sự
ra đời của các “nhóm lợi ích” khiến sự phân hóa trong đảng cũng lớn lắm rồi.
Mặt khác sức ép của dư luận lên các kết qủa phiếu bầu/ ấn nút ở nghị trường
cũng rất đáng kể. Bài học về bỏ phiếu cho Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam còn
sờ sờ ra đó. Hay như bài học về kết qủa (trái ý muốn) của TBT đảng trong Hội
nghị 7 vừa qua đã cho thấy cái xu thế “dĩ hòa vi qúy” để bớt sinh oán thù của
bác Cả Trọng là hoàn toàn không thể linh nghiệm trong tình thế hỗn quan hỗn
quân hiện nay.
Chính vì vậy để bưng bít thông tin, những người chỉ đạo
các cuộc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đã nghĩ ra mẹo cấm không cho báo chí tham dự
các cuộc sát phạt này. Đề phòng trường hợp hết thảy đều bị “lấm” cả thì còn dễ
bề mua bán hay điều chỉnh phiếu bầu để “cùng tồn tại” trên “chuyến tàu vét”
này.
Trương Duy Nhất và nguyên CT nước Nguyễn Minh Triết.
Trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như thế, việc TDN
tự ý “cầm đèn chạy trước ô tô” như thượng dẫn. Hay đằng sau Nhất có một thế lực
nào đó chống lưng trong cái cuộc “tắm gội“ vô tiền khoáng hậu đang diễn ra?
Nay TDN bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công
dân” được qui định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự (rất mơ hồ), như hàng loạt các
tờ báo lớn của quốc doanh đã loan.
Nhưng cái thiên nan vạn nan cho các quan tòa là nếu đem
ra xử công khai thì tòa có dám mời các “bên bị hại” (ngồi ở chiếu trên) như 10
vị tai to mặt lớn là chị Doan, anh Hùng, chị Phóng, anh Lưu, anh Sơn, anh Dũng,
anh Phúc, anh Nhân, anh Hải, anh Ninh ra tòa tranh biện và đối chất công khai
với “kẻ thủ ác”- Trương Duy Nhất hay không?
Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, vì đã biết được cái khó
của bên “bị hại” (thập đẳng quan quyền) nên “can phạm” (TDN) tỏ ra rất
dung dụng tự tại chứ không hề có bất cứ điều gì tỏ ra sợ hãi hay bức
xúc cả.
Thiết nghĩ một anh nhà báo bị “thất sủng”? Hay chán
chường cái kiếp “ăn cơm chúa múa tối ngày“?, bạch vệ (không đảng viên), bỏ nghề
báo quốc doanh ra làm cái việc “vô công dồi nghề” là viết blog phản biện chả
được đồng xu cắc bạc nào… Nay lại được vào trận chung kết “đá“ với đội hình
ngoại hạng có máu mặt trên thượng tầng như vậy liệu còn gì sướng bằng. Vì bất
kể với kết qủa nào Trương Duy Nhất vẫn thắng. Cái thắng đó được cả loài người
tiến bộ công nhận. Bởi tội duy nhất của Trương tiên sinh là tội làm “lộ bí
mật…” – lộ mặt thật lấm láp của một thể chế luôn ra rả “của dân, do dân và vì
dân”!
Vĩ thanh
Trương Duy Nhất kém tôi khoảng mươi tuổi. Cách đây đúng
30 năm, tôi đã từng lăn lộn suốt mấy tháng dòng ở Quảng Nam Đà Nẵng thì Nhất
còn chưa vào làng báo. Quê hương xứ Quảng của TDN (Chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng
đào chưa uống đã say) với tôi, có thật nhiều kỷ niệm sâu nặng không thể nói
thành lời. Riêng với Trương Duy Nhất, tôi không hề quen biết. Cũng chưa giáp
mặt lần nào. Nhưng với blog “Một góc nhìn khác”, được cư dân mạng trầm trồ thì,
tôi thi thoảng có ghé thăm. Cũng để lại vài cái còm. Tôi thấy Nhất là nhà báo
có tài và có tâm với ngòi bút. Đôi khi sự bộc trực tới mức cực đoan. Ngoài
những câu phát ngôn thẳng thắn rất ấn tượng: “có những đảng viên phải gọi bằng
thằng”. Cùng những bài viết ngắn gọn xúc tích mang nhiều thông điệp ẩn chứa “ý
tại ngôn ngoại”. Như bài ký tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi
thăm Mỹ và Cu-ba chẳng hạn, rất cô đọng mà gợi nhiều suy ngẫm cho người đọc.
Song Nhất cũng có những phát ngôn/ nhận xét mang tính võ đoán chủ quan, gây
tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở
đây và ở
đây!).
Mặc dù vậy cái quyền bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến
của mình đã được các xã hội văn minh và cả luật pháp Việt Nam đương thời (như
Điều 69) công nhận và bảo vệ. Vậy mà Trương Duy Nhất lại lâm nạn vì những chính
những điều tưởng rằng hai năm rõ mười như thế?
Nếu Trương tiên sinh vẫn giữ được chí khí và sự tỉnh táo
như giới thạo tin nhận định. Thì hình tượng đẹp của Nhất ở phiên tòa sắp tới
(nếu có) chắc chắn sẽ đi vào lịch sử cũng chưa biết chừng?!
No comments:
Post a Comment